Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & đầu tư Võ Hồng Phúc:
Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & đầu tư Võ Hồng Phúc |
Được chỉ định tham gia thảo luận tại hội trường ngày 29-10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & đầu tư Võ Hồng Phúc đã làm hài lòng các đại biểu Quốc hội bằng việc “gãi đúng chỗ ngứa” vào hai vấn đề nóng bỏng hiện nay: nợ xây dựng cơ bản và đầu tư dàn trải.
“Bản thân chúng tôi cũng rất bức xúc. Tron
g phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đây, Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng đây gần như là hai căn bệnh kinh niên, kéo dài từ thời bao cấp đến giờ vẫn chưa chữa được” - ông Phúc nói.
Bộ GTVT và Bộ NN&PTNT nợ nhiều nhất!
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết căn cứ báo cáo các bộ, ngành, địa phương, khoản nợ đọng xây dựng cơ bản lên tới 11.000 tỉ đồng, trong đó địa phương chiếm 7.500 tỉ, trung ương 3.500 tỉ. Gần như tỉnh nào cũng nợ và nợ cao, chỉ có ba địa phương là TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai không nợ.
Ở trung ương, Bộ GTVT và Bộ NN&PTNT nợ nhiều nhất, dồn chủ yếu vào các công trình giao thông và thủy lợi. Qua rà lại bước đầu, trừ số nợ được coi là hợp lý (đáp ứng một số điều kiện như có nguồn vốn bội chi ngân sách theo kế hoạch, được ghi trong danh mục đầu tư hằng năm và được đưa vào sử dụng từ năm 2001-2002), khoản nợ đọng của các địa phương giảm xuống còn trên 3.000 tỉ, của trung ương còn khoảng 1.000 tỉ.
Tình trạng vừa nêu xuất phát từ ba nguyên nhân: nguồn vốn có hạn, chỉ đáp ứng 50-60% nhu cầu đầu tư; các bộ, ngành buông lỏng công tác quản lý; cơ quan chuyên môn, đặc biệt có Bộ Kế hoạch & đầu tư đã không kiên quyết phát hiện, giám sát kịp thời.
Bộ Kế hoạch & đầu tư đề nghị xử lý nợ đọng theo hướng: các tỉnh thành trích ngân sách của mình bố trí một phần, phần thứ hai có thể lấy từ nguồn vượt thu ngân sách 2003 (sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét), còn lại dứt khoát lấy kế hoạch 2004 trừ nợ.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói: “Chúng tôi mong rằng nghị quyết QH kỳ này sẽ ghi rõ một câu: ngân sách trung ương 2004 không bố trí thanh toán nợ cho bất kỳ trường hợp nào ngoài kế hoạch, vì nếu không, các địa phương không nợ sẽ bị thiệt thòi. Quốc hội cần khẳng định năm nay là năm cuối cùng xử lý nợ bằng ngân sách trung ương, từ năm sau không như vậy nữa”.
Đầu tư dàn trải: QH cần ra tay!
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết năm 2003 có đến 10.600 công trình và dự án (tăng 2.500 so với năm ngoái), trong đó nhóm A chỉ chiếm 89 công trình, còn lại đều thuộc nhóm B và C. Theo phân cấp, dự án hai nhóm này do bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh quyết định. Tình hình đó sinh ra đầu tư dàn trải ở nhiều tỉnh, nhiều bộ.
Nếu đúng qui định hiện hành, dự án nhóm B bốn năm phải xong, dự án nhóm C hai năm phải xong nhưng thực tế hiện nay có khi mất 7-10 năm mới có thể hoàn thành. Chẳng hạn như Bộ GTVT, nếu cộng nhóm B, C lại thì có khoảng 250 dự án. Với khả năng bố trí vốn mỗi năm chừng 250 tỉ, chúng ta phải mất hàng chục năm nữa mới xong. Nguyên nhân là do trước đây chúng ta phân cấp mà không kiểm tra, không giám sát.
Bộ trưởng Phúc nói: “Tôi có nói anh Đào Đình Bình (bộ trưởng Bộ GTVT - PV) bây giờ anh đang phải gánh những gánh nặng để lại từ những người tiền nhiệm. Tình hình ở một số địa phương cũng vậy thôi. Cho nên tôi rất đồng tình với đề nghị của một số đại biểu là thế này: từ nay trở đi, mỗi lần tỉnh nào, bộ nào bố trí công trình thì ngay đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương đó phải tiến hành giám sát. Chứ nếu không, chúng ta nêu mãi vấn đề dàn trải mà không ai xử lý cả, khiến tình trạng cứ kéo dài năm này sang năm khác, kỳ này sang kỳ khác. Tôi đề nghị Quốc hội kỳ này ra tay: danh mục đầu tư có vấn đề gì thì phát hiện kịp thời để đình chỉ ngay những dự án không cần thiết”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận