04/11/2003 06:00 GMT+7

Những cơn đau và cái chết vì bụi phổi

MINH TOÁN - TH.THIÊN - L.TH. HÀ
MINH TOÁN - TH.THIÊN - L.TH. HÀ

TT - Cách đây hơn năm năm, anh N.V.H. (P.14, Q.Tân Bình, TP.HCM) chuyển từ nghề thợ cạo gỉ sét tàu biển sang gia công phun cát mài mòn khuôn kim loại. Đấy là những khuôn kim loại dùng để đúc đế dép, hàng nhựa gia dụng…, những khuôn này được mài mòn góc cạnh hoặc làm nhám bằng phương pháp phun cát...

ozhUUoth.jpgPhóng to
Mài đá, một trong những nghề dễ dẫn đến bệnh bụi phổi silic Ảnh: MINH TOÁN
TT - Cách đây hơn năm năm, anh N.V.H. (P.14, Q.Tân Bình, TP.HCM) chuyển từ nghề thợ cạo gỉ sét tàu biển sang gia công phun cát mài mòn khuôn kim loại. Đấy là những khuôn kim loại dùng để đúc đế dép, hàng nhựa gia dụng…, những khuôn này được mài mòn góc cạnh hoặc làm nhám bằng phương pháp phun cát...

Khoảng một tháng trở lại đây anh thường xuyên cảm thấy nặng ngực, khó thở, ho kéo dài, nhiều khi ho gần cả đêm. Sức khỏe giảm sút rõ. Gia đình đưa anh tới khám ở một phòng mạch tư. Bác sĩ xác định anh bị bệnh bụi phổi. Sau một thời gian điều trị, bệnh không thuyên giảm nên gia đình phải chuyển anh đến Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch TP.HCM.

Trường hợp của bệnh nhân B.H. (40 tuổi, quê ở Tiền Giang), PGS-TS Phạm Long Trung cho biết ngày 20-10-2003 BV Phạm Ngọc Thạch tiếp nhận điều trị bệnh nhân B.H. bị mắc bệnh talcosis (một dạng của bệnh bụi phổi). Trên phim X-quang phổi của bệnh nhân đã xuất hiện hình ảnh hạt kê.

Anh B.H. nói: “Tôi làm việc đã trên 10 năm ở cơ sở sản xuất vỏ xe cao su, hiện là cơ sở sản xuất dây thun KH (Q.11, TP.HCM). Trong gần 10 năm làm việc, chúng tôi (cơ sở có khoảng 30 công nhân - CN) không được chủ cho khám sức khỏe lần nào. Chúng tôi cũng không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Thời gian gần đây tôi thấy hơi mệt nên đến Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic khám. Bác sĩ xem phim nói phổi của tôi có vấn đề và chuyển qua BV Phạm Ngọc Thạch”.

Huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương có hai mỏ đá lớn: mỏ 621 và mỏ Tân Đông Hiệp. Đơn vị khai thác chủ yếu tại mỏ đá 621 là Công ty Khai thác đá 621, ra đời từ năm 1975. Năm 1980 công ty đã phát hiện hai CN bị bệnh bụi phổi, năm 1989 phát hiện thêm năm CN và năm 1996 phát hiện thêm hai CN nữa mắc bệnh bụi phổi.

Tỉ lệ bệnh bụi phổi silic & các bệnh nghề nghiệp khác (Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động)

1)Bệnh bụi phổi silic 41,7%

2) Bệnh điếc nghề nghiệp 34,2%

3) Bệnh sạm da nghề nghiệp 6,1%

4) Bệnh nhiễm độc chì và các hợp chất của chì 3,8%

5) Viêm phế quản mãn tính nghề nghiệp 2,8%

6) Nhiễm độc do hóa chất trừ sâu 6,93%

7) Các bệnh nghề nghiệp khác 4,46%

(Theo báo cáo của Viện Nghiân cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động)

Anh Lê Văn Hiện cho biết sau một ngày làm việc dù đã đeo khẩu trang nhưng trong mũi, miệng đầy nghẹt bụi trắng. Anh Hiện được phát hiện bệnh từ năm 1989 nhưng vẫn tiếp tục làm việc trong môi trường độc hại cho tới nay. Theo hồ sơ bệnh nghề nghiệp, từ năm 1998 anh đã mất 31% sức lao động. Anh Hiện kể: “Lúc mới biết mình bệnh tôi chỉ cảm thấy khó thở mỗi khi gắng sức, bây giờ những cơn khó thở đến thường xuyên. Ho khan thường xuyên, ho muốn bể ngực và đau ngực dữ dội. Mỗi khi làm việc quá sức, làm việc nặng thì những cơn đau ngực lại đến hành hạ, sức khỏe ngày một yếu đi”. Dù bệnh anh vân cố làm ở khâu vận hành máy xay đá (khâu bụi nhất), vì chỉ ở khâu này mới có mức lương đủ nuôi sống gia đình.

Anh Tài, trưởng trạm y tế Công ty 621, cho biết: “Bốn CN được phát hiện bị bệnh bụi phổi hiện vẫn tiếp tục làm việc. Công ty cũng đã cho họ thôi làm vận hành khai thác đá nhưng họ không đồng ý, vì làm công việc khác họ không thể có được mức lương 1,4 triệu đồng/tháng như hiện nay”.

Bệnh chỉ có thể phòng ngừa, nhưng…

Bác sĩ Vũ Đình Hoàng, phó giám đốc Trung tâm Sức khỏe môi trường TP.HCM, nói: “Thực tế không cơ sở nào chịu bỏ một số tiền lớn để trang bị hệ thống hút bụi. Thậm chí khẩu trang giá vài chục ngàn thôi giới chủ cũng ngại rồi, nói chi đến tiền triệu”.

Bác sĩ Võ Quang Đức, Phân viện Khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động, nói: “CN không biết rõ ngành nào gây bệnh bụi phổi. Nhưng như một sự qui định mặc nhiên, những người mắc bệnh bụi phổi nghề nghiệp thường là người lao động nghèo. Họ phải chấp nhận làm việc trong môi trường độc hại, không có hồ sơ sức khỏe, không có bảo hiểm xã hội...”.

PGS-TS Lê Thị Tuyết Lan - giảng viên Trường đại học Y dược TP.HCM:

Có hai nhóm chất cơ bản gây ra hai dạng bệnh bụi phổi thường gặp là:

Nhóm chất silica (chất chủ yếu trong silica là quartz) gây ra bệnh silicosis.

Nhóm chất silicates (gồm các loại chất talc, mica, kaolin...) gây bệnh silicatosis. Riêng bột talc gây ra bệnh talcosis.

Silica và silicates là những chất phổ biến trong các đá. Vì vậy, những công nhân làm việc trong những ngành nghề có sử dụng bột talc như các cơ sở sản xuất vỏ ruột xe cao su, dây thun, giấy nhám, sơn, những chất làm bóng (xira)...; những ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng như gốm sứ, gạch bông, gạch men, thủy tinh; sửa chữa tàu biển; xây dựng cầu đường, đào hầm mỏ, khai thác đá, đập đá, khai thác than... đều dễ có nguy cơ mắc bệnh silicosis, silicatosis (trong đó có bệnh talcosis).

Theo PGS-TS Lê Thị Tuyết Lan, giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM: “Để phòng ngừa bệnh bụi phổi, vệ sinh môi trường làm việc phải được thông thoáng, sạch sẽ; trong phân xưởng, cơ sở sản xuất phải có máy lọc bụi, hút bụi, không để bụi lan tỏa khắp nơi. CN trực tiếp sản xuất phải đeo những loại khẩu trang thật sự có khả năng bảo hộ, thậm chí là mặt nạ bảo hộ... CN phải được biết và nhận biết được những ngành nghề nào có nguy cơ dễ bị mắc bệnh để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. CN làm việc trong môi trường có nguy cơ phải được định kỳ khám, kiểm tra sức khỏe và phải được chụp hình phổi, đo khí máu ít nhất một năm một lần. Nếu đã phát hiện CN bị bệnh rồi thì đề nghị không nên tiếp tục làm công việc đó nữa”.

Người lao động đang đánh đổi mạng sống của mình để lấy miếng cơm manh áo. Anh Trung làm ở xưởng mài đá trên đường Lý Thường Kiệt nói: “Làm việc thì chết từ từ còn không làm thì chết đói. Mà chết đói là chết ngay, chết cả gia đình. Thôi thì nếu có chết chỉ một mình chết vậy!”.

Vì tất cả thực trạng trên mà căn bệnh bụi phổi vẫn đang tiếp tục gặm nhấm người lao động.

MINH TOÁN - TH.THIÊN - L.TH. HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên