Bạn Vũ Hải Nam được vinh danh tại một giải thưởng về khởi nghiệp công nghệ - Ảnh: NAM VŨ
Ở Hải Nam luôn có những góc nhìn tích cực, chủ động biến nguy thành cơ khi đại dịch ập đến...
Thay vì tránh, nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề
Tốt nghiệp loại giỏi ĐH FPT và có thời gian dài làm việc tại nhiều tập đoàn lớn trong lẫn ngoài nước, giành học bổng giáo sư để học thẳng lên tiến sĩ tại Mỹ, có sản phẩm công nghệ giành giải cao ở nhiều cuộc thi lớn... là những điểm nhấn "học thuật" về Hải Nam. Dẫu vậy, gương mặt startup trên lại có ngoại hình, cách trò chuyện lẫn làm việc trẻ trung, đầy năng lượng.
Nói về khởi nguồn ý tưởng tMonitor, Hải Nam cho biết trước đây bạn từng chứng kiến một sự cố cháy nổ tại tòa nhà làm việc vào năm 2015.
"Tuy sự cố không gây thiệt hại đáng kể về người nhưng lại khiến tôi không ngừng trăn trở. Tôi luôn nghĩ về việc làm sao có thể giảm thiểu rủi ro về mạng sống, hạn chế những mất mát mỗi khi có vấn đề phát sinh ở các công ty, nhà máy... Và tôi tìm thấy hướng đi cho vấn đề đó khi nghiên cứu về ứng dụng mạng lưới cảm biến để quản trị khủng hoảng.
Nói cách khác, tôi nhận ra chúng ta hoàn toàn có thể bảo vệ sức khỏe người lao động và góp phần tăng năng suất làm việc của họ thông qua việc cải thiện chất lượng không khí", bạn nhớ lại. Sau đó, Hải Nam ra một quyết định táo bạo là từ bỏ học bổng toàn phần một trường đại học danh tiếng tại Mỹ để đi theo tiếng gọi start-up.
Lựa chọn này của Hải Nam cũng là để giải một "bài toán" đầy trăn trở khác là giữa các nghiên cứu và thực tiễn hiện luôn tồn tại khoảng cách, nhiều nghiên cứu chỉ dừng lại ở lý thuyết. Bạn muốn nghiên cứu, ý tưởng của mình phải có hơi thở của cuộc sống, thật sự cải thiện được nó và tạo giá trị tích cực cho cộng đồng.
tMonitor dùng trí tuệ nhân tạo (AI) cảnh báo chất lượng không khí theo thời gian thật, và điểm nhấn của ứng dụng là các phân tích, dự đoán đều theo không khí đặc thù của khu vực nhiệt đới gió mùa của Việt Nam.
Dẫu có kiến thức chuyên môn phần mềm lẫn thâm niên làm việc, giai đoạn đầu start-up của bạn vẫn gặp không ít thử thách. "Chẳng hạn chúng tôi không có nhiều kiến thức về phần cứng cũng như môi trường nên chúng tôi gặp vô số khó khăn về các tiêu chuẩn phân tích chất lượng không khí trên thế giới trong giai đoạn phát triển sản phẩm, nhiều thử thách trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về các thiết bị mạng lưới ghi nhận...", bạn nói.
Sau khoảng thời gian miệt mài nghiên cứu, nhận được sự đồng hành từ nhiều đối tác, chuyên gia đầu ngành... ứng dụng trên dần hoàn thiện và đạt được các chứng nhận đảm bảo uy tín.
Chẳng hạn về phần cứng của tMonitor, các thiết bị cảm biến đo chất lượng không khí (13 chỉ số) đều được thiết kế và liên kết chặt chẽ với nhau nhằm hạn chế tối đa lỗi và đảm bảo khả năng chịu tải cao với cường độ hoạt động 24/7. Các cảm biến được chứng nhận kiểm định và hiệu chuẩn định kỳ bởi Trung tâm Phân tích và môi trường - cơ quan được cấp phép chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường bởi Bộ Tài nguyên và môi trường.
Chọn không thỏa hiệp
Khi sản phẩm dần "chín muồi", tMonitor nhận được sự quan tâm và ghi nhận từ cộng đồng lẫn giới start-up. Gần đây nhất, tMonitor vượt qua 2.000 đối thủ để trở thành quán quân cuộc thi khởi nghiệp Start-up Wheel 2021, nhận được sự "đỡ đầu" của một tập đoàn hàng đầu của Mỹ, trước đó ứng dụng đoạt giải nhất cuộc thi IoT Start-up 2019, vô địch khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong cuộc thi dành cho các sản phẩm ứng dụng AI được Tập đoàn IBM tổ chức tại Mỹ năm 2018...
Nói về COVID-19, Hải Nam cho biết đại dịch có ảnh hưởng đến tình hình tài chính, nhân sự và nhất là khâu sản xuất bị đình trệ. Các bạn phải tìm cách đổi mới, tinh gọn quá trình làm việc để thích nghi với điều kiện mới, rất nỗ lực để chi trả lương đầy đủ cho nhân sự. Dẫu vậy, bạn vẫn thấy một "điểm sáng" là đại dịch giúp mọi người nhận thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng của việc hít thở không khí trong lành để có sức khỏe tốt.
Nhìn lại, Hải Nam cho biết bản thân rất may mắn khi luôn nhận được sự ủng hộ của gia đình.
Nói về tham vọng trong tương lai gần, bạn cho biết đó là có thể tìm kiếm thêm các quỹ đầu tư và đối tác để tiếp tục tối ưu hóa công nghệ AI, sản xuất thiết bị phần cứng và mở rộng thị trường, từ đó lắp đặt được nhiều hơn nữa những thiết bị quan trắc tại nhà máy, trường học, văn phòng... để góp phần đảm bảo sức khỏe mọi người, tăng năng suất lao động.
Dẫu vậy bạn cho biết hiện tMonitor đã từ chối lời đề nghị từ một số nhà đầu tư. "Chủ yếu là do chúng tôi chưa thật sự hợp nhau. Một khi đã xác định nhận vốn đầu tư của một quỹ nào đó, chúng tôi luôn cố gắng để xem hai bên có phù hợp về sứ mệnh, tầm nhìn hay nói cách khác là nhìn trước xem quá trình hợp tác đó có thể lâu dài, bền vững hay không", Hải Nam cho biết.
Họp báo giới thiệu Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up lần 3
Được tổ chức từ năm 2019, chuỗi hoạt động thường niên Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up 2022 do báo Tuổi Trẻ phối hợp Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức đã thu hút hàng trăm dự án khởi nghiệp thành công tại TP.HCM và nhiều nơi trên cả nước gửi về tham dự.
Giải golf là một sự kiện quy tụ gần 400 gôn thủ tranh tài, nhiều doanh nhân có những câu chuyện khởi nghiệp thú vị muốn chia sẻ cho giới trẻ và nâng bước thế hệ đàn em trên con đường khởi nghiệp. Thông qua chương trình, nhiều giải thưởng giá trị đã được trao cho các gôn thủ xuất sắc và những gương mặt start-up tiêu biểu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Năm nay, ngoài diễn đàn "Cảm hứng khởi nghiệp" được mở trên báo Tuổi Trẻ điện tử tại địa chỉ: tuoitre.vn, chương trình còn có buổi giao lưu của các nhà khởi nghiệp trẻ với các gôn thủ vào đêm gala 25-3, buổi chia sẻ "Cảm hứng khởi nghiệp" vào ngày 31-3. Một số start-up tiêu biểu được hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: Công ty CP PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông, Hưng Thịnh Land, FE Credit, Number 1, Volvo Car Việt Nam, An Hòa, Tân Thuận CT&D, Esuhai...
Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: [email protected].
MINH HUỲNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận