Công bố quyết định khởi tố đối với bà Nguyễn Thanh Nhàn (thứ hai từ phải sang) - phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La - Ảnh: Công an tỉnh Sơn La
Trước những luồng ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này, Tuổi Trẻ đã trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019.
Theo ông Đức, tiêu cực thi cử có sự tham gia tác động trực tiếp của một số người công tác trong ngành giáo dục là điều đau xót và đáng xấu hổ. Từ những sai sót đã xảy ra, cũng rút ra được nhiều bài học về việc tăng cường kiểm tra giám sát tại các hội đồng thi ở các địa phương và tăng cường vai trò của các trường đại học trong kỳ thi này.
Nâng điểm quá kinh khủng!
* Theo ông, có trường hợp tăng 25-26 điểm/3 môn, hoặc tăng 9 điểm trở lên/môn mà nói thí sinh "không biết gì" thì có hợp lý?
- Tăng như thế là quá kinh khủng. Là người công tác trong ngành giáo dục, tôi thấy trong thi cử có thể có may rủi nhưng chênh lệch nhiều đến như thế là bất thường.
Học lực của mình như thế nào, thí sinh tự biết. Thầy cô giáo trực tiếp dạy học sinh cũng biết. Do vậy, tôi không tin những trường hợp điểm thi tăng bất thường lớn như vậy so với học lực hằng ngày mà thí sinh không biết gì.
Như chúng ta đã thấy, chính từ các bạn cùng lớp và thầy cô giáo thấy bất thường mà đã phát hiện các hiện tượng tiêu cực.
Với kỳ thi THPT quốc gia đang được đa số các trường sử dụng kết quả để xét tuyển, chất lượng thí sinh được tuyển thế nào rất quan trọng. Đã đến lúc cần có nghiên cứu, khảo sát, tổng kết, đánh giá một cách khoa học, nghiêm túc về chất lượng thí sinh và hoạt động đào tạo ở bậc đại học trong thời gian qua của các thí sinh đã trúng tuyển vào các trường.
* Một số thí sinh được nâng điểm nhưng khi trả về điểm thật vẫn đủ điểm trúng tuyển, hoặc một số thí sinh đã né không dùng tổ hợp có môn thi nâng điểm để xét tuyển vẫn được các trường cho tiếp tục học. Cách xử lý này đang gây dư luận trái chiều. Còn quan điểm của giáo sư?
- Sau khi chấm thi thẩm định trả về điểm thật, thí sinh không còn đủ điểm trúng tuyển thì các trường từ trước đến nay đều dễ dàng xử lý giống nhau: hủy kết quả trúng tuyển, trả thí sinh về. Hoặc thông thường nếu chấm kiểm tra xác suất, điểm chấm thẩm định có thể thấp hơn nhưng đủ điểm xét tuyển thì thí sinh vẫn được xem xét để công nhận trúng tuyển.
Trường hợp ở các địa phương như Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình năm 2018 vừa qua, không thể xử lý như sai sót thông thường. Khi số điểm chênh lệch quá lớn, rõ ràng là gian lận, thiếu nghiêm túc, mức độ vi phạm trong thi cử như vậy là rất nặng.
Không có thông tin thí sinh có bài thi gian lận nào đang theo học tại các trường, khoa thành viên Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tuy nhiên, theo tôi, trong vụ tiêu cực thi cử nghiêm trọng này, dù bất luận thế nào, khi chấm thẩm định lại, bài thi bị giảm điểm so với ban đầu, điểm thật thấp hơn "điểm giả" có nghĩa đó là bài thi gian lận. Phát hiện bài thi gian lận chỉ có một cách xử lý duy nhất: hủy toàn bộ kết quả thi.
Có người lấy lý do "có thể thí sinh không biết về gian lận này nên không có cơ sở để xử lý". Đó chỉ là bao biện, vì khi bài thi gian lận nghĩa là đã vi phạm, trái luật rồi. Hiện nay, vì chưa xác định thí sinh liên quan thế nào đến gian lận mới chưa xử lý thí sinh, chỉ xử lý bài thi, không công nhận kết quả bài thi đó. Nếu phát hiện thí sinh liên quan đến gian lận, lót tay, "mua điểm", thậm chí khi đó thí sinh sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Danh sách thí sinh được nâng điểm, trong đó điểm màu đỏ là điểm thực của thí sinh
Phải hủy kết quả bài thi gian lận
* Bộ GD-ĐT thông báo với thí sinh liên quan gian lận năm 2018 trước mắt vẫn được tiếp tục tham gia kỳ thi, xét tuyển năm 2019. Theo ông, cách xử lý như vậy có phù hợp, có đảm bảo tính răn đe?
- Theo quy chế, có gian lận phải xử lý nghiêm, Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT hoặc hội đồng thi nơi phát hiện có gian lận, trong trường hợp này có thể ra quyết định hủy kết quả thi và buộc thí sinh phải thi lại kỳ thi THPT để giữ sự nghiêm minh và công bằng.
Trước đây, khi còn kỳ thi "ba chung", quy chế tuyển sinh quy định rất rõ người có hành vi gian lận thi cử trong kỳ thi tuyển sinh đại học tùy mức độ vị phạm có thể bị tước quyền dự thi tuyển sinh (ví dụ như trong trường hợp nhờ người thi hộ, thi kèm) và khi đó sẽ không được dự thi khi chưa đủ hai năm tính từ năm bị tước quyền dự thi.
Kỳ thi năm 2018 tổ chức theo trắc nghiệm, hình thức thi và chấm có sự thay đổi, do vậy cần xác minh rõ đối tượng vi phạm và mức độ vi phạm để có hình thức và chế tài xử lý phù hợp, đảm bảo sự nghiêm minh và tính răn đe cần thiết.
* Có người nói thi cử ở đâu cũng gian lận, đến ngay ở Mỹ cũng vừa xảy ra vụ gian lận thi cử chấn động, không phải chuyện riêng của Việt Nam. Có đúng đã thi cử là khó tránh được gian lận?
- Thực tế đã cho thấy ở đâu cũng vậy và thời nào cũng thế, không thể tránh khỏi vi phạm, gian lận trong thi cử. Điều này cũng không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn có ở các nước trên thế giới. Ở các nơi đều có điểm chung là xử lý rất nghiêm minh, có tính răn đe rất cao.
Đặc biệt, qua đề án tuyển sinh đại học năm 2019 của các trường trong toàn quốc đã công bố, cho thấy rất nhiều trường vẫn sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển vào đại học.
Mục tiêu thực chất, cao nhất của kỳ thi này là đánh giá đúng được năng lực, kiến thức và tư duy của các em để tuyển sinh được những thí sinh có chất lượng tốt vào đại học. Chính vì vậy, làm cho kỳ thi tốt nghiệp THPT trở nên có ý nghĩa và vai trò cực kỳ quan trọng.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Quang Khải, Q.11, TP.HCM nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019 - Ảnh: NHƯ HÙNG
* Ngoài việc hoàn thiện quy trình, cần làm gì để "vá" lỗ hổng về con người, về nhân sự trực tiếp tham gia vào kỳ thi và giám sát kỳ thi THPT quốc gia?
- Bên cạnh tăng cường chất lượng đề thi, việc củng cố và tăng cường kiểm tra, giám sát của các hội đồng thi ở các sở rất quan trọng. Các hội đồng thi ở các địa phương phải tăng cường các cán bộ giàu kinh nghiệm chuyên môn trong công tác coi thi, thanh tra, đào tạo, khảo thí tham gia ở những khâu then chốt. Việc sử dụng công nghệ hiện đại để tăng cường giám sát ở tất cả các khâu cũng rất quan trọng.
Đồng thời, trong quy chế thi nên bổ sung quy định chế tài xử phạt thật nghiêm khắc cán bộ và thí sinh sai phạm cũng là giải pháp cần thiết để răn đe.
TS Trần Đình Lý (phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM):
Phải xử lý theo quy chế thi
Vụ gian lận trong kỳ thi quan trọng như kỳ thi THPT quốc gia có thể nói là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Do đó, nhiều người cho rằng các thí sinh được phụ huynh "mua điểm" cần phải bị tước quyền dự thi 1-2 năm để tăng tính răn đe và cảnh báo. Tuy nhiên đối với những vụ việc liên quan tới kỳ thi phải chiếu theo quy chế.
Theo quy chế thi THPT quốc gia năm 2018, tôi được biết không có điều nào quy định tước quyền dự thi đối với những thí sinh này. Song qua vụ việc này, theo tôi, Bộ GD-ĐT cần phải điều chỉnh, sửa đổi ngay quy chế thi THPT quốc gia năm nay để ngăn chặn những hành vi tiêu cực tương tự, đồng thời tăng tính răn đe và cảnh báo.
TS Nguyễn Tuyết Phương (giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM):
Cần cho các em cơ hội được "giáo dục lại"
TS Nguyễn Tuyết Phương
Tôi nghĩ nên cho các thí sinh trong vụ gian lận điểm thi năm 2018 có cơ hội được thi lại trong kỳ thi năm nay. Cho đến thời điểm này, kết quả điều tra cho thấy các vi phạm không trực tiếp do thí sinh, chưa kể các lề thói lâu nay trong thi cử ở nước ta đã làm hư các em. Vì vậy, theo tôi, cần cho các em này có cơ hội để được "giáo dục lại".
Riêng bản thân các em, với những gì xảy ra vừa qua chắc chắn đã tác động không nhỏ đến tâm lý, suy nghĩ và con đường học tập sau này. Các em ấy nên chọn "học cho đúng sức mình", có nghĩa nếu không thi nổi thì học lại, chọn trường vừa với khả năng của mình...
Chị Hồ Thị Thu Uyên (phụ huynh ở TP.HCM):
Thí sinh hãy nỗ lực lấy lại danh dự và tự trọng
Chị Hồ Thị Thu Uyên
Tôi nghĩ phụ huynh nào có con em được "ưu ái" nâng điểm trong vụ này hãy động viên các em nỗ lực lấy lại danh dự và tự trọng bằng cách thi lại trong kỳ thi năm nay (nếu thật sự các em không hề biết về việc mình được nâng điểm).
Về phía Bộ GD-ĐT, theo tôi, cần triệt để thực thi sự công bằng cho tất cả thí sinh trong các kỳ thi từ năm nay trở đi bằng cách sửa đổi quy chế thi để khó xảy ra tiêu cực, tăng cường khâu giám sát kỳ thi.
Mục đích cao nhất của giáo dục không chỉ là kiến thức hay bằng cấp mà phải dạy cho các cháu hiểu và thực hành sự trung thực, biết đặt nhân cách và danh dự cá nhân trên hết... vì những giá trị đó sẽ là nền tảng cho các hành xử có trách nhiệm với chính mình và với xã hội sau này.
Chị Huỳnh Thị Trang (phụ huynh ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam):
Cứ để cho các thí sinh này được thi lại
Chị Huỳnh Thị Trang
Tôi từng có con thi đại học và năm nay con gái tôi cũng thi đại học. Nghĩ đến việc các con phải cạnh tranh nhau đến từng 0,25 điểm để giành suất vào đại học, nay lại nghe tin có những thí sinh được nâng khống điểm thi đến 9 điểm/môn tôi thấy thật kinh khủng và vô cùng tức giận.
Họ đã cướp mất những quyền lợi của các thí sinh khác đáng được vào đại học... Nhưng bình tĩnh suy xét, tôi lại thấy tội nghiệp cho các thí sinh trong vụ này, vì tội lỗi thuộc về người lớn, những phụ huynh "mua điểm" bằng tiền bạc và quan hệ. Chính các phụ huynh này đã phá nát cuộc đời mấy đứa trẻ, họ đã làm khổ con mình rồi. Do đó tôi nghĩ, cứ để cho các thí sinh này được thi lại trong năm nay.
Thăm dò ý kiến
Theo bạn nên xử lý ra sao với những thí sinh gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận