![Ai bảo vệ tài xế công nghệ? - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/13/grab-shipper-pastuer6-read-only-17394073802501552445965.jpg)
Xe công nghệ tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Từ việc đối diện nhiều rủi ro, công việc cơ cực và bấp bênh, nhiều tỉnh thành trên cả nước bắt đầu tập hợp và cho thành lập các tổ chức đại diện với hy vọng bảo vệ quyền lợi của giới tài xế công nghệ.
Nhiều rủi ro, shipper... tự lo
Là mắt xích quan trọng trong nền kinh tế số, đặc biệt là thời đại thương mại điện tử bùng nổ, nhưng theo đánh giá, hiện nay quan hệ giữa tài xế công nghệ với các công ty khá lỏng lẻo do các công ty vận chuyển tuyển dụng tài xế theo mô hình đối tác, cộng tác viên.
Mức khoán việc được tính bằng hình thức chi trả theo đơn, dao động 4.000 - 5.000 đồng/đơn tùy khu vực. Anh H., một shipper làm việc tại một công ty giao hàng ở TP.HCM, cho biết anh đã làm công việc này 3 năm. Tuy nhiên, hợp đồng với công ty chỉ là "đối tác kinh doanh" - ký thỏa thuận phân chia lợi nhuận theo từng đơn.
"Suốt thời gian này, ngoài bộ đồng phục công ty, tôi không có bảo hiểm lao động. Chỉ là ăn trên đầu sản phẩm, cuối ngày chốt ca giao tiền. Khách chưa chuyển khoản thì mình tự ứng trước rồi thu sau. Cạnh tranh khốc liệt, ai quen đường, giao khu vực dân cư thuận lợi thì đỡ hao xăng xe, điện thoại mới dư được ít.
Do vậy khi gặp rủi ro trên đường hoặc bị khách "bùng tiền" hoặc chậm trả, tôi phải tự bỏ tiền túi bù vào phần thiếu hụt với công ty" - anh H. nói.
Theo các tài xế, các app đều áp dụng hệ thống đánh giá sao. Sau khi hoàn tất cuốc xe, khách hàng có thể phản hồi, khiếu nại và đánh giá. Dựa trên số sao và quy định nội bộ từng công ty, tài xế có thể bị khiển trách, thậm chí bị phạt tiền.
Theo ông Lê Văn Đại - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng, hiện nay quan hệ giữa các tài xế và các công ty vận chuyển hàng hóa thương mại điện tử (hay thường gọi khai thác app) chỉ là ký thỏa thuận ăn chia trên app.
Theo đó giữa tài xế và các công ty, các sàn thương mại không có quan hệ lao động mà chỉ ăn chia theo đơn hàng. "Các tài xế tuy đối mặt với rất nhiều nguy cơ nhưng lại hạn chế về quyền lợi vì không có hợp đồng lao động, không được đóng BHXH bắt buộc, từ đó khi xảy ra sự cố thì không được bảo vệ quyền lợi lao động" - ông Đại phân tích.
Theo ông Đại, qua nhiều vụ việc tài xế xe công nghệ bị đánh đau lòng vừa qua, người lao động chỉ được bảo vệ quyền lợi công dân, các app không bị ràng buộc nên không có trách nhiệm với người lao động.
Về lâu dài, chúng tôi kiến nghị cần có các quy định pháp luật để bảo vệ người lao động "khai thác app". Khi có các quy định pháp luật liên quan đến quản lý app thì có thể bảo vệ quyền lợi cho người hợp tác (các shipper, tài xế).
Ví dụ quản lý về mô hình hoạt động, tỉ lệ phần trăm ăn chia, định mức để bảo vệ thu nhập cho người lao động. Đặc biệt là có thể có BHXH bắt buộc đối với một số trường hợp để đảm bảo quyền lợi.
"Trước mắt chúng tôi thành lập các nghiệp đoàn như nghiệp đoàn shipper, nghiệp đoàn giao hàng thức ăn nhanh... để ban chấp hành nghiệp đoàn cùng tham gia bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ pháp lý cho các trường hợp không may gặp rủi ro" - ông Đại nói.
![Ai bảo vệ tài xế công nghệ? - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/13/12-2-shipper-da-nang-truong-trung-1-read-only-17394073802391666007936.jpg)
Hiện nay hầu hết shipper đều thỏa thuận với công ty theo hình thức “đối tác kinh doanh” chia lợi nhuận theo từng đơn hàng. Shipper ở Đà Nẵng thường được hưởng 4.000 đồng/đơn hàng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Cần có nghiệp đoàn tài xế công nghệ
Tại Đà Nẵng, Nghiệp đoàn lái xe công nghệ Grab được thành lập từ giữa năm 2024, gần đây được biết đến thông qua việc đại diện nghiệp đoàn viếng thăm gia đình thân nhân nam shipper Trần Thành - người bị đánh chết liên quan một đơn hàng online tại xã Hòa Phước (Hòa Vang, Đà Nẵng) vào hôm 17-1.
Nói với Tuổi Trẻ, bà Võ Thị Thu Sương, chủ tịch Nghiệp đoàn lái xe công nghệ Grab Đà Nẵng, nói rằng toàn Đà Nẵng có khoảng 300 - 400 thành viên đã đăng ký vào nghiệp đoàn. Hiện số người chạy xe công nghệ ở thành phố này lên tới cả chục ngàn.
Vì tính chất công việc, áp lực nên lâu nay giới lao động này dù rất lớn nhưng lại thường xuyên đối diện rủi ro. Đặc biệt ngoài giao hàng, người chạy xe công nghệ còn kiêm luôn việc thu tiền hộ, xử lý đơn hàng. Việc tương tác trực tiếp với người mua hàng khiến shipper đối diện rủi ro thường xuyên.
"Như vụ anh Trần Thành bị đánh ở xã Hòa Phước, dù không phải thành viên nghiệp đoàn nhưng chúng tôi cũng quyên góp tiền và cùng các nhà hảo tâm, các tổ chức và anh chị em nghiệp đoàn từ TP.HCM ra thăm hỏi, gửi tiền hỗ trợ" - bà Sương nói.
Theo bà Sương, Nghiệp đoàn lái xe công nghệ Grab Đà Nẵng trực thuộc Liên đoàn Lao động Đà Nẵng. Trước đây do chưa có tổ chức cụ thể nên người chạy xe công nghệ thường thất thế, gánh chịu thiệt thòi khi có sự cố. Từ lúc nghiệp đoàn được ra đời, tổ chức này thông qua Liên đoàn Lao động Đà Nẵng đã lên tiếng nói, kiến nghị các chính sách cụ thể để bảo vệ người lao động.
"Trước đây không có nghiệp đoàn thì bị "sổng chuồng" quyền lợi của tài xế Grab. Nếu bị "bom hàng" thì không được doanh nghiệp hỗ trợ, anh em có bị "bom" thì cũng không ai chiếu cố, nhưng khi có nghiệp đoàn thì vững vàng hơn.
Trong các cuộc họp với đại diện Grab, chúng tôi kiến nghị nhiều vấn đề và sau đó được điều chỉnh, tiếp thu. Ví dụ như bảo hiểm tai nạn cho tài xế, trước đây các doanh nghiệp xét rất khó,= nhưng sau đó chúng tôi kiến nghị thì họ hỗ trợ, làm nhẹ nhàng hơn. Khoảng 40% các kiến nghị đã được tiếp thu" - bà Sương nói.
Bà Sương cũng cho rằng đại diện Grab có mặt ở các địa phương, chịu sự quản lý của chính quyền. Do vậy các kiến nghị hợp lý, chính đáng nếu doanh nghiệp không tiếp thu thì nghiệp đoàn sẽ báo cáo để chính quyền, ngành chức năng can thiệp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phúc Nhân, chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi, cho biết thời gian qua liên đoàn có nắm thông tin những vụ việc shipper bị tấn công gây thương tích nặng, thậm chí tử vong. Hiện tại khi có sự cố xảy ra với shipper, tài xế xe công nghệ..., Liên đoàn Lao động tỉnh vẫn lên tiếng bảo vệ nhưng thường rất chậm vì không kịp thời nắm thông tin.
"Câu hỏi ai bảo vệ kịp thời lực lượng lao động này cũng được Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi đặt ra và bàn phương án để liên kết với lực lượng lao động này. Bởi trong tương lai, công việc này sẽ còn nhiều hơn, nên không chỉ bảo vệ khi shipper gặp sự cố mà cả quyền lợi của họ với công ty họ làm việc", ông Nhân nói.
Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi đang có chủ trương thành lập các nghiệp đoàn lao động ở khu vực phi chính thức (shipper, tài xế xe công nghệ...). Đây là việc rất quan trọng để có một tổ chức đứng ra bảo vệ họ khi có vấn đề phát sinh lúc làm việc.
"Chúng tôi sẽ tập trung phát triển đoàn viên ở khu vực phi chính thức để bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi gặp rủi ro lúc làm việc và cả quyền lợi lương, thưởng, bảo hiểm", ông Nhân nói thêm.
Đồng thời, ông Nhân khẳng định những nghiệp đoàn nghề nghiệp này không nhằm mục đích thu đoàn phí người lao động phổ thông mà chủ yếu quản lý được người lao động. Thông qua tổ chức công đoàn đó, mình kịp thời liên kết nắm được tâm tư nguyện vọng và tuyên truyền vận động, hỗ trợ, tập huấn kỹ năng giao tiếp khi làm việc.
Kịp thời nắm thông tin, liên hệ với các đơn vị, địa phương giải quyết những vụ việc như tấn công shipper, hoặc khách hàng say xỉn có hành vi bạo lực với tài xế xe công nghệ.
Shipper là người "nắm đầu lưỡi dao"
Theo đại diện một đơn vị giao hàng tại Đà Nẵng, khi nhận người giao hàng vào làm việc thì hai bên cùng ngồi lại ký các điều khoản hợp tác.
Bên cạnh quyền lợi, mức lương là những nghĩa vụ mà người chạy xe công nghệ phải tuân thủ. Tùy theo mỗi doanh nghiệp mà có những chính sách khác nhau. Đa phần hiện nay việc quản lý, khen thưởng, xử phạt shipper, người chạy xe công nghệ rất nghiêm khắc.
Có doanh nghiệp còn theo dõi hành trình, ghi âm, đặt thiết bị ghi hình quá trình hoạt động của tài xế để làm căn cứ quản lý. Tài xế một khi có vi phạm quy định, ứng xử không đúng mực với khách hàng mà bị phản ứng (chấm điểm xấu trên app) hoặc gọi điện phản ảnh tới công ty thì sẽ bị tra soát, xử phạt nặng.
"Tuy nhiên không phải cứ có phản ảnh xấu là tài xế, shipper bị phạt ngay mà có cả quy trình tra soát. Nếu lỗi không đến từ tài xế thì không thể xử phạt" - đại diện một doanh nghiệp giao hàng ở Đà Nẵng nói.
Về việc hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho tài xế, theo đại diện doanh nghiệp này, đa phần các đơn vị hiện nay đều có tổ chức công đoàn. Khi có sự việc xảy ra, công đoàn là nơi bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên thực tế tài xế phần lớn đối diện rủi ro mà ít khi trình báo, kiến nghị. Chỉ những vụ việc "chấn động" thì mới được quan tâm.
Các nước bảo vệ quyền lợi shipper
Nhằm bảo vệ quyền lợi của tài xế công nghệ và shipper, một số quốc gia đã ban hành các chính sách và quy định bảo vệ nhóm lao động này, trong đó có Tây Ban Nha và Hàn Quốc. Tại Tây Ban Nha, bộ luật "Rider Law" được thông qua vào tháng 5-2021 (và chính thức có hiệu lực từ ngày 12-8 cùng năm) đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của shipper.
Luật này buộc các nền tảng giao hàng như Glovo, Uber Eats phải tuyển dụng shipper làm nhân viên chính thức thay vì chỉ coi họ là lao động tự do. Trước đây, shipper tại Tây Ban Nha hoạt động dưới danh nghĩa người lao động tự do, đồng nghĩa với việc họ không được hưởng mức lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội hay các quyền lợi lao động cơ bản khác.
Nhờ "Rider Law", shipper tại Tây Ban Nha hiện được hưởng đầy đủ các quyền lợi như lương tối thiểu, bảo hiểm y tế và chế độ nghỉ phép có lương. Đặc biệt, luật cũng yêu cầu các công ty công khai thuật toán phân bổ đơn hàng nhằm ngăn chặn tình trạng shipper bị xếp đơn một cách thiếu công bằng hoặc chịu thiệt thòi do hệ thống đánh giá tự động.
Tại Hàn Quốc, chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm mở rộng bảo hiểm xã hội cho người lao động trên các nền tảng số. Theo báo cáo "The Republic of Korea: Extending social insurance to digital platform workers" của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Hàn Quốc đã sửa đổi Luật Bảo hiểm việc làm, có hiệu lực từ năm 2023, đưa shipper vào diện được hưởng loại bảo hiểm này.
Theo quy định trên, nếu thu nhập của shipper đạt ít nhất 800.000 won/tháng (khoảng 14 triệu đồng), họ sẽ đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp nghỉ thai sản và hỗ trợ tài chính trong trường hợp mất việc.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc còn ứng dụng công nghệ số để giám sát thu nhập của shipper, đảm bảo tính minh bạch trong việc đóng bảo hiểm.
![Ai bảo vệ tài xế công nghệ? - Ảnh 3.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/13/trao-qua-gi-dinh-shipper-gap-nan-read-only-17394073802561292523881.jpg)
Gia đình anh Trần Thành - nam shipper Đà Nẵng - nhận giúp đỡ từ nghiệp đoàn xe ôm - Ảnh: B.D.
Cần thay đổi luật để tăng pháp lý bảo vệ
Theo luật sư Nguyễn Công Tín (Đoàn luật sư Đà Nẵng), cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, lực lượng lao động là tài xế xe công nghệ và shipper gia tăng lớn về số lượng. Trong quan hệ hợp tác với công ty giao hàng, shipper đang ở vị trí rất yếu thế khi rất nhiều quy định nội bộ của công ty gây áp lực cho shipper, buộc họ phải chấp nhận, nếu không thì "rời cuộc chơi". Các tài xế làm việc cho app thời gian dài nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội, không được hưởng các quyền lợi của người lao động.
"Quan hệ lao động chịu sự điều chỉnh của pháp luật về lao động (vốn có những quy định bảo đảm được quyền lợi tối thiểu của người lao động), nhưng các công ty giao hàng lại "lái" câu chuyện sang quan hệ cộng tác viên hoặc đối tác kinh doanh, để từ đó dễ dàng áp dụng những quy định thiếu cân bằng, gây thiệt thòi cho các shipper" - luật sư Tín nhận định. Theo luật sư Tín, điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Thực tế bản chất ở đây là hợp đồng lao động nhưng các công ty lại lách luật, biến tướng dưới dạng hợp đồng khác dẫn đến nhiều hệ lụy cho chính các shipper và cho xã hội. Các tài xế bị mất các quyền lợi tối thiểu của người lao động như được tham gia bảo hiểm xã hội, hưởng các chế độ nghỉ phép, trợ cấp, giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi, lương ngoài giờ...
Trong khi đó, theo luật sư Hoàng Quỳnh (Công ty luật FDVN), các công ty chủ sở hữu các sàn thương mại vận hành hệ thống giao hàng của mình bằng cách ký kết hợp đồng kinh tế với các tài xế ở tất cả các tỉnh thành và gọi họ là "đối tác kinh doanh" để phân chia lợi nhuận từ các đơn hàng.
Luật sư Quỳnh nói lý do mà các hãng công nghệ này đưa ra khi không ký kết hợp đồng lao động với các tài xế vì cho rằng mối quan hệ giữa họ và các tài xế là quan hệ cộng tác. Các bên phân chia lợi nhuận dựa trên tiền phí của mỗi cuốc xe hay đơn hàng thể hiện trên app. Hợp đồng về nguyên tắc là bình đẳng, nhưng thực tế lại khác.
"Thực tế hầu như không có sự bình đẳng. Nội dung các hợp đồng mẫu soạn sẵn thường chỉ có sự tuân thủ, bắt buộc phải thực hiện theo sự phân công và chính sách mà công ty đưa ra đơn hàng giao, mức chiết khấu, thưởng phạt, kiểm soát các giao dịch, khách hàng, tuyến đường, đồng phục, cách thức giao hàng..." - luật sư Quỳnh nói.
"Các hãng công nghệ dựa vào hợp đồng kinh tế do mình soạn thảo và nhu cầu tìm việc làm của số lượng lớn người lao động trên thị trường để xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh doanh nhưng mang bản chất quan hệ lao động này đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của shipper; làm hạn chế trong việc hưởng các chính sách về lao động, bảo hiểm xã hội mà theo quy định lao động họ sẽ được hưởng" - luật sư Quỳnh phân tích.
Để đảm bảo công bằng, luật sư Quỳnh cho rằng cần sớm có quy định để pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa các công ty chủ sở hữu sàn thương mại điện tử và tài xế công nghệ để các bên thực thi. Nếu tình trạng như hiện tại kéo dài thì sẽ còn nhiều tài xế và gia đình phải đối mặt với những bất công khi không nhận được các chính sách chính đáng theo quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận