31/10/2018 15:59 GMT+7

Ai là đệ nhất cao thủ của Kim Dung võ lâm?

TRẦN PHI TUẤN
TRẦN PHI TUẤN

TTO - Khi Kim Dung qua đời, không ít bài báo nói ông là 'Võ lâm minh chủ'. Nhưng trong thế giới võ lâm mà ông tạo nên, hẳn độc giả sẽ còn tranh cãi mãi: Ai mới là đệ nhất cao thủ của Kim Dung võ lâm?

Ai là đệ nhất cao thủ của Kim Dung võ lâm? - Ảnh 1.

Trong Anh hùng xạ điêu, Quách Tĩnh đã dùng Giáng Long Thập Bát Chưởng đối kháng quân Mông, giữ vững thành Tương Dương suốt 10 năm - Ảnh: Sina

Hẳn nhiều người sẽ nhắc: thiên hạ mấy ai bì được với Trương Tam Phong của núi Võ Đang. Nhưng khi truyền bộ Thái cực quyền cho Trương Vô Kỵ, một Trương chân nhân đã trăm tuổi trong khi Trương Vô Kỵ hãy còn là một thanh niên tuấn tú, lại có thêm Càn Khôn đại nã di, Cửu dương thần công hộ thân.

Vậy Trương lão đạo và Trương giáo chủ ai cao hơn ai?

Võ công ai đệ nhất thiên hạ là một câu hỏi lớn xuyên suốt các tác phẩm của Kim Dung. Trong Ỷ thiên Đồ Long Ký, Trương Vô Kỵ tưởng chừng thân thủ đầy tuyệt kỹ, hết hạ các cao thủ của lục đại môn phái đến Huyền Minh nhị lão hai tuyệt thế dị nhân... vậy mà, có lúc lại chơi vơi với chưởng môn Nga Mi là Chu Chỉ Nhược khi cô nàng một thời thầm yêu trộm nhớ này đoạt được bí kíp tuyệt thế võ công giấu trong kiếm trong đao.

Trailer phim Thiên long bát bộ 2003

Nhưng Trương Vô Kỵ và Chu Chỉ Nhược hóa ra chỉ là những đứa trẻ nít đầy nghịch ngợm trong mắt của Hoàng Sam Nữ Tử, cô con gái của Dương Quá và Tiểu Long Nữ (như giang hồ đồn?).

Dương Quá, trong Thần điêu hiệp lữ có tuyệt chiêu Ám nhiên tiêu hồn chưởng oai trấn giang hồ, đả bại Kim luân Pháp vương. Chỉ còn một tay, số phận đẩy đưa khiến chàng trai này học được võ công bí kíp của tiền bối Độc cô cầu bại qua "thần điểu".

Thần điêu hiệp lữ, ta còn thấy Quách Tương, cô con gái nghịch ngợm của bộ đôi Quách Tĩnh - Hoàng Dung, hai đại cao thủ trong Xạ điêu anh hùng truyện, sau mối tình không thành với Dương đại ca đã bỏ lên núi lập phái Nga Mi, để lại Côn Luân Tam Thánh Hà Túc đạo một mối tình đơn phương, thiên thu vạn đại, kéo dài đến Ỷ thiên đồ long ký.

Vậy phải chăng Độc cô cầu bại mới là đệ nhất cao thủ trong các tác phẩm của Kim Dung?

Có lẽ thế, vì pho Độc cô cửu kiếm còn làm mưa làm gió trong Tiếu ngạo giang hồ mà thiếu niên Lệnh Hồ Xung của Hoa Sơn được tiền bối Phong Thanh Dương truyền dạy. Những tưởng Quỳ hoa Bảo điển mà Đông phương Bất bại luyện thành, hay Tịch tà kiếm phổ mới là đệ nhất, hóa ra vẫn chịu khuất phục trước 9 chiêu kiếm biến hóa này.

Ai là đệ nhất cao thủ của Kim Dung võ lâm? - Ảnh 3.

Vai diễn Âu Dương Phong để đời của Trương Quốc Vinh trong Đông tà Tây độc (Vương Gia Vệ)

Trong các tác phẩm của Kim Dung, độc giả hẳn đề cao thiên hạ ngũ tuyệt gồm Bắc cái Hồng Thất Công, Nam đế Đoàn Trí Hưng, Đông tà Hoàng Dược Sư, Tây độc Âu Dương Phong và Trung Thần Thông Vương Trùng Dương.

Mỗi người một tuyệt kỹ, hùng bá một phương, nhưng vẫn hẹn nhau mỗi năm một lần lên Hoa Sơn luận kiếm để tranh giữ pho Cửu Âm chân kinh, bí kíp võ công danh trấn thiên hạ.

Trong võ lâm ngũ bá, võ công của họ Vương mạnh hơn tất cả, nhưng chẳng may hảo thủ này lại mất sớm, để thiên hạ biết thêm một kỳ tài dị nhân tên là Châu Bá Thông.

Nhân vật này có ngoại hiệu Lão ngoan đồng, già mà như con nít, tính tình cổ quái, tinh nghịch như trẻ con, nhưng võ công thì ai nấy đều phải kính nể. Môn Song thủ hỗ bác, tay trái vẽ hình tròn, tay phải vẽ hình vuông, hai tay cùng xuất chiêu, hỗ trợ lẫn nhau, mấy ai địch nổi.

Đạo cao một thước thì ma cao một trượng, giang hồ hiểm ác cứ không ngừng dậy sóng, và các cao thủ mới lại trùng trùng xuất hiện, sóng sau xô sóng trước, cả trong hắc bạch lưỡng đạo.

Ai là đệ nhất cao thủ của Kim Dung võ lâm? - Ảnh 4.

Một Tiêu Phong hào sảng trong Thiên long bát bộ, với Giáng Long thập bát chưởng, gây khiếp sợ cho các thế lực như Tứ đại ác nhân hay các hảo thủ giang hồ khác.

Nhưng Tiêu Phong trở nên khá nhỏ bé trước hai tượng đài Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác, hai cao thủ ẩn mình trong Tàng Kinh Các của Thiếu lâm để lén học võ công. Vậy mà, đến lượt cả hai tượng đài này lặng lẽ khuất phục trước một hòa thượng vô danh chỉ quét chùa.

Ấy là triết lý, cũng là đạo nghĩa thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân, núi này cao có núi khác cao hơn vậy.

Trong các tác phẩm của Kim Dung, các thiếu niên anh hùng luôn xuất hiện bên cạnh những mỹ nhân tuyệt sắc, võ công cũng không kém cạnh.

Dương Quá sánh với Tiểu Long Nữ, Quách Tĩnh với Hoàng Dung, Trương Vô Kỵ khá đa tình với Triệu Mẫn, Chu Chỉ Nhược, Tiểu Siêu…

Lệnh Hồ Xung ngoài Thánh Cô còn có mối tình đầy lệ ứa với Nhạc Linh San, có bộ Xung Linh kiếm pháp và cả Nghi Lâm sư muội nữa.

Vi Tiểu Bảo thì có 7 bà vợ, ai cũng thuận hòa…

Ai là đệ nhất cao thủ của Kim Dung võ lâm? - Ảnh 5.

Nhà văn Kim Dung tổng cộng sáng tác 15 bộ tiểu thuyết... - Ảnh: Sina

Một nhân vật tuyệt sắc không thể xem thường là Vương Ngữ Yên, năng đọc sách, tinh thông chiêu thức võ học trong thiên hạ, nhìn cao thủ giao đấu có thể đọc ra từng chiêu sắp tới, nhưng tuyệt nhiên cô gái này lại chẳng mảy may có một chút võ công nào cả.

Thật may, Kim Dung đã mang đến cho nàng chàng công tử nước Đại Lý là Đoàn Dự, ngoài Lục mạch thần kiếm oai trấn giang hồ, còn là trái tim yêu ngoan cường của một hiệp khách đầy lòng nhân, và cả môn khinh công Lăng ba vi bộ để khi cần thì bỏ trốn.

Bộ ba Tiêu Phong, Hư Trúc và Đoàn Dự làm mưa làm gió trong Thiên long bát bộ, vừa hào sảng, vừa bi hùng, nhất là Tiêu Phong, cho dù khi trở thành người Khiết Đan, thì quần hùng vẫn muôn phần bội phục hào khí ngút trời.

Cái Bang, thiên hạ đệ nhất bang, quả là có một chưởng môn xuất chúng.

Một Quách Tĩnh khờ khạo, bị Hoàng Dung lấn át, một Dương Quá cô độc, dù phá khuôn phép: trò yêu sư phụ, nhưng vẫn khuôn vàng thước ngọc.

Nói đến khờ thì ngoài Lão ngoan đồng mỗi lần xuất hiện là mỗi lần náo loạn, còn có một võ lâm cao thủ khác: Cẩu Tạp Chủng trong tác phẩm Hiệp khách hành. Khờ nhưng lành, và cũng nhờ thiện tánh mà đến Hiệp Khách đảo ăn cháo lạp bát chẳng hề bị mê muội trong kho tàng võ công mà còn luyện thành tuyệt học.

Một Trương Vô Kỵ đầy vị tha, võ công cao cường nhưng chiêu thức nào cũng ẩn chứa trong đó công lực chữa bệnh cho kẻ khác.

Đến Lệnh Hồ Xung ngang tàng đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy, chánh cũng chơi mà tà cũng chơi.

Ai là đệ nhất cao thủ của Kim Dung võ lâm? - Ảnh 6.

Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung bao hàm văn hóa Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo, cuốn hút đọc giả từ những nhân vật chính đến nhân vật phụ - Ảnh: QQ

Và phải kể đến Vi Tiểu Bảo, nhân vật giang hồ trong một cuốn tiểu thuyết hiếm hoi đề cập đến triều đình. Xuất thân từ lầu xanh, họ Vi mang cả những lời tục tĩu vào cung đình để vua lần đầu tiên mới nghe được nào là "Tổ bà nó", "Té đái vãi phân", "con mẹ nó"… Những lời tục tĩu đó và cách hành xử của Vi đại nhân được độc giả nhớ nhiều hơn là các chiêu thức võ công.

Võ công còn tùy con người. Lệnh Hồ Xung luyện thành Hấp tinh đại pháp nhưng vẫn không bị nhiễm ma tính. Trái lại, những ai luyện thành Tịch tà kiếm phổ lại để lại hậu qủa khôn lường. Âu cũng là "nhân tại giang hồ thân bất do kỷ" vậy.

Độc giả và khán giả hẳn xưa nay bàn luận, so sánh các hảo thủ để xem ai mới xứng danh đệ nhất võ công. Nếu Dương Quá đấu với Trương Vô Kỵ, nếu Lệnh Hồ Xung so tài với Tiêu Phong… ai sẽ hơn ai?

Nhưng có một điều, hẳn được nhiều người đồng ý: đại hiệp Kim Dung mới là Võ lâm minh chủ trong giang hồ võ hiệp kỳ tình, hậu thế chưa ai đủ sức thay thế!

Kim Dung và một đời Kim Dung và một đời 'tiếu ngạo giang hồ' đã khép

TTO - Vào chiều 30-10, nhà văn võ hiệp nổi tiếng Kim Dung trải qua những giờ phút cuối đời của mình trong vòng tay gia đình, hưởng thọ 94 tuổi.

TRẦN PHI TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên