Phóng to |
Thí sinh Thiên Toàn (đeo kính, giữa) đoạt giải cuộc thi thiết kế thời trang VN Collection Grand Prix 2003 |
Qua cầu mới hay
Từ Bến Tre, Thanh Phương vào học Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Khi Viện Mẫu thời trang Fadin mở cuộc thi thiết kế đầu tiên vào năm 1999, Thanh Phương tham gia và đoạt giải nhì. Từ đó Phương gắn luôn với nghề. Từng làm việc ở Lega Fashion được bốn năm, khai trương cửa hàng riêng đến hai lần, Phương kể: “Sợ nhất là mỗi một ngày thức dậy đã thấy mất 500.000 đồng tiền thuê nhà, trả lương cho nhân viên”. Hằng ngày đi làm ở công ty từ 8g - 17g, về nhà lại phải thức đến 1 - 2g sáng để cắt đồ cho tiệm, sau một thời gian cầm cự Thanh Phương không chịu nổi, phải tạm đóng cửa tiệm.
Còn với Hữu Lợi thì đằng sau những thành công trong cuộc thi thiết kế thời trang do Hội đồng Anh và Singapore tổ chức là những giọt mồ hôi của cha mẹ chạy đôn chạy đáo để mượn tiền, là sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô, bạn bè trong Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai...
Giải pháp hiện nay mà các nhà thiết kế trẻ không có vốn hay áp dụng là hợp tác với nhiều cửa hàng. Thậm chí một số người đã âm thầm cho ra đời một nhãn hiệu riêng mình. Không cần mở tiệm bề thế, phương thức giao dịch của họ chủ yếu là qua chiếc điện thoại. Ai cần gì chỉ việc gọi đến và hẹn ngày giờ trao đổi. Người nào may mắn hơn thì được Zen Plaza cho trưng bày sản phẩm giới thiệu, nếu bán được hàng sẽ chia phần trăm cho nơi này.
Một số nhà thiết kế lại chuyển sang hoạt động khác, như Thế Bảo đầu tư mạnh về thiết kế trang phục cho phim, còn Công Trí thì mở công ty phục vụ trọn gói cho giới ca sĩ từ thiết kế trang phục, sản xuất đĩa CD và tổ chức biểu diễn...
Lượng tăng nhưng chất chưa định hình
Phóng to |
Diệu Anh (trái) và Ái Vân được học bổng không toàn phần du học thời trang tại Pháp. Sự may mắn này họ chưa thật sự nắm bắt được vì phải trải qua cuộc sát hạch về ngoại ngữ... |
Qua các cuộc thi, Fadin đã cung cấp khoảng 40 nhà thiết kế tham gia hoạt động thời trang. Một tín hiệu đáng mừng nữa là tại các cuộc thi sau này, các giải thưởng lớn đều rơi vào tay những thí sinh được học ngành thời trang chứ không phải nghiệp dư như các năm trước.
Vừa qua, 12 sinh viên học ngành thiết kế thời trang của Trường đại học Kiến trúc TP.HCM cũng vừa tốt nghiệp, bổ sung lực lượng dồi dào này. Đây là những sinh viên đầu tiên ở phía Nam được đào tạo bậc đại học chính qui về ngành thời trang.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng ở TP.HCM nói riêng và VN nói chung, việc trở thành nhà thiết kế thời trang hiện nay quá dễ dàng. Chỉ cần ghi tên vào học khóa ngắn hạn về thiết kế thời trang, tham dự một cuộc thi hay tham gia show biểu diễn là đương nhiên được gọi là nhà thiết kế thời trang(?!).
Việc nhìn nhận quá dễ dãi như vậy khiến ngành thời trang đang gặp phải nguy cơ trở nên nghiệp dư. Mặt khác, nếu theo dõi các cuộc thi thiết kế thời trang gần đây sẽ nhận ra sự trùng lắp ý tưởng trong các mẫu thiết kế.
Vị giám khảo người Singapore Celia Loe đã cảnh báo nhiều lần về sự rườm rà trong các trang phục dự thi của thí sinh. Nhưng tình trạng trên vẫn không thay đổi.
Đặc biệt, trong những năm 2000, 2001 các nhà thiết kế trẻ VN đã chứng tỏ vị trí của mình trong cuộc thi quốc tế lớn như Phan Quang Tân đoạt giải thưởng lớn, Nguyễn Trọng Nguyên và Lê Thanh Danh đoạt giải khuyến khích cuộc thi Asia Collection Makuhari 2001 tại Nhật Bản; Lê Tuấn Kiệt giải ba cuộc thi Fashion Connections Singapore 2000; Nguyễn Công Trí đoạt giải khuyến khích Bay FM cuộc thi Asia Collection Makuhari 2000, giải nhì Fashion Connections Singapore 2001. Nay thì VN đều trắng tay trong các cuộc thi trên. Vì thế, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng đào tạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận