Hai dự án với số vốn gần 10.000 tỉ đồng
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam trả lời cử tri về việc có giải pháp sớm đưa dự án cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nam đi vào hoạt động, để giảm tải lượng bệnh nhân tuyến trung ương, và thuận tiện cho việc khám chữa bệnh của nhân dân các tỉnh lân cận.
Theo Bộ Y tế, dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014 với mục tiêu xây dựng hai bệnh viện này thành các bệnh viện tuyến trung ương đạt tiêu chuẩn: hiện đại, đồng bộ, cơ chế quản lý điều hành tiên tiến, có trình độ khám chữa bệnh ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trung ương và giảm tình trạng người dân phải đi ra nước ngoài khám chữa bệnh.
Theo quyết định đầu tư được Bộ Y tế phê duyệt năm 2014, mỗi dự án có quy mô đầu tư 1.000 giường bệnh. Tổng mức đầu tư mỗi dự án khoảng 4.990 tỉ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 4.500 tỉ đồng. Còn lại là nguồn vốn khác. Các dự án được khởi công xây dựng từ năm 2015, tiến độ hoàn thành theo quy định là năm 2020 và được gia hạn đến năm 2024.
Đến nay, các nhà thầu đã hoàn thành trên 90% phần thi công phần hạ tầng, kiến trúc. Dự án được chia thành các gói thầu EPC (thiết kế, thi công, cung cấp, lắp đặt thiết bị); áp dụng loại hợp đồng được điều chỉnh giá.
Nguyên nhân khiến dự án "treo" 10 năm
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, dự án đã gặp khó khăn, vướng mắc trong việc điều chỉnh giá hợp đồng, dẫn đến nhà thầu dừng thi công từ tháng 12-2020 đến nay. Bộ Y tế cho hay việc các dự án bị chậm tiến độ là do các nguyên nhân chủ yếu như:
Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 là các dự án lớn của ngành y tế, lần đầu áp dụng hình thức EPC. Vì vậy, Bộ Y tế, chủ đầu tư và nhà thầu chưa lường hết được các khó khăn, vướng mắc khi triển khai dự án theo hình thức này.
Bên cạnh đó, năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế; chưa hiểu rõ tầm quan trọng của pháp luật hợp đồng và chưa có kinh nghiệm quản lý hợp đồng EPC.
Từ năm 2019 đến năm 2022, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trong đó có thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam phải thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư công.
Trong thời gian này, Bộ Y tế phải tập trung toàn bộ lực lượng cho công tác phòng chống dịch nên không thể tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh của các dự án.
Bên cạnh đó, các vướng mắc trong việc điều chỉnh giá hợp đồng dẫn đến chủ đầu tư không thể thanh toán khối lượng hoàn thành cho nhà thầu gồm: trong quá trình thi công phải điều chỉnh thiết kế để bổ sung một số khoa phòng, thay đổi một số chức năng, kết cấu theo đề nghị của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho phù hợp với yêu cầu chuyên môn.
Hợp đồng ký ban đầu chưa quy định rõ về nguyên tắc, phương pháp và phạm vi điều chỉnh giá hợp đồng nên khi điều chỉnh thiết kế thì không có đủ cơ sở để điều chỉnh giá hợp đồng.
Từ năm 2018 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã tích cực chủ động tìm các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án.
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập tổ công tác liên ngành do bộ trưởng Bộ Y tế là tổ trưởng; lãnh đạo các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tư pháp, Tài chính là thành viên.
Bộ Y tế và tổ công tác đã nỗ lực rà soát, nghiên cứu, đề xuất phương án nhằm xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc của các dự án này và đã hoàn thiện phương án xử lý để trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Từ đầu tháng 11-2024, nhà thầu bắt đầu triển khai thi công trở lại sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận phương án xử lý.
Bộ Y tế sẽ quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu khẩn trương tập trung tối đa nguồn lực để triển khai thi công, bảo đảm hoàn thành xây dựng các dự án trong năm 2025.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận