05/04/2019 20:42 GMT+7

Ăn đồ ăn hấp, luộc để tránh ung thư?

NGỌC LOAN
NGỌC LOAN

TTO - Nhiều bệnh nhân ung thư đã áp dụng chế độ ăn kiêng đạm, ăn thực dưỡng... để tế bào ung thư "chết đói". Một số người sợ mắc ung thư cũng chỉ ăn đồ luộc hoặc hấp, hạn chế ăn đồ nướng, nhiều dầu mỡ.... Ăn như vậy, liệu có đúng không?

Ăn đồ ăn hấp, luộc để tránh ung thư? - Ảnh 1.

ThS.BS Trần Thị Ngọc Châu tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh - Ảnh: BVCC

Một chế độ dinh dưỡng hợp lí sẽ giúp nâng cao thể trạng và kéo dài cuộc sống cho người bệnh ung thư. Đặc biệt, đối với ung thư đường tiêu hóa thì chế độ dinh dưỡng và cách ăn sao cho phù hợp lại càng cần được chú trọng.

Dưới đây là giải đáp của thạc sĩ - bác sĩ Trần Thị Ngọc Châu, trưởng khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH), về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa cũng như cách ăn uống ra sao để hạn chế tối đa căn bệnh quái ác này.

* Tôi đang điều trị hóa chất kết hợp xạ trị. Con gái tôi đọc trên mạng thấy nước ép củ dền tốt cho sức khỏe, bổ máu nên ngày nào cũng ép tôi uống một ly đầy. Không biết nó có tác dụng gì không thưa bác sĩ? (Đào Công Vĩnh, daovinhhungyen@...)

- Củ dền có chứa chất chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, nhưng không có tác dụng ức chế sự phát triển của khối u và hỗ trợ cho quá trình điều trị hóa/xạ trị.

Về việc bổ máu, chưa đủ bằng chứng khoa học cho thấy củ dền có tác dụng này vì hàm lượng sắt trong củ dền khá thấp (0.8 mg/100 g) so với các thực phẩm khác, đồng thời sắt có nguồn gốc từ thực vật thì khả năng hấp thu kém hơn nguồn động vật. Bên cạnh đó, việc tạo hồng cầu còn được chi phối với vitamin B12 (hoàn toàn không có trong củ dền) và vitamin B9 (109 mg/100 g củ dền, ít hơn nhiều loại thực phẩm khác).

Vì vậy, thay vì chỉ uống nước củ dền mỗi ngày thì bạn nên thay đổi đa dạng thực phẩm để đủ các chất dinh dưỡng.

* Tôi được biết sữa là nguồn cung cấp dinh dưỡng rất cần thiết cho người ung thư dạ dày. Nhưng không biết tại sao có khi sữa làm tôi rất khó chịu, thậm chí nôn ói khi uống vào lúc bụng đói. Xin bác sĩ cho biết những thời điểm thích hợp để uống sữa và có lưu ý gì với bệnh nhân như tôi không?  (Phương Bình, phuongbinh67@...)

- Với một số người bị dị ứng hoặc kém dung nạp với sữa bò thì sẽ gặp một số phản ứng bất lợi sau khi uống sữa như nôn ói, đầy bụng hoặc tiêu chảy. Vì vậy, để tăng khả năng dung nạp sữa bò, bạn nên uống chậm và chia nhiều lần trong ngày với mỗi lần khoảng 50 ml, và quan trọng là cần uống sau bữa ăn, không nên uống lúc bụng đói vì dễ gây kích thích đường tiêu hóa.

Nếu áp dụng cách này nhưng vẫn chưa hiệu quả thì bạn cần gặp chuyên gia dinh dưỡng để được đánh giá tìm ra nguyên nhân và đưa giải pháp phù hợp nha.

* Bác sĩ ơi tôi muốn ăn gì mẹ tôi cũng cản, suốt ngày càm ràm là "ung thư đấy". Bây giờ cả nhà tôi chỉ ăn đồ luộc, hấp vì mẹ tôi bảo chiên xào, nướng ăn vào sẽ ung thư nên cấm tiệt. Làm sao giải thích cho mẹ tôi được đây? (Phúc Trinh, phuctrinhtho@...)

- Quá trình chiên và nướng kích hoạt phản ứng Mailard và sinh ra các chất có khả năng gây ung thư, vì vậy nên tiêu thụ ở mức hạn chế. Tuy nhiên các thực phẩm xào ở nhiệt độ không quá cao, trong thời gian ngắn thì ít có khả năng kích hoạt phản ứng này và ít có nguy cơ sinh ra chất có khả năng gây ung thư. 

Bên cạnh đó, dầu ăn sẽ giúp hấp thu tốt hơn các vitamin tan trong dầu (VD: vitamin A, D, E, K). Điều quan trọng là bạn cần có chế độ ăn uống với đủ các nhóm thực phẩm, cân bằng (không ăn quá ít hoặc quá nhiều một nhóm thực phẩm), và đa dạng suốt cả tuần để đảm bảo đầy đủ dưỡng chất và chất chống oxy hóa cần thiết.

* Xin hỏi bị ung thư dạ dày cần kiêng ăn uống những thứ gì? (Trần Trung ytrungsky05@...)

- Ung thư dạ dày ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng ăn uống và quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng trong cơ thể, cho nên tùy thuộc vào mức độ và giai đoạn phát triển của bệnh, sẽ có những chế độ ăn uống khác nhau.

Nhưng nhìn chung, những bệnh nhân bị ung thư dạ dày cần đặc biệt hạn chế tối đa các nhóm thực phẩm sau: - Các món ăn được chế biến bằng phương pháp chiên rán, chứa nhiều dầu mỡ và chất béo - Giảm thiểu lượng muối sử dụng trong bữa ăn, các loại thực phẩm muối như dưa cải, nước chấm,… - Các loại đồ uống có cồn, chất kích thích như bia rượu, cà phê, nước tăng lực,… Phối hợp ăn uống đầy đủ nhóm thực phẩm - cân bằng - đa dạng và vận động thể chất để có thể đạt được kết quả tốt nhất.

* Tôi bị ung thư dạ dày, thức ăn ngày nào cũng bị xay nhỏ thành súp, cháo như đồ ăn trẻ em, thực sự rất ngán. Ngoài súp ra tôi có thể ăn thứ gì khác nữa không bác sĩ? (Mai Tròn, mycircle6288@...)

- Đối với ung thư dạ dày, bệnh nhân có thể ăn nhiều cấu trúc thực phẩm khác nhau (VD: súp xay, mềm, rắn,...). Tùy vào tình trạng bệnh lý và khả năng tiêu hóa, hấp thu mà nhân viên y tế sẽ có chỉ định chế độ ăn khác nhau cho mỗi bệnh nhân. Vì thế cần có đánh giá chuyên sâu thì mới đưa ra câu trả lời phù hợp với trường hợp của bạn.

Tôi bị ung thư dạ dày giai đoạn 3, nhiều người khuyên không nên phẫu thuật làm gì nữa, chỉ cần ăn uống thực dưỡng kết hợp luyện tập để kéo dài cuộc sống, vậy có đúng không? (Huệ, hue1590@...)

- Phẫu thuật cắt bỏ khối u là một phần của quá trình điều trị ung thư dạ dày. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ xem xét thể trạng và diễn biến của bệnh để quyết định bạn có được  phẫu thuật hay không.

 Xét về mặt dinh dưỡng, thực phẩm thông thường không thể giúp bạn loại bỏ hoàn toàn khối u. Tuy nhiên, dinh dưỡng hợp lý kết hợp với vận động thể chất sẽ giúp nâng đỡ thể trạng, duy trì khối cơ, và đáp ứng tốt hơn với quá trình điều trị. Điều này sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của bạn hơn là việc ăn uống sơ sài thiếu dưỡng chất.

* Tôi đọc báo thấy quảng cáo nấm lim xanh có thể giúp tăng cường sức khỏe, nhiều người khỏi được ung thư cũng nhờ loại nấm này. Thực sự nó có tác dụng như vậy không bác sĩ, tôi muốn mua để uống mà còn đắn đo vì giá mắc quá. (Cao Bằng, nguoiconcaobang1954@...)

- Nấm lim xanh (Ganoderma lucidum Karst) là một loại nấm linh chi đặc hữu, mọc trên thân cây lim xanh. Hiện nay, các thử nghiệm tiền lâm sàng chỉ mới tập trung nghiên cứu về đặc tính chống ung thư và điều hòa miễn dịch của bộ nấm linh chi nói chung.

Một số nghiên cứu cho thấy việc sử dụng kết hợp các chế phẩm từ nấm linh chi có tác dụng như một chất bổ trợ chống lại việc ức chế miễn dịch của hóa trị/xạ trị thông thường.

Bên cạnh đó, một vài nghiên cứu cho thấy khả năng ức chế tế bào ung thư ở một số nghiên cứu riêng lẻ. Tuy nhiên, các nghiên cứu tổng quan không cung cấp bằng chứng rõ ràng để chứng tỏ rằng việc sử dụng các chế phẩm từ nấm linh chi là một liệu pháp hữu hiệu để điều trị ung thư.

Vì vậy, việc quyết định có nên sử dụng hay không phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như kinh phí và lợi ích sức khỏe của bệnh nhân. Cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ điều trị để có một sự lựa chọn thích hợp nhất.

* Bác sĩ ơi, điều trị hóa chất dài ngày khiến tôi mệt mỏi, không còn muốn ăn uống gì cả, cứ nhìn thấy đồ ăn là sợ. Tôi phải làm sao đây (Vũ Phương, hoanghonmautim_1972@...)

- Tác dụng phụ của hóa trị thường gây chán ăn, khô miệng, và thay đổi vị giác. Vì vậy, để tăng cảm giác thèm ăn và giảm khô miệng, bạn có thể thử nhai chewing gum trước bữa ăn để kích thích tiết nước bọt. Bên cạnh đó, bạn cần được đánh giá và tư vấn dinh dưỡng để có chế độ dinh dưỡng phù hợp trước khi bị suy mòn vì ăn uống kém.

* Bệnh nhân ung thư vòm họng nên ăn uống theo thực đơn như thế nào thưa bác sĩ? (Chương, Quận 9, TP.HCM, chuongnguyen06@...)

- Bệnh nhân bị ung thư vòm họng thường bị đau rát vòm họng, khó nuốt, dễ bị hít sặc. Vì vậy, thực đơn không chỉ đáp đứng đủ dinh dưỡng mà phải phù hợp với khả năng ăn uống của bệnh nhân, vì vậy bạn cần lưu ý các vấn đề sau:

+ Chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa/ngày, để giảm lượng thức ăn mỗi bữa

+ Ăn các loại thực phẩm mềm và có độ trơn để dễ nuốt: sinh tố, khoai tây nghiền...

+ Đảm bảo đậm độ năng lượng của từng bữa ăn

+ Hạn chế các loại thực phẩm cay, nóng, chua vì sẽ gây kích ứng vòm họng.

Bên cạnh đó, bạn cần được đánh giá và tư vấn chuyên sâu để có chế độ can thiệp dinh dưỡng phù hợp nhất nhé.

* Ung thư vòm họng tuyệt đối không được ăn đồ cay nóng đúng không bác sĩ, tôi thèm quá có thể ăn một chút được không? (Lanh Nguyễn,  TP.HCM, lanhnguyen76@...)

- Các thực phẩm cay, chua, nóng sẽ gây kích ứng niêm mạc vòm họng, kích thích phản ứng viêm và giảm hiệu quả điều trị. Vì vậy bạn cần phải hạn chế tiêu thụ các thực phẩm này.  Về trường hợp của bạn, bạn nên được bác sĩ đánh giá về diễn biến của bệnh và từ đó mới có thể đưa ra lời khuyên phù hợp nhất với tình trạng của bạn.

* Tôi vừa phẫu thuật ung thư vòm họng, được khuyên nên ăn nhiều trái cây, rau quả. Nhưng đọc trên mạng thấy có những bài lưu ý không được ăn rau diếp, cà chua, chuối và bơ, các loại nước có vị chua như nước chanh, nước cam. Những lưu ý này có đúng không và nếu có là vì sao, cảm ơn bác sĩ tư vấn. (Trần Bình Minh, TP.HCM, minhtran1204@...)

- Đối với những bệnh nhân bị ung thư vòm họng, cần hạn chế tối đa các trái cây (VD: cam, dâu…), rau củ (VD: cà chua), nước ép có nhiều acid để tránh gây kích ứng niêm mạc vòm họng, kích thích phản ứng viêm và giảm hiệu quả điều trị.

Còn đối với rau diếp, chuối và bơ thì không có nghiên cứu nào cho thấy tác hại của các thực phẩm này đối với người bị ung thư vòm họng. Hơn nữa, rau diếp, chuối và bơ lại là các nguồn bổ sung các vitamin, chất khoáng và chất chống oxi hóa cần thiết cho cơ thể.

Tóm lại, đối với bệnh nhân ung thư vòm họng và bệnh nhân ung thư nói chung thường dễ có nguy cơ thiếu dinh dưỡng do ăn uống kém, vì vậy bạn cần phải ăn đầy đủ - cân bằng - đa dạng các loại thực phẩm nhằm cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.

* Tôi nghe truyền tai về phương pháp chữa bệnh ung thư thuận tự nhiên. Trong đó 5 loại thực phẩm gồm sả, tỏi, nghệ, nha đam và mật ong được bào chế bằng cách xay nhuyễn sả, tỏi, nghệ, nha đam rồi cho vô hũ. Tiếp theo, đổ mật ong vào và đợi 5-7 ngày sau mới được sử dụng. Người bệnh uống thường xuyên sẽ giảm hoặc hết hẳn bệnh ung thư.

Tôi muốn theo phương pháp này, không điều trị theo Tây y để tránh đau đớn được không thưa bác sĩ? (Bảo, TP.HCM, nhpbaodonre@...)

- Một số nghiên cứu tại quy mô phòng thí nghiệm cho thấy khả năng ức chế tế bào ung thư của sả, tỏi và nghệ.

Tuy nhiên, còn thiếu các nghiên cứu lâm sàng trên người để kiểm chứng tác dụng này. Bên cạnh đó, nha đam và mật ong dùng để hỗ trợ quá trình điều trị ung thư vòm họng, nhằm giảm triệu chứng khó chịu và viêm loét của bệnh, tuy nhiên không có tác dụng ức chế tế bào ung thư.

Vì vậy, bạn nên chọn phương pháp điều trị đã được chứng minh hiệu quả lâm sàng nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất.

* Xin bác sĩ tư vấn giùm, đang hóa trị ung thư đại trực tràng, sức khỏe rất yếu thì nên ăn gì để tăng lực, có sức chống chọi bệnh tật? (Lê Hoàng Anh Tú, Củ Chi, tu_hero@...)

- Trong quá trình điều trị ung thư đại tràng, để hạn chế tổn thương niêm mạc đại tràng, bạn cần hạn chế các thực phẩm có chất xơ dạng sợi, thay vào đó nên bổ sung thực phẩm có chất xơ hòa tan (VD: nước ép rau củ quả).

Chia nhỏ các bữa ăn để đảm bảo cơ thể nhận được đủ năng lượng cũng như các chất dinh dưỡng và giảm tải cho hệ tiêu hóa. Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ.

Trên đây là những nguyên tắc chung trong việc thực hành ăn uống cho các bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Tùy theo kết quả đánh giá tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của cá nhân, các nhân viên y tế sẽ có pháp đồ điều trị riêng và cụ thể hơn.

Ngoài ra, bạn cũng cần duy trì tâm lý ổn định, tập thể dục thể thao, tham gia các hoạt động ngoài trời khác để củng cố sức khỏe.

* Ung thư tế bào mầm ở thực quản là rất ác tính đúng không bác sĩ? Dù gì cũng sẽ chết, tôi có thể ăn uống thật thoải mái những thứ mình thích, đi du lịch thăm thú các nơi thay vì điều trị ở bệnh viện, rụng tóc, kiêng khem đủ thứ và chết dần mòn, có được không? (Hoàng Các, TP.HCM, hoangcac.stnmt@...)

- Bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết tiên lượng của việc điều trị. Ung thư thực quản nếu phát hiện sớm thì có khả năng điều trị hiệu quả.

Tóm lại, đối với bệnh nhân ung thư thực quản và bệnh nhân ung thư nói chung thường dễ có nguy cơ thiếu dinh dưỡng do ăn uống kém, vì vậy chúng tôi không khuyên kiêng kem nhiều thứ như nhiều người lầm tưởng, trừ việc phải hạn chế các thực phẩm cay, nóng, chua vì gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa.

Người bệnh cần phải ăn đầy đủ - cân bằng - đa dạng các loại thực phẩm nhằm cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.

* Bố tôi bị ung thư thực quản, không may là phát hiện khi đã ở giai đoạn cuối, tiên lượng rất xấu, có điều trị thuốc nhưng không đáp ứng. Ông bị suy nhược cơ thể thấy rõ, mệt mỏi triền miên, ăn uống kém, tâm trạng rất xấu. Xin bác sĩ tư vấn cách chăm sóc, dinh dưỡng và động viên tinh thần cho bố tôi. Cảm ơn bác sĩ rất nhiều. (Nguyễn Văn Hải, Bình Dương, hoanghaibd@...)

- Các bệnh nhân bị ung thư thực quản thường bị tình trạng khó nuốt do khối u chèn ép đường đi xuống của thức ăn, dễ bị trào ngược. Vì vậy, tùy theo tình trạng dinh dưỡng và khả năng ăn uống của người bệnh mà các chuyên gia dinh dưỡng sẽ có chế độ can thiệp phù hợp. Nhìn chung, chế độ ăn của người bị ung thư thực quản cần như sau:

+ Chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa/ngày, để giảm lượng thức ăn mỗi bữa

+ Ăn các loại thực phẩm lỏng: sinh tố, súp xay

+ Đảm bảo đậm độ năng lượng của từng bữa ăn

+ Hạn chế các loại thực phẩm cay, nóng, chua vì sẽ gây kích ứng niêm mạc.

* Mẹ tôi đã mổ, nối thực quản, hiện đang ăn uống qua dịch truyền. Xin hỏi sau thời gian này, việc ăn uống của mẹ tôi có cần lưu ý gì không thưa bác sĩ? (Lê Châu Long, Vĩnh Long, chaudragon27@...)

- Người bệnh mổ nối thực quản khi tập ăn lại bằng đường miệng thì cần lưu ý:

+ Chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa/ngày, để giảm lượng thức ăn mỗi bữa

+ Tăng định lượng và đậm độ năng lượng từ từ theo đáp ứng của người bệnh

+ Bắt đầu cho ăn thực phẩm lỏng, sau đó nâng dần độ đặc của thực phẩm

+ Hạn chế các loại thực phẩm cay, nóng, chua vì sẽ gây kích ứng niêm mạc.

Bên cạnh đó, mẹ của bạn cần được đánh giá dinh dưỡng và theo dõi thường xuyên bởi các chuyên gia dinh dưỡng nhằm đảm bảo đủ dưỡng chất hấp thu và hồi phục tốt.

* Tôi có thói quen uống vài ngụm bia, hoặc một ly vang rất nhỏ trước bữa ăn để ngon miệng hơn. Sau khi điều trị ung thư thực quản, tôi có thể duy trì thói quen này không thưa bác sĩ? (Hiếu Lê, Lâm Đồng, lethanhhieuk12@...)

- Chất cồn trong bia và rượu gây kích ứng vùng niêm mạc thực quản và cần phải hạn chế tối đa trong quá trình điều trị ung thư thực quản.  Về trường hợp của bạn, bạn nên được bác sĩ đánh giá về diễn biến của bệnh và từ đó mới có thể đưa ra lời khuyên phù hợp nhất với tình trạng của bạn.

* Tôi đi khám ở bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ kết luận ung thư thực quản đã di căn. Tôi đứng trước lựa chọn có điều trị hóa chất kết hợp xạ trị, hay về nhà uống thuốc lá nam, nước lá đu đủ như nhiều người mách. Người ta nói hóa chất chỉ làm cái chết thêm đau đớn, còn nước lá đu đủ nếu không chữa được thì cũng không gây hại gì. Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên. (Văn Thảo Nguyên, Thanh Hóa, thaonguyen_xanh@...)

- Mặc dù có một số trường hợp lâm sàng ghi nhận rằng việc uống nước đu đủ có dấu hiệu tích cực trong việc điều trị ung thư.

Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu lâm sàng nào được thực hiện để khẳng định tác dụng này.

Vì vậy, không thể khuyến nghị dùng lá đu đủ là phương pháp điều trị ung thư được, vì các trường hợp ghi nhận mang tính chất đơn lẻ và tùy thuộc vào từng cá nhân, và có nhiều yếu tố tác động tới kết quả lâm sàng ngoài chế độ ăn uống.

Do đó, bạn cần chọn phương pháp điều trị đã được chứng minh hiệu quả lâm sàng như hóa trị/xạ trị.

* Bác sĩ ơi, có phải với người bị ung thư vòm họng thì không nên đựng thức ăn vào đồ kim loại, mà phải đựng vào đồ nhựa, thủy tinh phải không? Tôi đọc thấy trên website của một bệnh viện, nói rằng người ung thư vòm họng sẽ nhạy cảm hơn với đồ kim loại? (Lê Thanh Sinh, Long An, thusinhlongan62@...)

- Hiện nay, chưa có nghiên cứu khoa học nào thể hiện mối liên quan giữa ung thư vòm họng với việc đựng thức ăn vào đồ kim loại. Thực phẩm có thể bị thôi nhiễm bởi các chất được sử dụng để sản xuất bao bì/hộp chứa đựng. Vì vậy, bạn cần chọn loại bao bì/hộp có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm tra chứng nhận bởi cơ quan chức năng và chú ý xem các ký hiệu trên bao bì/hộp để sử dụng đúng cách.

Theo hướng dẫn của chính phủ Canada về "an toàn sử dụng đồ dùng chứa thực phẩm", bạn cần lưu ý các điều sau nhằm hạn chế tối đa việc phơi nhiễm kim loại nặng hoặc các chất không mong muốn từ đồ chứa đựng:

Không nên chứa đựng thực phẩm quá lâu trong đồ dùng bằng nhôm

Không nên chứa đựng các thực phẩm có tính acid (VD: nước cam/chanh) trong đồ dùng bằng thép không rỉ

Không sử dụng vật liệu nhựa cho lò vi sóng trừ khi các vật liệu này có ký hiệu "an toàn cho lò vi song"

Không tái sử dụng lại đồ chứa đựng bằng "nhựa dùng một lần" (VD: chai nhựa PET đựng nước giải khát)

Không sử dụng các vật liệu bằng silicone ở nhiệt độ trên 220 °C

* Tôi đang vô hóa chất điều trị ung thư vòm họng. Có mỗi việc ăn uống cũng làm cả nhà tôi đau đầu. Bác sĩ điều trị thì khuyên ăn uống đủ chất. Nhưng đọc sách báo và nhiều bệnh nhân cùng điều trị thì cứ khuyên là không được ăn đồ quá bổ, như vậy khác nào "nuôi" tế bào ung thư. Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên. (Nguyễn Ngọc Anh, 53 tuổi, TP.HCM, ngngocanh1966@..)

Bệnh nhân bị ung thư vòm họng thường bị khó nuốt, dễ bị hít sặc, và thường bị loét vòm miệng gây đau đớn khi ăn, nhất là ở giai đoạn điều trị hóa chất.

Bạn cần nên hiểu rằng, tế bào ung thư cần năng lượng và dưỡng chất thì các tế bào lành mạnh khác cũng cần. Khi bạn không nạp đủ dưỡng chất cần thiết, tế bào ung thư (là các dạng đột biến) sẽ có lợi thế khi cạnh tranh hấp thu với các tế bào lành mạnh lân cận để tăng sinh.

Vì vậy, việc "bỏ đói" tế bào ung thư không đem lại giá trị điều trị mà còn làm cho người bệnh suy kiệt vì thiếu dưỡng chất. Theo khuyến nghị của các hiệp hội lâm sàng uy tín, chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư cần nhiều năng lượng và đạm hơn bình thường để giúp nâng đỡ thể trạng của người bệnh và giúp tăng hiệu quả điều trị.

Để đảm bảo tình trạng dinh dưỡng được tốt nhất, bệnh nhân cần được đánh giá và can thiệp dinh dưỡng sớm.

* Có phải ăn quá nhiều thịt có thể gây ung thư vòm họng? Xin tư vấn lượng thịt ăn hàng ngày bao nhiêu là đủ thưa bác sĩ? (Giang Thanh Phương, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, giangthanhphuonggtp@...)

- Nhiều nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ quá nhiều thịt (đặc biệt là thịt đỏ và thịt chế biến sẵn như bacon, ham, xúc xích, v.v…) có liên quan đến các loại ung thư vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt, bao tử và đại tràng. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa việc ăn thịt đỏ/cá/gia cầm và ung thư vòm họng.

Dựa theo cân nặng và chiều cao trung bình của người Việt Nam thì lượng thịt nên tiêu thụ khoảng 50 - 100 g/bữa. Ngoài ra, bạn nên lựa chọn những loại thịt nạc, không mỡ và chế biến ở dạng hấp, luộc hoặc xào, không nên chiên nướng. Đồng thời bạn nên đa dạng các loại thịt trong suốt cả tuần, và kết hợp thêm nguồn đạm thực vật trong các loại đậu (VD: đậu nành, đậu xanh, đậu đỏ, v.v…).

* Tôi rất thích ăn các loại rau củ muối chua, như dưa cải, kim chi, cà pháo… và hầu như ngày nào cũng ăn một ít. Gần đây tôi mới biết ăn nhiều loại thức ăn này có thể gây ung thư đường tiêu hóa. Xin hỏi ăn nhiều cỡ nào thì có thể gây ung thư? (Nguyễn Hồng, TP.HCM, vhongnguyen19@...)

- Rau củ muối chua chứa lượng muối cao gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Đồng thời, chúng giàu nitrate, nitrite, khi vào dạ dày và tiếp xúc với biểu mô dạ dày nó sẽ chuyển thành N-nitroso, một hợp chất có khả năng gây ung thư.

Nghiên cứu ở Hàn Quốc và Trung Quốc cho thấy rằng, những người ăn rau quả muối chua thường xuyên (trung bình 1 người Hàn tiêu thụ khoảng 200-300 g/ngày, 1 người Trung Quốc ăn mỗi ngày trong vòng 9-12 tháng/năm) có khả năng tăng 50% nguy cơ ung thư dạ dày so với những người không ăn rau quả muối chua. Hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học khẳng định rõ ràng rằng ăn bao nhiêu lượng rau củ muối chua có thể gây ung thư. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo bạn thay vì ăn rau củ muối chua thì nên ăn rau tươi sẽ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.

* Các bệnh nhân khác cùng phòng với tôi đều kiêng ăn những loại thực phẩm giàu đạm như các món ăn: trứng vịt lộn, thịt gà, thịt bò… hay kiêng các loại thức ăn có màu đỏ kể cả là rau như rau dền, củ dền, vì họ cho rằng những loại thực phẩm này là thức ăn khoái khẩu của tế bào ung thư.Trong khi chỉ có mình tôi "dám" ăn đồ bổ. Xin bác sĩ cho chúng tôi một lời khuyên. (Đỗ Sĩ, lasido2212@...)

- Bạn cần nên hiểu rằng, tế bào ung thư cần năng lượng và dưỡng chất thì các tế bào lành mạnh khác cũng cần. Khi bạn không nạp đủ dưỡng chất cần thiết, tế bào ung thư (là các dạng đột biến) sẽ có lợi thế khi cạnh tranh hấp thu với các tế bào lành mạnh lân cận để tăng sinh.

Trong giai đoạn bị ung thư, bạn cần nhiều đạm hơn mức bình thường, vì vậy không nên khiêng kem quá mức mà cần phải đảm bảo cung cấp đủ các loại acid amin, bằng cách ăn đa dạng các loại thực phẩm giàu đạm, khẩu phần ăn phải cân đối giữa protein động vật và thực vật.

Thịt cá cung cấp nhiều omega 3, giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch chống lại khối u. Cơ thể cũng cần bổ sung thêm các nguồn sắt, kẽm có giá trị sinh học cao từ các loại thịt có màu đỏ như thịt lợn nạc, thịt bò v.v… Rau dền và củ dền ngoài cung cấp chất xơ và các vitamin/chất khoáng, chúng còn chứa chất chống oxy hóa tốt cho cơ thể.

Bên cạnh đó việc ăn uống đầy đủ- cân bằng – đa dạng các nhóm thực phẩm, bệnh nhân cần có một chế độ tập luyện sức khỏe hợp lý.

* Củ khoai lang chứa nhiều chất xơ, hàm lượng protein cao có khả năng ức chế ung thư đại trực tràng , ruột kết. Điều này có đúng không thưa bác sĩ? Ngoài khoai lang, có thể ăn gì nữa để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng? (Lê Văn Toàn, Lâm Đồng, toanlefarmno1@...)

- Lượng protein trong khoai lang không nhiều như bạn nghĩ, 100 g khoai lang nghệ cung cấp 1.2 g protein, bằng ½ lượng protein của 100 g cơm. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm của khoai lang là chứa nhiều chất xơ hòa tan dạng FOS và inulin, hay còn được gọi là prebiotic. Các chất này giúp nhuận trường và kích thích sự phát triển lợi khuẩn đường ruột.

Nhiều nghiên cứu lâm sàng cho thấy việc tiêu thụ các thực phẩm giàu FOS và inulin giúp giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. Bên cạnh đó, các khoai lang màu tím có chứa anthocyanin là một chất chống oxi hóa cũng đem lại lợi ích phòng tránh ung thư.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng, bạn cần:

Ăn nhiều rau và trái cây để cung cấp chất xơ và vitamin/chất khoáng, giúp nhuận trường, tránh táo bón

Uống đủ nước, khoảng 2 lít nước/ngày

Thường xuyên vận động thể chất để kích thích nhu động ruột.

* Đang điều trị hóa chất, tôi bị rối loạn tiêu hóa, hầu hết thì bị tiêu chảy, có hôm lại táo bón rất nặng. Xin hỏi mỗi khi như vậy tôi nên ăn những gì và không nên ăn những gì? (Trần Văn Kính, Ninh Bình, kinhtrantrangan@...)

- Hóa chất trị liệu ảnh hưởng đến những tế bào biểu mô ở bên trong ruột, gây ra rối loạn tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy hoặc táo bón.

Khi bị tiêu chảy, bạn lưu ý:

+ Chia nhỏ bữa thành 5-6 bữa/ngày để giảm tải cho hệ tiêu hóa

+ Ăn những thức ăn mềm, lỏng như cháo, súp để hệ tiêu hóa có thể tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn.

+ Uống thêm chất lỏng để bù đắp lượng chất lỏng mất đi

+ Tránh thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ và thức ăn chua cay.

+ Hạn chế thực phẩm chứa lactose (VD: sữa bò) vì khi bị rối loạn tiêu hóa cơ thể tạm thời bị mất enzyme tiêu hóa lactose, và sẽ làm cho tình trạng tiêu chảy trầm trọng hơn. Thay vào đó, bạn có thể ăn sữa chua hoặc phô mai.

Khi bị táo bón, bạn lưu ý:

+ Ăn những thức ăn có nhiều chất xơ, tốt nhất là chất xơ hòa tan (VD: nước ép rau củ quả, các loại rau quả có độ nhớt)

+ Uống  đủ nước, khoảng 2 lít nước/ngày để phân mềm và dễ đi hơn.

+ Tránh thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ

+ Thường xuyên vận động thể chất để kích thích nhu động ruột

Nếu tình trạng nặng và kéo dài, bạn nên gặp nhân viên y tế để được tư vấn chuyên sâu và có biện pháp can thiệp kịp thời.

* Trà xanh tốt cho sức khỏe, nhưng tôi nghe nói khi đang hóa trị mà uống nước trà sẽ không tốt, điều này có đúng không thưa bác sĩ? Hóa chất làm tôi nóng trong người, muốn uống nước thanh nhiệt thì nên chọn loại nào cho an toàn, thưa bác sĩ? (Liêu Ngọc Mỹ, mylogistic@...)

- Hiện nay chưa có các nghiên cứu lâm sàng thể hiện mối liên hệ giữa việc tiêu thụ trà xanh và các thuốc hóa trị liệu. Tuy nhiên, các nghiên cứu tại phòng thí nghiệm cho thấy tác dụng tích cực của trà xanh đối với quá trình hóa trị.

Cụ thể là, trà xanh có thể làm giảm tác dụng phụ, hoặc giảm tình trạng kháng thuốc đối với một số hóa chất trị liệu ung thư và làm tăng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, tùy theo loại hóa chất trị liệu và tình trạng bệnh lý, bạn cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ điều trị.

Về trường hợp bạn đề cập "nóng trong người", cần được đánh giá lâm sàng để hiểu rõ hơn tình trạng của bạn để có lời khuyên hợp lý nhất. Về nguyên tắc chung, nước uống thông thường chính là phương pháp giải nhiệt vừa đơn giản vừa rẻ tiền. Mỗi ngày nên uống từ 8-10 cốc nước loại 200 ml (tương đương khoảng 2 lít nước/ngày) hoặc nhiều hơn.

* Tôi nghe nói một số loại ung thư không nên ăn các thực phẩm có nguồn gốc từ đậu nành. Tôi bị ung thư thực quản đã phẫu thuật, có thể dùng thực phẩm từ đậu nành không? Đậu hũ và nước đậu nành vốn là đồ khoái khẩu của tôi. (Nguyễn Mạnh Hùng, 45 tuổi, TP.HCM, hungulawhcm@...)

- Hiện tại, chưa có nghiên cứu lâm sàng nào chứng minh ảnh hưởng của thực phẩm có nguồn gốc từ đậu nành đến ung thư. Ngược lại, nhiều nghiên cứu lâm sàng cho thấy chất Isoflavones có trong đậu nành là chất chống oxy hóa mạnh, được chứng minh có tác dụng trong việc ngăn ngừa và giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư đại trực tràng,v.v... Hơn thế nữa, trong trường hợp của anh, đậu hũ và nước đậu nành là những thực phẩm mềm, lỏng dễ nuốt có lợi cho việc ăn uống của anh sau khi điều trị.

Đậu nành cũng là nguồn thực phẩm giàu đạm, nên sử dụng kết hợp với các loại đạm động vật để đa dạng bữa ăn, duy trì sức khỏe tốt nhất.

* Sau hóa trị, tôi thường xuyên bị loét miệng rất khó chịu, ăn uống càng thêm khó khăn. Có cách nào bớt đau rát được không bác sĩ? Xin giúp tôi với. (Hoàng Hải, Củ Chi, hoanghaibaby333@...)

- Tác dụng phụ của một số chất hóa trị thường gây loét miệng, đau rát cổ họng.

Để làm giảm đau rát do loét miệng gây ra bạn cần lưu ý:

Tránh những thực phẩm chua (VD: cam, chanh) hoặc mặn (VD: sản phẩm muối chua)

Tránh thực phẩm cứng và khô như bánh quy giòn, bánh mì khô, bánh skack, các loại hạt.

Tránh có thức ăn có nhiều gia vị gây kích thích niêm mạc miệng như ớt, cà ri, tiêu, v.v…

Nên dùng thức ăn nguội, ấm hoặc lạnh.

Dùng thực phẩm có cấu trúc mềm, mịn, hoặc lỏng (VD: súp xay, khoai tây nghiền)

Tránh dùng nước súc miệng có chứa cồn

Tránh uống rượu, đồ uống có gas hoặc caffeine.

* Bác sĩ ơi có cách gì làm tăng cảm giác thèm ăn không? Hóa trị làm miệng tôi đắng ngắt và buồn nôn mỗi khi ngửi thấy mùi thức ăn, dù trước đây tôi là người rất dễ nuôi, có gì ăn nấy ngon lành… (Trịnh Nguyên, Long An, nguyen_nguyen@yahoo...)

- Tác dụng phụ của hóa trị thường gây chán ăn, khô miệng, và thay đổi vị giác. Vì vậy, để tăng cảm giác thèm ăn và giảm khô miệng, bạn có thể thử nhai chewing gum trước bữa ăn để kích thích tiết nước bọt.

Để giảm cảm giác buồn môn do mùi thức ăn thì bạn nên chế biến bằng các phương pháp ít dậy mùi như luộc, hấp, nấu canh và sử dụng ít gia vị. Bên cạnh đó, bạn cần được đánh giá và tư vấn dinh dưỡng để có chế độ dinh dưỡng phù hợp trước khi bị suy mòn vì ăn uống kém.

* Sau phẫu thuật ung thư lưỡi, nên ăn uống và giữ vệ sinh khoang miệng như thế nào để tránh nhiễm trùng thưa bác sĩ? (Nguyễn Thị Minh Thùy, minhthuy.mc@...)

Sau khi phẫu thuật ung thư lưỡi, bạn cần lưu ý như sau:

+ Hạn chế ăn những thức ăn cay, nóng, chua vì sẽ gây kích ứng niêm mạc lưỡi, kích thích phản ứng viêm và giảm hiệu quả điều trị, kéo dài quá trình hồi phục.

+ Ăn các loại thực phẩm mềm, dễ nhai, nuốt như: sinh tố, súp xay, khoai tây nghiền, …

Đồng thời, bạn cũng cần chú ý vệ sinh răng miệng sau bữa ăn như súc miệng bằng dung dịch vệ sinh chuyên dùng theo hướng dẫn của bác sĩ. Bạn cần gặp bác sĩ để tư vấn nếu có bất kì dấu hiệu nào của viêm, nhiễm trùng.

* Bố tôi bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, thường đau bụng dữ dội trong thời gian lâu, cơ thể suy nhược, sụt cân trầm trọng. Không chỉ đau ở vùng bụng mà khối u di căn tới đâu còn đau đớn tới đó. Việc ăn uống vô cùng khó khăn cực khổ. Xin bác sĩ tư vấn những loại thức ăn dễ ăn, nhiều năng lượng giúp bố tôi chống chọi bệnh tật… (Mai Hữu Đức, Thanh Hóa, ducmaihuu36@...)

- Bệnh nhân bị ung thư dạ dày thường bị suy mòn nhanh do ăn uống kém. Do đó, chế độ ăn cần đáp ứng đủ dinh dưỡng và phải phù hợp với khả năng ăn uống của bệnh nhân, vì vậy bạn cần lưu ý các vấn đề sau:

+ Chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa/ngày, để giảm tải cho hệ tiêu hóa

+ Ăn các loại thực phẩm mềm và lỏng: cháo, soup xay nhưng vẫn phải đảm bảo đậm độ năng lượng của từng bữa ăn

+ Hạn chế các loại thực phẩm cay, nóng, chua, chất kích thích vì sẽ gây kích ứng niêm mạc dạ dày

+ Hạn chế thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ và chất béo gây khó tiêu.

+ Có thể sử dụng thêm các sản phẩm dinh dưỡng y học dành cho bệnh nhân ung thư trong trường hợp người bệnh ăn uống quá ít

+ Có thể bổ sung một số sản phẩm tinh bột hoặc chất béo thủy phân (VD: maltodextrin hoặc MCT) vào thực phẩm thông thường nhằm tăng đậm độ năng lượng.

Tùy theo tình trạng của mỗi bệnh nhân sẽ có kế hoạch can thiệp dinh dưỡng riêng biệt. Gia đình cần tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để có kế hoạch can thiệp phù hợp và động viên tinh thần để bệnh nhân chống chọi với bệnh tật.

* Có phải ung thư đại trực tràng thì nên ăn nhiều rau xanh? (Nguyễn Văn Sỹ, Bình Dương, synhavan@. ..)

- Chế độ ăn nhiều rau xanh cần áp dụng ngay cả khi bạn chưa mắc ung thư.

Tôi bị ung thư trực tràng giai đoạn 2, thường xuyên đau bụng, chán ăn và cảm thấy cơ thể mệt mỏi. Tôi không thể ăn các món yêu thích, tôi rất lo lắng về nguy cơ thiếu chất dinh dưỡng. Tôi phải làm sao? (Trần Tuyết Nhung, TP.HCM, trantuyetnhung@...)

Trong quá trình điều trị ung thư trực tràng, để hạn chế tổn thương niêm mạc, bạn cần hạn chế các thực phẩm có chất xơ dạng sợi, thay vào đó nên bổ sung thực phẩm có chất xơ hòa tan (VD: nước ép rau củ quả). Chia nhỏ các bữa ăn để đảm bảo cơ thể nhận được đủ năng lượng cũng như các chất dinh dưỡng và giảm tải cho hệ tiêu hóa.

Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ. Tùy theo kết quả đánh giá tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của cá nhân, các nhân viên y tế sẽ có pháp đồ điều trị riêng và cụ thể hơn. Ngoài ra, bạn cũng cần duy trì tâm lý ổn định, tập thể dục thể thao, tham gia các hoạt động ngoài trời khác để củng cố sức khỏe.

* Nhờ bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân ung thư hậu môn, nên ăn uống thế nào thì hợp lí? Cảm ơn bác sĩ. (Lê Thu Lan, Ninh Bình,  thulanyeuthuong@...)

- Tăng cường ăn các loại trái cây và rau củ, ngũ cốc trong bữa ăn hàng ngày, tăng cường uống ước và luyện tập thể dục vừa sức.

Báo Tuổi Trẻ phối hợp Bệnh viện Quốc Tế Mỹ (AIH) tổ chức chương trình tư vấn điều trị ung thư đường tiêu hóa từ ngày 2-4 đến 15-5.

Bạn đọc có thắc mắc về ung thư đường tiêu hóa (miệng, thực quản, dạ dày, ruột, hậu môn...) hay cách ăn uống cho bệnh nhân bị ung thư đường tiêu hóa, có thể gửi câu hỏi về email [email protected] hoặc điền câu hỏi ở đây.

500 bạn đọc gửi câu hỏi sớm nhất sẽ được tặng thẻ ưu đãi gồm 1 lần khám bệnh miễn phí, trị giá 690.000 đồng và giảm 5% phí dịch vụ lẻ tiếp theo tại Bệnh viện Quốc Tế Mỹ AIH (Q.2, TP.HCM).

Bạn đọc gửi câu hỏi vui lòng để lại thông tin họ tên, email, điện thoại liên lạc hoặc địa chỉ để nhận được quà từ chương trình.

Hỏi về ung thư dạ dày, đại tràng..., được khám bệnh miễn phí Hỏi về ung thư dạ dày, đại tràng..., được khám bệnh miễn phí

TTO - Loại ung thư nào hay gặp ở đường tiêu hóa? Phương pháp điều trị ra sao? Chế độ dinh dưỡng trong điều trị ung thư thế nào? ... sẽ được chuyên gia, bác sĩ giải đáp trên tuoitre.vn.

NGỌC LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên