30ha rừng Cần Giờ bị dầu loang sau sự cố, phương án xử lý ra sao?

UBND huyện Cần Giờ vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM và các đơn vị liên quan xin ý kiến hướng dẫn ứng phó và xử lý vết dầu loang sau sự cố va chạm tàu trên sông Lòng Tàu (huyện Cần Giờ).

dầu loang - Ảnh 1.

Hai tàu hàng va chạm nhau trên sông Lòng Tàu (huyện Cần Giờ) - Ảnh: A.K.

Trước đó ngày 25-4, tàu chở hàng container ký hiệu KMTC Surabaya (quốc tịch Panama) va chạm tàu chở hàng rời Genglyle (quốc tịch Hong Kong) tại khu vực cột đèn 15 trên sông Lòng Tàu. Sự cố dẫn tới dầu loang, khu vực nuôi thủy sản của người dân bị thiệt hại.

30ha rừng Cần Giờ bị ảnh hưởng

Hậu quả, tàu chở hàng container bị hỏng phần mũi tàu và tàu chở hàng rời bị thủng và chìm phần lái, xuất hiện vết dầu tràn. Bước đầu ghi nhận không có thương vong về người và không thiệt hại về hàng hóa.

Tuy nhiên, các lực lượng ghi nhận dầu loang đã lan ra gần 30ha diện tích rừng ở Cần Giờ và bám vào các gốc cây, thân, rễ. 

Hiện dầu loang đến một số khu vực nuôi thủy sản trên địa bàn, gây thiệt hại hơn 3,3 tấn thủy sản của người dân.

Trong giai đoạn ứng phó sự cố khẩn cấp tràn dầu do vụ tai nạn trên, UBND huyện Cần Giờ thành lập Sở chỉ huy tiền phương ứng phó sự cố vụ hai tàu chở hàng. Đồng thời khuyến cáo tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản ở huyện Cần Giờ thực hiện biện pháp phù hợp để đảm bảo chất lượng nguồn nước phục vụ cho nuôi trồng thủy sản.

Đơn vị này đã điều động lực lượng, phương tiện ứng phó, ứng cứu sau tai nạn và chỉ đạo xã, thị trấn tổ chức thu gom rác nhiễm dầu tập kết chuyển giao đơn vị có chức năng xử lý.

Các đơn vị vào cuộc phân luồng hàng hải, tách hai tàu hàng và triển khai những bước tiếp theo.

Đến nay, UBND huyện Cần Giờ nhận được dự thảo kế hoạch làm sạch bờ biển và chuyển nội dung này, hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu đến Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM và Sở Tư pháp TP.HCM thẩm định về nội dung, thẩm quyền, pháp lý thực hiện.

Do chủ thể phương tiện gây ra sự cố tràn dầu thuộc đơn vị quốc tế, nên UBND huyện Cần Giờ kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Cảng vụ hàng hải TP căn cứ quy định của pháp luật, điều ước quốc tế có liên quan (mà Việt Nam là thành viên) để xác định cơ chế phối hợp giữa các bên.

Ngoài ra, cho đến ngày 1-7, UBND huyện Cần Giờ kết thúc nhiệm vụ cấp huyện, nhưng công tác xử lý ô nhiễm có thể kéo dài. UBND TP.HCM cần xem thẩm quyền của huyện được giao cho phù hợp kế hoạch ứng phó đề ra.

Phương án xử lý cụ thể nào?

Dự kiến UBND TP.HCM thành lập Sở chỉ huy tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo với thành viên thuộc Cảng vụ hàng hải TP.HCM, Bộ Tư lệnh TP, Công an TP.HCM... (huy động hơn 270 người, 37 phương tiện tham gia ứng cứu).

Theo đó, sở này tổ chức đồng thời công tác ứng phó sự cố tràn dầu, lực lượng tham gia tổ chức thành các bộ phận gồm: bộ phận thông báo, báo động; bộ phận chốt chặn, tuần tra bảo vệ hiện trường; bộ phận phòng cháy chữa cháy...

Đặc biệt, bộ phận ứng phó dầu tràn nhanh chóng đóng các công trình thủy lợi ở khu vực bị ảnh hưởng, thông báo cho hộ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản để có biện pháp ứng phó và khắc phục sự cố, đảm bảo hạn chế thiệt hại.

Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Cảng vụ hàng hải thực hiện ngăn chặn nguồn phát ra dầu tràn bằng cách yêu cầu phương tiện va chạm khóa van, ống dẫn dầu, hầm chứa dầu và hút dầu tràn không để lan rộng, sâu.

Sau khi khoanh vùng khu vực dầu tràn, các lực lượng thu hồi bằng thiết bị bơm hút, gối thấm dầu, tấm thấm dầu... để thu hồi dầu trên sông rạch và thu gom rác nhiễm dầu tránh ảnh hưởng rộng ra môi trường.

Sở Nông nghiệp và Môi trường tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục hậu quả, xử lý dầu ô nhiễm, rác nhiễm dầu thu gom được hoặc thuê đơn vị chuyên môn xử lý theo quy định. Quá trình thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường, đời sống nhân dân khu vực xảy ra sự cố. Sở có trách nhiệm đánh giá kết quả xử lý ô nhiễm làm căn cứ ra quyết định kết thúc xử lý sự cố.

UBND huyện Cần Giờ rà soát khu vực sông, ven bờ có vết dầu loang để xử lý, kiểm kê thiệt hại liên quan, thu gom rác thải chuyển giao đơn vị chức năng có chức năng xử lý.

Chi phí xử lý sự cố tràn dầu do chủ tàu chi trả

UBND huyện Cần Giờ đề xuất TP.HCM bố trí ngân sách nhà nước tạm ứng để đảm bảo chỉ cho các công tác ứng phó, gồm huy động lực lượng, phương tiện, đảm bảo công tác hậu cần phục vụ ứng phó sự cố liên quan cho đến khi kết thúc sự việc.

Toàn bộ kinh phí của hoạt động ứng phó xử lý sự cố tràn dầu, khắc phục môi trường, bồi thường thiệt hại kết thúc sự việc do chủ tàu KMTC Surabaya và chủ tàu Genglyle chi trả để hoàn vào ngân sách thành phố đối với các nội dung tạm ứng và chi trả bồi thường thiệt hại, các công việc có liên quan đến xử lý môi trường cho các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật.

30ha rừng Cần Giờ bị dầu loang, phương án xử lý ra sao? - Ảnh 1.Hai tàu hàng va chạm trên sông Lòng Tàu, Cần Giờ, dầu tràn xuống sông

Hai tàu hàng di chuyển trên sông Lòng Tàu (xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ) bất ngờ xảy ra va chạm. Cơ quan chức năng ghi nhận có dầu tràn ra sông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên