17/04/2025 08:17 GMT+7

Bác sĩ bị bêu riếu lên mạng xã hội, làm sao ngăn?

Trong môi trường bệnh viện, các y bác sĩ thường xuyên phải đối mặt với những tình huống căng như dây đàn, đặc biệt là khi người nhà bệnh nhân 'bùng nổ' vì cảm thấy không hài lòng với thái độ giao tiếp.

bác sĩ - Ảnh 1.

Quá tải ở một bệnh viện - Ảnh: BS ÚC NGUYỄN

Nhiều trường hợp bỗng dưng bị "tung hê" lên TikTok hay bị livestream thì không chỉ là vấn đề giao tiếp nữa, mà còn là "khủng hoảng" về hình ảnh của y bác sĩ, bệnh viện và cả ngành y tế.

Tổn thương không đáng có

Trường hợp một bác sĩ tận tâm, lên tiếng nhắc nhở thân nhân giữ trật tự vì bệnh nhân đang đông và để có thể nghe rõ tim phổi cho bệnh nhân thì lời nhắc nhở này đã bị một người thân bệnh nhân hiểu lầm là sự "khó chịu" và "quát mắng".

Họ phản ứng gay gắt, so sánh bác sĩ với "mẹ ghẻ" và đăng tải video lên TikTok để chỉ trích. Sự việc ấy đã gây ra những tổn thương không đáng có cho cả hai bên.

Trường hợp khác là một bác sĩ tim mạch nổi tiếng, có tay nghề cao và cứu sống rất nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, bác sĩ này vốn có tính cách nóng nảy, hay "tiết kiệm lời nói" với mọi người, không ít đồng nghiệp nhận xét bác sĩ ấy có cách nói chuyện "cộc lốc".

Tình huống khó xử đã xảy ra, một bệnh nhân lớn tuổi đến khám tim. Bệnh nhân này có nhiều bệnh nền và lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình.

Khi bác sĩ ấy đang khám, bệnh nhân hỏi nhiều câu hỏi về bệnh tình và cách điều trị thuốc này thuốc nọ. Bác sĩ tim mạch cảm thấy khó chịu, nên đã trả lời một cách thiếu kiên nhẫn: "Bác cứ làm theo lời tôi dặn là được, tôi là bác sĩ chứ không phải bác, bác hỏi nhiều làm gì cho mệt!".

Bệnh nhân cảm thấy buồn bã và tủi thân vì thái độ của bác sĩ này. Con trai của bệnh nhân, người đi cùng, đã quay video lại cuộc trò chuyện và đưa lên mạng xã hội khiến cho vị bác sĩ này và cả bệnh viện phải gặp "bão tố" chỉ trích của dư luận.

Người thầy thuốc nên làm gì khi người nhà bệnh nhân phản ứng?

1 Thấu hiểu nỗi lòng của người nhà bệnh nhân lo lắng bệnh tình: Đôi khi y bác sĩ không cố ý có thái độ không chuẩn mực, nhưng do công việc quá tải, áp lực "ngàn cân" hoặc thiếu thời gian, dẫn đến giao tiếp không được "mượt mà" cho lắm.

Nếu có sai sót trong giao tiếp, y bác sĩ cần "nhìn nhận lại mình" để rút kinh nghiệm, dù có mệt mỏi thế nào cũng giữ gìn được hình ảnh "người mẹ hiền" trong mắt mọi người.

2 Cách xử lý khủng hoảng truyền thông: Người thầy thuốc hãy bình tĩnh, tránh phản ứng "giận mất khôn" hoặc "đấu khẩu" trên mạng. Càng đấu khẩu càng đưa mọi việc đi xa và không kiểm soát được.

Nếu người thầy thuốc có lỗi, hãy chủ động xin lỗi chân thành, giải thích rõ ràng để tránh hiểu lầm. Tuyệt đối không nên đăng bài "đáp trả" hay "cãi tay đôi", vì chỉ làm tình hình "căng thẳng" thêm mà thôi.

Nếu thông tin sai lệch, bị bóp méo thì bệnh viện cần lên tiếng chính thức, làm rõ sự thật một cách thật chuyên nghiệp.

3 Phòng bệnh hơn chữa bệnh: Thầy thuốc phải giao tiếp "nhẹ nhàng", "kiên nhẫn", lấy cái tâm yêu thương người bệnh để đối đãi với bệnh nhân và thân nhân người bệnh, đặc biệt là trong những tình huống "nhạy cảm" giữa sự sống và cái chết.

Giữ thái độ bình tĩnh trước cơn nóng giận của người nhà, không "ăn miếng trả miếng". Giải thích "tận tình", dùng ngôn ngữ dễ hiểu, tránh nói "cộc lốc" hoặc "nửa vời" không đầu không đuôi.

Nếu quá tải công việc, hãy nhờ đồng nghiệp và báo cáo lãnh đạo để hỗ trợ giải thích, hướng dẫn bệnh nhân khi cần thiết.

Y đức không chỉ là "cứu người" mà còn là "cách đối nhân xử thế". Một y bác sĩ giỏi chuyên môn nhưng giao tiếp "vụng về" vẫn có thể gây hiểu lầm và mất thiện cảm.

Y đức bây giờ bao gồm cả kỹ năng giao tiếp và sự thấu cảm của người thầy thuốc nữa.

Trong thời đại kỷ nguyên số với sự phát triển của mạng xã hội, việc giữ bình tĩnh, ứng xử chuyên nghiệp và xử lý khéo léo các tình huống là vô cùng quan trọng để bảo vệ danh dự của cá nhân người thầy thuốc và của cả ngành y.

Bác sĩ bị bêu riếu lên mạng xã hội, làm sao ngăn? - Ảnh 2.Người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ cấp cứu, hỏi 'mày biết tao là ai không?'

Nảy sinh bực tức trong lúc thăm khám, người nhà của bệnh nhân lăng mạ và xông vào hành hung bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Chư Sê (Gia Lai) gây thương tích.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên