22/12/2021 14:44 GMT+7

Bộ Y tế yêu cầu triển khai 8 nhóm giải pháp giảm tử vong do COVID-19

DƯƠNG LIỄU
DƯƠNG LIỄU

TTO - Theo thống kê của Bộ Y tế, đến hết ngày 21-12, Việt Nam đã có 30.041 người mắc COVID-19 tử vong, chiếm tỉ lệ 1,9% trên tổng ca nhiễm. Bộ Y tế đưa ra 8 nhóm giải pháp giảm tử vong do COVID-19, yêu cầu các địa phương thực hiện.

Bộ Y tế yêu cầu triển khai 8 nhóm giải pháp giảm tử vong do COVID-19 - Ảnh 1.

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trong 1 tuần qua, cả nước ghi nhận trung bình 244 F0 tử vong/ngày. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 22-12, Bộ Y tế đã có công điện đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai các giải pháp làm giảm tử vong do COVID-19.

Cụ thể, theo công điện, các địa phương thực hiện 8 nhóm giải pháp:

1. Rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều trị các tuyến. Cung ứng và bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; bảo đảm oxy từ tuyến cơ sở đến bệnh viện các tầng 1, 2, 3. Đồng thời, huy động các cơ sở y tế của Nhà nước và tư nhân tham gia điều trị COVID-19.

2. Rà soát, rút kinh nghiệm và khắc phục bất cập trong việc tổ chức, quản lý, điều hành thu dung, điều trị người bệnh COVID-19, trong đó có việc thực hiện các chỉ đạo của trung ương.

3. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ việc "Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị". Trạm y tế lập danh sách các trường hợp F0 tại nhà và phân chia theo các nhóm nguy cơ để quản lý, theo dõi đánh giá trường hợp tăng nặng và chuyển tuyến kịp thời.

4. Triển khai mạnh mẽ, toàn diện "Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ" bằng các biện pháp: rà soát các đối tượng chưa được tiêm đủ vắc xin phòng COVID-19, đặc biệt chú trọng các đối tượng nguy cơ cao và rất cao (người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch…) để tiêm đầy đủ vắc xin ngay cho đủ liều và phòng chống lây nhiễm cho đối tượng nguy cơ.

5. Cập nhật và áp dụng các hướng dẫn điều trị. Tăng cường theo dõi tình trạng người bệnh để tiên lượng sớm, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tăng nặng. Quan tâm cung cấp dinh dưỡng, nước uống… đầy đủ cho người bệnh. Tăng cường kết nối, hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa.

Tuyệt đối tránh tình trạng chuyển tầng khi quá muộn. Củng cố hệ thống cấp cứu, vận chuyển người bệnh từ cộng đồng đến bệnh viện và giữa các bệnh viện. Xây dựng lại kế hoạch nhân lực, ca kíp, hạn chế tối đa việc nhân viên y tế trực quá 8 tiếng 1 ngày.

6. Tiếp tục huy động sự tham gia của cộng đồng và mạng lưới các tình nguyện viên, "Thầy thuốc đồng hành", tổ chức thiện nguyện, người có tâm huyết, người bệnh COVID-19 đã bình phục, y tế tư nhân, chính quyền cơ sở, tổ dân phố… cùng tham gia vào tư vấn, điều trị, chăm sóc, quản lý người nhiễm tại nhà.

7. Đặc biệt quan tâm xây dựng bổ sung các chính sách, chế độ và các hình thức động viên cụ thể bằng tài chính và phi tài chính với đội ngũ nhân viên y tế và mạng lưới tham gia tư vấn, điều trị, chăm sóc người bệnh COVID-19.

8. Áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin để quản lý ca bệnh và điều hành, quản lý. Củng cố công tác thống kê, báo cáo của địa phương và trên phần mềm https://cdc.kcb.vn để có các thông tin và chỉ đạo chính xác, kịp thời.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tổng số tử vong tại nước ta xếp thứ 29/234 quốc gia, vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ /224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đà Nẵng còn hơn 5.000 người chưa tiêm mũi 1 vắc xin COVID-19 Đà Nẵng còn hơn 5.000 người chưa tiêm mũi 1 vắc xin COVID-19

TTO - Tới hết ngày 23-12, TP Đà Nẵng sẽ kết thúc đợt đăng ký tiêm vắc xin tự do cho người chưa tiêm mũi 1. Số lượng đăng ký tiêm đến nay khoảng 5.000 người.

DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên