28/08/2011 09:30 GMT+7

Bố mẹ chồng cũng nên "cải thiện" cách ứng xử?

NGOCVTB
NGOCVTB

TTO - Xin bố mẹ chồng đừng quá "kể công", "đòi nợ", xin bố mẹ đừng áp đặt đời mình lên đời chúng con, đó là nhiều "lời năn nỉ" của không ít con dâu. Nhưng cũng có nhiều bạn đọc kể rằng, bố mẹ chồng của mình thật tuyệt.

QZ0sYDgQ.jpgPhóng to

Hạnh phúc của con cái luôn là điều mong ước của bố mẹ - Ảnh minh họa: từ Internet

Quá áp đặt chữ hiếu dễ dẫn đến nghịch lý

Nếu báo hiếu xong mà cũng hết cả cuộc đời bình thường của mình, thì thử hỏi, cha mẹ có nên sinh ra con nữa không?

Con cái chúng ta cũng có cuộc đời và nghĩa vụ của riêng chúng, tôi thấy lạ khi ở thời nay, có những người làm cha làm mẹ rất hay phàn nàn, đòi hỏi con cái, trong khi thừa hiểu, chúng kiếm được đồng tiền chẳng dễ dàng gì.

Chúng ta hãy cố gắng làm sao để con cái hiểu chúng ta đã cố gắng cả cuộc đời vì chúng nó, và chúng sẽ cố gắng giúp chúng ta khi chúng ta già yếu. Còn cứ đem chữ hiếu áp đặt buộc con cái phải giúp đỡ gia đình dòng họ thì sẽ dẫn đến nghịch lý, đạo đức giả, mà hậu quả thì khôn lường. Tôi thấy phẫn nộ cho những người làm con cuộc sống còn khó khăn nhưng lúc nào cũng phải gắng gượng lo cho chữ hiếu thật "hoành tráng".

Theo tôi, nếu là con, dù no hay đói thì cũng phải lo cho cha mẹ lúc về già. Nhưng nếu làm cha mẹ, có lẽ chúng ta nên biết tự lo cho bản thân mình, trước khi đòi hỏi con cái phải lo giúp mình. Còn họ hàng anh em nhà chồng hay nhà vợ, nếu giúp được thì tốt, nhưng không nhất thiết, không nên coi đó là chuyện nghĩa vụ.

Nhờ cậy thế hệ sau: tư tưởng phong kiến

Xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp khó khăn, bữa đói nhiều hơn bữa no, việc sinh con không được tính toán trước, thậm chí là suy nghĩ sinh càng đông con càng nhiều lao động, đã dẫn đến hậu quả là hầu hết các gia đình xưa đều đông con, nhiều chi phí.

Việc này kéo theo hầu hết các gia đình đều không có tài sản để dành và thế hệ già yếu trước phải trông cậy vào thế hệ sau khi sức lực không còn.

Nhưng trong thời buổi hiện đại, tiền kiếm dễ hơn, nhiều nhà có dư hơn, nhưng tư tưởng nhờ cậy thế hệ sau dù vẫn có khả năng lao động hay thậm chí là có tài sản để dành trong khi lớp trẻ mới lập gia đình cần tập trung vốn để kinh doanh hay chi tiêu trong thời buổi giá cả đắt đỏ đã gây ra nhiều mâu thuẫn, bất cập.

Vấn đề này nên giải quyết bằng thay đổi từ tư tưởng, phương cách sắp xếp chi tiêu. Mỗi gia đình nên nuôi con với tiêu chí là nuôi tương lai của mình, nhìn con mình phát triển là thấy chính mình phát triển chứ không phải nuôi con để nhờ về sau.

Chỉ nuôi con cho tới khi chúng có khả năng kiếm tiền và nên bắt đầu dành dụm cho tuổi già từ sớm. Khi con cái trưởng thành, chúng ta vẫn tiếp tục lao động và chi tiêu bằng thu nhập và tiền để dành khi già yếu. Khi làm được như vậy thì con cái được tự do phát triển còn cha mẹ không phụ thuộc vào con cái nữa và có thể sống thoải mái bằng tiền của mình.

Những món quà hay tiền biếu xuất phát từ tinh thần tự nguyện sẽ nâng cao tình cảm của cả hai bên.

“Bố mẹ đang rất đầy đủ”

Lấy chồng đã 14 năm, có với nhau hai đứa con, một ngôi nhà và những điều kiện cơ bản để đảm bảo rằng, các con được ăn học đàng hoàng tử tế, tôi luôn biết ơn mẹ chồng tôi.

Tôi là con út, chồng tôi là con trưởng trong gia đình có năm anh chị em. Lúc lấy nhau tôi cũng suy nghĩ khá nhiều vì con trưởng sẽ nặng gánh gia đình, vừa phải đền đáp bố mẹ, vừa lo cho các em sau. Thế nhưng, sau khi về nhà chồng, mọi thứ khác hoàn toàn.

Gia sản không nhiều nhưng bố mẹ chồng rất công bằng và phân minh. Năm người con, dù trai hay gái sau khi lập gia đình đều được chia một phần đất để xây dựng nhà cửa và làm ăn, dù không rộng rãi nhưng cũng đủ để được gọi là “mái ấm”. Tuy khá lớn tuổi nhưng mẹ chồng tôi còn khỏe mạnh và rất minh mẫn. Bà không chọn cách có con dâu trong nhà mà chọn cách có con cái chung quanh mình, quây quần với nhau. Với phần tài sản được cho như vậy, các anh chị em đều xây nhà và sống gần gũi với nhau và tất cả đều tự nguyện đỡ đần mẹ những công việc khác nhau, không ai tị nạnh ai.

Phần quan trọng nhất là đóng góp tiền phụng dưỡng cha mẹ. Đây có lẽ là vấn đề to lớn và căng thẳng với nhiều gia đình, nhưng với chúng tôi, nó vô cùng nhẹ nhàng và thoải mái. Quan điểm của bố mẹ chồng tôi khá rõ ràng, “Không phải bố mẹ cưới nhau, sinh con, nuôi các con khôn lớn, trưởng thành để sau này, các con đền đáp lại, chỉ cần khi lấy nhau về rồi, đứa nào cũng tu chí làm ăn, sống hòa thuận với nhau, nuôi dạy con cái cho tốt, giỏi giang, thành người tài là được. Bố mẹ vẫn có ngôi nhà từ xưa đến giờ để ở, vẫn có đồng ra đồng vào từ những thứ vặt vãnh trong nhà”, thế nên, bố mẹ chồng tôi từ chối những khoản đóng góp của các con, và nói những khoản đó để dành lo ăn học cho con cái của chúng tôi.

Với “chính sách” này của bố mẹ chồng, mấy anh chị em chúng tôi rào rào thẳng tiến với công việc làm ăn của mình và ai cũng xây dựng được cơ ngơi riêng, vừa đủ sống cho mình. Những áp lực “nàng dâu - mẹ chồng", những bức bối chuyện “tiền anh - tiền tôi” dường như không hiện hữu làm tôi cảm thấy mình thật là may mắn, may mắn vì có một gia đình hạnh phúc và may mắn vì có bố mẹ chồng không khác gì bố mẹ đẻ của mình.

Quả thực, đôi lúc tôi cảm thấy xấu hổ vì ngày xưa đã từng “lăn tăn” với suy nghĩ phải đóng góp cho bố mẹ chồng như một nghĩa vụ. Bây giờ, bố mẹ ngày càng lớn tuổi hơn, mắt đã mờ hơn, chúng tôi lại “lăn tăn” vì mong muốn được đóng góp cho bố mẹ nhưng bố mẹ lúc nào cũng nhỏ nhẹ: “Bố mẹ đang rất đầy đủ” khiến chúng tôi vô cùng nể phục.

Mẹ tôi chưa bao giờ phàn nàn con dâu

Mẹ tôi năm nay đã 90 tuổi, suy tim hơn 10 năm nên thường xuyên phải cấp cứu. Mỗi lần lên cơn đau tim, mẹ tôi lần bò ra xe đi viện chứ nhất định không cho con cháu bồng bế. Bà làm gì cũng ngại phiền hà cho con cháu.

Tiền chúng tôi đưa, mẹ cất và thỉnh thoảng cho lại con cái chúng tôi bằng quà của bà cho cháu vì có điểm 10, vì được lên lớp, vì đi học xa, hay khi lập gia đình... và rất nhiều lý do khác.

Mẹ tôi chưa bao giờ phàn nàn về những người con dâu, chưa bao giờ đòi hỏi gì ở những đứa con của mẹ, mặc dù mẹ tôi đã hy sinh rất nhiều để lo cho con cái ăn học và thành tài. Tôi cũng đã là mẹ, là bà, đang học theo cách sống của mẹ tôi. Tất cả những bà mẹ, dù già, dù trẻ, hãy sống vì con cháu, hãy rộng lượng, vị tha. Chúng ta sẽ không phải phân biệt mẹ chồng hay mẹ đẻ.

Của ít, lòng thơm thảo nhiều

Bố mẹ chồng tôi tuy rất nghèo nhưng không bao giờ muốn con cái mình phải báo hiếu mà chỉ mong sao chúng được vui vẻ, hạnh phúc là tốt rồi. Vợ chồng tôi hiện sống tại TP.HCM, hai bên nội ngoài đều ở ngoài Bắc. Bố mẹ chồng tôi đều cao tuổi. Hằng năm, vợ chồng tôi vẫn gửi cho ông bà chút ít, dù nhiều hay ít thì đó cũng là tấm lòng thơm thảo của các con. Và lần nào cũng vậy cứ nhận được tiền tôi gửi về là bà lại khóc và nói: "Bố mẹ đã không giúp được gì cho hai đứa, chúng mày còn khó khăn cứ để lo cho hai đứa con đi không phải lo cho bố mẹ đâu...".

Tôi biết ở quê các cụ cúng khó khăn nên thôi mình chi tiêu tiết kiệm lại một chút là được. Chồng tôi cũng rất vui và còn nói: "Vậy phải gửi cả cho ông bà ngoại nữa chứ!".

Chúng tôi lấy nhau được 10 năm, có hai con. một gái 9 tuổi, một trai sắp được một 1. Gia đình chúng tôi tuy còn khó khăn nhưng rất đầm ấm. Rất mong tất cả các bạn vượt qua khó khăn để vui vẻ và hạnh phúc!

Bạn có đang căng thẳng trong mối quan hệ với gia đình chồng? Bạn có lời khuyên nào cho bạn Bình Nguyên? Mọi ý kiến vui lòng gửi theo công cụ dưới bài hoặc về email [email protected]. Vui lòng sử dụng font chữ có dấu tiếng Việt.

Tiền của vợ chồng là của bố mẹ chồng?Xin bố mẹ chồng hãy để con yên!Báo hiếu nhà chồng bao nhiêu là đủ? Con dâu "kém hiểu biết" mới cắn đồng tiền vỡ đôi?Vì sao tôi phải lén vợ gửi tiền về cho mẹ?Tại sao phải báo hiếu bằng tiền?"Xuất giá tòng phu", không nên than vãn?

NGOCVTB
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên