![]() |
Rộn rã điệu múa, câu ca mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc |
Rực rỡ sắc màu
Bức tranh nhiều mảng màu với những dấu ấn đặc sắc của ngày hội đã sớm được phác nên từng nét đầu tiên. Từ trước lễ khai mạc, đông đảo các nghệ nhân, diễn viên các dân tộc vùng Đông Bắc cùng hàng ngàn người dân Bắc Giang đã có mặt tại quảng trường đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ để đón chờ giờ phút khai hội. Tâm trạng náo nức như được nhân lên gấp nhiều lần đối với những người dân trên vùng quê văn hiến này.
Đạo diễn Nguyễn Xuân Vinh - giám đốc Trung tâm Điện ảnh thể thao và du lịch Việt Nam, tổng đạo diễn chương trình ngày hội - cho biết đây là lần đầu tiên ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ba mảng văn hóa, thể thao và du lịch, vì vậy sẽ có nhiều điểm mới. Với hơn 700 diễn viên, nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên, các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng... tham gia biểu diễn trong đêm khai mạc đã không phụ lòng người khi mang đến sân khấu ngày hội nhiều tiết mục, chương trình đặc sắc.
Nghệ nhân dân tộc Tày Nguyễn Việt Cường, đến từ Tuyên Quang, hào hứng thổ lộ: Những ngày hội như thế này là dịp quan trọng để các giá trị bản sắc của đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc được cùng hòa trộn và giao lưu trong “chiếc nôi” riêng của mình. Ngày hội đã trở thành không gian để những giá trị văn hóa ngàn đời cùng tỏa sáng.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh ngày hội là dịp gắn kết, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vốn có của đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo các giá trị văn hóa và nâng mức hưởng thụ văn hóa, góp phần tích cực xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày hội cũng là dịp quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp của con người và danh lam thắng cảnh vùng Đông Bắc đến mọi miền Tổ quốc và bạn bè quốc tế.
“Đặc sản” quê hương
Mỗi địa phương đều mang theo những "đặc sản" mang đậm dấu ấn bản sắc quê hương, dân tộc để giao lưu trong không gian của riêng mình. Những nét đẹp văn hóa các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Mông, Lô Lô, La Chí, Bố Y, Sán Chay, Pà Thẻn, Hà Nhì… lần lượt điểm xuyết vào bức tranh chung thêm nhiều gam màu độc đáo. Tỉnh chủ nhà Bắc Giang mời khách “đặc sản” quan họ cùng những câu sli, lượn, sình ca, soọng cô... Hà Giang đến hội với “sắc hoa văn Hà Giang”; Cao Bằng, Bắc Kạn ngọt ngào trong tiếng đàn then; Lạng Sơn với không khí hội xuân tưng bừng, rộn rã...
Các dân tộc đến từ Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh... cũng điểm vào bức tranh nhiều sắc màu của ngày hội Đông Bắc những dấu ấn độc đáo. Chủ nhà Bắc Giang cũng tỏ ra khá “hào phóng” khi thết đãi khách bằng một “bữa tiệc” văn hóa mang tên “Bắc Giang - một dáng cầu vồng”. Được coi là điểm nhấn của những ngày văn hóa Đông Bắc, chương trình đã khắc họa một diện mạo khá đầy đặn của truyền thống văn hóa, lịch sử, thiên nhiên và những nét văn hóa đầy bản sắc trên vùng quê văn hiến.
Với những người con Đông Bắc thì những giá trị bản sắc ngàn đời ấy chính là niềm tự hào bền bỉ. Ông Phùng Thế Vị, nghệ nhân dân tộc Dao đến từ tỉnh Vĩnh Phúc, tâm sự: giữ gìn giá trị bản sắc chính là giữ gìn những giá trị sống còn của mỗi dân tộc và cho dù thế nào thì bản sắc ấy vẫn phải được bảo tồn và tôn vinh. Bởi thế những nghệ nhân cao tuổi như ông luôn chú trọng đến việc truyền dạy những lễ nghi, những giá trị truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận