13/10/2013 06:33 GMT+7

Bão số 11 rất mạnh, diễn biến phức tạp

T.PHÙNG - Q.KHẢI
T.PHÙNG - Q.KHẢI

TT - Ngày 12-10, bão Nari đã vượt qua đảo Luzon (Philippines) vào biển Đông và trở thành bão số 11. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương (NCHMF), tối cùng ngày bão số 11 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460km về phía đông đông nam.

sph2oGQQ.jpgPhóng to
Nguồn: KTTVT.Ư Đồ họa: N.Khanh

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (từ 118- km/giờ), giật cấp 13-14. Dự báo bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn có khả năng mạnh thêm.

Dự báo hôm nay 13-10, bão hoạt động trên khu vực phía đông nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (từ 118-149 km/giờ), gió giật tăng lên cấp 15-16.

Tiếp theo bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến ngày 14-10 bão cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 100km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15-16.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông khu vực bắc và giữa biển Đông có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 13-14. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15-16.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương chiều 12-10, ông Bùi Minh Tăng - giám đốc NCHMF - cho biết đến chiều 12-10, nhận định của các cơ quan khí tượng về bão số 11 vẫn có sự khác biệt lớn. NCHMF cho rằng bão đổ bộ phía trên Đà Nẵng.

Còn dự báo của Hải quân Mỹ là bão vào dưới Đà Nẵng. Trong khi Cơ quan khí tượng Nhật Bản nhận định tâm bão vào khu vực đèo Ngang và đi chếch lên Hà Tĩnh.

NCHMF đã chạy nhiều mô hình dự báo bão nhưng cho kết quả khác nhau: mô hình cho thấy bão đi thẳng vào Đà Nẵng thì bão vào bờ trong đêm 14-10 và gió mạnh không thua bão số 10 vừa rồi.

Tuy nhiên, khi bão vào bờ sẽ suy yếu nhanh. Còn mô hình khác cho thấy nếu bão chờm dọc bờ biển lên phía bắc từ Đà Nẵng đến Nghệ An thì gió sẽ yếu hơn nhưng vùng ven biển sẽ chịu gió mạnh kéo dài. Nếu theo mô hình này thì ngày 16, thậm chí ngày 17-10 bão mới vào bờ.

Theo ông Tăng, từ đêm 13-10 miền Trung bắt đầu có mưa và mưa to từ trưa 14-10, kéo dài đến 17-10. Mưa do bão gây ra sẽ chủ yếu ở phía bắc cơn bão.

Nếu bão vào Đà Nẵng hay Quảng Nam thì vẫn gây mưa to đến Nghệ An, Thanh Hóa. “Diễn biến của bão số 11 vẫn rất phức tạp khi ngoài phía đông Philippines đang có cơn bão Wipha mạnh cấp 11 và có xu hướng mạnh thêm sẽ kéo bão số 11 xuống phía nam. Trong khi đó ngày 14-10, một bộ phận không khí lạnh tràn xuống nước ta” - ông Tăng cho biết.

* Theo văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, hiện nay các hồ chứa từ Quảng Bình đến Đà Nẵng mực nước phổ biến từ 60-80% dung tích thiết kế. Các hồ từ Quảng Nam đến Bình Định đang tích ở mực nước thấp từ 30-50%. Trong đó 28 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, cần đặc biệt quan tâm khi mưa lớn xuất hiện. Miền Trung và Tây nguyên hiện có 10/17 hồ thủy điện đang xả điều tiết.

* Tính đến 16g ngày 12-10, biên phòng tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 56.277 phương tiện/254.949 người đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh. Trong đó khu vực quần đảo Hoàng Sa có 78 tàu/696 người của các tỉnh thành Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định.

* Về trường hợp tàu cá BĐ 96822 TS của Bình Định cùng 16 lao động bị hỏng máy thả trôi, ngày 13-10 tàu Trường Sa 16 (của Quân chủng hải quân) đang lai kéo về gần đảo Sơn Ca 30 hải lý. Còn tàu cá QNg 94257 TS của Quảng Ngãi cùng 11 lao động bị hỏng máy, thả trôi cách đông bắc Đà Nẵng khoảng 90 hải lý vào chiều 12-10, tàu hải quân HQ 951 đã xuất phát đi cứu lúc 15g25 ngày 12-10.

Thủy điện Trị An tăng lượng xả tràn

Theo Công ty thủy điện Trị An, bão số 11 có khả năng gây mưa lớn trong những ngày tới nên để đảm bảo an toàn cho hồ chứa, chiều 11-10 công ty đã tăng lượng nước xả tràn lên 470m3/giây. Đến 7g ngày 12-10, Công ty thủy điện Trị An tiếp tục tăng lượng xả tràn lên 630m3/giây.

Hiện mực nước tại hồ Trị An là 61,9m (62m đầy) và mưa lớn vẫn liên tiếp diễn ra phía thượng nguồn làm lượng nước đổ về hồ trên 1.200m3/giây. Vì vậy, khả năng trong những ngày tới đơn vị này sẽ tiếp tục xả tràn. Các hộ dân sống ở hạ lưu thuộc các vùng trũng dễ xảy ra ngập lụt khi hồ tăng lượng xả tràn nên chủ động phòng ngừa để hạn chế thiệt hại xuống mức thấp nhất.T.Biên

Bão Nari tàn phá miền bắc Philippines, 13 người chết

Theo Hãng tin AFP, trước khi vào biển Đông, cơn bão Nari với sức gió 150 km/giờ, giật 185 km/giờ và mưa lớn đã giật đổ cây cối, tàn phá nhà cửa và gây ngập lụt nghiêm trọng một diện tích rộng lớn trên đảo Luzon (Philippines). Lở đất chôn vùi một sĩ quan an ninh tại thị trấn Magalang, trong khi một phụ nữ và bốn trẻ em bị cây đổ đè chết. Các nạn nhân còn lại bị chết đuối trong nước lũ và bị điện giật.

Ngoài ra, ba ngư dân đã mất tích. Chính quyền địa phương cho biết gần 6.000 người dân đảo Luzon đã phải bỏ nhà đến vùng cao trú ẩn. Gần 8.500 ngôi nhà bị hư hại. Tổng cộng 20 thị trấn và làng trên đảo Luzon đã bị ngập, nhiều nơi sâu đến 2m. Đài truyền hình ABS-CBN chiếu cảnh nước lũ đen ngòm tràn bờ, tràn ngập nhiều trang trại, đồng lúa tại khu vực trồng lúa ở Luzon.

Theo báo Daily Inquirer, nhà chức trách ước tính khoảng 15.000ha ruộng lúa đã bị phá hủy hoàn toàn. Ngoài ra, 10.000ha trồng rau cũng bị hư hại. Theo chính quyền Manila, bão Nari cũng phá hủy hệ thống điện trên đảo Luzon, khiến 37 thành phố và thị trấn trên đảo lâm vào cảnh mất điện. Tổng cộng có tới 2,1 triệu người phải sống trong cảnh tăm tối.

Bão Nari là cơn bão thứ 19 đánh vào Philippines trong năm 2013. Trung bình mỗi năm có 20-22 cơn bão nhiệt đới tấn công quốc gia này trong mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 12.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Bão Nari tiến nhanh vào biển ĐôngBão số 11 đã vào biển ĐôngBão số 11 nhiều khả năng mạnh thêm

T.PHÙNG - Q.KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên