
Chữ ký của bà Melania nằm dưới chữ ký ban hành đạo luật của ông Trump, gây hiểu lầm rằng bà đang ký sắc lệnh hành pháp - Ảnh: REUTERS
Trung tuần tháng 5, một khoảnh khắc thu hút sự chú ý trên mạng xã hội Mỹ đã khiến nhiều người hiểu lầm về vai trò của Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump trong một sự kiện chính trị quan trọng.
Cụ thể vào ngày 19-5, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành Đạo luật Gỡ bỏ, ông đã mời phu nhân mình cùng ký vào văn kiện.
Hình ảnh chữ ký của bà Melania xuất hiện bên dưới chữ ký của ông Trump ngay lập tức lan truyền, dẫn đến các suy đoán sai lệch rằng bà đã ký một sắc lệnh hành pháp - điều mà bà Melania không có thẩm quyền thực hiện theo Hiến pháp Mỹ.
Khoảnh khắc Tổng thống Mỹ Donald Trump mời vợ ký tượng trưng vào văn kiện ban hành Đạo luật Gỡ bỏ hôm 19-5 - Nguồn: Nhà Trắng
Theo Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ, chỉ tổng thống mới có quyền ký sắc lệnh hành pháp nhằm điều hành các cơ quan chính phủ liên bang trong hệ thống chính trị Mỹ.
Các tổ chức kiểm chứng như Snopes và các hãng tin lớn như AP cũng xác nhận rằng văn kiện mà bà Melania đặt bút ký không phải là sắc lệnh hành pháp, mà là một đạo luật đã được Quốc hội Mỹ thông qua và chỉ trở thành luật sau khi được tổng thống là ông Donald Trump ký.
Trong báo cáo ngày 27-5, Snopes cho biết chữ ký của bà Melania chỉ mang tính biểu tượng, không có giá trị pháp lý và chữ ký này được xem là một cách ghi nhận vai trò của bà trong việc thúc đẩy và vận động cho đạo luật.
Đạo luật Gỡ bỏ được ông Trump ký vào ngày 19-5 được xem là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ quyền riêng tư và an toàn cá nhân trên không gian mạng.
Luật này nghiêm cấm việc đăng tải hình ảnh khiêu dâm để trả thù hoặc thỏa mãn, bao gồm cả hình ảnh thật hay hình ảnh tạo bằng trí tuệ nhân tạo khi chưa có sự đồng thuận của người trong ảnh.
Đạo luật này cũng yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải gỡ bỏ những hình ảnh vi phạm trong vòng 48 giờ sau khi nhận được thông báo từ nạn nhân.
"Đây là một bước tiến quan trọng nhằm bảo vệ người Mỹ, đặc biệt là giới trẻ, khỏi nguy cơ bị lạm dụng hình ảnh cá nhân", bà Melania phát biểu trong lễ ký ban hành đạo luật cùng chồng.
Đạo luật này là một phần trong chiến dịch Be Best (Là điều tốt nhất) do bà Melania khởi xướng, tập trung vào việc bảo vệ trẻ em khỏi tác động tiêu cực của công nghệ và mạng xã hội.
Trước đây, nhiều bang tại Mỹ đã ban hành luật riêng về deepfake và trả thù bằng ảnh nóng, nhưng Đạo luật Gỡ bỏ là văn bản đầu tiên thiết lập cơ chế xử lý ở cấp liên bang, áp dụng toàn nước Mỹ và có ràng buộc pháp lý đối với các nền tảng công nghệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận