01/11/2003 16:53 GMT+7

Copenhagen không có nàng tiên cá

HỒ ANH THÁI
HỒ ANH THÁI

TTCN - Từ một nhân vật văn học, nàng tiên cá đã hiện diện ở bến cảng đông bắc thủ đô Copenhagen (Đan Mạch), một pho tượng đồng cỡ bằng người thật. Kể từ khi được dựng lên từ năm 1913, pho tượng này phải chịu một số phận bi thảm còn hơn cả nhân vật văn học của Andersen.

RtEyzbmW.jpgPhóng to
Nàng tiên cá trước khi bị cưa đầu
TTCN - Từ một nhân vật văn học, nàng tiên cá đã hiện diện ở bến cảng đông bắc thủ đô Copenhagen (Đan Mạch), một pho tượng đồng cỡ bằng người thật. Kể từ khi được dựng lên từ năm 1913, pho tượng này phải chịu một số phận bi thảm còn hơn cả nhân vật văn học của Andersen.

Năm 1961, nàng tiên cá bị vẽ lên người một bộ bikini. Cuối năm đó đến lượt tóc nàng bị sơn đỏ. Vào dịp kỷ niệm ngày sinh thứ 50, năm 1963, nàng tiên cá lại bị sơn đỏ từ đầu đến chân. Khá lâu trước những sự kiện lặt vặt này, nàng tiên cá đã phải trải qua một cuộc “phẫu thuật thẩm mỹ” vì bị mấy phát đạn. Người Đan Mạch chỉ thở phào khi cảnh sát giám định những đầu đạn là đạn súng trường và súng ngắn Đức, chứng tỏ nàng đã bị bắn trong thời gian Thế chiến thứ II.

Nhưng sự kiện kinh hoàng đêm 24-4-1964 thì không đổ tội cho ngoại xâm được nữa: nàng tiên cá bị cưa mất đầu. Đó là lần thứ nhất. Ngay cả khi đã được lắp đầu mới, nàng cũng không được yên thân: năm 1984 nàng tiên cá bị cưa đứt cánh tay phải. Suy sụp vì mặc cảm tội lỗi, ngày hôm sau hai thanh niên đến thú tội với cảnh sát và trả lại cánh tay. Đến năm 1998 cái đầu cũ chưa tìm được thì đầu mới bị cưa một lần nữa. Ba ngày sau một cái hộp đựng đầu được bỏ trước trụ sở Đài truyền hình Copenhagen.

Hơn 30 năm tìm kiếm cái đầu cũ mà không thấy, ngập trong hai tập hồ sơ dày của phòng hình sự, năm 1985 cảnh sát trưởng Copenhagen nói: “Tấn công nàng tiên cá cũng giống như bắt cóc nữ hoàng. Đó là một vụ giết người, chỉ có điều là không thấy máu chảy”.

Vụ sát hại mới nhất là đêm 11-9-2003. Có kẻ đã đặt mìn giật cho pho tượng rơi xuống biển. Một tấm biển dựng lên ngay cạnh bệ đá nàng ngồi như bản cáo phó: một lỗ thủng ở chân, chân tay rạn nứt, đầu bị móp và mặt sây sát. Pho tượng được đưa vào một xưởng đồng để phục sinh và sẽ được dựng trở lại trong vòng một tháng.

Người đi vắng, bóng vẫn còn

KIcdnQE3.jpgPhóng to
Nàng tiên cá đã hai lần bị cưa đầu
Chúng tôi ở Copenhagen trong vòng một tháng không có nàng tiên cá ấy. Thử hình dung Paris không có tháp Eiffel, New York không có tượng Nữ thần Tự do, Ấn Độ không có lâu đài Taj Mahal, nước Úc không có Nhà hát opera Sydney? Thiếu nữ được mọi người dân Đan Mạch yêu mến phải đi “nằm viện” và vắng bóng một tháng trời. Những bản tin thế giới xao xác. Người Đan Mạch bàng hoàng. Du khách đến Copenhagen ngẩn ngơ hụt hẫng.

Nguyễn Huy Thiệp và tôi đi dự Liên hoan hình ảnh châu Á và đọc sách trước công chúng nhân dịp tác phẩm của chúng tôi được dịch ra tiếng Đan Mạch. Hai anh em bảo nhau cứ đến thăm cái bệ đá nàng tiên cá ngồi thôi cũng được.

Chỉ còn trống không ra đó tảng đá nàng tiên cá từng ngồi. Một tấm bảng rất đẹp in hình nàng và những dòng trân trọng thông báo “tình hình thương tật” của nàng. Sao thế nhỉ, đứa nào mà lại nghĩ ra những trò cưa đầu với giật mìn? Nguyễn Huy Thiệp hỏi. Đấy là câu hỏi mấy chục năm qua cảnh sát và dân thường Đan Mạch vẫn băn khoăn. Những kẻ nghi vấn đều ở dạng tâm thần hoặc mắc chứng bất lực ghen tuông. Một bọn chuyên phá hoại công trình văn hóa. Nơi nào nhiều thần thánh thì cũng nhiều ma quỉ. Nơi có nàng tiên cá lãng mạn thì cũng có nhiều thói đời thô tục.

Những bậc "phụ mẫu" của nàng tiên cá

Năm 1909 ông “vua bia” Đan Mạch là Carl Jacobsen quá xúc động sau buổi xem vở ballet Nàng tiên cá đã đến đặt hàng nhà điêu khắc Edvard Eriksen. Pho tượng được dựng trên bến cảng bốn năm sau. Cái đầu là của Ellen Price, nữ nghệ sĩ ballet nổi tiếng đương thời, còn thân hình là do vợ của nhà điêu khắc ngồi làm mẫu.

Tất nhiên người khai sinh ra nhân vật văn học là Hans Christian Andersen (1805-1875), có lẽ là người Đan Mạch nổi tiếng nhất. Ông lừng danh bởi tài ứng tác. Dường như mỗi truyện ngắn đều là sáng tạo ngẫu hứng để tặng ai đó bất chợt gặp gỡ.

Nhà văn Nga Konstantin Paustovski đã tái hiện cảnh Andersen trong một chuyến xe đêm do ngựa kéo, đi từ Venice tới Verona (Ý) và tặng mấy cô thôn nữ một câu chuyện thần tiên về hạnh phúc. Khi Nàng tiên cá được đạo diễn Nga Alexander Ptushko dựng thành phim năm 1976 thì hóa ra trong chuyến xe ấy, Andersen đã ứng khẩu kể chuyện nàng tiên cá để tặng một thiếu nữ hồn nhiên chân chất ngồi bên cạnh. Nhà văn càng kể, càng thả cho trí tưởng tượng bay xa thì người xem càng nhận ra ông đang kể về chính số phận và tình yêu không lời của thiếu nữ đồng hành trong chuyến xe đêm.

Đấy là chuyện nàng tiên cá vì yêu một hoàng tử trên chốn trần gian mà phải nhờ mụ phù thủy thay cho cái đuôi cá bằng một đôi chân để được lên bờ. Nhưng nàng hoàn toàn câm lặng, không sao thổ lộ được tình yêu của mình, cũng không thể nói ra rằng trước đây chính nàng đã cứu sống hoàng tử khi chàng rơi xuống biển. Ngày hoàng tử cưới một nàng công chúa láng giềng sẽ là ngày tận số của nàng tiên cá. Các chị nàng nổi lên mặt nước, trao cho nàng một con dao. Chỉ còn cách đâm con dao ấy vào tim hoàng tử thì nàng mới được trở lại kiếp tiên cá để sống thêm ba trăm năm nữa. Nhưng thấy hoàng tử hạnh phúc bên người vợ mới cưới, nàng tiên cá lao mình xuống nước, chấp nhận cái kết cục bị tan thành bọt biển...

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lắc đầu, lãng mạn quá. Tôi lại gật đầu, lãng mạn quá.

HỒ ANH THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên