10/03/2014 06:29 GMT+7

Các khu kinh tế cửa khẩu: "Ôm" rượu bia ngoại chờ giải cứu

ĐỨC VỊNH - LÊ SƠN
ĐỨC VỊNH - LÊ SƠN

TT - Nhiều khu kinh tế, thương mại cửa khẩu... được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng từ những năm trước đây nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu, đưa hàng Việt xuất khẩu đi các nước. Thế nhưng, phần lớn các khu này đều trong tình cảnh đìu hiu khách mua sắm, không doanh nghiệp đầu tư...

utu1Unh0.jpgPhóng to
Tuồn rượu bia ngoại từ trong khu thương mại cửa khẩu Tịnh Biên ra bên ngoài - Ảnh: Đ.Vịnh

Và để duy trì, một số nơi đã phải kiến nghị Bộ Tài chính xin được bán hàng miễn thuế (các mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như bia, rượu) để... giải cứu doanh nghiệp (DN).

Vắng bóng khách hàng...

"Lượng khách ngày càng giảm, đặc biệt quy định mới áp dụng đối với các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu, bia... không được miễn thuế khi bán cho khách cũng khiến lượt khách càng giảm"

Đại diện siêu thị Song Châu(Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài)

Ngày 4-3, chiếc xe buýt từ TP.HCM vào Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) dừng bến chỉ có vỏn vẹn năm người bước xuống rồi lập tức tản mát đi đâu đó. Cái nắng gay gắt giai đoạn cao điểm mùa khô khiến khung cảnh khu kinh tế càng trở nên ảm đạm bởi lượng khách mua sắm thưa thớt.

Đi cùng chuyến xe có chị Dung cùng hai người bạn (Q.Tân Bình) được xe đưa đón chở ngay đến khu trung tâm mua sắm GC, nơi được coi là điểm kinh doanh sôi động nhất hiện nay. Đập vào mắt chúng tôi là khu ẩm thực với khoảng 30 bàn nhưng chỉ hai bàn có khách tham quan ngồi uống nước. Ngay trước sảnh, khu gian hàng điện tử, đồ gia dụng khá rộng trưng bày các mặt hàng: nồi cơm điện, xoong nồi, bàn ủi... nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ nhân viên bán hàng nào trực tại đây.

Theo khảo sát, hiện nay có năm siêu thị, trung tâm mua sắm có hoạt động mua bán tại đây. Trong đó, tất cả điểm kinh doanh này hoạt động cầm chừng. Trung tâm thương mại GC hiện chỉ hoạt động tầng trệt thay vì trên lầu như trước đó, còn trung tâm Winmart tạm ngưng hoạt động và hiện được siêu thị mini Song Châu khai thác và chỉ khoanh vùng hoạt động chưa đến 500m2.

Tại trung tâm thương mại miễn thuế Fuso trong khu thương mại (KTM) Hiệp Thành từng hoạt động nhộn nhịp vài năm trước đó nhưng nay gần như ngưng hoạt động hoàn toàn. Bãi giữ xe siêu thị cỏ dại mọc xơ xác, trước cổng có vài bảo vệ trực, tuyệt đối không có khách tham quan mua sắm.

Tình trạng buôn bán èo uột cũng diễn ra tương tự ở KTM cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang). Hàng loạt gian hàng và một số siêu thị đã đóng cửa im lìm, một vài siêu thị còn hoạt động đều khá vắng vẻ, chỉ thấy vài nhân viên tụm lại tán chuyện hoặc ngồi chơi game.

Nhiều hộ kinh doanh than rằng mấy năm nay lượng khách đến KTM cứ giảm dần. Nếu như trước đây lượng xe điện trung chuyển liên tục chở khách từ bãi đậu ôtô đổ vào các siêu thị thì nay lâu lâu mới có một chuyến. “Khách đã ít mà mua sắm chỉ vài thứ lặt vặt, lượng hàng hóa bán ra chẳng được bao nhiêu” - bà Lê Thị Mai, một chủ gian hàng ở siêu thị miễn thuế Thiên Thiên Phú, buồn bã.

Ông Đặng Ngọc Hùng, trưởng ban quản lý KTM cửa khẩu Tịnh Biên, cho biết trong tháng 2 là dịp tết nhưng tổng doanh số bán hàng của cả KTM chỉ đạt 21 tỉ đồng, bằng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tháng 3 này đã có 15 DN và hàng loạt gian hàng đóng cửa ngưng hoạt động, nhiều nhất là nhóm kinh doanh sản phẩm trong nước sản xuất; số còn lại cũng hạn chế nhập hàng vào, chủ yếu buôn bán cầm chừng mong giải phóng lượng hàng tồn kho.

Đầu tư hàng ngàn tỉ

Theo ông Kiều Công Minh - phó trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, KTM - dịch vụ phi thuế quan được quy hoạch đến năm 2020 có diện tích 1.303ha nằm trong khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với tổng diện tích 21.284ha. Hiện toàn khu kinh tế đã có 47 dự án đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 616 triệu USD. Tuy nhiên, đến nay có 17 dự án được triển khai đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng 1.050 tỉ đồng và 102 triệu USD. Trong đó có 15 dự án đầu tư thương mại - dịch vụ.

“Tình hình kinh tế khó khăn khiến các nhà đầu tư dè dặt, không mở rộng đầu tư, kinh doanh. Hiện chúng tôi đề xuất và tiến hành thu hồi bốn dự án đầu tư chậm tiến độ trong khu kinh tế” - ông Minh cho hay.

Còn tại KTM cửa khẩu Tịnh Biên đưa vào hoạt động từ năm 2009, tổng vốn đầu tư vào đây cũng trên 200 tỉ đồng từ nguồn hỗ trợ trung ương và ngân sách địa phương của tỉnh An Giang. Tại đây ban đầu thu hút 76 DN đăng ký kinh doanh nhưng sau đó chỉ có 40 DN vào đầu tư kinh doanh đủ các mặt hàng bách hóa, thực phẩm, gia dụng, may mặc, rượu bia, điện máy, điện tử... nhập khẩu và trong nước sản xuất.

Ông Ung Văn Thảnh, giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Công Danh, kể mình bỏ ra gần 25 tỉ đồng xây dựng hai siêu thị trong KTM, một để kinh doanh và một được phân ra các gian kiôt cho DN khác thuê lại bán hàng. Ban đầu siêu thị Công Danh bề thế của ông đầy ắp sản phẩm nội ngoại nhập, sử dụng hơn 30 nhân viên. Qua từng năm siêu thị teo tóp dần và hiện chỉ còn một gian hàng nhỏ với vỏn vẹn bốn người đứng bán đồng hồ, mắt kính, xà bông, sữa ngoại. “Khách đông chỉ lúc đầu, sau đó thưa vắng, nhóm hàng nào cũng ế ẩm, càng kinh doanh càng thua lỗ. Hàng trăm gian kiôt chẳng ai thuê phải bỏ hoang” - ông Thảnh than.

Trông chờ... miễn thuế

Theo ông Nguyễn Minh Phong - trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh An Giang, mấy năm gần đây tình hình kinh doanh ở KTM cửa khẩu Tịnh Biên gặp nhiều khó khăn, nhiều DN đóng cửa ngưng kinh doanh do các nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Ngoài sức mua giảm thì việc thay đổi chính sách liên tục đối với khu phi thuế quan cũng ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Chẳng hạn mới đây sau khi có quyết định số 72/2013/QĐ-TTg quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu thì Bộ Tài chính có thông báo không miễn thuế đối với một số mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu, bia... cho khách du lịch nên lượng hàng tồn đọng nhiều. Hiện các DN còn tồn đọng hơn 52.000 thùng bia và 40.000 chai rượu nhập khẩu các loại, tổng trị giá 20,8 tỉ đồng.

Vì vậy Ban quản lý khu kinh tế có tờ trình đề xuất UBND tỉnh có văn bản xin phép Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục bán rượu bia miễn thuế tại KTM này để giải phóng lượng hàng tồn đọng. “Nhưng chỉ được miễn thuế đối với rượu bia nhập khẩu trước ngày 26-11-2013, thời điểm ban hành quyết định số 72/2013/QĐ-TTg” - ông Phong giải thích.

Gian lận thuế VAT

Theo báo cáo mới đây của Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên, thời gian qua các DN buôn bán cầm chừng, không dám đầu tư cơ sở vật chất, hàng hóa. Quá trình hoạt động cho thấy việc ưu đãi bán hàng miễn thuế đã bộc lộ các bất cập, nhiều DN không tập trung kinh doanh mang lại lợi ích cho xã hội mà chủ yếu chỉ để gian lận thương mại, gian lận thuế, gây bức xúc cho những DN làm ăn chân chính. Cụ thể, một số DN thu gom số CMND rồi in hóa đơn bán hàng trái phép, hóa đơn bán hàng khống, sau đó tuồn hàng hóa qua hàng rào đưa ra thị trường để được hoàn thuế VAT.

Ông Phạm Văn Tâm, chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên, cho biết trong năm 2013 phát hiện 20 vụ tuồn hàng để gian lận hoàn thuế VAT. Mặc dù đã xây tường ngăn cách nhưng dân buôn vẫn đào hang lòn qua dưới chân tường, lợi dụng những lúc vắng lực lượng tuần tra đưa hàng ra bên ngoài. “Vẫn còn tình trạng DN lợi dụng chính sách ưu đãi về thuế, đưa hàng vào KTM, sau đó tuồn ra ngoài để được hoàn thuế VAT, chúng tôi phải lắp thêm camera giám sát, ngày đêm thường xuyên đi kiểm tra để ngăn chặn” - ông Tâm nói.

xUAMINVT.jpgPhóng to
Khu mua sắm hàng miễn thuế tại Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y hiện tại vẫn vắng vẻ, mỗi ngày có rất ít người ghé đến - Ảnh: B.D.

Ì ạch Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y

Được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn của khu vực tam giác phát triển, một trung tâm kinh tế sầm uất tại đoạn tiếp giáp giữa Việt Nam - Lào - Campuchia nhưng 13 năm kể từ ngày được phê duyệt, Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y - dự án tầm cỡ - hiện vẫn chỉ là bãi đất trống.

Theo báo cáo của Ban quản lý các khu kinh tế tỉnh Kon Tum, tính đến ngày 7-3-2014 tổng số vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp vào Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y là gần 1.600 tỉ đồng, trong đó gần 200 tỉ đồng là từ nguồn vốn ODA và nguồn vốn hợp tác của các nước trong khu vực. Tính đến tháng 3-2014, toàn khu kinh tế này đã thực hiện được 32 dự án đầu tư hạ tầng với tổng giá trị được thanh toán gần 1.300 tỉ đồng.

Trong năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu qua Bờ Y đạt được tỉ đồng, một con số rất khiêm tốn so với tổng số tiền mà Nhà nước đã đầu tư. Một điều rất đáng quan tâm là cho đến nay, Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y chưa thu hút được một dự án từ vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nào. Về thu hút đầu tư, toàn khu kinh tế có 24 dự án đầu tư lĩnh vực sản xuất kinh doanh đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 500 tỉ đồng, 9 dự án đang triển khai xây dựng, 3 dự án đã quá hạn nhưng chưa triển khai, 2 dự án đã ngưng hoạt động.

Đại diện Ban quản lý các khu kinh tế tỉnh Kon Tum cho rằng thực tế đến nay cho thấy một trong những nguyên nhân khiến khu kinh tế này kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư là do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, tổng số vốn rót hằng năm rất hạn chế. Trong khi đó, nhiều cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư chưa thật sự hấp dẫn, nhà đầu tư vẫn phải rất vất vả trong việc giải quyết các thủ tục để có quỹ đất sạch thực hiện dự án.

THÁI BÁ DŨNG

ĐỨC VỊNH - LÊ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên