Các quầy thịt bò tại chợ Phạm Văn Hai, Q. Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các công ty chế biến thực phẩm cho biết, bò nhập khẩu, nhất là bò Úc sẽ tăng lên trong thời gian tới sau khi các chương trình đào tạo về giết mổ chuẩn quốc tế của Úc đào tạo cho công nhân VN hoàn thành. Trong 3 năm qua, lượng bò sống nhập khẩu từ Úc về VN giảm khá mạnh so với năm 2015 do các vấn đề giết mổ gia súc.
Bò nhập nhiều lợi thế cạnh tranh
Theo các hộ chăn nuôi bò thịt ở nhiều địa phương như Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Nai… tình trạng giá thịt bò giảm mạnh và ở mức thấp đã kéo sang năm thứ 2 nhưng vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Giá bò hơi được các thương lái trả giá 50.000-55.000 đồng/kg nhưng rất kén, phải chọn bò tốt, cho tỉ lệ thu hồi thịt cao mới mua. Ông Nguyễn Văn Hùng, một người đầu tư trang trại nuôi bò vỗ béo ở Đồng Nai cho biết, kế hoạch kinh doanh đã phá sản khi đến nay vẫn chỉ giữ trang trại ở mức gần 100 con vì nuôi nhiều hơn không có lời.
"Giá như thế này thì chỉ những hộ nuôi lấy công làm lời, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, cỏ ở địa phương còn có khả năng phát triển. Đầu tư chuồng trại quy mô lớn và cho ăn cám công nghiệp thì lỗ", ông Hùng cho hay.
Người tiêu dùng chọn mua thịt bò Úc của Vissan trong Co.opmart Q.7, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Hùng cũng cho biết, bò thịt trong nước bán ra ngày càng khó vì bò nhập khẩu ngày càng nhiều với đa dạng chủng loại hàng hóa và giá cả rất cạnh tranh, nên các lò mổ cũng như đơn vị kinh doanh thực phẩm thường chọn hàng nhập khẩu thay vì hàng nội địa.
Giám đốc một công ty kinh doanh thực phẩm tại TP.HCM cho biết, sau thời gian phát triển đến nay thịt bò nhập khẩu đã có mặt ở hầu hết các siêu thị, cửa hàng bán lẻ rồi đến các chợ lẻ, các bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, quán ăn…
Thịt bò nuôi trong nước chỉ còn ở một số cửa hàng có từ lâu đời phục vụ một nhóm khách hàng đã quen với hương vị thịt bò ta từ xưa.
Ông Nguyễn Đức Tâm, một đầu mối phân phối thực phẩm tươi sống tại TP.HCM cho hay, có những sản phẩm nước ngoài bán rất rẻ như chân, đuôi, nội tạng và xương trâu bò nhưng ở VN vẫn tiêu thụ tốt và giá khá cao.
Có những quán ăn nhà hàng chuyên dùng các loại này nhưng nếu mua trong nước sẽ không ổn định và giá cao nên họ sẽ chọn mua của các đơn vị nhập khẩu vì muốn bao nhiêu cũng có.
"Ngoài xương, chúng tôi đang nghiên cứu nhập khẩu thêm nước dùng xương từ Úc và New Zealand về phân phối trong nước. Đây là một xu hướng ăn uống đang thịnh hành ở nhiều quốc gia. Người tiêu dùng sử dụng nước dùng này để nấu ngay thay vì phải mua xương bò về hầm nhiều tiếng đồng hồ", ông Tâm chia sẻ.
Còn tiếp tục tăng
Khảo sát thị trường tại TP.HCM có thể thấy, ở tất cả các phân khúc thịt bò tiêu thụ trong nước, thịt bò ngoại đang chiếm ưu thế. Đối với thịt bò cao cấp dùng cho các nhà hàng hạng sang, khách sạn cao cấp thì có thịt bò Kobe Nhật Bản, thịt bò Mỹ xách tay, đông lạnh.
Đối với phân khúc thịt bò tươi ở các hệ thống bán lẻ hiện đại có thịt bò nhập nguyên con từ Úc về giết mổ và cung cấp. Đối với các phân khúc thấp hơn như bếp ăn công nghiệp, quán ăn, quán phở, bún bò… thịt bò đông lạnh chiếm ưu thế tuyệt đối.
Ngay cả thị bò tươi bán tại các chợ lẻ cũng có một lượng khá lớn là thịt đông lạnh nhập khẩu sau đó rã đông và bán ra dưới tên gọi thịt tươi hay thịt mát.
100.000 con bò Úc nhập về Việt Nam mỗi năm
Theo các nhà nhập khẩu bò Úc, sau khi đạt mức nhập khẩu trên 300.000 con vào năm 2015, lượng bò Úc về VN đã giảm đáng kể còn khoảng 100.000 con/năm trong các năm qua. Nguyên nhân là do Úc siết chặt xuất khẩu bò sang VN vì vướng các quy định về điều kiện ở các cơ sở giết mổ trong nước.
Nhưng trong hơn hai năm qua, các cơ quan chức năng của Úc cũng như các đơn vị kinh doanh trong nước đã phối hợp với nhau tổ chức nhiều khóa học về giết mổ gia súc theo tiêu chuẩn toàn cầu cũng như đầu tư vào hệ thống giết mổ hiện đại. Sau khi các điều kiện nói trên hoàn thiện, trong thời gian tới bò Úc sẽ trở lại VN với số lượng lớn.
Theo các đơn vị kinh doanh, thịt bò nhập khẩu sẽ còn tăng lên trong thời gian tới khi người dân chuyển dịch dần từ tiêu thụ thịt heo, gà sang thịt bò cũng như các hàng rào thuế và phi thuế giảm xuống.
Ông Nguyễn Đức Tâm cho hay, mới đây Bộ NN&PTNT ban hành tiêu chuẩn quốc gia về thịt mát. Đây là bước đầu trong việc tạo dựng hành lang pháp lý cho cả chuỗi từ giết mổ, phân phối và tiêu dùng thịt mát của VN trong thời gian tới. Với những yêu cầu cao về cơ sở hạ tầng cho giết mổ, cấp lạnh và bảo quản, chỉ có những đơn vị đầu tư lớn và bài bản mới tham gia được vào chuỗi này.
Theo đó, họ sẽ ưu tiên chọn nguồn thịt bò nhập khẩu vì số lượng lớn, giá cả ổn định quanh năm thay vì mua bò trong nước phải thu gom qua hệ thống các thương lái rất khó kiểm soát. "Hiện nay, có những công nghệ rã đông hiện đại có thể đưa miếng thịt đông lạnh về trạng thái thịt tươi, thịt mát mà không ảnh hưởng đến chất lượng.
Hiện đã có một số đơn vị bán thịt rã đông dưới tên thịt mát qua các siêu thị. Với việc giá thịt bò đông lạnh ở nhiều quốc gia khá thấp thì tương lai sẽ có thêm các đơn vị tại VN chọn hình thức kinh doanh này", ông Tâm cho biết.
“Đối với các hệ thống bán lẻ, họ sẽ mua thịt bò tươi từ các đơn vị giết mổ lớn. Đây chủ yếu là nguồn thịt bò sống nhập khẩu từ Úc về nuôi vỗ béo rồi giết mổ. Các bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, quán ăn không cần thịt bò tươi thì họ mua bò đông lạnh giá vừa rẻ, lại bảo quản được lâu” Giám đốc một công ty kinh doanh thực phẩm tại TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận