![Cây bụi nhỏ lập kỷ lục là cây lâu đời nhất châu Âu - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/8/cay-bui-nho-lap-ky-luc-la-cay-lau-doi-nhat-chau-au-1739006514584366641891.jpg)
Cây bụi này đã 1.647 năm tuổi, già hơn bất kỳ cây nào được biết đến ở châu Âu - Ảnh: EARTH.COM
Khi nói về thực vật thân gỗ lâu năm, nhiều người thường nghĩ đến những cây cổ thụ khổng lồ. Tuy nhiên, các loài cây bụi như cây bách xù có thể tồn tại qua các điều kiện khắc nghiệt của khí hậu, minh chứng cho khả năng thích nghi cũng như sinh tồn kéo dài hơn một thiên niên kỷ.
Theo Earth, cây bách xù nhỏ bé được tìm thấy ở Lapland (Phần Lan), có đường kính thân chỉ khoảng 10cm. Các nhà nghiên cứu cho biết cây bụi này đã 1.647 năm tuổi, già hơn bất kỳ cây nào được biết đến ở châu Âu.
Một nhóm nghiên cứu quốc tế do Marco Carrer, nhà sinh thái học tại khoa lãnh thổ và hệ thống nông lâm kết hợp thuộc Đại học Padua (Ý), dẫn đầu đã xác nhận phát hiện mới. Họ cũng nhấn mạnh rằng loài cây bụi nhỏ bé này đã vượt qua kỷ lục trước đó hơn bốn thế kỷ.
Cây bụi trong môi trường khắc nghiệt thường đối mặt với thời tiết không dễ chịu, nguồn dinh dưỡng hạn chế và tốc độ sinh trưởng chậm. Tuổi thọ dài của chúng có thể là chìa khóa giúp hiểu được cách thực vật thích nghi với những thay đổi nhanh chóng của khí hậu toàn cầu.
Tiến sĩ Angela Luisa Prendin, một trong những tác giả nghiên cứu, cho biết đặc tính cứng cáp giúp cây bách xù phát triển trong nhiều môi trường đa dạng, từ vùng băng giá đến các đụn cát nóng bỏng.
Nhiều nghiên cứu trước đây đã ghi nhận những cây bụi cực kỳ lâu đời ở các khu vực đa dạng như cao nguyên Tây Tạng và vùng Địa Trung Hải. Chúng cũng được tìm thấy trong điều kiện khắc nghiệt ở các vùng núi cao.
Cây bách xù thông thường là loài cây lá kim có phạm vi phân bố rộng nhất thế giới. Thân của chúng có thể cung cấp những manh mối về các thay đổi môi trường và sự kiện thời tiết trong quá khứ.
Những dữ liệu này giúp các nhà nghiên cứu xác định các biến động nhiệt độ, lượng mưa và những sự kiện thời tiết cực đoan trong quá khứ. Bằng cách so sánh độ rộng của các vòng gỗ, họ có thể xác định những năm xảy ra các đợt rét đột ngột hoặc hạn hán nghiêm trọng.
Tuy nhiên, những cây bụi này thường bị bỏ qua và không được bảo vệ. Với xu hướng nóng lên toàn cầu và sự thay đổi ranh giới sinh thái, các nhà bảo tồn lo ngại rằng sự phát triển của cây bách xù cổ đại có thể bị ảnh hưởng.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Ecology.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận