Phóng to |
Trong ảnh là các em đang chuẩn bị cho kỳ thi thi vào lớp 1 ở một số trường tiểu học ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội. - Ảnh tư liệu |
Phụ huynh sao toàn đổ lỗi cho nền giáo dục?Con tôi lớp 1 thi giữa kỳ về bị sốt, phải nghỉ họcHọc sinh lớp 1 kiểm tra giữa kỳ như... thi đại học
TTO xin trích đăng:
Sự thực, làm cha làm mẹ ai cũng muốn con mình xuất sắc giỏi giang hơn bạn cùng lớp. Tôi cũng vậy.
Năm đầu tiên bé học lớp 1 tôi luôn kỳ vọng bé nhà mình sẽ là "nhất" hầu hết các môn thì tôi mới hài lòng (vì bé lớn tháng tuổi nhất và lớn về thể xác hơn các bạn trong lớp). Trong năm ấy tôi chỉ dạy và kèm theo rầy la bé liên tục, bé tiếp thu và học rất tốt mặc dù tôi không cho bé học thêm. Cuối năm khi thi học kỳ vì tính cẩu thả mà bé làm mất nửa điểm, thế là bé không được nằm trong diện học sinh xuất sắc. Tất nhiên là tôi buồn thôi còn bé vẫn hồn nhiên vui vẻ không sao cả...
Tôi chợt nhận ra tại sao mình lại có suy nghĩ vậy, tại sao không để bé sống với tuổi thơ của bé, mới chừng ấy tuổi mà bé phải gồng mình lên vì một thành tích nào đó.
Năm nay bé học lớp 2 tôi quyết định không "kềm hãm" như năm trước nữa. Tôi không cần thành tích của con mình nữa. Tôi "thả" bé ra. Bé vừa học vừa vui chơi thoải mái đúng với lứa tuổi của bé.
Theo tôi các phụ huynh không nên đặt nặng vấn đề thành tích của con em mình mà hãy để các bé thoải mái vừa học vừa vui chơi phù hợp với tuổi thơ hồn nhiên đang có của các bé.
Đúng là chỉ phụ huynh làm khổ con mình thôi. Không bao giờ chấp nhận con mình thua kém con người khác, lúc nào cũng sẵn sàng khoe khoang thành tích của con mình với mọi người, với đồng nghiệp, xem con mình như một thiên tài.
Nhưng bên cạnh đó nhà trường và cách giảng dạy của giáo viên cũng gây áp lực cho các cháu, nhất là vào những ngày cuối tuần và các kỳ nghỉ lễ giáo viên cho các cháu rất nhiều bài tập về nhà đến nỗi các cháu làm cả ngày không xong.
Với phương pháp giảng dạy như hiện nay đang gây áp lực lên học sinh và phụ huynh cụ thể như: Tối về ngoài việc làm bài tập cho các bài đã học, các cháu phải chuẩn bị bài cho ngày hôm sau, mà không phải là xem qua trước mà là phải viết ra chuẩn bị câu trả lời, soạn tóm tắt... Vấn đề là chưa học thì làm sao các cháu hiểu được mà chuẩn bị, thế là các cháu phải tìm người để chỉ dẫn trước. Như vậy vô hình chung là đẩy trách nhiệm việc dạy học lên cho phụ huynh hay buộc phụ huynh phải cho con học thêm để biết trước.
Tôi cũng có 2 con đang học lớp 1 và lớp 4. Đối với tôi không có khái niệm cho con đi học thêm, buổi tối các cháu tự học từ 7g đến 9g, có bài hay không cũng phải học đúng thời gian như vậy. Và các con tôi theo giáo viên nhận xét là thuộc hàng top 5 của lớp. Như vậy theo tôi là tốt rồi, thậm chí các cháu không nằm trong top cũng được miễn sao các cháu hiểu bài, nắm được vấn đề.
Tôi có vài lời chia sẻ gửi đến các phụ huynh là bớt chút bệnh sỹ, ganh tỵ để con mình được thảnh thơi hơn. Nhà trường không nên buộc các cháu phải chuẩn bị bài trước mà chỉ xem qua.
Bệnh thành tích tạo áp lực quá lớn cho con trẻ, ăn cướp hết tuổi thơ của bọn nhỏ. Coi chừng chúng bị tâm thần thì khốn. Thay vì ép con cái đi học thêm quá nhiều hãy quan tâm tới chúng bằng cách tìm hiểu, động viên con cố gắng bằng chính khả năng của minh. Các em đâu phải thiên tài mà cái gì cũng bắt các em phải giỏi (mà thiên tài thì cũng chỉ giỏi một số lĩnh vực thôi).
Tôi có 2 đứa con. Con gái lớn học lớp 12, từ nhỏ đến lớn không phải bận tâm chuyện học thêm, tự cháu tìm tòi học thầy, học bạn, học trong sách nâng cao theo niềm đam mê cá nhân, ngoài ra còn học đàn, sáo, tập cầu lông.. nhưng kết quả học tập luôn đạt loại giỏi.
Ngược lại cháu nhỏ thì rất chậm hiểu, dạy 10 thì tiếp thu được cỡ 5 là mừng rồi, nhưng vợ chồng tôi cũng không tạo áp lực, để bé tự phát triển, không học thêm, không gửi thầy, cô kèm...
Tôi thấy bây giờ phụ huynh (đa số) thích con mình điểm cao. Ví dụ: có cháu bé học lớp 3 làm bài tập làm văn được 7 điểm, mẹ bé nói con 7 điểm cũng được nhưng lần sau con ráng viết dài hơn để được 9 điểm (?!). Tôi nghĩ các cô giáo và phụ huynh bây giờ (đa số) cũng đều quan tâm đến "thành tích ảo" - điểm số, hơn "chất lượng - thực học" của con em mình. Hồi xưa thời tôi đi học, tập làm văn mà 7 là giỏi rồi, còn 9 điểm là cực kỳ xuất sắc, điểm 10 thì tôi chưa từng thấy có, nếu có chỉ ở các kỳ học sinh giỏi cấp quốc gia. Vậy đó.
Sau khi đọc bài Học sinh lớp 1 kiểm tra giữa kỳ như... thi đại học và Phụ huynh sao toàn đổ lỗi cho nền giáo dục?, tôi thấy các ý kiến trong 2 bài này đều đúng cả. Một đằng thì đứng trên góc độ phụ huynh và xã hội, một đằng là của người thầy để nêu ý kiến và quan điểm của mình.
Thật tình mà nói rằng các thầy cô dạy lớp 1 rất thích học sinh biết đọc, biết viết, biết thực hiện hai phép tính cộng, trừ trước khi vào học lớp 1. Nếu em nào chưa biết thì thầy, cô than thở “học sinh không biết gì hết”, còm en nào biết rồi thì khen giỏi và góp ý thẳng thắn với phụ huynh.
Chính vì điều này mà phụ huynh không những cho con đi học trước chương trình lớp 1 trong hè, cá biệt phụ huynh còn gởi riêng cho cô giáo mầm non ở năm cuối (mẫu giáo 5 tuổi) để kèm riêng về viết, đọc và làm phép tính cộng trừ.
Trong thực tế đâu phải em nào học trước là giỏi, em nào không học trước là dốt.
Cộng thêm vào đó nhiều trường tiểu học đã tổ chức thi chọn học sinh giỏi từ lớp 1 đến lớp 5. Trong các đợt kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, cuối năm các trường thậm chí đề của cấp phòng GD-ĐT ra vẫn có phần nâng cao một cách quá hạn nên học sinh làm rất tốt các bài tập trong sách giáo khoa mà chỉ có 8 điểm đành phải rơi vào loại khá.
Mặc dù các nhà nghiên cứu khoa học giáo dục đã khuyến cáo, các cấp quản lý chỉ đạo không được làm nhưng chuyện của trường thì trường vẫn cứ thực hiện. Hỏi như thế thì phụ huynh sao không lo cho con được?
Còn việc học ngày 2 buối, tôi nhớ cách đây 15 năm ở địa phương tôi thực hiện chủ trương trường tiểu học học ngày 2 buổi không có bán trú. Lúc đầu phụ huynh rất hớn hở vì con mình được học cả ngày nhưng khi học được một tuần thì nhiều phụ huynh bắt đầu “than thở” mệt quá.
Vì học ngày hai buổi không bán trú nên 10 giờ15 phút trường cho các em về để 1giờ 30 phút học ca chiều. Như thế từ 10 giờ các bậc phụ huynh phải ngừng lao động “vù” đến trường đón con, về nhà chuẩn bị buổi trưa, lo cho dỗ dành đút bón con ăn. Ăn xong là đến giờ đưa con đến trường.
Rất may, sau đó nhiều phụ huynh có ý kiến nếu trường mình chưa đủ điều kiện bán trú thì khoan hãy tổ chức học ngày 2 buổi. Lắng nghe ý kiến phụ huynh, nhà trường tạm dừng kiểu dạy như thế này.
Đến nay, cơ sở vật chất nhà trường đã đủ trường tiến hành dạy cả ngày có bán trú. Nhưng hiện nay vẫn còn tình trạng phụ huynh gửi con học kèm tại nhà các cô giáo, dù nhà trường đã có dạy ngày. Thời gian học kèm từ 19 giờ đến 20 giờ 30 (tôi thấy như thế là phụ huynh quá ép con mình).
Bên cạnh đó, tuy đã dạy ngày 2 buổi rồi nhưng các thầy cô vẫn cho học sinh về nhà làm bài tập. Nên sau khi cơm chiều xong các em phải tiếp tục vào bàn để ngồi học cho đến 21giờ (điều này Bộ đã chỉ đạo học ngày 2 buổi thì không giao bài tập về nhà cho học sinh). Công bằng mà nói nếu con em về nhà mà không học thì sáng hôm sau lên lớp sẽ làm bài không được. Nên phải xem lại chất lượng học ngày 2 buổi của các trường và xem lại cách dạy, cách kiểm tra, cách ra đề, đánh giá học sinh của một số thầy cô giáo.
Về phía phụ huynh: vẫn có nhiều phụ huynh đòi hỏi ngày nào cô giáo cũng phải kiểm tra và cho điểm bài tập của con mình. Nếu cô nào không kiểm tra thì phụ huynh chê và cho cô giáo không nhiệt tình rồi so sánh thua cô này cô nọ. Chính vì những lẽ trên mà con em tiểu học của chúng ta rất khổ và kéo theo cả nhà cùng khổ.
Quan điểm của bạn trong chuyện này? Có đúng là bạn đã vô tình tạo áp lực học hành đối với con cái của mình? Bạn là "nạn nhân" hay "tòng phạm" của việc để con mình bị học hành quá tải? Hãy chia sẻ ý kiến, câu chuyện của bạn qua email [email protected], hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận