22/04/2025 10:28 GMT+7

3 lý do để chọn Mỹ Tho làm trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Đồng Tháp mới

Trong văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị địa phương này đóng góp ý kiến dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính, UBND tỉnh Tiền Giang nêu 3 lý do chọn Mỹ Tho để làm đơn vị hành chính.

3 lý do để chọn Mỹ Tho làm trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Đồng Tháp mới - Ảnh 1.

Trung tâm hành chính công tỉnh Tiền Giang được vận hành từ năm 2019, là nơi đặt trụ sở của các sở, ngành đáp ứng nhu cầu làm việc của hơn 1.000 công chức, viên chức… - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Chọn Mỹ Tho để kế thừa tính lịch sử

Thứ nhất, kế thừa yếu tố lịch sử, truyền thống. Vào cuối thế kỷ thứ XVII, Mỹ Tho đã trở thành một trong hai trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ.

Dấu ấn của đô thị Mỹ Tho trong lịch sử hình thành và phát triển 346 năm qua là phố thị, là những công trình kiến trúc, công trình quân sự… những dấu ấn này nói lên sự phồn thịnh và vai trò của Mỹ Tho trong mối tương quan với những vùng đất mới. Xuyên suốt từng giai đoạn lịch sử phát triển, Mỹ Tho luôn được chọn là trung tâm hành chính - chính trị của vùng.

TP Mỹ Tho cũng là thành phố trực thuộc tỉnh loại 1 đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Do đó TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) có vị thế, vai trò trung tâm hành chính, chính trị quan trọng của địa phương, có bề dày quản lý và hạ tầng hành chính.

Từ đó đến nay, TP Mỹ Tho luôn được quan tâm, tập trung đầu tư phát triển, nhất là hạ tầng, quy hoạch và đầu tư khu hành chính cấp tỉnh, đảm bảo khi hợp nhất tỉnh mới có thể đi vào hoạt động ổn định ngay.

Trung tâm hành chính công được vận hành từ năm 2019, là nơi đặt trụ sở của các sở, ngành tỉnh với tổng diện tích sàn 31.784m2, đáp ứng nhu cầu làm việc của hơn 1.000 công chức, viên chức…

Giao thông thuận lợi

Thứ 2, vị trí địa lý thuận lợi trong việc kết nối giao thông và liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế. TP Mỹ Tho nằm ở cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long với vùng TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và cả nước, là đô thị lớn đầu tiên trên tuyến giao thương từ vùng TP.HCM, vùng Đồng Nam Bộ vào miền Tây, giúp điều phối hoạt động kinh tế - hành chính trong toàn vùng.

Về đường bộ, TP Mỹ Tho nằm trên quốc lộ 1, trục huyết mạch xuyên suốt từ Bắc vào Nam, có cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP.HCM với các tỉnh miền Tây.

Các tuyến quốc lộ 30, quốc lộ 50, quốc lộ 60 kết nối Mỹ Tho với Long An, Bến Tre, Đồng Tháp cùng với hệ thống giao thông đường tỉnh đã tạo thành mạng lưới giao thông linh hoạt.

Về đường thủy, Mỹ Tho gắn liền với hệ thống giao thông thủy huyết mạch, quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như sông Bảo Định, sông Tiền, kênh Chợ Gạo.

Ngoài ra, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong thời gian tới Mỹ Tho còn nằm trên tuyến đường sắt kết nối giữa TP.HCM - Cần Thơ, mở ra nhiều tiềm năng, lợi thế kết nối giao thông trong tương lai.

Với vị trí trung tâm, hạ tầng giao thông đồng bộ, khả năng kết nối nhanh và thuận tiện, TP Mỹ Tho phù hợp để đặt trung tâm hành chính của tỉnh mới, đảm bảo phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực quản lý nhà nước.

Thứ 3, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển lâu dài, bền vững. Theo quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 xác định Mỹ Tho có vai trò là một trong những trung tâm dịch vụ, thương mại, logistics, du lịch khu vực phía Bắc Sông Tiền, đô thị cửa ngõ giữa vùng TP.HCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao về cây ăn trái và trung tâm dịch vụ du lịch miệt vườn.

Ngoài ra, TP Mỹ Tho - đô thị trung tâm của tỉnh Tiền Giang - đã được quy hoạch mở rộng với khu hành chính tập trung, hệ thống giao thông kết nối hoàn chỉnh và hạ tầng đô thị hiện đại, đáp ứng các tiêu chí để trở thành trung tâm điều hành hành chính - kinh tế của tỉnh mới.

Theo đó, việc đặt trung tâm hành chính - chính trị tại TP Mỹ Tho không chỉ phù hợp với quy hoạch phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng TP.HCM mà còn khai thác tối đa lợi thế kinh tế, hạ tầng và khả năng kết nối, giúp bộ máy hành chính vận hành hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững và nâng cao năng lực quản lý đồng bộ, toàn diện, hiệu quả toàn tỉnh.

Vì sao tên tỉnh mới là Đồng Tháp?

Dự thảo cũng đề xuất đặt tên tỉnh mới là Đồng Tháp bởi đây là tên có tính thương hiệu cao, đại diện cho đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười gắn liền với đặc trưng sinh thái - văn hóa của cả 2 tỉnh.

Đồng thời, việc sử dụng tên gọi này không chỉ đảm bảo tính tiếp nối, dễ nhận diện, dễ nhớ, mà còn góp phần hạn chế tối đa các xáo trộn về giấy tờ hành chính, thông tin địa lý, giúp tiết kiệm ngân sách, thời gian và công sức cho người dân cũng như doanh nghiệp.

Tổng diện tích sau sáp nhập sẽ đạt gần 6.000km², dân số trên 4,2 triệu người.

Ba lý do để chọn Mỹ Tho làm trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Đồng Tháp mới - Ảnh 3.Sáp nhập và tên phường mới tại TP.HCM: Cơ hội để tái định vị, làm mới sản phẩm du lịch

Sáp nhập và tên phường mới giúp du lịch TP.HCM có dịp tái cấu trúc và sáng tạo sản phẩm độc đáo. Những câu chuyện văn hóa ở phường Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn sẽ thu hút du khách.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên