
Cảnh trong phim Bao giờ cho đến tháng 10
Bộ phim Bao giờ cho đến tháng 10 khai thác đề tài chiến tranh không chỉ nổi tiếng tại Việt Nam mà còn là 1 trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại do CNN bình chọn được giới thiệu trong chương trình Cine7- Ký ức phim Việt.
Dù thời gian trôi qua 31 năm kể từ ngày đầu tiên phim ra mắt năm 1984, nhưng câu chuyện vẫn còn tràn ngập cảm xúc về hình ảnh con người trong chiến tranh, đặc biệt là phụ nữ.
Nghệ sĩ Hữu Mười muốn độn thổ vì bị mắng
NSƯT Hữu Mười (vai thầy giáo Khang) là khách mời trong chương trình kể trong quá trình tham gia Bao giờ cho đến tháng 10 ông có đầy ắp kỷ niệm vui buồn.
Trích đoạn chèo cảm động trong Bao giờ cho đến tháng 10
Ông kể: "Tôi suýt bị đuổi khỏi vai. Trong cảnh quay, đoàn phim đã cất công mời đoàn chèo về, huy động rất đông diễn viên quần chúng. Tôi lúc đó đang đứng gặp mấy cô cậu thanh niên quần chúng xúm lại nói chuyện.
Trong đó có người mang theo quả nhót, tôi ăn vài trái thì bị đau bụng. Rồi tôi gặp ông lo chuyện máy nổ cho đoàn phim mời uống trà.
Tôi nghĩ uống ly trà đỡ hơn, nên ngồi xuống và thế là quên luôn nhiệm vụ. Một lúc sau, ánh sáng chạy ra nói cả đoàn nháo nhác chạy tìm tôi. Tôi lúc đó mặt xanh lè chạy về".

NSƯT Hữu Mười chia sẻ trong Cine7 - Ký ức phim Việt - Ảnh: VTV
"Tôi chưa bao giờ bị đạo diễn Đặng Nhật Minh mắng oan nghiệt, cay nghiệt như vậy. Đạo diễn bảo đoàn phim dừng quay, về Hà Nội, tôi bị thay vai. Đó là một cái gì đó thật kinh khủng. Lúc đó tôi chỉ mong đất nẻ ra để tôi có thể chui xuống thôi", nghệ sĩ bật cười nhớ lại.
Cuối cùng diễn viên Hữu Mười không bị đuổi, phim vẫn tiếp tục quay và một kiệt tác điện ảnh ra đời.
"Sau này khi học đạo diễn tôi hiểu những cơn nóng giận như thế là chính xác.
Bởi vì một người đạo diễn khi ra đoàn làm phim, nếu diễn viên đến muộn, không tập trung vào vai hoặc không kỷ luật thì tôi cũng không chấp nhận được", nghệ sĩ Hữu Mười nói.
Bao giờ cho đến tháng 10: chiến tranh đâu chỉ ở mặt trận
Tuy nhiên đạo diễn Đặng Nhật Minh lại nhớ về trích đoạn diễn chèo là một trong những cảnh quay xuất sắc của nghệ sĩ Hữu Mười.
Ông kể trong clip: "Anh Hữu Mười là một diễn viên giỏi, mới học ra. Khi anh ấy vào vai rồi thì tôi thấy khó có ai thay thế được anh ấy.
Tôi ấn tượng nhất cảnh anh ấy đứng trong nhóm người xem vở chèo. Mặt anh diễn tả hay quá. Chỉ có con mắt đã nói mình anh ấy hiểu vì sao nhân vật Duyên lại bỏ dở vở diễn. Giờ nhắm mắt tôi vẫn nhớ đến gương mặt đó".

Đạo diễn Đặng Nhật Minh nói về phim Bao giờ cho đến tháng 10 - Ảnh: VTV
Đạo diễn Đặng Nhật Minh hầu như chỉ làm phim dựa trên kịch bản do chính mình viết, Bao giờ cho đến tháng 10 cũng không ngoại lệ.
Ông nói: "Chiến tranh đâu chỉ nói về người ở mặt trận, còn biết bao con người ở hậu phương, nhất là ở nông thôn, nên tôi nghĩ mình làm phim nói về điều đó, từ những tích lũy khi sống ở nông thôn".
Trong Bao giờ cho đến tháng 10, chi tiết phiên chợ âm dương đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem.
Cảnh phim không tạo cảm giác rùng rợn, sợ hãi mà chỉ có sự rưng rưng thương cảm cho cuộc gặp gỡ ngắn ngủi của người vợ và chồng đã hy sinh ngoài biên giới.

Thầy giáo Khang (nghệ sĩ Hữu Mười) trong phim Bao giờ cho đến tháng 10
Câu nói đầy ám ảnh của nhân vật Nam (chồng của nhân vật Duyên): "Anh chỉ muốn những người sống được hạnh phúc. Chỉ có những người còn sống mới có thể làm được điều đó".
Đạo diễn khẳng định: "Đúng là những người còn sống có trách nhiệm để làm sao cuộc đời hạnh phúc. Những người ngã xuống vì hạnh phúc của chúng ta thì chúng ta phải tiếp tục".
Rồi ông đúc kết: "Có người nước ngoài bảo xem phim tôi rất Việt Nam. Dĩ nhiên, Việt Nam ngay trong máu thịt của tôi rồi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận