Bị cáo Phạm Hồng Tuân khi nói lời xin lỗi các nạn nhân tại phiên tòa ngày 12-1 - Ảnh: Đông Hà |
Vụ bị cáo Phạm Hồng Tuân - nguyên cán bộ CSGT huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu lái ôtô BMW gây tai nạn khiến 2 người chết, 7 người bị thương nhưng TAND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chỉ phạt 5 năm tù đã khiến dư luận xôn xao đặt câu hỏi mức án trên có quá nhẹ cho một vụ tai nạn giao thông để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng?
Chưa tương xứng hậu quả tai nạn
Chiều 13-01, trao đổi với Tuổi Trẻ về lý do quyết định mức án trên, thẩm phán Đặng Văn Sử - chủ tọa phiên tòa cho biết trong vụ án này, hội đồng xét xử đã xem xét vì bị cáo Tuân có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Bị cáo Tuân được nhận huy chương chiến sĩ vẻ vang của Chủ tịch nước, từ năm 2011 đến 2013 là chiến sĩ thi đua, cha của bị cáo là thương binh 4/4 và vừa mất. Hơn nữa, tại phiên tòa, tất cả các bị hại và đại diện bị hại đều xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Ngoài ra, sau khi xảy ra tai nạn, bị cáo và gia đình đã cố gắng khắc phục hậu quả. Đến ngày ra tòa bị cáo đã hỗ trợ và bồi thường cho các bị hại được gần 400 triệu đồng đồng thời cũng đồng ý bồi thường, hỗ trợ thêm gần 700 triệu đồng cho các nạn nhân và đại diện nạn nhân.
Theo ông Sử, hội đồng xét xử đã thống nhất áp dụng điều 46 và 47 Bộ luật hình sự để tuyên mức án dưới khung cho bị cáo Tuân vì các căn cứ trên.
Tuy nhiên, nhận định về mức án của CSGT Phạm Hồng Tuân, luật sư Bùi Quang Nghiêm - Phó chủ nhiệm đoàn luật sư TP.HCM cho rằng bản án quá nhẹ và chưa tương xứng với hậu quả tai nạn.
Theo Luật sư Nghiêm, bị cáo Tuân gây vụ tai nạn có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và đã bị truy tố, xét xử theo khoản 3, điều 202 Bộ luật hình sự với khung hình phạt quy định từ 7-15 năm tù.
Trong quá trình xét xử, luật cho phép hội đồng xét xử có thể xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Nếu có nhiều hơn 2 tình tiết giảm nhẹ thì tòa có thể áp dụng mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung quy định (tức dưới 7 năm tù) nhưng phải nằm trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật (khoản 2 điều 202 là từ 3-10 năm tù).
Trong trường hợp này, việc tòa tuyên bị cáo Tuân 5 năm tù tuy không trái quy định của pháp luật nhưng về nguyên tắc thì bản án cần tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, tương xứng với hậu quả mà hành vi phạm tội đó gây ra.
Trong vụ án này, có thể nói hậu quả vụ việc là đặc biệt nghiêm trọng, tới 2 người chết và 7 người bị thương, trong đó có một người bị liệt, thương tích 100%. Bản án 5 năm tù là chưa tương xứng với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà bị cáo Tuân đã gây ra.
Mức án ít thuyết phục khiến dư luận băn khoăn
Luật sư Trương Xuân Tám - ủy viên hội đồng luât sư toàn quốc cũng đồng tình: Luật có thể áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Tuân nhưng đây là vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và khá hy hữu, bị cáo là CSGT mà còn đi xe không có giấy tờ.
Luật sư Tám cũng cho rằng mức án 5 năm tù với Tuân là quá nhẹ, chưa nghiêm và không có tác dụng ngăn ngừa, răn đe tội phạm về an toàn giao thông - vốn đang là vấn nạn của cả nước hiện nay.
Phạm Hồng Tuân tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: Đông Hà |
Theo luật sư Phạm Tấn Thuấn - Đoàn Luật sư TP.HCM, gần đây xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do những người có chức vụ gây ra khiến dư luận cả nước quan tâm.
Gần đây nhất là vụ Viện trưởng Viện KSND huyện Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum lái ôtô trong tình trạng say xỉn, bất chấp mọi hiệu lệnh giao thông, bất chấp CSGT rượt đuổi và đã tông vào 6 người đi đường.
Vì vậy, dư luận mong mỏi cơ quan có thẩm quyền phải có biện pháp nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm.
Mức án 5 năm tù với bị cáo Tuân, theo luật sư Thuấn là chưa đủ sức thuyết phục, không đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung, tính nghiêm minh của pháp luật.
Trong khi nhiều vụ vi phạm giao thông, hậu quả tuy chưa chết người nhưng lái xe vẫn có thể bị phạt 1-2 năm tù thì với vụ việc đặc biệt nghiêm trọng như vậy mà tòa án chỉ tuyên án 5 năm tù rất khó tránh khỏi sự băn khoăn, so sánh của người dân về tính công bằng nghiêm minh của bản án.
Vẫn biết pháp luật có tính chất nhân đạo với người phạm tội, hình phạt không phải chỉ mang tính trừng trị nhưng mức án như trên là rất khó thuyết phục.
Không giám định được nồng độ cồn của bị cáo
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, rạng sáng ngày 6-12-2014, Phạm Hồng Tuân đi xe BMW 750i mượn của người bạn chạy trên đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao theo hướng từ huyện Tân Thành sang huyện Châu Đức. Khi đến km 20 thuộc xã Láng Lớn (H. Châu Đức) thì Tuân đã lạc tay lái, lao sang bên trái đường tông thẳng vào tổ công tác gồm chín người là dân phòng, dân quân của xã Láng Lớn và thị trấn Ngãi Giao đang tập trung để đi tuần tra. Vụ tai nạn đã khiến 2 người chết và 7 người bị thương (trong đó có một người phải nằm liệt, tỉ lệ thương tích 100%). Về nguyên nhân gây tai nạn, tại tòa, bị cáo Tuân khai do thấy có người đi bộ lững thững sang đường nên bị cáo đánh tay lái sang trái để tránh người này và đã đâm vào tổ công tác. Hồ sơ vụ án cũng thể hiện không giám định được nồng độ cồn trong người bị cáo. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận