11/09/2003 16:59 GMT+7

Tập thơ Vũ điệu cuối cùng - sự tái xuất của Gunter Grass

Theo Lao Động
Theo Lao Động

Nhà văn Đức đoạt giải Nobel Văn chương Gunter Grass đã xuất hiện trở lại trên các kệ sách từ đầu tuần này với tác phẩm mới nhất: Vũ điệu cuối cùng - một tuyển tập thơ mang đậm dấu ấn cá nhân về chiến tranh, cái chết, tình yêu với những minh hoạ rất gợi cảm do chính ông vẽ ra.

sLlDt2M8.jpgPhóng to
Nhà văn Gunter Grass
Nhà văn Đức đoạt giải Nobel Văn chương Gunter Grass đã xuất hiện trở lại trên các kệ sách từ đầu tuần này với tác phẩm mới nhất: Vũ điệu cuối cùng - một tuyển tập thơ mang đậm dấu ấn cá nhân về chiến tranh, cái chết, tình yêu với những minh hoạ rất gợi cảm do chính ông vẽ ra.

Qua tập thơ-hoạ người ta có thể thấy ở Grass hình ảnh người vũ công, người tình, người cha, người say mê hái nấm và người tha thiết yêu hoà bình. 36 bài thơ mới trong tập sách dựng lên một chân dung chân thực của người nghệ sĩ.

Năm 2002, Grass cho xuất bản tiểu thuyết Chuyến đi nhọc nhằn (Crab Walk). Ông đã đề cập chủ đề cấm kỵ trong suốt nửa thế kỷ. Đó là những nỗi thống khổ của người tị nạn Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Từ đó, ông bắt đầu cuộc hành trình hướng nội.

Nguyên là người say mê nhảy múa và điêu khắc trước khi cầm bút, Grass đã bắt đầu dự án nặn hình những vũ công bằng đất sét trong xưởng của ông tại Behlendorf, thành phố miền bắc nước Đức. Ông đã lấy những hình hài đó làm bản in thạch và rồi chúng đem lại cho ông cảm hứng viết thơ.

"Tôi học nhảy từ năm 13-14 tuổi" - Grass tiết lộ với tuần báo Der Spiegel trong bài trả lời phỏng vấn mới đây: "Trong một chừng mực nào đó, tôi được hưởng lợi từ chiến tranh, bởi vì tất cả những người đàn ông trưởng thành đều ra mặt trận. Sau khi chiến tranh kết thúc, người ta gần như phát cuồng vì nhảy múa, điều mà giờ đây chúng ta không thể nào hiểu nổi. Khiêu vũ thường dẫn đến những quan hệ luyến ái, tất nhiên là không quá đà".

Tập thơ không chỉ gợi lại niềm hứng thú xa xưa của Grass, mà còn đề cập cả những vấn đề hiện tại của ông. Thơ và những bức phác hoạ của ông hoà quyện với nhau thành một chỉnh thể về thế giới tính dục với cảm giác vô tư hiếm có ở một người ở tuổi 77 như ông.

Tuy nhiên, trong từng dòng thơ, người ta vẫn thấy sự trăn trở kiếm tìm. Trong bài thơ chính của tập Lời tự thú bán vô tư của kẻ tội đồ, kéo dài đến 3 trang rưỡi, Grass thổ lộ những đam mê của mình, tội lỗi và cạm bẫy của danh tiếng đã biến ông thành mục tiêu của "những lời thị phi và nhục mạ".Trung thành với những tư tưởng cánh tả không giấu giếm của mình, Grass đã tấn công trực diện cuộc "thập tự chinh" của Tổng thống Mỹ G. Bush chống lại Iraq trong bài thơ Về một giọng điệu cũ (To the old tune).

Còn trong bài Bản nhạc blues quân sự, ông lại đả phá tàn dư chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại ở nước Mỹ, với số lượng lớn tù nhân da đen trong các nhà tù Mỹ. Ông đã viết thế này: "Người đỗ đầu lớp ở Học viện Quân sự Westpoint / làm công việc của mình còn trắng hơn cả người da trắng...". Người đọc dễ dàng nhận ra sự mỉa mai của tác giả đối với Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell.

Ông đã cho phép độc giả được có cái nhìn vô tiền khoáng hậu vào cuộc sống bên trong của gia đình ông trong bài thơ Khoảnh khắc hạnh phúc (A moment of happiness): " Khi tôi làm chủ gia đình và đếm lại mọi người/ tôi biết rằng không phải cái đầu bị mất/... thế giới thật rộng lượng đối với tôi"...

Theo Grass thì cuốn sách này là sự sáng tạo duy nhất "tại lứa tuổi khi người ta thấy cái chết đang cận kề", do vậy có thể thấy ở đây một tâm trạng cởi mở khác thường.

Theo Lao Động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên