25/04/2025 07:00 GMT+7

Biến cố tồi tệ nhất lịch sử: Còn chưa tới 20% rạn san hô trên thế giới có màu sắc

Báo cáo từ Tổ chức Sáng kiến Rạn san hô quốc tế (ICRI), hiện tượng tẩy trắng rạn san hô đang diễn ra với quy mô chưa từng có, ảnh hưởng đến 84% các rạn san hô trên toàn đại dương, mức độ nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận.

san hô - Ảnh 1.

Tình hình san hô bị tẩy trắng tồi tệ đến mức NOAA buộc phải bổ sung các mức cảnh báo mới vào thang đo hiện tượng tẩy trắng của mình, do mức độ rủi ro tử vong ở san hô ngày càng tăng cao - Ảnh: REUTERS

"Trong tương lai, chúng ta có thể sẽ không bao giờ còn được chứng kiến mức nhiệt dưới ngưỡng gây tẩy trắng toàn cầu nữa. Đây là hiện tượng đang làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của hành tinh và khả năng duy trì sự sống cũng như sinh kế từ đại dương của chúng ta", Hãng tin AP dẫn lại lời cảnh báo của tiến sĩ Mark Eakin, thư ký phụ trách của Hội San hô quốc tế và cựu giám đốc chương trình Theo dõi Rạn san hô thuộc Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA), hôm 23-4.

Đây là đợt tẩy trắng toàn cầu thứ tư kể từ năm 1998, và đã vượt qua mức độ thiệt hại của sự kiện năm 2014-2017, vốn ảnh hưởng đến khoảng hai phần ba các rạn san hô trên thế giới. Cuộc khủng hoảng hiện tại bắt đầu từ năm 2023 và được cho là do hiện tượng nóng lên của đại dương, một hệ quả trực tiếp của biến đổi khí hậu.

Năm 2023 cũng được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử Trái đất. Nhiệt độ trung bình của bề mặt đại dương (trừ các vùng cực) đạt mức kỷ lục 20,87 độ C, một mức nhiệt có thể gây chết san hô. 

Điều này đặc biệt nguy hiểm vì san hô không chỉ là nơi sinh sống của khoảng 25% loài sinh vật biển mà còn đóng vai trò thiết yếu trong ngành thủy sản, du lịch và bảo vệ bờ biển trước xói mòn và thiên tai. San hô được ví như "rừng mưa của đại dương" vì mức độ đa dạng sinh học cao mà chúng hỗ trợ.

san hô - Ảnh 2.

San hô có màu sắc rực rỡ nhờ vào các loài tảo cộng sinh sống bên trong chúng, nhưng hiện nay phần lớn san hô chỉ còn lại màu trắng buồn thảm - Ảnh: Petr Kratochvil/creative commons

San hô có màu sắc rực rỡ nhờ vào các loài tảo cộng sinh sống bên trong chúng, cung cấp dinh dưỡng thông qua quá trình quang hợp. Tuy nhiên, khi nhiệt độ nước tăng cao trong thời gian dài, các loài tảo này bắt đầu tạo ra các hợp chất độc hại, buộc san hô phải thải chúng ra ngoài. Kết quả là rạn san hô chuyển sang màu trắng bệch, để lộ bộ xương vôi bên trong, và trở nên suy yếu nghiêm trọng, có thể dẫn đến chết hàng loạt.

Trên thế giới, nhiều sáng kiến đang được triển khai nhằm bảo tồn và phục hồi san hô. Một phòng thí nghiệm tại Hà Lan đã nuôi dưỡng các mảnh san hô lấy từ vùng biển Seychelles trong môi trường nhân tạo để sau này có thể tái thả ra đại dương. Tại Florida (Mỹ), một số dự án cứu hộ đã đưa san hô ra khỏi môi trường nhiệt độ cao để hồi phục trước khi thả lại về biển.

Tuy vậy, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng giải pháp căn cơ nhất là phải giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là CO₂ và methane, vốn chủ yếu phát sinh từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

san hô - Ảnh 3.

Nếu không có giải pháp quyết liệt, chúng ta sẽ không còn nhiều cơ hội thấy được vẻ đẹp kỳ ảo của đại dương như vậy nữa - Ảnh: Beyzon

Tiến sĩ Eakin khẳng định: "Cách tốt nhất để bảo vệ rạn san hô là giải quyết tận gốc vấn đề biến đổi khí hậu. Nếu không giảm lượng khí thải từ hoạt động của con người, mọi nỗ lực khác chỉ là giải pháp tạm thời như miếng dán băng gạc lên vết thương sâu".

Tiến sĩ Melanie McField, đồng chủ tịch Ủy ban điều phối vùng Caribê của Mạng lưới Giám sát Rạn san hô toàn cầu (GCRMN), cảnh báo rằng sự thờ ơ chính là dấu chấm hết cho hệ sinh thái san hô. "Mọi người cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình. Sự thụ động chính là 'nụ hôn từ thần chết' dành cho rạn san hô".

Cảnh báo đáng lo ngại này được đưa ra trong bối cảnh một số chính phủ vẫn thúc đẩy sử dụng nhiên liệu hóa thạch và rút lại các chương trình năng lượng sạch với lý do tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, những hành động như vậy có thể để lại hậu quả sinh thái vô cùng nghiêm trọng và lâu dài.

Biến cố tồi tệ nhất lịch sử: còn chưa tới 20% rạn san hô trên thế giới có màu sắc  - Ảnh 4.Đại dương nóng lên 'bóp nghẹt' rạn san hô lớn nhất thế giới

Nhiệt độ nước biển xung quanh rạn san hô Great Barrier của Úc đã tăng lên mức cao nhất trong 400 năm qua, khiến các chuyên gia lo ngại nguy cơ đe dọa sự tồn tại của rạn san hô lớn nhất thế giới này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên