
Thí sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn trong Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Thanh Hóa - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Riêng xét tuyển thẳng được thực hiện theo đúng quy chế của Bộ GD-ĐT dành cho thí sinh tài năng, xuất sắc, vượt trội. Quy định này có làm giảm cơ hội vào đại học?
Thay đổi điểm chuẩn
Thực tế những năm qua các trường đại học có rất nhiều phương thức xét tuyển sớm như tuyển thẳng; ưu tiên xét tuyển thẳng, xét học bạ THPT, xét điểm thi đánh giá năng lực - tư duy, xét tuyển kết hợp kết quả học tập THPT với chứng chỉ quốc tế IELTS, xét kết quả kỳ thi SAT quốc tế...
Do vậy việc Bộ GD-ĐT quy định bỏ xét tuyển là thay đổi lớn tác động đến công tác tuyển sinh của các trường và cả thí sinh.
Theo ThS Phùng Quán (Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM), không còn xét tuyển sớm từ năm 2025 đồng nghĩa với việc tất cả phương thức xét tuyển đều sẽ diễn ra cùng một lúc.
Bộ GD-ĐT cũng quy định điểm của các phương thức xét tuyển khác nhau sẽ được quy đổi về cùng một thang điểm chung để đảm bảo công bằng. Điều này có thể giúp thống nhất quy trình tuyển sinh nhưng cũng gây ra nhiều tranh cãi.
Việc gộp chung điểm xét tuyển giúp các trường dễ dàng quản lý chỉ tiêu hơn nhưng cũng khiến việc xét tuyển kém linh hoạt hơn.
"Ví dụ trước đây nếu thí sinh có học bạ tốt nhưng điểm thi THPT không cao, hoặc giỏi thi đánh giá năng lực nhưng không mạnh ở kỳ thi THPT, bạn vẫn có cơ hội vào đại học theo nhiều cách khác nhau. Nhưng nay tất cả phương thức đều quy về một mức điểm chung nên không có lợi thế riêng.
Điểm chuẩn có thể dao động mạnh mỗi năm vì số lượng thí sinh đăng ký thay đổi. Các trường đại học tư thục, đại học địa phương sẽ gặp khó khăn hơn vì không còn lợi thế xét tuyển sớm bằng học bạ, nên họ có thể phải đẩy mạnh học bổng và hỗ trợ tuyển sinh để thu hút thí sinh", ông Quán dự đoán.
Cũng theo ông Quán, với học sinh lớp 12, với quy định mới các bạn không thể biết trước mình có đậu đại học hay không cho đến khi có điểm thi THPT, điều này có thể làm tăng căng thẳng vì không còn cơ hội trúng tuyển sớm.
Chính sách mới giúp công bằng hơn nhưng cũng đi kèm rủi ro hơn với thí sinh.
Nếu điểm thi THPT không như mong muốn, thí sinh sẽ không có phương án dự phòng như trước đây. Vì vậy thí sinh cần phải lên chiến lược đăng ký xét tuyển cẩn thận, tận dụng nhiều phương thức xét tuyển nếu có thể để tăng cơ hội đậu vào ngành học mong muốn.
Tương tự, TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - nhận định: "Theo quy chế năm ngoái, thí sinh nếu đủ điều kiện trúng tuyển sớm vào ngành, trường mình mong muốn thì sẽ có tâm lý thoải mái, không quá áp lực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Nay bỏ xét tuyển sớm sẽ công bằng hơn nhưng thí sinh có thể căng thẳng và cảm thấy áp lực hơn".
Ông Nhân cho rằng việc không còn xét tuyển sớm cơ bản không ảnh hưởng đến các cơ sở đào tạo. Các trường đại học vẫn tự chủ trong việc đưa ra các phương thức xét tuyển và chủ động xử lý dữ liệu (ngoại trừ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT), thí sinh đăng ký xét tuyển cho từng phương thức của riêng mình.
Chỉ khác là sẽ không còn việc công bố đủ điều kiện trúng tuyển (trúng tuyển sớm có điều kiện) như các năm trước. Khi đó việc xác định thí sinh trúng tuyển ở các phương thức (ngoại trừ xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ
GD-ĐT) sẽ được triển khai theo lộ trình chung của bộ (hay còn gọi là quá trình lọc ảo). Điều này đòi hỏi cần thời gian nhiều hơn trong mỗi bước lọc ảo (đặc biệt với các cơ sở có nhiều phương thức và số lượng thí sinh đăng ký nhiều).

Thí sinh trong một Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: TÂM AN
Công bằng hơn cho thí sinh
Theo ThS Cù Xuân Tiến - trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), việc bỏ xét tuyển sớm sẽ giúp công bằng hơn cho thí sinh. Bởi vì tất cả thí sinh sẽ xét tuyển trong cùng một thời điểm, không có tình trạng thí sinh trúng tuyển sớm và không tham gia các phương thức khác, giúp tăng cơ hội cho những thí sinh còn lại.
Ví dụ năm 2024, có những ngành có lượng thí sinh trúng tuyển sớm nhập học quá nhiều làm cho chỉ tiêu của các phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT còn lại rất ít và đẩy điểm chuẩn lên rất cao, gây thiệt thòi cho các em dùng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Việc bỏ xét tuyển sớm và tất cả phương thức xét tuyển diễn ra đồng thời sẽ giúp thí sinh dễ dàng so sánh kết quả giữa các phương thức để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất. Ngoài ra việc bỏ xét tuyển sớm sẽ giúp hạn chế tình trạng "ảo".
Khi xét tuyển sớm, nhiều thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, gây khó khăn cho các trường trong việc xác định chỉ tiêu còn lại. Việc xét tuyển chung giúp quản lý dữ liệu tốt hơn và phân bổ chỉ tiêu hợp lý.
Tuy nhiên việc bỏ xét tuyển sớm sẽ tác động lớn đến tâm lý của thí sinh. Bởi vì trước đây nhiều thí sinh đã có suất vào đại học nhờ xét tuyển sớm (học bạ, điểm đánh giá năng lực, chứng chỉ quốc tế...) trước khi thi tốt nghiệp THPT, giúp các em giảm căng thẳng.
Nhưng khi bỏ xét tuyển sớm, tất cả thí sinh phải chờ sau kỳ thi tốt nghiệp THPT mới biết kết quả xét tuyển, dẫn đến áp lực thi cử tăng lên.
Thí sinh cần tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, tìm hiểu kỹ quy chế tuyển sinh, đề án tuyển sinh của các trường và chuẩn bị nhiều phương án đăng ký nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển vào các ngành/trường mình yêu thích.
Bỏ xét tuyển sớm các trường vẫn áp dụng xét học bạ, xét đánh giá năng lực, xét chứng chỉ quốc tế... nhưng tất cả đều xét cùng lúc.
ThS CÙ XUÂN TIẾN
(Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM)
Không giảm cơ hội của thí sinh
Chia sẻ về việc bỏ xét tuyển sớm và thực hiện quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết để đảm bảo công bằng hơn giữa các thí sinh, không phải giảm đi cơ hội của các em.
Không phải vì xét tuyển sớm sẽ tăng cơ hội trúng tuyển vì mỗi thí sinh chỉ vào học một ngành ở một trường.
Việc cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng và hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT sẽ giúp thí sinh trúng tuyển cao nhất vào nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên.
Công bố quy chế tuyển sinh đại học 2025 trong tháng 2
Bà Nguyễn Thu Thủy cho biết bộ sẽ công bố quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 trong tháng 2 với một số điều chỉnh so với dự thảo quy chế tuyển sinh được công bố trước đó. Theo bà Thủy, Bộ GD-ĐT sẽ bỏ hẳn xét tuyển sớm và chỉ xét tuyển thẳng theo quy định chung của bộ.
Những năm trước các cơ sở giáo dục thực hiện các đợt tuyển sinh xét học bạ, xét chứng chỉ quốc tế, xét điểm thi đánh giá năng lực, tư duy... thường diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Năm nay các trường vẫn có thể dùng các phương thức này để xét tuyển nhưng phải xét chung đợt với điểm thi tốt nghiệp THPT.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận