
ERAS (phục hồi tăng cường sau phẫu thuật) giúp bệnh nhân nhanh hồi phục, cũng như đem lại những giá trị kinh tế thiết thực - Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp
Tại hội nghị "Triển khai ERAS trong ngoại khoa: Những thuận lợi và thách thức hiện nay" vừa diễn ra ở TP.HCM, ông Hà Anh Đức - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - đánh giá ERAS là một "đột phá" liên quan trực tiếp đến ngành ngoại khoa, phù hợp với xu thế hội nhập và lĩnh vực y tế với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm.
ERAS là từ viết tắt của Enhanced Recovery After Surgery (phục hồi tăng cường sau phẫu thuật) là các phương pháp chăm sóc bệnh nhân trước, trong và sau phẫu thuật. Chương trình này trên thế giới đã triển khai từ lâu nhưng còn khá mới tại Việt Nam.
PGS Lâm Việt Trung - phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết mục đích hội nghị là chia sẻ góc nhìn về mặt kinh tế đến nhà quản lý và bác sĩ lâm sàng khi chương trình ERAS mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt khi rút ngắn thời gian nằm viện, giảm tỉ lệ biến chứng và tổng chi phí điều trị, tăng sự hài lòng của người bệnh...
Gần đây, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện nghiên cứu những bệnh nhân phẫu thuật nội soi cắt đại trực tràng đã áp dụng chương trình ERAS. So sánh 92 bệnh nhân trước ERAS (tháng 3-2022) và 82 bệnh nhân sau ERAS (tháng 3-2023), kết quả cho thấy thời gian nằm viện trước và sau ERAS đã rút ngắn từ 11,4 ngày xuống còn 7,1 ngày (chênh lệch khoảng 4 ngày).
Còn thời gian nằm viện trước mổ giảm từ 4,1 ngày xuống 1,4 ngày.
Đáng chú ý, chi phí khi áp dụng ERAS trong phẫu thuật nội soi cắt đại trực tràng, chi phí điều trị trung bình giảm gần 20 triệu đồng trên mỗi bệnh nhân (từ 81,97 triệu đồng trước ERAS xuống còn 62,69 triệu đồng).
Trong đó, chi phí do bệnh nhân tự chi trả giảm từ 48 triệu đồng xuống còn 40 triệu đồng, và chi phí do bảo hiểm y tế chi trả giảm từ 33,54 triệu đồng xuống 28,73 triệu đồng.
"Lợi ích kinh tế này mang lại cho cả bệnh nhân, phẫu thuật viên và cả bệnh viện", PGS Trung nói và mong muốn tất cả các bệnh viện, đơn vị lâm sàng, cơ quan quản lý và bảo hiểm y tế cùng tham gia, nhằm lan tỏa chương trình ERAS hơn nữa.
Với bài báo cáo "Dinh dưỡng chu phẫu trong ERAS - Những vấn đề cần lưu ý và giới thiệu lưu đồ can thiệp dinh dưỡng trong ngoại khoa" - bác sĩ Lưu Ngân Tâm, trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy, đã chứng minh việc tránh bệnh nhân nhịn đói kéo dài trước mổ, hay uống dung dịch carbohydrate 2 giờ trước phẫu thuật, can thiệp dinh dưỡng sớm, khuyến khích vận động sớm… đã mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt.
Thực tế, việc áp dụng và điều chỉnh các bước này giúp giảm thiểu đáng kể tỉ lệ biến chứng sau phẫu thuật như nhiễm trùng, viêm phổi, rò miệng nối, từ đó giảm chi phí phát sinh không cần thiết và tăng sự hài lòng của người bệnh.
Ông Đức cho biết cục sẽ xây dựng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ mới, hướng tới hội nhập, trong đó có vận dụng bộ tiêu chuẩn ERAS vào thang điểm đánh giá chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, có thể là riêng cho lĩnh vực ngoại khoa hoặc lồng ghép chung.
"Mục tiêu cuối cùng của việc áp dụng ERAS vào các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng bệnh viện là để bác sĩ yên tâm làm việc và người bệnh được thụ hưởng những dịch vụ tốt nhất", Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh kết luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận