
Những nạn nhân người Trung Quốc được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo ở Myanmar đã lên máy bay hồi hương vào sáng 20-2 - Ảnh: AFP
Hàng ngàn công dân nước ngoài dự kiến sẽ được trả tự do và trở về quê nhà từ các trung tâm lừa đảo ở Myanmar trong những tuần tới, khi chính quyền Myanmar bắt đầu trấn áp các hoạt động trái phép này.
Hồi hương 600 người Trung Quốc làm việc tại các trung tâm lừa đảo ở Myanmar - Nguồn: AFP
Hai chiếc xe buýt hai tầng đã đưa 600 công dân Trung Quốc vượt qua biên giới Myanmar - Thái Lan và tiếp tục đi về phía một sân bay ở huyện Mae Sot, tỉnh Tak, miền bắc Thái Lan vào sáng 20-2.
Theo ghi nhận của Hãng tin AFP, hàng chục người (gần như tất cả là nam giới) đã lên một chiếc máy bay đặc biệt của hãng hàng không China Southern Airlines. Chiếc máy bay này đã đi từ thành phố Nam Kinh đến Tây Song Bản Nạp - một châu tự trị nằm ở phía nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vào lúc 11h30 sáng 20-2.
Trong ba ngày tới, nhóm nạn nhân này dự kiến về đến quê nhà.
Một quan chức của lực lượng đặc nhiệm biên phòng Thái Lan tiết lộ với AFP rằng dự kiến sẽ có thêm khoảng 200 công dân Trung Quốc được giải cứu cũng trong ngày 20-2.
200 nạn nhân này sẽ trở về quê từ Myanmar theo nhóm 50 người một.
Trung Quốc đã sắp xếp 16 chuyến bay trong vòng ba ngày tới để đưa 600 công dân của nước này hồi hương từ huyện Mae Sot.
Theo lời khai của nhiều nạn nhân, họ bị buôn bán và ép phải thực hiện các hoạt động lừa đảo qua mạng để chiếm đoạt tài sản của rất nhiều người trên khắp thế giới.
Nhiều nạn nhân trong số đó là công dân Trung Quốc. Phía Bắc Kinh đã từng tăng cường gây sức ép lên Myanmar và Thái Lan để trấn áp, đóng cửa các trung tâm lừa đảo này.
Hoạt động giải cứu các nạn nhân tại những trung tâm lừa đảo ở Myanmar diễn ra sau nhiều chuyến thăm Bangkok (Thái Lan) và khu vực biên giới Thái Lan - Myanmar của trợ lý bộ trưởng Công an Trung Quốc Lưu Trung Nghĩa (Liu Zhongyi) để sắp xếp hỗ trợ các nạn nhân hồi hương.
Những năm gần đây, các trung tâm lừa đảo qua mạng, qua điện thoại mọc lên như nấm khắp các nước Đông Nam Á như Myanmar, Campuchia hay Philippines.
Theo một số ước tính, giá trị của ngành này đã tăng vọt lên đến hàng tỉ USD mỗi năm.
Nhiều nạn nhân cho biết họ bị dụ đỗ hoặc lừa tham gia vào các trung tâm lừa đảo với lời hứa “việc nhẹ lương cao”. Sau đó, họ bị bắt giữ làm con tin, bị lấy mất hộ chiếu và bị ép phải thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Nhiều nạn nhân cho biết họ bị đánh đập, hành hạ bằng nhiều hình thức. Hãng tin AFP ghi nhận nhiều nạn nhân được thả khỏi các trung tâm lừa đảo với nhiều vết bầm tím và vết bỏng khắp người.
Tuần trước, phía Myanmar đã bàn giao 260 nạn nhân từ hàng chục quốc gia như Philippines, Ethiopia, Brazil và Nepal cho phía Thái Lan để hỗ trợ các nạn nhân hồi hương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận