18/11/2003 06:20 GMT+7

Người chạy dự án... xóa nghèo

HỒ VĂN
HỒ VĂN

TT - Dù đã bước vào tuổi lục tuần, thầy vẫn cứ đi, vẫn ngược xuôi khắp miệt đồng bằng sông Cửu Long. Có khi lên tận Tây nguyên hay xuôi về miền Đông Nam bộ cũng chỉ để giúp thêm vài người dân thoát nghèo, có thêm những mảnh đời trẻ thôi bất hạnh...

UywnPRzj.jpgPhóng to
Thầy Châu Bá Lộc trong một lần tới thăm Nhà nuôi dưỡng người già và trẻ em không nơi nương tựa của TP Cần Thơ
TT - Dù đã bước vào tuổi lục tuần, thầy vẫn cứ đi, vẫn ngược xuôi khắp miệt đồng bằng sông Cửu Long. Có khi lên tận Tây nguyên hay xuôi về miền Đông Nam bộ cũng chỉ để giúp thêm vài người dân thoát nghèo, có thêm những mảnh đời trẻ thôi bất hạnh...

Bước chân qua... 115 xã nghèo

Tôi đến gặp thầy ở văn phòng làm việc cũng là lúc thầy vừa trở về sau chuyến đi dài ngày đến với bà con người dân tộc Kren ở thôn Định An, xã Định Hiệp, Đức Trọng, Lâm Đồng. Đây là lần thứ hai thầy về lại nơi đây kiểm tra xem cuộc sống của bà con thay đổi như thế nào sau hai năm nhận giống và vốn của chương trình Heifer, một tổ chức phi chính phủ giúp nông dân xóa đói giảm nghèo.

Thầy Châu Bá Lộc cho biết: “Cách đây hai năm khi tôi cùng các đồng nghiệp đến đây khảo sát tình hình, bà con còn khổ lắm, cuộc sống nương rẫy không đủ ăn thiếu thốn trăm bề, trẻ con nhiều đứa phải bỏ học theo cha mẹ lên rẫy kiếm cái ăn. Nhưng từ khi được chương trình Heifer hỗ trợ con giống và vốn, cuộc sống của bà con đã khá lên, có của ăn của để. Thu nhập của nhiều gia đình trung bình hằng năm 3-8 triệu đồng, mừng nhất là trẻ em đã trở lại với trường”.

Hẳn bà con nghèo ở xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, An Giang vẫn còn nhớ những ngày tháng của năm 1992. Một ông già dáng dong dỏng cao hơi gầy, lặn lội khắp 31 hộ trong xã để chỉ người này sửa lại chuồng bò, hướng dẫn người kia làm lại hệ thống biogas chứa phân..., rồi lại quay về Cần Thơ tìm tới các trang trại bò để mua giống tốt.

Xong xuôi mọi việc lại cùng xe chở giống trở lại Lê Trì trao cho các hộ nghèo và tận tình hướng dẫn mọi người cách chăm, phòng ngừa và chữa bệnh cho bò cùng cách thụ tinh nhân tạo khi bò đủ tuổi. Chuyến đi ấy cũng đã để lại kỷ niệm vui cho thầy.

Khi hướng dẫn cụ già người Khơme Châu Sa Vanh Na ở xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, An Giang cách thụ tinh nhân tạo cho bò lai sind, cụ không tin là bò có thể mang thai theo cách này và bảo “rồi nó sẽ đẻ ra cái gì?”.

Tính thời gian bò đẻ, thầy quay trở lại nhà cụ già trên và cũng là lúc con bò nhà cụ đã sinh hạ một chú bò con. Cụ già sung sướng ôm lấy chú bê vào lòng khóc như một đứa trẻ và cảm ơn “cán bộ thầy” rối rít. Cuộc sống của cụ khá hẳn lên vì từ nay cụ không phải mướn bò cày, đồng thời trở thành một kỹ thuật viên thú y tình nguyện hướng dẫn bà con trong xã về thụ tinh nhân tạo cho bò.

Không chỉ cụ Châu Sa Vanh Na có được giọt nước mắt hạnh phúc. Gia đình chị Trần Thị Ngọc Hà ở ấp Phú An Hòa, huyện Châu Thành, Bến Tre trước đây sống chủ yếu nhờ vào 1.500m2 ruộng canh tác và một mảnh vườn nhỏ nên cuộc sống vô cùng khó khăn khi cả nhà với bốn miệng ăn mà thu nhập chỉ 300.000-400.000 đồng/tháng. Hai đứa con lại đến tuổi học hành nên dù dành dụm cũng không thể nào thay đổi được căn nhà lá đang sống. Được sự trợ giúp từ chương trình Heifer, chị nhận được một con heo cái hậu bị ngay trong đợt cấp giống đầu tiên của chương trình cho tỉnh Bến Tre và được thầy Lộc đến tận nhà hướng dẫn cách nuôi.

Nhờ đó mà đến nay gia đình chị đã không còn khó khăn như trước, lợi tức từ những lần heo đẻ đã giúp chị xây được ngôi nhà khang trang trị giá 30 triệu đồng và các tiện nghi khác mà trước đây “có nằm mơ tôi cũng chẳng dám nghĩ tới” - chị Hà cười nói.

Để các em bớt đi nỗi bất hạnh

Chẳng thể tính được những chuyến đi của thầy, chỉ biết rằng từ năm 1992 đến nay thầy cùng các đồng nghiệp đã trao tận tay 6.247 hộ nghèo của 115 xã thuộc 12 tỉnh ĐBSCL và ba tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng số lượng gia súc được tài trợ có thời hạn của chương trình Heifer gồm 2.208 heo nái, 822 bò đẻ lai sind, 8 bò đực, 19.951 gà, 4.674 vịt, 25 dê giống, 18.000 cá giống các loại, 3.800kg lúa giống, 32 đàn ong...

Từ những hộ này, số lượng gia súc tiếp tục được chuyển giao cho các hộ nghèo khác khi họ làm ăn khấm khá. Cứ như thế chương trình ngày một nhân rộng và giúp hàng ngàn người thoát nghèo có cuộc sống ấm no.

Báo cáo tại hội nghị về thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn tại Nga (từ 6 đến 16-6-2003), mô hình “Trung tâm hướng nghiệp thanh niên nông thôn” của chương trình Heifer VN đã gây ngạc nhiên cho trên 30 nước (có chương trình Heifer).

Nhiều đại biểu đã tỏ ý khâm phục khi cho rằng các đồng nghiệp ở VN đã làm được điều mà nhiều người có mặt tại hội nghị không nghĩ tới. Đó là mô hình đào tạo nghề tập trung cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: nghèo, mồ côi, các đối tượng ở các trung tâm xã hội (TTXH)...

Thầy Châu Bá Lộc bộc bạch: “Ý tưởng này xuất hiện trong các chuyến công tác từ thiện đến các trung tâm (TT). Chúng tôi thấy nếu áp dụng chương trình Heifer cho những em đã đủ tuổi rời khỏi TT sẽ đỡ đi phần nào gánh nặng cho xã hội và tạo cho các em một cuộc sống vững vàng khi hòa nhập xã hội”.

Thầy Lộc nảy ra sáng kiến thành lập TT hướng nghiệp trẻ mồ côi, ý tưởng được lãnh đạo ĐH Cần Thơ, Tổ chức Heifer quốc tế “OK”. Thầy tìm tới các tổ chức từ thiện, cơ quan, doanh nghiệp xin kinh phí, và cùng với 100 triệu đồng từ chương trình Heifer xây dựng TT.

Đầu tháng 3-2001, một TT dạy nghề khang trang ra đời trong khuôn viên ĐH Cần Thơ với đầy đủ phòng học, nhà ở và một trại chăn nuôi thực nghiệm. Thầy bắt đầu lập kế hoạch gửi đến các TTXH nhờ họ giới thiệu mỗi nơi hai người tuổi từ 16-22 đưa về TT đào tạo trong ba tháng. Sau khi tốt nghiệp các học viên này được cấp vốn hoặc con giống trị giá 2-4 triệu đồng để trở về quê lập nghiệp.

Sau một vòng quay sản xuất, các học viên này sẽ hoàn trả vốn hoặc con giống ban đầu để TT trợ giúp các học viên khóa sau. Tuy nhiên, “do mỗi TT chỉ được gửi lên hai em/khóa nên hiệu quả và ảnh hưởng của chương trình rất chậm vì việc đào tạo không tập trung. Khi trở về mỗi em một nơi không thể giúp nhau sản xuất” - thầy Châu Bá Lộc nói.

Từ suy nghĩ đó, chương trình đào tạo bắt đầu thay đổi bằng cách tập trung đào tạo từng đợt khoảng 20-30 em ở chung trong một xã. Đối tượng đào tạo được mở rộng cho thanh niên nghèo, mồ côi có hoàn cảnh khó khăn chứ không nhất thiết lấy từ các TTXH. Thầy lại ngược xuôi khắp các xã nghèo của khu vực ĐBSCL tìm hiểu, chọn học viên đưa về đào tạo.

Hướng đi mới này đã mang lại hiệu quả rất cao, nhiều học viên đã có cuộc sống ổn định với thu nhập ngày một tăng. Hai anh em Thạch Tiền và Thạch Tuấn (huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) là học viên khóa 2, giờ đã có cuộc sống khấm khá nhờ vào hai con bò được hỗ trợ ban đầu trị giá 4 triệu đồng.

Đến nay không chỉ hoàn lại con giống cho TT, họ đã bán được nhiều lứa bê với thu nhập hằng năm gần 10 triệu đồng. Nguyễn Văn Tèo trước đây có cuộc sống vô cùng khó khăn khi gia đình đông anh em lại mất đi người cha trụ cột trong gia đình.

Giờ đây Tèo đã là lao động chính của gia đình với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/năm, trừ mọi chi phí. Rồi những Nguyễn Minh Đoàn, Trần Văn Vĩnh (Tiền Giang), Lâm Trường Linh (Châu Thành, Kiên Giang)... đã trở thành những ông chủ của các trang trại nhỏ.

Cuối tháng 7-2003 vừa rồi, 19 thiếu nữ của “làng thân phận” (xã Bình Thạnh Đông, Phú Tân, An Giang - Tuổi Trẻ 24-3-2003) đã tốt nghiệp và được trợ vốn trở về quê lập nghiệp. Sắp tới đây TT lại chuẩn bị đón hơn 20 thanh thiếu niên mồ côi cha từ tai nạn của cơn bão số 5 ở Cà Mau và khoảng 30 em ở “làng chất độc da cam” Bến Tre về đào tạo. Thầy Lộc tâm sự: “Từ nhỏ mồ côi cha nên tôi đồng cảm với bao cuộc đời khó khăn của các em. Giờ có được cuộc sống ổn định nên phải làm điều gì đó để bù đắp thiệt thòi cho các em, bớt đi phần nào bất hạnh mà cuộc đời không may phải gánh chịu từ nhỏ...”.

HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên