
Ông Trần Văn Dõi thời gian ở miền Bắc trước năm 1975 - Ảnh: QUỐC MINH
Có những người cha mặc quân phục cách mạng đi tìm con mình vừa cởi bỏ áo lính Sài Gòn. Có những người anh từ chiến khu về tìm em từng cầm súng đối đầu bên kia chiến địa để thuyết phục "anh em mình cùng về ăn với ba má một bữa cơm"...
Câu chuyện dưới đây hết sức đặc biệt khi người con Trần Văn Dõi ra Bắc làm anh lính Việt Minh tham chiến Điện Biên Phủ.
Người cha Trần Văn Hương ở miền Nam dần lên đến chức thủ tướng rồi phó tổng thống, tổng thống Việt Nam cộng hòa. Ngày đoàn tụ, cha con họ không có nước mắt rơi trên má nhưng lại đẫm nước mắt chảy vào trong.
Cha con cùng tham gia kháng chiến 1945
Những ngày ông Trần Văn Dõi (tên ở miền Bắc là Lưu Vĩnh Châu) còn khỏe, tôi may mắn được vài lần tiếp chuyện ông trong ngôi nhà nhỏ ở hẻm đường Cộng Hòa, TP.HCM.
Vẫn nhớ lần đầu gặp nhau trong một buổi chiều mưa tầm tã, ông bị đau chân vẫn khập khiễng ra tận cửa đón khách.
Tôi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Người cựu binh tham chiến Điện Biên Phủ tóc đã bạc phơ giống hệt cha mình: tổng thống Việt Nam cộng hòa Trần Văn Hương. Rồi cuốn sổ tay như hồi ký cuộc đời, ông Dõi vẫn không ngại trao tôi xem tỉ mỉ.
Bìa sổ được bao giấy in hình hoa hồng, hoa đào, hoa mai, hoa hướng dương... nhưng bên trong dày đặc chuyện đời người quá đỗi đặc biệt ở thời cuộc chiến tranh khốc liệt của đất nước.
Thấy tôi lặng nhìn bìa sổ rực rỡ hình hoa, ông Dõi bật cười hỏi tôi thích hoa gì. Rồi khi nghe khách trả lời ấn tượng hoa hướng dương, ông vui vẻ tâm sự: "Tôi cũng vậy, tôi thích hoa hướng dương, loài hoa mạnh mẽ hướng về mặt trời như đời tôi dù như thế nào vẫn luôn hướng về dân tộc mình".
Ông vừa tâm sự vừa nở nụ cười thật tươi trên gương mặt to đầy đặn giống hệt người cha...
Tuy nhiên khi nghe tôi hỏi kỷ niệm về cha mình, ông chợt chùng giọng, bặt hẳn tiếng cười và hướng đôi mắt nhìn về xa xăm: "Ngày đoàn tụ khi đất nước kết thúc chiến tranh, nhiều người không kìm được nước mắt xúc động. Nhưng tôi và cha mình không ai khóc cả, bởi có lẽ nước mắt đã chảy trong lòng. Hoàn cảnh đất nước đưa đẩy cha con cách biệt ở hai miền đất nước đến gần 30 năm nhưng hòa bình rồi cũng chỉ gần gũi nhau được bảy năm thì ông cụ mất".
Ngược dòng thời gian, quê hương ông Dõi ở miệt sông nước Vĩnh Long. Sinh năm 1926, ông là con đầu của ông Trần Văn Hương và bà Lưu Thị Triệu. Em trai kế ông là Trần Văn Đính đã di tản ra nước ngoài từ trước tháng 4-1975.
Thời niên thiếu, sau khi theo gia đình về Tây Ninh sống để cha làm đốc học tỉnh này, ông Dõi cũng thường xuyên đi học xa nhà nên rất ít gần gũi cha. Mùa thu năm 1945, ông gia nhập chi đội 11 lực lượng cách mạng Tây Ninh và hành quân tham gia các trận đánh ở miền Tây Nam Bộ.
"Sau khi cách mạng thành công - lúc mới cướp được chính quyền ở địa phương (tỉnh Tây Ninh) - trong buổi lễ ra mắt đồng bào tỉnh, bố tôi (Trần Văn Hương) là phó chủ tịch tỉnh. Lúc đầu ông hoạt động khá hăng hái nhưng dần sau đó hình như có thắc mắc gì trong hoạt động công tác, trong lề lối làm việc, nhiệt tình có giảm đi.
Vào cuối năm 1945, ông không chịu làm việc chung với Ủy ban hành chánh kháng chiến tỉnh mà bỏ đi theo một đơn vị chiến đấu với tư cách như cố vấn...". Đây là một đoạn lý lịch mà ông Trần Văn Dõi đã khai ở miền Bắc và ký tên vào ngày 9-4-1975, tức 21 ngày trước hòa bình.
Sau đoạn trên, ông Dõi còn viết tiếp: "Đến khoảng tháng 8-1946 sau nhiều ngày ốm đau kéo dài, sức khỏe sút kém, ông (Trần Văn Hương) bỏ về nằm ở quê nhà tỉnh Vĩnh Long. Đến tháng 10-1946, tôi được cử ra Bắc để theo học trường võ bị nên không được tin tức gì về bố tôi nữa.
Sở dĩ từ lúc ra Bắc rồi đến toàn quốc kháng chiến... và cho mãi đến sau này tôi không liên lạc với gia đình vì gia đình sống trong vùng bị chiếm đóng, tôi sợ liên lụy đến gia đình, hơn nữa thái độ chính trị của bố, em, mẹ tôi sau đó ra sao tôi cũng không rõ. Sau cùng tôi cũng không có hoàn cảnh để liên lạc...".

Một đoạn ông Trần Văn Dõi ghi chép về cha mình là tổng thống Việt Nam cộng hòa Trần Văn Hương - Ảnh: QUỐC MINH
Cha - con ở cùng một Tổ quốc nhưng cách xa hoàn toàn
Những lần trò chuyện trực tiếp với tôi khi đã cuối đời, ông Dõi tâm sự năm 1946 chia tay gia đình để ra Bắc ông chỉ nghĩ đi vài năm rồi về không ngờ lại lâu như vậy. Ngày ấy chàng thanh niên 20 tuổi có mối tình quê với một thiếu nữ tên Bảy.
Lật trang hồi ký ghi ngày 25-8-1946, ông không ngại cho tôi xem đoạn kể về mối tình lãng mạn thuở thanh niên: "Hẹn gặp Bảy ở Ngã Tư, nói lời chia tay bịn rịn. Hẹn trở về khi xong nhiệm vụ của người thanh niên. Bảy hứa quyết tâm chờ mình. Hôn nhau lần đầu... thật là lãng mạn. Ra đi mang nặng lời thề. Đánh tan giặc Pháp mới về cùng em...".
Đặc biệt, ngay sau đoạn hồi ký tình yêu này ông Dõi đã ghi mốc thời gian ngày 26-8-1946 và thái độ của cha mình với thời cuộc dân tộc lúc đó: "Mình báo cho ba biết (trong hồi ký, ông Dõi viết ông Trần Văn Hương là ba nhưng các bản khai lý lịch ở miền Bắc ông đều viết là bố) mình sẽ đi xa.
Ông cụ hơi ngạc nhiên, không cản nhưng muốn mình chậm lại chờ ông cụ ngẫm chừng thời cuộc. Lúc này phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa đang đàm phán với Pháp ở Fontainebleau. Ông cụ cho biết quyết không trở lại làm việc cho Pháp hoặc một chính phủ tay sai nào. Nhưng đi với chính phủ cộng sản thì cũng cần suy nghĩ thêm...
Mình nói cho ông cụ biết mình ra đi trước tiên là xa cái gia đình quá ngột ngạt hiện nay (mẹ và cha ông Dõi không hòa hợp nhau) và kế đó là vì nhiệm vụ của người thanh niên trước vận nước. Đây là lần đầu tiên mình có phản ứng mạnh và nói thẳng nói thật với ông cụ...".
Nhiều năm hồi tưởng chuyến ra Bắc đầu tiên và biền biệt xa quê hương đến gần 30 năm, ông Dõi vẫn nhớ đã cùng người bạn kháng chiến tên Nho làm giấy tờ trà trộn vào số đông đồng bào người Bắc được Pháp cho hồi hương.
Họ từ Sài Gòn đi tàu ra Vũng Tàu rồi lên chiếc Pasteur đang đậu ngoài đó. Chuyến đi này không ngờ lại là bước ngoặt với ông Dõi khi lên đúng chiếc Pasteur "chở phái đoàn ông Phạm Văn Đồng đi thương thuyết ở Pháp về".
Ông Dõi kể ngày 1-10-1946, khoảng 14h ông lên chiếc Pasteur sang trọng, khổng lồ dài hơn 100m và cao như tòa nhà mấy tầng lầu. Chiếc tàu này là niềm tự hào hàng hải của Pháp khi đó. Tuy nhiên điều ông Dõi thấy tự hào lại chính là lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được treo ngay trên con tàu Pháp. Đặc biệt, trên tàu còn có mặt 2.000 lính thợ người Việt tham gia Thế chiến thứ 2 hồi hương. Nhắc nhớ ông Dõi đã kể một kỷ niệm thú vị:
"Ngày 2-10-1946, tàu lênh đênh giữa biển lại xảy xô xát giữa đám lính Tây với anh em ONS (lính thợ người Việt). Bọn Tây này được đưa từ Sài Gòn ra miền Bắc, chúng rất bực khi thấy chiếc Pasteur được trang trí cờ Việt, do lính Việt giữ trật tự, nên chúng sanh sự với anh em.
Cuộc va chạm xảy ra rất ngắn nhưng vài thằng tây thì làm gì được với 2.000 anh em ONS. Bị đánh đau, anh em còn dọa đốt tàu. Thằng chủ tàu hoảng cầu cứu phái đoàn. Công việc được thu xếp, thế là tây ở một phía, ta ở một phía...".
Ngày 4-10-1946, ông Trần Văn Dõi đặt chân lên đất Bắc ở Hải Phòng, bắt đầu cuộc đời người lính Việt Minh, lên đến đại úy, tiểu đoàn trưởng.
Trong khi đó người cha Trần Văn Hương cũng dần về Sài Gòn làm tiệm thuốc tây rồi bước vào cuộc đời chính trị trái ngược con mình, với các chức vụ đô trưởng Sài Gòn, phó thủ tướng, thủ tướng rồi phó tổng thống, tổng thống Việt Nam cộng hòa. Hai cha con vẫn ở chung một Tổ quốc nhưng cách xa nhau hoàn toàn…
*************
Đoàn tụ sau gần 30 năm cách biệt nhưng ông Trần Văn Dõi và người cha Trần Văn Hương không nói được gì nhiều. Ông Dõi cảm nhận được nỗi buồn của cha mình...
>> Kỳ tới: Ngày trùng phùng nước mắt chảy vào trong
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận