Biển Đông sẽ lành hay dữ?

DANH ĐỨC 13/07/2016 05:07 GMT+7

TTCT - Yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị Tòa trọng tài thường trực (PCA) bác. Tình hình biển Đông sẽ ra sao? Mời đọc lại một bài phân tích trên TTCT.

Phán quyết thụ lý vụ kiện của Philippines của PCA đã chọc giận Trung Quốc -filipinostarnews.com
Phán quyết thụ lý vụ kiện của Philippines của PCA đã chọc giận Trung Quốc -filipinostarnews.com

Liệu việc Trung Quốc giảm mức tăng ngân sách quốc phòng có đồng nghĩa với nước này sẽ giảm cường độ hoạt động quân sự trên Biển Đông? E rằng thực tế không cho phép lạc quan.

Quả là ngân sách quốc phòng Trung Quốc sẽ “chỉ” tăng 7,6% trong năm 2016, ít hơn so với các năm trước, song điều đó không ngăn cản Chính phủ Trung Quốc đề ra mục tiêu “tăng cường sự hiện diện trên biển và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cùng bảo đảm an toàn cho sự tự do hàng hải trong các vùng biển do Trung Quốc quản lý”, theo dự thảo kế hoạch 5 năm công bố cuối tuần trước, được dẫn lại trên South China Morning Post (SCMP) ngày 5-3.

“Xử lý các láng giềng xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc”

SCMP bình luận thêm: “Các cam kết này được đưa ra giữa lúc căng thẳng ngày càng tăng giữa Trung Quốc với các láng giềng của Trung Quốc và Mỹ về việc Bắc Kinh gia tăng thực thi chủ quyền trên biển Hoa Đông và Hoa Nam (tức Biển Đông)”.

Phải tinh ý mới nhận ra sự thay đổi trật tự trong bài bình luận của SCMP, một tờ báo được coi là thân Bắc Kinh ở Hong Kong. SCMP đã đưa “căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc với các láng giềng của Trung Quốc” lên trước “căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ”, dù trên thực tế từ cuối năm ngoái, những xung đột trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc mới là vấn đề nóng nhất liên quan đến thời sự Biển Đông, cả trên biển lẫn trong các phát biểu.

Có thể thấy qua thứ tự đó việc chọn lựa “đối tượng” có chủ ý từ Bắc Kinh và “đối tượng ưu tiên” đang là các nước láng giềng của Trung Quốc chứ không phải Mỹ.

SCMP cũng nhắc rằng trong bản kế hoạch 5 năm trước, những căng thẳng trên biển chỉ được đề cập rất ngắn gọn, trong khi bản dự thảo kế hoạch 5 năm mới dành cả một chương cho vấn đề này, cùng hứa hẹn “sẽ tăng cường thực thi pháp luật trên biển và xử lý một cách thích đáng các xâm phạm đến chủ quyền trên biển của Trung Quốc”.

Tổng hợp hai chi tiết đó, có thể thấy trong 5 năm tới: (1) “Vấn đề” căng thẳng gia tăng then chốt là với các nước láng giềng của Trung Quốc; (2) Căng thẳng là do các nước “xâm phạm chủ quyền trên biển” của Trung Quốc (tất nhiên, theo quan điểm của Trung Quốc); (3) Do đó, Trung Quốc sẽ thực thi chủ quyền hơn nữa và xử lý mọi xâm phạm chủ quyền đến cùng.

Tại sao lại có sự “ưu tiên xử lý” “các nước láng giềng xâm phạm chủ quyền Trung Quốc”, chứ không phải Mỹ? Thật dễ hiểu, các nước láng giềng hầu hết đều yếu hơn nhiều so với Trung Quốc, trong khi Mỹ đang muốn chứng tỏ họ không phải là “con hổ giấy” như lời Mao Trạch Đông thời chiến tranh lạnh.

Trong mắt Trung Quốc, các nước láng giềng, với việc tiếp tục cố gắng bám trụ ở những vùng biển - đảo tranh chấp (và cả vùng biển quốc tế), đã và đang thường trực “xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc”, trong khi Mỹ họa hoằn mới làm thế qua các chuyến tuần tiễu nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải của các bên ở Biển Đông.

Thành ra, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mới nêu việc xử lý các láng giềng “xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc” như là mối căng thẳng gia tăng đầu tiên, sau đó mới tới Mỹ. Đây là một chọn lựa chiến lược tiếp sau tuyên bố ngày 30-10-2015 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp lại việc Tòa án trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan nhận thụ lý vụ kiện của Philippines với Trung Quốc ở PCA về chủ quyền trên Biển Đông.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết: “Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi nơi các đảo ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) cùng các vùng biển lân cận.

Chủ quyền và các quyền hạn liên quan của Trung Quốc ở Nam Hải, được cấu thành trong suốt lịch sử, đã được các chính phủ liên tiếp của Trung Quốc duy trì, được tái khẳng định nhiều lần bởi các đạo luật quốc gia của Trung Quốc và được bảo vệ bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS)”.

Qua tuyên bố này, Trung Quốc đã lấn thêm một bước trong quan điểm thực tế về Biển Đông. Bắc Kinh từ nay coi các nước khác có mặt ở vùng biển này là hành vi “xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc” và từ nay trở đi sẽ “xử lý xâm phạm”, chứ không chỉ công bố chủ quyền “suông” như trước nữa.

Tình hình càng căng thẳng khi càng gần đến ngày PCA ra phán quyết, có thể trong tháng 5 tới. Những ồn ào về các sự cố trên rạn Hải Sâm mới đây hay chuyện tàu vận tải Hải Đăng của Việt Nam bị cản trở tháng 12-2015 chỉ là những minh họa chuẩn bị cho kịch bản “nước này, nước kia đã xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc”.

Mặt trận pháp lý

Trung Quốc rõ ràng “không ưa” việc bị kiện ở PCA và đã tỏ rõ thái độ phủ định thẩm quyền của PCA một cách chính thức bằng các văn bản liên tiếp ngày 1-8-2013 và 7-12-2014, cùng các văn bản sau đó.

Trung Quốc nhắc lại rằng lập trường của Trung Quốc là không chấp nhận sự trọng tài do Philippines khởi động”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng như thế sau tuyên định ngày 29-10-2015 của PCA thông báo sẽ thụ lý vụ kiện.

Song, thái độ phủ định quyết không chịu “đáo tụng đình” đó dù sao cũng chỉ là bị động, nay Trung Quốc cho thấy sẽ bày tỏ thái độ và có hành động thực tế, chủ động hơn, mang tính tấn công và áp đặt ở Biển Đông.

Hai tháng trước ngày PCA dự kiến đưa ra phán quyết, Global Times ngày 3-3 đăng bài viết với tựa đề: “Rút khỏi UNCLOS là lựa chọn còn lại của Trung Quốc sau phán quyết của tòa án”.

Tác giả bài này là một giáo sư công pháp quốc tế người Đức tên Stefan Talmon, đồng giám đốc Viện công pháp quốc tế, Đại học Bonn (Đức), một chuyên gia về các vấn đề trọng tài trong các tranh tụng hàng hải quốc tế.

Giáo sư luật nổi tiếng này viết: “Trong nhiều năm, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã ủng hộ mạnh mẽ UNCLOS. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Trung Quốc gần đây là công ước, và đặc biệt các quy định của công ước về việc giải quyết tranh chấp bắt buộc, có thể bị khai thác bởi các quốc gia khác vì lý do chính trị”.

Ông Talmon đã “cãi hộ” Trung Quốc khi phê phán tuyên định thụ lý vụ kiện với nguyên đơn là Philippines của PCA:

Trong khi tòa thừa nhận rằng một tranh chấp trong luật pháp quốc tế đòi hỏi phải có “sự đối kháng xác thực được” giữa các bên, thì tòa đã không, và đã không thể, chứng tỏ có một sự đối kháng như thế (trong trường hợp này), mà thay vào đó chỉ thiết lập cơ sở cho vụ tranh chấp “bằng suy luận””.

Nôm na mà nói, theo giáo sư Talmon, PCA đã không thể triệu tập đủ hai bên thì sao có thể tiếp tục thụ lý vụ kiện.

Không khác gì một luật sư phát biểu cho thân chủ của mình, ông Talmon viết tiếp: “Nếu tuyên định của tòa..., dự kiến được đưa ra sau đây trong năm 2016, xác định vụ “tranh chấp” này theo cách xâm hại chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở quần đảo Nam Sa, Trung Quốc có thể xem xét rút khỏi công ước.

Theo điều 317 của UNCLOS, một quốc gia thành viên có quyền hủy ước bằng thông báo văn bản cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và có thể chỉ ra lý do của mình. Việc hủy ước như thế sẽ có hiệu lực một năm kể từ ngày nhận được thông báo”. Tức là ông Talmon thay Trung Quốc đe dọa sẽ rút khỏi UNCLOS nếu như phán quyết từ PCA không vừa ý họ.

Ông Talmon cũng nói thẳng tại sao Trung Quốc nên rút khỏi UNCLOS: “Mặc dù không thể lấy việc hủy ước làm lý do hủy bỏ các nghĩa vụ đã cam kết, trong tương lai nước này (Trung Quốc) sẽ được bảo vệ khỏi những tuyên bố tương tự được đưa ra từ Việt Nam, Indonesia hoặc Malaysia ở biển Hoa Nam (tức Biển Đông) cũng như Nhật Bản ở biển Hoa Đông”.

Diễn dịch cho dễ hiểu: việc rút khỏi UNCLOS sẽ khiến Trung Quốc thoát hẳn những vụ kiện cáo lôi thôi như của Philippines hiện giờ tại PCA.

Có thể thấy Trung Quốc không chỉ phản ứng với phán quyết dự kiến của PCA, mà còn “chặn đầu” khả năng các nước khác cũng đâm đơn kiện theo kiểu tác động dây chuyền. PCA và những vấn đề pháp lý trên biển chính là một “mặt trận” khác mà ông Lý Khắc Cường hô hào Trung Quốc phải “chuẩn bị sẵn sàng”. Bởi thế, những chuyên gia luật biển tầm cỡ như Stefan Talmon mới xuất hiện trên Global Times.

Trước bài viết ngày 3-3, ông Talmon từng viết chung với học giả Trung Quốc ở Đại học Thanh Hoa Jia Bing Bing (Giả Binh Binh) quyển sách in năm 2013 The South China Sea Arbitration: A Chinese Perspective (tạm dịch: Trọng tài về biển Nam Hải: góc nhìn Trung Quốc).

Cuốn sách bảo vệ quan điểm và thái độ của Trung Quốc một cách rất công phu, quả quyết rằng yêu sách đường chín đoạn ăn khớp với luận cứ “vùng biển lịch sử”.

Và Talmon chỉ là một trong vô số chuyên gia ở tầm cỡ thế giới sẽ còn lên tiếng kiểu này, điều minh họa cho sức mạnh tổng lực mà Bắc Kinh đang dồn vào Biển Đông, không chỉ trên phương diện quân sự mà cả pháp lý, truyền thông.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương -jacl.org
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương -jacl.org

 Đụng độ với Mỹ?

Những ngày này, chính xác là từ sau chuyến đi khẳng định tự do hàng hải của chiến hạm USS Curtis Wilbur bên trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, Bắc Kinh đang ra sức chỉ trích đô đốc Harry Harris - tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ.

Global Times ngày 4-3 cáo buộc “Harris đang làm Nam Hải dậy sóng”. Chẳng qua, chiếc USS Curtis Wilbur, thừa lệnh đô đốc Harris, đã tiến sát đảo này một cách rất “tự do”, chẳng buồn thông báo hay xin phép gì cả, chứng tỏ không xem đảo đó thuộc chủ quyền Trung Quốc như Trung Quốc đang rêu rao.

Việc hạm đội 7 nay thản nhiên tung tàu chiến vào Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đã xây xong sân bay, lắp xong đài rađa, cắm tên lửa đối không tầm xa, hoàn toàn khác với việc tuần dương hạm USS Cowpens hôm 5-12-2013 bị một tàu hải quân Trung Quốc ép đến nỗi phải bẻ lái tránh va chạm và sau đó phía Mỹ chỉ than rằng hải quân Trung Quốc “thiếu chuyên nghiệp”. Những cảnh bị ép húc như chiếc USS Cowpens giờ đã là dĩ vãng.

Với đô đốc Harris, nhậm chức tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương ngày 27-5-2015, cùng tân Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, nhậm chức tháng 9-2014, cục diện thực tế Thái Bình Dương đã lần hồi thay đổi với một đô đốc dày dạn chiến trường (từ hai cuộc chiến Iraq và Libya) và một bộ trưởng quốc phòng chuyên nghiệp, chứ không phải chính khách dân sự như người tiền nhiệm Chuck Hagel.

Từ khi đô đốc Harris cầm quân ở Thái Bình Dương, Global Times có tin bài chỉ trích ông này gần như mỗi tuần, rằng ông Harris, tức là nước Mỹ, đang sinh sự với họ.

Khả năng xảy ra đụng độ lớn Trung - Mỹ vẫn là rất thấp. Hiện giờ cả hai bên vẫn chỉ dừng lại ở một cuộc thi đấu võ mồm, nhưng bối cảnh đang dần thay đổi khi Bắc Kinh giờ đang hướng mục tiêu sang các nước nhỏ, với cáo buộc họ “xâm phạm chủ quyền Trung Quốc”. Biển Đông, xem ra, vẫn lành ít dữ nhiều.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận