17/11/2003 06:20 GMT+7

Đứa con mồ côi và ước mơ trở thành kiến trúc sư

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - 18 tuổi nhưng nhìn Nguyễn Thị Phương Trâm già dặn như ngoài 20 - già dặn như chính suy nghĩ của cô: “Mẹ mất. Cậu là người đã giúp đỡ chị em Trâm trong chi phí ăn học. Nhưng sức cậu cũng có hạn, đã gần 60 tuổi còn phải nuôi hai con trai đang học đại học. Trâm mong mỏi mình có thể tự túc được một phần chi phí...

40g1z69f.jpgPhóng to
Nguyễn Thị Phương Trâm

Trâm không muốn nhắc nhiều đến ba mình vì mỗi lần nhắc đến đều gợi cho Trâm những điều không vui mà “mỗi nhà, mỗi cảnh” đều có. Những chuyện không vui thường Trâm không thích nhớ lâu nên quên được cũng là một điều hạnh phúc”.

Mở đầu câu chuyện, Trâm kể về người mẹ thân yêu của mình - kể một cách say sưa: “Mẹ rất cẩn thận và nhẫn nại. Sau khi mẹ mất, Trâm lớn hơn nhiều nhờ học được những đức tính tốt ấy”. Mẹ Trâm bị bệnh ung thư, gia đình Trâm phải bán hết tất cả những gì có thể bán được, kể cả cái sạp nhỏ cùng hàng tạp hóa tại chợ Tân Hiệp (thị xã Tuy Hòa, Phú Yên) để chữa bệnh cho mẹ.

Cuộc sống càng khó khăn hơn khi người cha bỏ đi biệt tăm tích, người anh lớn đang học trung cấp kế toán phải nghỉ học để chăm sóc mẹ. Trâm và chị gái thì ráng sức cho những kỳ thi cuối cấp để mẹ vui lòng. Nhưng tình thương yêu vô vàn của ba đứa con cũng không đủ sức níu kéo sự sống cho mẹ mình.

Cầm cự được hơn một năm, người mẹ trẻ mới 48 tuổi ấy đã đi vào cõi vĩnh hằng, bỏ lại ba đứa con bơ vơ giữa cõi đời... Đó là lúc đứa con gái lớn nhận được giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, cô con gái út cũng đậu thủ khoa vào lớp 10 chuyên Anh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh.

Giọng Trâm nghèn nghẹn: “Tất cả gần như không còn ý nghĩa khi mẹ mất đi. Rồi anh trai vào TP.HCM kiếm sống, chị ba cũng nhập học, căn nhà dài hơn 10m thông suốt từ trước ra sau (vì chẳng có đồ đạc gì) chỉ còn mỗi mình Trâm... Nhà mình hồi đó sao mà trống vắng và lạnh lẽo đến thế, chỉ có mỗi bàn thờ của mẹ ấm áp vì có khói hương. Đã có lúc mình nghĩ quẩn: “sống để làm gì?”.

Có thời gian cả tháng trời Trâm chỉ ăn duy nhất một món... mì gói. Ngán mì, Trâm nấu nồi cơm ăn với... nước mắm, bữa nào siêng mới tạt qua chợ mua 500 đồng rau sống ăn cả ngày. Nhưng thường xuyên nhất là ăn hai ổ bánh mì không 1.200 đồng xem như xong bữa. Trâm biện bạch: “Mình thích ăn bánh mì”. Ăn uống thất thường lại hay bỏ bữa nên chỉ một thời gian ngắn sau khi mẹ mất cô bé mắc phải chứng đau bao tử. Trâm cười cười: “Mình bị đau đầu, cảm sốt thường xuyên nhưng không phải uống thuốc, chỉ nằm một đêm sáng mai sẽ hết”.

Những buổi tối quạnh hiu trong căn nhà trống trải, nhìn lên bàn thờ mẹ, Trâm lại nhớ như in hình ảnh mẹ dịu hiền thủ thỉ với ba anh em: “Đời mẹ khổ rồi, các con phải học để đổi đời”. Lần giở những kỷ vật của mẹ để lại: từng tờ giấy khen của ba đứa con mỗi năm học, từng cuốn sổ liên lạc và cả bài toán được điểm 10 đầu tiên của đứa con gái út Phương Trâm cũng được mẹ cẩn thận ép plastic và lồng vào album gia đình... Trâm như được tiếp thêm nghị lực từ mẹ.

Những lúc buồn nhất, cô đơn nhất, Trâm lôi sách ra học. Học và vẽ được xem như thú vui, như cách giải trí của Trâm. Mê vẽ và được đi học vài khóa về hội họa ở nhà thiếu nhi, từ nhỏ Trâm đã mơ ước trở thành kiến trúc sư. Ước mơ đó cứ ngày càng lớn dần, mỗi khi đầu óc căng thẳng cô bé lại làm bạn với bút chì và giấy trắng.

Ba năm THPT Trâm vẫn giữ nguyên thành tích học sinh giỏi như chín năm trước đó. Ba năm THPT - thời áo trắng mộng mơ đẹp nhất của đời người - Trâm chỉ có duy nhất cái áo dài trắng của chị gái sửa lại, rộng thùng thình và ố vàng. Dáng người cao nhòng lại ốm trơ xương nên cô bé thường xuyên bị cô giáo nhắc nhở vì lười mặc áo dài.

Tốt nghiệp THPT loại giỏi, Trâm đăng ký thi ĐH Kiến trúc và cả ĐH Ngoại thương theo sự gợi ý của dì, của cậu, của thầy cô trong trường: “Trâm học Anh văn giỏi (ba năm THPT Trâm đều đạt điểm trung bình trên 9,0) không thi ngoại thương uổng lắm”.

Rồi kỳ thi tuyển sinh đại học cũng đến, trên đường lai kinh ứng thí, nếu như các sĩ tử khác hồi hộp với mối quan tâm đậu - rớt thì Trâm lại canh cánh nỗi lo “nếu đậu, không biết lấy tiền đâu để ăn học năm năm trời ở cái trường nổi tiếng tốn kém vì học phẩm, học cụ”.

Cái tin Trâm đậu hai trường ĐH khiến mấy anh em lo nhiều hơn mừng cũng vì lẽ đó. Nhưng Trâm đã thuyết phục mọi người trong gia đình để chọn Trường ĐH Kiến trúc. Lý do hết sức chính đáng: “Tuy có tốn kém hơn học ngoại thương nhưng Trâm thích và say mê ngành kiến trúc công trình. Khi có sự say mê Trâm sẽ không lùi bước trước những khó khăn”. Trâm đang học năm 1 nhưng đã có thêm nghề gia sư (250.000 đồng/tháng) để nuôi mình ăn học...

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên