Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu: "Bộ Y tế quản lý về mặt nhà nước, chuyên môn, phân định rạch ròi trong các công tác thực hiện là rất khó" - Ảnh: Việt Dũng |
Video clip Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn |
Ai sẽ cảnh báo về an toàn vệ sinh thực phẩm?
ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai nêu lên câu hỏi đang là nỗi âu lo của tất cả các bà nội trợ: Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo 24,5% hoa quả ngoại nhập ở Việt Nam có dư lượng chất bảo quản độc hại, dẫn đến bệnh ung thư nhưng chưa thấy Bộ Y tế kiểm tra vấn đề này và thông báo để người dân có thể yên tâm hoặc cảnh giác?
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu tỏ ra ngạc nhiên và trả lời: Trong pháp lệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm, nôm na là từ trang trại đến mâm cơm, có các bộ ngành chuyên môn cùng quản lý, phối hợp với Bộ Y tế. Các sản phẩm trong quá trình sản xuất thuộc Bộ NN&PTNT, các sản phẩm trong quá trình chế biến thì thuộc quản lý của Bộ Công thương, Bộ Y tế. Nên việc các chất bảo quản độc hại, xin ĐB chuyển câu chất vấn đến cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
Chủ tịch Quốc hội đã mời Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trả lời. Bộ trưởng Cao Đức Phát tiếp tục “chuyển giao”: "Theo quy định, bộ chúng tôi chịu trách nhiệm quản lý các sản phẩm từ trang trại đến thị trường nội địa hoặc thị trường xuất khẩu. Về dư lượng chất bảo quản thực phẩm trong các sản phẩm nhập khẩu thuộc sự quản lý của Bộ Công thương".
Câu hỏi lại được chuyển sang Bộ trưởng Bộ Công thương. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phải đăng đàn lần thứ hai trong ngày: "Tôi đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng Cao Đức Phát. Đúng là vấn đề chất bảo quản thực phẩm ngoại nhập thuộc quản lý của chúng tôi. Tôi sẽ yêu cầu các lực lượng quản lý thị trường kiểm tra thường xuyên hơn, nếu thấy xét nghiệm mẫu vượt mức an toàn sẽ xử lý ngay: phạt hoặc rút giấy phép kinh doanh".
ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai vẫn chưa đồng ý và tỏ ra bức xúc: "Tôi hỏi về dư lượng chất bảo quản của trái cây ngoại nhập. Tôi biết trong hệ thống quản lý có nhiều bộ ngành tham gia, nhưng phải có nhạc trưởng. Đây là vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, tôi cho rằng Bộ Y tế phải là người chịu trách nhiệm".
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu tỏ thái độ xoa dịu: "Trong quản lý có cái riêng ngành, cái bắt buộc phải đa ngành. Đúng, trong an toàn vệ sinh thực phẩm thì Bộ Y tế là nhạc trưởng. Nếu ĐB phê bình phối hợp chưa tốt thì chúng tôi sẽ suy nghĩ. Cái này còn phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức trong kinh doanh, cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, mà đó là cuộc đấu tranh sẽ còn tồn tại cùng với lịch sử loài người".
ĐB Bạch Mai một lần nữa đứng lên: "Bộ trưởng nói vậy, tôi vẫn chưa rõ ai sẽ là người trả lời câu hỏi của tôi, ai là người cảnh báo với nhân dân rằng trái cây nhập là tốt hay không tốt?". Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu hẹn sẽ cùng Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời riêng với ĐB Mai.
Khi nào các chất thải y tế được xử lý?
Phóng to |
Rác thải bệnh viện chưa được xử lý |
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu giải thích Bộ Y tế quản lý về mặt nhà nước, chuyên môn, phân định rạch ròi trong các công tác thực hiện là rất khó. Bộ trưởng cho rằng địa phương cũng có trách nhiệm trong vấn đề xử lý rác thải y tế.
Bộ trưởng cho biết hiện tại 40% chất thải rắn ở các bệnh viện tỉnh, thành phố (như Hà Nội) được xử lý trong lò đốt công nghiệp, 33% các bệnh viện tuyến dưới xử lý tại các lò đốt thủ công. Phần còn lại được chôn lấp, kể cả… vứt ngoài trời. Về nước thải thì cũng có 30% chưa được xử lý.
Theo bộ trưởng, các bệnh viện phải tự phân loại rác thải, ký hợp đồng với các lò đốt công nghiệp, công ty môi trường đô thị để thu gom và xử lý. Về phía bộ đang rất cố gắng trong vấn đề xử lý này nhưng lại thiếu kinh phí, bộ đang cần 2.000 tỉ để xây dựng các hệ thống xử lý chất rắn và nước thải.
ĐB Bạch Mai cho rằng trong việc xử lý rác thải y tế, kinh phí không phải là vấn đề. ĐB nhấn mạnh: "Tôi muốn bộ trưởng cho biết đến bao giờ thì rác thải y tế sẽ được xử lý? Thế thôi. Tôi yêu cầu bộ trưởng trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi".
ĐB Trịnh Thị Nga cũng phản ứng: "Bộ trưởng nói xử lý phối hợp với địa phương thì tôi muốn biết phối hợp ra sao? 100% chất thải y tế ở các bệnh viện tại Phú Yên là thải ra ngòai không qua xử lý, các cử tri của chúng tôi rất sốt ruột…".
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu khẳng định vấn đề rác thải y tế sẽ được bộ “làm quyết liệt” và hẹn sẽ tiếp tục trao đổi với ĐB sau.
Một vấn đề khác cũng được các ĐB quan tâm là việc thiếu nhân lực ở các BV và hiện tượng các bác sĩ bỏ BV công sang làm ở các BV, cơ sở y tế tư nhân. Bộ trưởng cho rằng đây là hiện tượng tất yếu của việc xã hội hóa y tế đang được Chính phủ khuyến khích, và giải pháp của bộ là tiếp tục đào tạo các y, bác sĩ nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu.
ĐB Trịnh Thị Nga không hài lòng với giải pháp quá đơn giản này. ĐB yêu cầu bộ trưởng phải nghiên cứu nguyên nhân các y, bác sĩ bỏ BV công để tìm cách khắc phục. Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu nói thêm rằng bản thân các BV công cần tìm cách thu hút, giữ chân nhân lực không chỉ bằng tiền lương mà còn bằng điều kiện làm việc, cơ hội bồi dưỡng tay nghề…
Trước nhiều ý kiến bức xúc của các ĐB về các chất độc hại với sức khỏe đang lan tràn, tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất, thiếu y bác sĩ của các BV, trạm xá tuyến dưới, các bệnh nhân nghèo, các bất cập trong chính sách bảo hiểm y tế, yếu kém trong y tế dự phòng…, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu phân trần: Mong các ĐB hiểu, ở một nước có GDP < 1.000 USD như nước ta, tuy môi trường ô nhiễm, thức ăn ô nhiễm, thuốc men chưa đủ nhưng 98% các xã có trạm y tế, trẻ em dưới 6 tuổi được miễn viện phí, tiêm chủng đầy đủ, 15 triệu người có thẻ BHYT đã là cố gắng lắm rồi. Bộ trưởng cũng xin phép được nhắc lại lời của hai vị Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Nguyễn Tấn Dũng: Một quốc gia chưa phát triển, bài toán y tế, giáo dục thật khó, có cố gắng thì cũng không thể vượt quá sức của nền kinh tế được.
Phiên chất vấn các bộ trưởng kết thúc. Những bức xúc của các ĐB vẫn còn bộn bề và vẫn còn một buổi sáng mai để dành cho Thủ tướng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận