
Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh - Ảnh: T.L
- Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời:
Đối với câu hỏi của anh, để đảm bảo quyền lợi của anh được hưởng chế độ hưu trí trong trường hợp nghỉ việc trước tuổi nghỉ hưu này, tôi xin đưa ra tư vấn như sau:
Theo thông tin anh cung cấp, anh sinh tháng 5-1965 và xin nghỉ việc vào tháng 7-2024, tức là tại thời điểm nghỉ việc thì tuổi đời của anh là 59 tuổi 2 tháng.
Căn cứ điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019, điều 4 nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18-11-2020 của Chính phủ thì vào năm 2024, tuổi nghỉ hưu của anh theo đúng quy định của pháp luật là 61 tuổi, nhưng tại thời điểm này anh nghỉ việc khi chỉ mới đủ 59 tuổi nên chưa đủ tuổi, chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Tuy nhiên, theo thông tin anh cung cấp thì anh bị bệnh nhồi máu não nên không thể tiếp tục làm việc, tức là anh thuộc trường suy giảm khả năng lao động.
Điều 5 nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18-11-2020 quy định về các trường hợp người lao động được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường, trong đó có bao gồm trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động.
Tại thời điểm nghỉ việc, tuổi của anh (59 tuổi) chỉ thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường là 2 tuổi nên vẫn đủ điều kiện xem xét theo quy định pháp luật.
Do đó trường hợp này anh cần đi giám định suy giảm khả năng lao động để được giải quyết hưởng lương hưu, cụ thể như sau:
Căn cứ khoản 1 điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi khoản 1 điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động thì:
Điều kiện cần để xem xét là về thời gian đóng bảo hiểm xã hội: Khi nghỉ việc phải có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên. Điều kiện này anh đã đáp ứng được vì thời gian anh đóng bảo hiểm xã hội đến khi nghỉ việc là hơn 30 năm.
Điều kiện đủ là về mức suy giảm khả năng lao động, độ tuổi và trường hợp làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành: Do tuổi của anh khi nghỉ việc thấp hơn tuổi nghỉ hưu mà luật quy định 2 tuổi nên anh chỉ cần đáp ứng điều kiện: Có mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Ngoài ra, do anh không cung cấp thông tin công việc cụ thể và không rõ thời gian anh tham gia bảo hiểm xã hội có đồng nhất với thời gian công tác hay không, nên nếu như anh làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành thì ngoài việc anh phải đáp ứng mức suy giảm lao động phải từ 61% trở lên thì còn phải thỏa mãn thời gian làm việc đủ 15 năm trở lên.
Mặt khác, nếu kết quả giám định mức suy giảm khả năng lao động của anh dưới 61% thì anh phải bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đợi đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, tức là tháng 12-2026 mới đủ điều kiện được hưởng chế độ hưu trí.
Như vậy, trường hợp của anh thì việc anh cần làm là thực hiện giám định mức suy giảm khả năng lao động.
Nếu mức suy giảm khả năng lao động từ đủ 61% trở lên thì anh sẽ được hưởng lương hưu dù chưa đủ tuổi nghỉ hưu.
Nếu mức suy giảm khả năng lao động của anh dưới 61% thì anh vẫn có thể xin nghỉ hưu sớm và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn

Đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận