Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Thế giới đang chứng kiến ngày càng nhiều nhà lãnh đạo quyết đoán và tuyên xưng rằng mình đại diện cho ý chí số đông, nhất là trong năm 2024 vừa qua.
Khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, thế giới đã kỳ vọng về kỷ nguyên huy hoàng mới: thịnh vượng tăng lên sẽ dẫn tới tự do dân chủ và góc nhìn cởi mở hơn, điều sẽ giúp tạo ra thêm thịnh vượng.
Những gì diễn ra trong năm 2024 cho thấy gần nửa thế kỷ sau chiến tranh lạnh, giấc mơ về thế giới đại đồng thịnh vượng có vẻ chưa thể thành hiện thực trong tương lai nhìn thấy được.
Của cải trên thế giới chắc chắn đã tăng lên. Trong ba thập kỷ tính tới 2019, GDP toàn cầu đã tăng hơn 4 lần. Trong 2 tỉ người nghèo cùng cực vào năm 1989, 70% đã thoát nghèo trong 30 năm đó.
Nhưng có vẻ khát vọng tự do cá nhân và tư tưởng cởi mở lại diễn tiến theo chiều hướng khác so với đà phát triển kinh tế. Phần đông mọi người trên thế giới vẫn trung thành với những niềm tin truyền thống, đôi khi là những quan điểm hoàn toàn khép kín.
Và dù giờ nhiều người đã giàu có hơn, quan điểm "chúng ta đối đầu bọn nó" với những người khác biệt vẫn đang chiếm ưu thế, điều cũng mở đường cho sự xuất hiện của những nhà lãnh đạo độc đoán (hay mạnh mẽ, tùy quan điểm) có lẽ là chưa từng thấy kể từ sau chiến tranh lạnh, ngay cả ở các nước phương Tây vẫn tự tin là mình tự do dân chủ.
Việc ông Trump trở lại có thể gây sốc khắp châu Âu, nhưng cũng không thiếu những người ủng hộ tổng thống đắc cử nước Mỹ.
Một người nhiệt tình như vậy, ở ngay một nước châu Âu, là Thủ tướng Orbán của Hungary. Khi phong trào MAGA của ông Trump chiến thắng, ông Orbán lập tức trở thành cầu nối quan trọng giữa châu Âu với chính quyền mới.
Vài ngày sau bầu cử, ông Orbán xuất hiện với vẻ mặt đầy mãn nguyện tại cuộc họp của cộng đồng chính trị châu Âu ở Budapest. Chúng ta có thể sớm thấy vị thủ tướng Hungary di chuyển giữa Matxcơva và Kiev như một phần chiến dịch của ông Trump nhằm đạt thỏa thuận ngừng bắn cho cuộc chiến ở Ukraine.
Tầm quan trọng của Orbán ở chỗ ông chính là điểm giao trung tâm của hệ sinh thái chính trị kết nối Liên minh châu Âu (EU) với các vùng xung quanh.
Đã có nhiều bài viết về ảnh hưởng của ông với các nhà lãnh đạo dân túy và nhấn mạnh vào quản trị bằng sức mạnh ở EU. Tuy nhiên, riêng Orbán được coi là có ảnh hưởng vượt tầm biên giới khối này.
Hungary là đồng minh của các nước như Serbia hay Gruzia. Ông Orbán hiện vẫn lên tiếng ủng hộ việc mở rộng khối trong khi muốn miễn trừ một số tiêu chuẩn dân chủ của EU với các nước mới.
Cần nhắc, ông đã làm thủ tướng Hungary suốt 14 năm qua, từ năm 2010, và nếu kể cả nhiệm kỳ 1998-2002 thì đã lãnh đạo quốc gia này được gần 20 năm. (Những người lính Liên Xô cuối cùng rút khỏi Hungary là vào năm 1990, đến nay mới được 34 năm).
Theo Martin Wolf của Financial Times thì quan điểm quản trị nhà nước bằng sức mạnh và sự quyết đoán đang thắng thế trên toàn thế giới.
Quá trình này không chỉ diễn ra ở các nước tương đối nghèo, mà còn ở các nước giàu, bao gồm cả Mỹ. Ông Trump được ông Wolf coi là ví dụ điển hình của nhà lãnh đạo mạnh tay và theo chủ nghĩa dân túy.
Erica Frantz của Đại học Michigan State giải thích về hiện tượng này với cuốn sách "Authoritarianism: What Everyone Needs to Know".
Cuốn sách làm rõ hai điểm. Thứ nhất, ngày nay hầu hết chế độ quản trị bằng sức mạnh xuất hiện bằng cách gặm nhấm dần nền dân chủ từ bên trong.
Quá trình này chiếm tới gần 40% các vụ sụp đổ của các chế độ dân chủ đương đại. Thứ hai, hầu hết chế độ mới đều có dấu ấn cá nhân rõ rệt. Trong giai đoạn 2000-2010, khoảng 75% thay đổi với các nền dân chủ thành các chế độ độc đoán đều theo hướng này.
Theo giáo sư Frantz thì nhà cầm quyền mạnh mẽ giờ không còn chỉ là hiện tượng của các nước đang phát triển, mà "nhiều nền dân chủ đang chuẩn bị chuyển mình như vậy nằm ở chính châu Âu".
Mô thức cũng đã thay đổi. Số lượng các chế độ độc tài quân sự đã giảm mạnh, nhưng khát khao về một "minh quân", nhà lãnh đạo "toàn năng" duy nhất có lẽ đang lớn hơn bao giờ hết.
Đặc thù của mô hình này là một nhóm nhỏ những người thân tín; lòng trung thành; một phong trào chính trị mới; dân túy; và các lực lượng sức mạnh trong vai trò lãnh đạo.
Đặc điểm khá phổ biến của khá nhiều nhà lãnh đạo trong giai đoạn này là một mình họ cam kết sẽ giải quyết nhanh chóng và hiệu quả hầu hết các vấn đề của đất nước.
Ở đây lại phải nhắc tới Trump. Ông đã không ngừng khẳng định tầng lớp tinh hoa truyền thống ở Mỹ đã băng hoại đến mức không thể cứu vãn.
Ông chỉ trích các chuyên gia, tòa án và truyền thông là không đáng tin; và cử tri chỉ nên tin vào trực quan của nhà lãnh đạo, vốn là đại diện sống cho số đông.
Martin Gurri giải thích trong cuốn "The Revolt of the Public and the Crisis of Authority in the New Millennium" rằng sự thay đổi trong phong cách lãnh đạo chính trị hiện giờ gắn liền với sự sụp đổ của truyền thông cũ.
Truyền thông mới kém hơn nhiều trong việc tuyên truyền thông điệp thống nhất cho số đông. Nhưng truyền thông mới lại rất giỏi gieo rắc hoài nghi và giận dữ.
Các nhà lãnh đạo chiến thắng gần đây như ông Trump đều rất giỏi sử dụng các kênh truyền thông mới để tấn công tầng lớp tinh hoa cũ và các định chế hiện hành. Ở nhiều nước, những nhân vật dân túy với khuynh hướng thể hiện sự quyết liệt và làm đến cùng đang có cơ hội lớn để nắm quyền.
Theo Wolf, điều này có lý do hợp lý của nó, khi một thời gian dài các chính quyền và tầng lớp tinh hoa phương Tây đã thờ ơ với số phận của quảng đại quần chúng, khi lòng tham và sự kém hiệu quả lan tràn, điều thể hiện rõ nhất qua các cuộc khủng hoảng tài chính bất ngờ ở Mỹ và châu Âu.
Những người ủng hộ có thể tin hoặc không tin là nhà lãnh đạo mới sẽ có câu trả lời, nhưng họ dễ dàng tin rằng tầng lớp tinh hoa cũ không thể đem lại giải pháp, và chắc chắn là đang muốn thay đổi.
2024 là một năm không dễ chịu đúng như các dự báo từ cuối 2023 với đầy bất ổn, rủi ro và những pha giật mình thót tim. Nhưng cuối cùng chúng ta đã bình an vô sự.
Khoảng 1.200 người đã phải sơ tán khỏi tháp Eiffel ngày 24-12, sau khi lửa bùng lên trong một hố thang máy của công trình mang tính biểu tượng ở Paris.
Truyền thông đăng tin: "Lửa cháy ở tháp Eiffel" và sau đó "không có gì đáng lo cả".
Tôi có thể dùng hình ảnh tương tự để hình dung cho năm 2024 khi nghĩ về kinh tế. Trong cả năm, đã mấy lần thị trường tài chính toàn cầu "đứng tim" trước những diễn biến kiểu như vậy.
Trước tiên là pha "lật mặt" nói cắt lãi suất rồi lại "quay xe" của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Cuối năm 2023, đa số giới quản lý quỹ đầu tư tin rằng Fed phải cắt lãi suất khá sớm từ quý 1-2024 để tránh kinh tế Mỹ đi vào "hạ cánh cứng".
Thế nhưng kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt, ít ra là dựa trên số liệu, so với các nền kinh tế phát triển khác như châu Âu, Canada và Úc, đặc biệt là Trung Quốc. Điều này khiến nhiều người lo ngại Fed có thể cắt lãi suất chỉ một lần trong năm 2024 vì lo lạm phát ở Mỹ sẽ tăng lại.
Suy nghĩ đó đã một lần khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo hồi tháng 5 và tháng 6, bao gồm những áp lực lớn lên tỉ giá ở các thị trường mới nổi.
Có thời điểm, đã có những thảo luận là nên sử dụng dự trữ để bảo vệ đồng nội tệ của Việt Nam đến mức nào hay "buông" luôn phòng tuyến tỉ giá.
Câu chuyện địa chính trị cũng diễn biến phức tạp và bất ngờ, tác động tiêu cực lên kinh tế.
Chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông, cộng với nhu cầu đầu tư vàng lớn ở Trung Quốc, có lúc đã đẩy giá vàng quốc tế tăng vùn vụt, kéo theo là tình trạng xếp hàng mua vàng "bình ổn" ở Việt Nam. Giá vàng SJC trong nước có lúc đã chênh lệch với giá thế giới hơn 13 triệu đồng/lượng.
Giai đoạn tháng 5-2024, một số dự báo cho rằng giá vàng trong nước có thể vượt 100 triệu đồng/lượng vào nửa đầu 2025.
Đến cuối năm thì nỗi lo giảm bớt, và giá vàng quốc tế lẫn trong nước ổn định hơn với sự trỗi dậy của đồng đô la và giới đầu cơ trong nước lẫn quốc tế đỡ đổ vào vàng hơn.
Dù vậy, vàng vẫn là một trong những kênh đầu tư sinh lời tốt của năm 2024, với mức đóng cửa trước Giáng sinh trong nước vẫn trên 82 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, tùy vào hợp đồng và thời điểm chốt mà giá vàng tăng từ 24-33%, một trong những công cụ đầu tư có tỉ suất sinh lợi điều chỉnh cho rủi ro tốt nhất của 2024.
Hồi tháng 10 vừa qua, trong một chầu bia bên bờ sông Yarra ở Melbourne, một người bạn làm kinh doanh ngoại hối của tôi ở Úc nhận định: "Trong 10 năm trở lại đây thì 2024 là năm mà dân chơi vàng không cần dùng đòn bẩy cũng có thể ngẩng cao đầu với dân chơi cổ phiếu Mỹ".
Cứ như vậy, những diễn biến tác động lớn nhất lên thị trường diễn ra vào cuối năm, khi Fed cắt lãi suất vào tháng 9, và bầu cử tổng thống Mỹ có kết quả vào tháng 11.
Trước khi bầu cử diễn ra, đã có nhiều cảnh báo rằng chính sách kinh tế của ông Trump sẽ gây ra lạm phát cao và đẩy nước Mỹ cũng như toàn cầu vào suy thoái khi ông hứa đánh thuế quan mạnh với hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Tuy nhiên thực tế, thị trường toàn cầu đã tiếp nhận tin ông Trump chiến thắng một cách đầy hưng phấn. Bitcoin vượt mốc 100.000 USD và chỉ số Nasdaq lần đầu vượt 20.000 điểm vào giữa tháng 12-2024.
Mọi việc có thể đã chuyển sang chiều hướng xấu rất nhanh, từ những tai nạn nhỏ như vụ đóng khẩn cấp những khoản giao dịch chênh lệch lãi suất với đồng yen Nhật (tháng 8), một vài vụ sụp đổ bất động sản đình đám ở Trung Quốc và ngân hàng ở Mỹ, chính quyền địa phương Trung Quốc thiếu tiền tạm thời, Chính phủ Mỹ có thể bị đóng cửa, cho đến vụ việc thiết quân luật ở Hàn Quốc…
Nhưng đã không có thảm họa nào xảy ra.
Như Quỹ Tiền tệ quốc tế hình dung, kinh tế thế giới trong 2024 đã rất "kiên cường", chịu sức ép rồi bật lại, chứ không ngã quỵ. Nhưng nếu nói đây là một năm tốt đẹp của kinh tế toàn cầu thì là tô hồng.
Ngay cả khi kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng trên 7% trong 2024, vẫn có những dấu hiệu rất khó khăn ở một số khu vực của nền kinh tế, thì với một số nền kinh tế châu Âu gần như không tăng trưởng, hoặc kinh tế Mỹ vẫn chỉ tăng trưởng dưới 3%, và còn tiếp tục xu thế yếu dần đi, những chật vật là có thể hình dung được.
Chúng ta sẽ bắt đầu 2025 với kỳ vọng về lạm phát toàn cầu tiếp tục nằm trong kiểm soát, cho phép các chính phủ tiếp tục giảm lãi suất.
Tuy nhiên, mức giảm lãi suất toàn cầu có thể không như kỳ vọng khi Fed đưa ra tín hiệu có thể họ chỉ cắt lãi suất hai lần nữa trong 2025. Nếu Fed làm đúng như vậy, mặt bằng lãi suất chính sách của Fed vào cuối 2025 sẽ ở mức trên 3,5%, trong khi kỳ vọng thị trường là khoảng 3%.
Sự chênh lệch tưởng là nhỏ này sẽ đủ để gây tổn hại lên các khoản vay mua nhà và cho giới đầu tư trái phiếu hay các quỹ đầu tư chuyên vay tiền đầu cơ.
Lợi suất trái phiếu Mỹ cao cũng tạo áp lực lên đồng tiền ở các thị trường mới nổi và cận biên, đẩy giá đồng USD lên cao so với các đồng tiền chính khác. Sự phân cực trong chính sách tiền tệ của Mỹ so với nhiều ngân hàng trung ương chủ chốt có thể thấy rõ.
Trong khi Fed hạ lãi suất nhẹ và ra tín hiệu sẽ cắt giảm ít hơn trong năm 2025, một số ngân hàng trung ương khác bày tỏ họ có thể phải giảm lãi suất nữa vì nền kinh tế nước họ đang khó khăn hơn dự báo, thất nghiệp tăng và lợi nhuận doanh nghiệp giảm.
Điển hình, một số nước châu Âu đã dự báo đồng euro sẽ về mức ngang với USD trong năm 2025.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới dự báo bi quan là vì người ta vẫn không biết ông Trump sẽ làm gì với chính sách thuế quan nói riêng, và trong quan hệ với châu Âu (và Trung Quốc, Mexico, Canada nữa).
Nói về chuyện điều chỉnh chính sách theo hành xử của ông Trump, Chủ tịch Fed Powell có một câu thần chú thú vị: "Không đồn đoán, không đầu cơ, không giả định".
Nói cách khác, ý ông Powell là đừng nghe những gì ông Trump nói, mà hãy cứ chờ những gì ông Trump làm rồi mới thích ứng và hóa giải. Vấn đề là làm gì có thể dễ như vậy.
Thị trường tài chính sẽ biến động theo từng dòng tweet của ông tổng thống Mỹ và doanh nghiệp sẽ hành xử để phòng ngừa trước những điều xấu nhất có thể xảy ra.
Thật ra, chính chủ tịch Fed và những người ra quyết định ở Ủy ban chính sách tiền tệ FOMC của Mỹ cũng sẽ chẳng thể ngồi yên trước thời cuộc mà chờ đợi đâu.
Tuy ông Trump sẽ đóng vai trò đáng kể trong rất nhiều sự kiện này, những xung đột ở Trung Đông, AI sẽ trở thành bong bóng hay là xu thế vững chắc trong 2025, và việc đổ tiền vào các chính sách xanh và sạch, cũng như sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ là các vấn đề sẽ không biến mất hay đột ngột đảo chiều vì một mình ông.
Những sự kiện và xu thế trên sẽ phải tiếp tục như là điều phải có của một buổi tiệc. Nhưng ông Trump làm tổng thống Mỹ lần thứ hai chính là gia vị bất ngờ của bữa tiệc đó.
Năm qua, khi nhiều nhà đầu tư phía Nam phải bán nhà, đất hạ giá cắt lỗ thì giá ở Hà Nội tăng gấp đôi. Bức tranh tương phản nhưng cùng một thông điệp: thị trường bất động sản Việt Nam thiếu cơ chế phát triển cân bằng.
Cuối năm, một thương hiệu bất động sản phía Nam bất ngờ chạy truyền thông dự án cao cấp ở khu Nam TP.HCM. Ngày ra mắt, tỉ lệ đặt hàng khá cao, có cả các sàn ôm hàng chờ bán lẻ. Nhưng sự vùng vẫy cuối năm không cứu thị trường phía Nam thoát khỏi màu xám cả năm.
Suốt năm 2024, số lượng giao dịch nhà, đất tại TP HCM và phía Nam không xuất hiện kịch bản hồi phục như nhiều dự báo trước đó.
Thậm chí, giá rao bán nhà đất còn có xu hướng giảm khi nhiều người muốn bán cắt lỗ. Trong khi đó, nguồn hàng mới do chủ đầu tư tung ra chủ yếu rơi vào phân khúc giá cao.
Báo cáo của Avison Young Việt Nam nhận định năm 2024 hoạt động thị trường địa ốc phía Nam trầm lắng.
Nửa cuối năm mới xuất hiện vài dự án song đều là nhà cao cấp với giá từ 72-142 triệu đồng/m2, các dự án cũ tái khởi động cũng công bố mức giá mới cao hơn.
Dữ liệu của chợ địa ốc Batdongsan cho thấy giá bán lại dòng chung cư hạng sang (trên 80 triệu đồng/m2) năm qua giảm 11%, lượng người quan tâm đến chung cư trên chợ địa ốc này cũng giảm 26% so với năm trước.
Tháng 11 có khoảng 12.600 giao dịch thành công ở các tỉnh phía Nam nhưng lại có tới 17.000 căn hộ, nhà phố tồn kho (số liệu từ DKRA).
Tại một dự án thuộc khu Long Bình (TP Thủ Đức), giá bán lại căn hộ giảm (so với hợp đồng mua từ chủ đầu tư) phổ biến từ 500 -700 triệu đồng/căn nhưng vẫn hiếm người mua.
Phân khúc đất nền dự án phía Nam cũng không sáng sủa hơn. Tháng 11 vừa qua, các tỉnh phía Nam đưa ra thị trường khoảng 7.600 nền đất nhưng chỉ 10% số đó có người mua.
Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết giá đất nông nghiệp nhiều nơi (có TP.HCM) đã giảm từ 10-20% nhưng không có người mua. Nhiều nền đất ở vùng ven TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai giảm giá từ vài trăm đến một tỉ đồng mỗi nền vẫn không có người mua.
Bà Thiên Ngọc, một người môi giới nhà đất khu vực vùng ven TP.HCM, kể cả năm qua bà chưa có "mối" nào bán đất có lãi.
Người bán lỗ ít nhất là 5%, có người chấp nhận lỗ đến 50% để bán đất trả nợ cho ngân hàng.
Ông Võ Hồng Thắng, giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và phát triển dự án DKRA Group, nhận định thị trường nhà đất phía Nam phân hóa sâu thành hai mảng sáng - tối trong năm 2024.
Ở phân khúc nhà ở có vài dự án mới, giá vẫn tăng cao, khách hàng là nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi. Nhóm đất nền và bất đống sản nghỉ dưỡng vẫn chìm trong khó khăn.
Hiện chỉ có bất động sản vừa túi tiền của người ở mới có giao dịch, cùng số ít người có tiền săn đất giá rẻ cho thời hạn 4-5 năm tới.
Ông Thắng cho rằng trong 3-6 tháng tới thị trường nhà đất khó phục hồi. Hy vọng trong 12 tháng nữa, các luật liên quan đến nhà đất và hệ thống văn bản liên quan kịp đi vào thực tiễn mới có thể tác động làm thay đổi thị trường.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng phải đến năm 2026 thị trường nhà đất phía Nam mới có thể "chuyển màu".
Trái với thị trường nhà đất phía Nam, thị trường phía Bắc (tâm điểm là Hà Nội) đã tạo nhiều cú sốc trong năm 2024. Những tháng cuối năm, giới đầu tư Hà Nội chứng kiến giá đất tăng khủng khiếp qua kết quả các phiên đấu giá rồi ồ ạt bỏ cọc.
Ở những khu vực vùng ven Hà Nội, cách trung tâm thủ đô từ 30 - 40km như huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Sóc Sơn, nơi thu nhập của người dân chỉ trên dưới 5 triệu đồng/tháng, giá đất được đẩy lên từ 70 - 100 triệu đồng/m2.
Dù những người trả giá cao đã bỏ cọc nhưng cũng làm giá đất ở khu vực xung quanh tăng theo, dù là tăng ảo.
Suốt năm 2024 là những đợt tăng nóng giá nhà chung cư ở Hà Nội. Giá bán căn hộ chung cư mới, chung cư cũ đều tăng từ 50 - 100% so với năm trước.
Thậm chí có một căn nhà phố tháng sau rao bán tăng cả tỉ đồng so với giá tháng trước.
Có nhiều nguyên nhân như khan hiếm nguồn cung nhiều năm, hàng trăm dự án vướng mắc pháp lý chưa thể khởi công, nhu cầu mua nhà để ở lớn trong khi thị trường có nhiều căn hộ trung - cao cấp mà thiếu nhà ở bình dân, tâm lý đầu tư kiếm lợi…
Một chuyên gia đầu tư bất động sản lý giải do nhà đất ở các khu vực khác đóng băng nên người Hà Nội - vốn có nhiều tiền nhàn rỗi - đã co cụm về Hà Nội tìm chỗ đầu tư khiến nhu cầu mua nhà đất tăng đột biến dẫn đến giá tăng.
Dữ liệu của Batdongsan.com.vn ghi nhận lần đầu tiên mặt bằng giá bán chung cư tại Hà Nội cao hơn TP.HCM. Xuất hiện xu hướng các nhà đầu tư phía Nam dịch chuyển dòng vốn đầu tư ra phía Bắc, tâm điểm là thị trường Hà Nội.
Trong báo cáo công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý 3-2024, Bộ Xây dựng thừa nhận chung cư tại Hà Nội, TP.HCM đã thiết lập mặt bằng giá mới sau một chu kỳ tăng giá kéo dài.
Dự kiến đà tăng giá nhà đất ở Hà Nội vẫn còn kéo qua năm mới khi các chung cư mở bán gần đây ở các huyện vùng ven có giá từ 70-100 triệu đồng/m2.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, khi nhận định về giá bán chung cư tại Hà Nội thời gian qua đã nói: "Làm nghề 15 năm, tôi vẫn không ngờ giá chung cư ngoại thành Hà Nội lên 60 - 70 triệu đồng/m2".
Các chuyên gia về thị trường dự báo đà tăng giá nhà đất ở Hà Nội chưa dừng lại trong năm 2024 vì nguồn cung nhà đất vẫn còn khan hiếm.
Những biểu hiện bất thường của thị trường bất động sản Hà Nội trong năm 2024 cho thấy các cơ quan quản lý thị trường bất động sản ở cả trung ương và địa phương còn nợ những chính sách điều tiết thị trường hiệu quả, hợp lý.
Không chỉ là một sắc thuế chống đầu cơ hay quy định giao dịch bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng… thị trường bền vững cần một hệ thống quy định chặt chẽ hơn.
Từ việc tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác phát triển để đẩy dòng tiền khỏi kênh bất động sản đến đánh thuế bất động sản thứ 2, minh bạch dòng tiền, minh bạch giá cả và xây dựng thông tin thị trường tin cậy.
Một khi các dự án nhà ở xã hội đáp ứng chỗ ở cho người dân thì nhu cầu mua nhà ở cũng hạ nhiệt, cơ hội để thị trường quay về điểm cân bằng, bền vững sẽ lớn hơn.
Vấn đề là những chính sách trên đã được đưa ra bàn bạc rất nhiều lần nhưng đơn lẻ và không chiến lược, không có sự kết nối các cơ quan chức năng với nhau để cùng triển khai đồng bộ.
Năm 2024, nhiều chính sách lớn về giáo dục được đưa ra, lập tức thu hút sự quan tâm bàn cãi và rất nhiều chính sách bị gác lại hay bỏ lửng.
Ban soạn thảo Luật Nhà giáo từng xem quy định về cấp thẻ hành nghề nhà giáo là một trong những điểm nổi bật của dự thảo luật này.
Theo đó, dự thảo luật quy định giáo viên phải trải qua một kỳ sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề. Khi được đưa ra trưng cầu ý kiến, nội dung này đã vấp phải rất nhiều phản đối.
Bên ủng hộ, mà đại diện có thể kể tới là ông Vũ Minh Đức, cục trưởng Cục Nhà giáo & cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho rằng đề xuất này xuất phát từ yêu cầu đặc biệt về chất lượng nhà giáo.
Việc đào tạo ở trường sư phạm chỉ là đảm bảo yêu cầu về trình độ, nhưng nhà giáo cần đạt được những tiêu chí khác về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm dạy học, giáo dục thì mới được cấp thẻ hành nghề.
Luồng ý kiến phản đối cho rằng luật đề ra một dạng bằng cấp thứ hai trong khi giáo viên tốt nghiệp sư phạm là đã phải đủ điều kiện dạy học.
Một khi họ chưa đủ điều kiện đảm bảo chất lượng thì cần xem lại trách nhiệm của cơ sở đào tạo, không thể bắt mọi giáo viên tốt nghiệp lần hai.
Quy định chứng chỉ hành nghề sẽ gây phiền phức, tốn kém cho nhà giáo vì họ phải bỏ tiền đi học thêm để thi sát hạch.
Trong lúc đó, cả nước còn thiếu hơn 100.000 giáo viên, cái cần làm phải là giảm bớt nhiều thủ tục để khuyến khích người theo nghề sư phạm.
Ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khi góp ý cho dự thảo luật cho rằng vấn đề bất ổn là ở quy định triển khai xét cấp chứng chỉ.
Ông Hiển cho rằng không nên và khó có thể yêu cầu giáo viên đi học thêm đâu đó để vượt qua một kỳ sát hạch, bởi "trường học" quan trọng nhất sau trường sư phạm chính là nơi giáo viên được nhận tập sự.
Giáo viên trẻ cần những trường học như thế đón nhận và xác nhận cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo. Bản chất của quá trình thực tập nghề không nằm trong một kỳ học thêm để sát hạch, nó cần thời gian thực hành nghề.
"Nếu lại đi học để thi sát hạch thì cũng giống như sinh viên sư phạm học để thi tốt nghiệp", ông Hiển nói.
Cũng ở dự thảo luật này, một nội dung khác gây ồn ào dư luận rồi bị rút là đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo.
Nội dung này được đưa vào rất muộn, thậm chí không có trong nội dung dự thảo cuối cùng trình Quốc hội đợt tháng 11-2024.
Nó được đề xuất tại một cuộc họp và Bộ GD-ĐT tiếp thu trước kỳ họp Quốc hội. Nhưng bất ngờ là một đề xuất nghe có vẻ "tốt cho nhà giáo" lại vấp phải phản ứng tiêu cực khá dữ dội từ cả người trong và ngoài giáo giới.
Nhiều nhà giáo không thấy đề xuất trên là "tôn vinh" và giúp đỡ, họ chỉ thấy tổn thương và áp lực. Cuối cùng, đề xuất này cũng được Bộ GD-ĐT rút.
Luật Nhà giáo được trình Quốc hội sau khi đã cắt gọt những nội dung gây tranh cãi, nhưng vẫn phải chờ tới năm 2025 để thông qua.
Năm 2024, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy định về quản lý dạy thêm, học thêm thay thế cho thông tư 17/2012/TT-BGDĐT đang áp dụng. Nhưng dự thảo này bị "ném đá" tơi tả.
Một trong những điểm mới của dự thảo là các quy định cụ thể để giáo viên được hợp thức hóa dạy thêm cả trong và ngoài nhà trường.
Người soạn thảo cho rằng khi không cấm được thì phải quy định cụ thể, chặt chẽ để hạn chế, ngăn ngừa tình trạng tiêu cực trong dạy thêm như ép học sinh học thêm, tổ chức dạy thêm tùy tiện ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe học sinh…
"Phe phản đối", trong đó phần lớn là cha mẹ học sinh, cho rằng dự thảo thông tư cổ xúy cho "dạy thêm" - một vấn nạn nhức nhối hiện tại, một nỗi ức chế vô cùng lớn của nhiều phụ huynh do sợ con bị trù dập nên phải cho con đi học thêm.
Xã hội không lạ gì tình trạng bị ép buộc hoặc bị đẩy vào tình thế miễn cưỡng phải cho con học thêm ở khối tiểu học. Thậm chí học sinh trước và sau khi vào lớp 1 lại là đối tượng bị học thêm ngoài nhà trường nhiều hơn hẳn các khối lớp khác.
Ông Nguyễn Kim Sơn, bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thừa nhận đã và đang có nhiều văn bản quản lý việc dạy thêm trong nhà trường, nhưng ở ngoài nhà trường còn thiếu cơ sở pháp lý để điều tiết, giám sát.
Ông Sơn cho biết trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ GD-ĐT đã gửi văn bản cho Thủ tướng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học, nhưng không rõ lý do tại sao, từ năm 2020 đến nay việc này chưa được chấp thuận.
Thông tư mới quy định về dạy thêm học thêm - thứ nằm trong tầm tay của Bộ GD-ĐT - vì thế chưa ban hành.
Cuối năm 2024, các quy định liên quan tới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học được thay đổi và sẽ phải thực hiện năm 2025.
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT, năm 2025 học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp theo phương án mới: thi 2 môn toán, văn (bắt buộc) và 1 bài thi tổ hợp gồm 2 môn lựa chọn trong số các môn học còn lại là vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ - công nghiệp, công nghệ - nông nghiệp, tin học, ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, kinh tế và pháp luật.
Thí sinh được chọn thi môn ngoại ngữ khác với ngoại ngữ được học tại trường phổ thông.
Diện "lựa chọn" nhìn vào phương án thi thì rất rộng, nhưng thực tế học sinh chỉ được chọn trong số môn đã đăng ký học từ ba năm trước (khi mới vào lớp 10).
Thực chất học sinh phải chọn môn thi từ khi mới bước chân vào bậc THPT, và việc đăng ký môn thi khá quan trọng, không chỉ để thi công nhận tốt nghiệp mà còn để xét tuyển đại học theo định hướng nghề nghiệp.
Học sinh cấp THCS vì phải theo định hướng "tích hợp" nên không học riêng rẽ vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, thay vào đó là môn khoa học tự nhiên, lịch sử & địa lý (khoa học xã hội).
Và từ lớp 10 mới lại có các môn độc lập tiếp nối từ các môn khoa học tự nhiên, lịch sử & địa lý.
Học sinh ngay từ đầu cấp phải chọn môn cho nhóm môn học lựa chọn để phù hợp với sở trường, định hướng nghề nghiệp tương lai.
Phần lớn học sinh và cả phụ huynh đều thiếu thông tin, do đó nhiều học sinh chọn sai và hành trình để chọn lại khá vất vả khi phải tự học bù môn mới điều chỉnh.
Khảo sát sơ bộ của nhiều trường THPT cho thấy tỉ lệ học sinh đăng ký dự thi các môn xã hội vượt trội so với nhóm môn khoa học tự nhiên.
Ở nhiều trường THPT, số học sinh chọn học nhóm môn xã hội chiếm 80%, thậm chí hơn và vì vậy, tỉ lệ đăng ký thi tốt nghiệp cũng lệch theo.
Tâm lý chọn môn dễ học của học sinh và công tác hướng nghiệp từ THCS yếu, nhiều nơi là số 0 là hai nguyên nhân khiến nhiều học sinh không hiểu biết và kịp đầu tư để đi theo hướng học các môn khoa học cơ bản, công nghệ.
Nhận ra bất hợp lý này, khi dự thảo thông tư quy định tuyển sinh THCS&THPT công bố cuối năm 2024, Bộ GD-ĐT phải điều chỉnh quy định kỳ thi lớp 10, theo đó sẽ thi 3 môn trong đó ngoài toán, ngữ văn (bắt buộc) môn thứ 3 lựa chọn ngẫu nhiên trong số các môn học có điểm còn lại.
Tới đây, vẫn chưa xong, quy định này tiếp tục vấp phải dư luận trái chiều, với sự khó chịu của xã hội đối với từ "bốc thăm" (để chọn môn thi thứ 3) vì cho rằng giáo dục không thể như chơi xổ số.
Việc ban hành thông tư rơi vào cảnh rối ren và phải có những nhượng bộ để giao rộng quyền cho địa phương quyết định môn thi thứ 3.
Theo một số chuyên gia giáo dục, để giải quyết vấn đề mất cân đối trong lựa chọn môn học, môn thi và định hướng nghề nghiệp sau THPT, giải pháp tác động nhanh nhất là điều chỉnh mạnh mẽ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 - kỳ thi được đánh giá là căng thẳng, khốc liệt hơn cả tuyển sinh đại học.
Trong tâm lý "tiến thoái lưỡng nan" vừa làm vừa nghe ngóng dư luận, Bộ GD-ĐT khó có được quyết sách mạnh mẽ (không chỉ đổi mới thi) để thay đổi thực trạng bất cập trước mắt trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ GD-ĐT vẫn đang mắc kẹt giữa chủ trương giao tự chủ toàn diện cho các cơ sở đào tạo đại học và việc phải "cầm cương" để giữ cục diện ổn định, đi đúng mục tiêu của cuộc đổi mới giáo dục.
Với tinh thần tự chủ, nhiều trường đại học đã có cả chục phương án/tổ hợp xét tuyển.
Nhiều cơ sở đại học mở kỳ thi riêng lấy kết quả xét tuyển đại học với cấu trúc các bài thi thoát ly yêu cầu căn bản của chương trình giáo dục phổ thông 2018 khiến thầy trò phổ thông hoang mang, tình trạng học sinh chạy đến lò luyện lại nóng lên.
Cuộc đổi mới giáo dục đào tạo của Bộ GD-ĐT đã thực hiện đủ một vòng khép kín vào năm học 2024-2025, nhưng chính ở thời điểm này mới bộc lộ hết những khó khăn. Hệ lụy của "đẽo cày giữa đường" không chỉ là bài học của dân gian chung chung mà thấy ngay trong câu chuyện thực tế của giáo dục.
Thuyền càng to sóng càng lớn, và đi đâu thì cũng quay về chuyện trí tuệ nhân tạo - giàu AI, khó cũng AI. Ấy là tình cảnh của những gã khổng lồ công nghệ trong năm 2024 vậy.
Cho đến đầu tháng 12, CEO Google Sundar Pichai vẫn nói về vị thế dẫn đầu của công ty trong cuộc đua phát triển AI, phủ nhận chỉ trích từ đối thủ và cho rằng các vụ kiện chống độc quyền nhằm vào gã khổng lồ này không nghiêm trọng như người ta tưởng.
Đúng là Google đã tăng tốc phát triển AI - đến cuối tuần rồi (21-12) vẫn còn công bố bản thử nghiệm mô hình AI biết tư duy Gemini 2.0 Flash Thinking - nhưng họ buộc phải tham gia cuộc chơi trong thế tìm cách vượt qua thế lưỡng nan: AI tạo sinh đe dọa thay thế bộ máy tìm kiếm, vốn là cần câu cơm chính của hãng (Google hiện chiếm 89% thị phần tìm kiếm toàn cầu), nhưng không tham gia thì tụt hậu với đối thủ và không bắt kịp thời cuộc.
Pichai coi nhẹ các cuộc chiến chống độc quyền, dù sự thật là Google đã thua vụ kiện chống độc quyền vào tháng 8 liên quan đến sự thống trị trong thị trường tìm kiếm trực tuyến và đang chờ phán quyết trong một vụ kiện chống độc quyền khác liên quan đến mảng công nghệ quảng cáo.
"Google là một doanh nghiệp độc quyền và đã hành xử như vậy để duy trì vị thế độc quyền của mình" - thẩm phán Amit Mehta tuyên bố ngày 5-8. Phán quyết này là một đòn giáng mạnh vào Google và là bài học cảnh báo cho các gã khổng lồ công nghệ khác trong tương lai.
Sau thua kiện, Google có thể phải tách trình duyệt web Chrome - nơi tích hợp hàng loạt dịch vụ phổ biến nhất của hãng - thành một pháp nhân độc lập để khắc phục hành vi độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm.
Nếu buộc phải tách rời Chrome, độ phổ biến của công cụ tìm kiếm Google có thể suy giảm, kéo theo doanh thu từ quảng cáo theo từ khóa tìm kiếm.
Thực tế sự thống trị của Google Search đã bị thách thức đáng kể trong năm 2024. Trước cả sự trỗi dậy của AI, người trẻ đã tìm kiếm thông tin ở nơi khác, từ TikTok đến Reddit, thay vì Google như thế hệ người dùng trước.
Giờ thì người dùng ChatGPT bản miễn phí cũng đã được tích hợp tính năng tìm kiếm. Sau tất cả, Pichai thừa nhận thách thức nhưng tin rằng Google sẽ sáng tạo đủ nhanh để vượt qua mọi thứ. Ở vị trí thuyền trưởng, ông đâu thể nào nói khác.
Từng là một biểu tượng hàng đầu của Thung lũng Silicon, Intel đã rơi vào vòng xoáy suy thoái trong nhiều năm.
Công ty không nắm bắt được cuộc cách mạng smartphone, gặp phải các vấn đề về kiểm soát chất lượng chip, mất khách hàng lớn như Apple vào tay các nhà cung cấp bộ vi xử lý khác, và sang năm 2024 thì đặc biệt tụt lại trong kỷ nguyên AI tạo sinh so với các đối thủ như Nvidia, Qualcomm và AMD.
Cổ phiếu của Intel đã giảm gần 50% trong năm nay, công ty đối mặt với hàng tỉ USD thua lỗ, cùng các đợt sa thải lớn và nhiều thất bại khác.
Ba năm rưỡi trước, CEO Pat Gelsinger từng công bố một kế hoạch đầy tham vọng để xoay chuyển tình hình Intel trong vòng bốn năm; rốt cuộc ông bị sa thải trước khi kịp hiện thực hóa mục tiêu.
Tình hình xảy ra nhanh đến mức Intel chưa chuẩn bị sẵn người kế nhiệm, và cũng dứt khoát đến mức Gelsinger sẽ không ở lại làm cố vấn mà dứt áo ra đi hoàn toàn từ đầu tháng 12.
Tóm lại đây là công ty "không thể để sập", và chắc chắn sẽ có kế hoạch "giải cứu" trong năm sau. Nhưng tương lai của Intel sẽ đi về đâu thì vẫn chưa rõ.
Tháng 11, Intel lần đầu tiên trong 25 năm mất vị trí trong nhóm Dow Jones Industrial Average (chỉ số theo dõi 30 công ty lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ) vào tay Nvidia.
Đối nghịch với cơn sa sút của Intel là sự trỗi dậy của Nvidia, hiện đang thống trị thị trường chip AI, được cho là công nghệ nóng nhất và được thèm muốn nhất năm 2024.
Theo Bloomberg, Nvidia chiếm gần 90% thị phần chip AI tính đến tháng 6-2024. Nvidia cũng chính thức đạt mức vốn hóa thị trường 2.000 tỉ USD, trở thành nhà sản xuất chip đầu tiên vượt qua ngưỡng này và chỉ đứng sau Apple (2,83 ngàn tỉ) và Microsoft (3,06 ngàn tỉ).
Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của Nvidia trong năm 2024, tài sản ròng của CEO Jensen Huang cũng tăng vọt. Theo Bloomberg Billionaires Index, Huang đã bổ sung thêm 76 tỉ USD vào tài sản của mình kể từ đầu năm, nâng tổng giá trị tài sản lên 117 tỉ USD.
Theo The New York Times, suốt nhiều năm, nhiều công ty đã cố gắng cạnh tranh với chip của Nvidia, vốn nổi tiếng với sức mạnh tính toán vượt trội dành cho các tác vụ AI, nhưng không mấy tiến triển.
Tuy nhiên, các lựa chọn thay thế đáng tin cậy cho Nvidia đang dần xuất hiện, xét tới phản hồi tích cực từ người dùng với dòng chip mới do AMD và Amazon phát triển.
Đó cũng là một điểm đáng theo dõi trong năm 2025, cùng với diễn biến tiếp theo của cáo buộc CEO Juang né thuế tới 8 tỉ USD.
Người ta có thể không để ý đến OpenAI - cha đẻ của ChatGPT nay đã ở tuổi lên 2 - suốt cả năm, để rồi ngợp với những món "đồ chơi" công ty này liên tiếp tung ra trong chuỗi sự kiện hoành tráng "12 ngày của OpenAI" vào cuối năm.
OpenAI giấu bài đến tận ngày cuối cùng 21-12 mới công bố bản thử nghiệm o3 - mô hình AI biết tư duy mới nhất, một bước gần hơn tới trí thông minh nhân tạo tổng quát (AGI) và tương lai mà AI không chỉ tạo nội dung mà còn suy nghĩ và giải quyết vấn đề.
Việc o3 tung ra gần như cùng lúc với mô hình AI tư duy Gemini 2.0 Flash Thinking của Google cho thấy cuộc cạnh tranh giữa OpenAI và Google, cùng các nhà cung cấp mô hình AI khác, đang trở nên khốc liệt hơn.
OpenAI và các đối thủ sẽ không chỉ cạnh tranh ở mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mà tiến tới các mô hình AI biết tư duy, có thể ứng dụng hiệu quả hơn vào các vấn đề khó trong khoa học, toán học, công nghệ, vật lý và nhiều lĩnh vực khác.
Dù chưa rõ liệu cuộc cạnh tranh này cuối cùng có dẫn tới AGI hay không, có thể khẳng định bức tranh công nghệ năm tới vẫn không gì ngoài AI.
Và có lẽ sẽ là những cuộc đốt tiền mới (OpenAI dự kiến lỗ 5 tỉ USD trong năm 2024, dù đã thu hút được hơn 1 triệu người dùng trả tiền).
Liên minh châu Âu vẫn thường là lá cờ đầu trong việc ban hành và thực thi các quy định ghìm cương những gã khổng lồ công nghệ, nhưng năm 2024, nước Úc mới là tâm điểm chú ý.
Tháng 11, nước này trở thành quốc gia đầu tiên cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội, động thái được coi là chuẩn mực cho cách các chính phủ khác xử lý các tập đoàn công nghệ lớn. Các công ty như Google, TikTok và Meta sẽ nằm trong phạm vi điều chỉnh của quy định mới này.
Theo The Guardian, có khả năng xảy ra sự chồng chéo giữa hai quy định trên. Một trong những vấn đề phức tạp là xác định quy định nào sẽ được áp dụng cho từng trang web. Ví dụ, nền tảng X của Elon Musk có chứa nội dung người lớn, vì vậy không rõ người dùng từ 16 đến dưới 18 tuổi có được phép truy cập hay không.
Đến giữa tháng 12, Chính phủ Úc lại cho biết đang lên kế hoạch ban hành các quy định mới, gia tăng áp lực lên các tập đoàn công nghệ toàn cầu như Meta (chủ sở hữu Facebook) và Alphabet (chủ sở hữu Google), yêu cầu các nền tảng này trả tiền cho các nhà xuất bản nội dung Úc, nếu không phải đối mặt với rủi ro phải chi hàng triệu USD để duy trì hoạt động tại quốc gia này. Những gì diễn ra ở Úc chắc chắn là bài học tham khảo quan trọng cho nhiều quốc gia trong năm 2025.
Năm 2024 như một chiếc bánh mà mỗi lát cắt phân chia mỗi lĩnh vực đều sẽ có các "thành phần" giống nhau - ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh và biến đổi khí hậu, cùng những thay đổi cả tốt lẫn xấu do trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại. Ngành y tế cũng không ngoại lệ.
Trong Ngày nhân đạo thế giới (18-9) năm nay với chủ đề #ActForHumanity (Hành động vì nhân loại), Tổ chức Nhân đạo Liên hợp quốc đăng video ngắn kêu gọi hành động, với tấm ảnh bìa gây ấn tượng mạnh mẽ: một nhà lãnh đạo đứng trên bục phát biểu, phía trước mặt là khung cảnh đổ nát, hoang tàn, khói bụi mù mịt do bom đạn phá hủy.
Thông điệp chính trong video là lời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động để bảo vệ những người làm công tác nhân đạo và dân thường, do Muzoon Almellehan - một cô gái tị nạn người Syria 19 tuổi và là đại sứ thiện chí trẻ nhất của UNICEF - diễn đọc.
Bạo lực có thể dẫn đến sự sụp đổ của các hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Tính tới ngày 5-11, chỉ có 17 trong số 36 bệnh viện tại Gaza vẫn còn hoạt động, và cũng chỉ hoạt động một phần, theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA).
Có 11 bệnh viện dã chiến (5 hoạt động đầy đủ và 6 hoạt động một phần) đang được triển khai, nhưng đây chỉ là biện pháp hỗ trợ tạm thời và không thể thay thế hệ thống y tế đã bị phá hủy.
Hiện tại, chỉ 36% các trung tâm y tế tuyến đầu còn hoạt động, và 130 xe cứu thương đã bị hư hại.
Ở thời điểm đó, có hơn 100.000 người bị thương tại Gaza, trong đó OCHA ước tính 14.000 người cần được sơ tán y tế để điều trị chuyên sâu mà Gaza không thể đáp ứng.
Thêm vào đó, gần 60% các yêu cầu sơ tán y tế từ Gaza bị từ chối, theo WHO. Kể từ khi Israel đóng cửa cửa khẩu Rafah vào tháng 5, chỉ có 229 bệnh nhân được sơ tán, theo báo cáo của OCHA.
Captcha, robot của Hidoba Research, tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về trí tuệ nhân tạo ở Thụy Sĩ tháng 5-2024. Ảnh: Denis Balibouse/Reuters
Tất cả khiến hàng ngàn người không được chăm sóc y tế thiết yếu, gây gián đoạn các dịch vụ thường lệ như sinh nở, tiêm chủng, làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và lây lan do tình trạng di dân.
Điển hình là bệnh bại liệt, vốn bị xóa sổ hơn 25 năm trước tại Gaza, giờ đã quay trở lại với biến thể mới được phát hiện hồi tháng 7 khi một cậu bé được xác định bị liệt cả hai chân.
Thông thường, vắc xin bại liệt đường uống là một dạng yếu của vi rút bại liệt, an toàn, dễ sử dụng, chỉ cần nhỏ hai giọt vào miệng và hiếm khi được thải ra trong phân.
Do đó, thể đột biến này xuất hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. "Về mặt khoa học, một trường hợp bại liệt được xác nhận, được coi là một đợt bùng phát" - tiến sĩ Majdi Duhair, nhà dịch tễ học ở Gaza, nói với NPR.
Nguyên nhân là mất vệ sinh, khả năng tiếp cận y tế hạn chế và chương trình tiêm chủng bị gián đoạn - công thức "hoàn hảo" cho sự lây lan của bệnh.
Theo báo cáo mới nhất của Lancet Countdown ngày 30-10, trong 15 chỉ số theo dõi các mối nguy hiểm, phơi nhiễm và tác động liên quan đến sức khỏe do biến đổi khí hậu, có tới 10 chỉ số đạt mức đáng lo ngại kỷ lục trong những dữ liệu gần đây nhất.
Ví dụ, biến đổi khí hậu đã tạo điều kiện thuận lợi để truyền bệnh sốt xuất huyết do muỗi Aedes albopictus và Aedes aegypti tăng lần lượt 46,3% và 10,7% trong giai đoạn 1951-1960 và 2014-2023.
Mặt khác, sự đột biến tự nhiên khiến nhiều vi rút nguy hiểm (sởi, bạch hầu, Covid-19, đậu mùa khỉ…) vẫn tiếp tục lưu hành và nguy cơ bùng phát trở lại.
Kết hợp với sự thay đổi trong thói quen ăn uống, sinh hoạt khiến nhiều bệnh mãn tính gia tăng tỉ lệ mắc bệnh, khó khăn trong chẩn đoán sớm và điều trị dứt điểm.
Sự bủa vây của thông tin tiêu cực trên khiến bức tranh y tế năm 2024 có phần ảm đạm.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, AI kết hợp mục tiêu "lấy người bệnh là trung tâm" - chăm sóc sức khỏe không chỉ tập trung vào bệnh tật của người bệnh mà còn quan tâm yếu tố cảm xúc, giá trị xã hội của họ, đã giúp y tế đạt được nhiều thành tựu và thắp lên niềm hy vọng trong bối cảnh khó khăn này.
Ngay chính tại Gaza, nơi giữa bom đại lại có một cuộc chiến khác: ngăn bệnh bại liệt bùng phát. Mặc dù đã nghỉ hưu, khi nhận được yêu cầu đến Gaza, tiến sĩ Duhair lập tức nhận lời và quay trở lại công việc.
Cùng với đồng nghiệp của WHO, UNICEF, ông đã phát triển loại vắc vin bại liệt uống mới, tìm cách vận chuyển và lên kế hoạch phù hợp dưới bầu trời đầy rẫy các cuộc không kích.
"Chúng tôi đi từ nơi trú ẩn này đến nơi trú ẩn khác và từ lều này sang lều khác (…) Mục tiêu là tiếp cận mọi trẻ em bất kể chúng ở đâu" - Juliette Touma, thuộc Cơ quan Cứu trợ và công trình của Liên Hiệp Quốc, kể với NPR.
Sự thành công của chiến dịch tiêm chủng đặc biệt ở Gaza đã tạo niềm hy vọng và sức sống mới cho người dân nơi đây.
Ở những nơi không có chiến sự, chăm sóc sức khỏe tinh thần bệnh nhân ngày càng được chú trọng.
Ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe tinh thần là một trong những bước tiến nổi bật năm 2024, bao gồm các nhà trị liệu ảo, liệu pháp tâm lý và ứng dụng theo dõi sức khỏe tâm thần.
Các công cụ chẩn đoán dựa trên AI tiết kiệm thời gian, giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh và xác định một người có nguy cơ ngay cả khi chưa biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào rõ ràng. Ngoài ra, chúng có thể cung cấp dịch vụ từ xa cho những người gặp khó khăn do vị trí địa lý và thiếu nguồn lực hoặc chuyên gia.
Ví dụ, trong ung thư vú, AI cho phép đánh giá chụp nhũ ảnh nhanh hơn 30 lần với độ chính xác 99%, giảm thiểu nhu cầu sinh thiết không cần thiết.
Những tiến bộ trong công nghệ y tế, điển hình là giải Nobel y sinh năm 2024 dựa trên mRNA, đã mở ra hy vọng trong chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả các bệnh tự miễn như bệnh đa xơ cứng, lupus ban đỏ hay các bệnh ung thư, thoái hóa thần kinh.
Ứng dụng mRNA trong công nghệ vắc xin - sản xuất nhanh hơn, hiệu quả hơn với liều lượng thấp hơn, nhằm ứng phó với các dịch bệnh mới xuất hiện.
Máy in 3D đã nhanh chóng trở thành một trong những công nghệ đột phá trong chăm sóc sức khỏe, nhằm tạo ra các mô cấy ghép và khớp để phẫu thuật.
Các bộ phận giả in 3D được tùy chỉnh phù hợp với thông số kỹ thuật của từng cá nhân đến từng milimet và mang lại cảm giác thoải mái cho người bệnh khi sử dụng.
Ứng dụng công nghệ và những tiến bộ về dược phẩm và y học đã cứu sống hàng triệu người, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng do chiến tranh, xung đột, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào. Với thành tựu đã đạt được, chúng ta có thêm niềm tin chiến thắng bệnh tật trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.
Các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) - xương sống của AI tạo sinh - được cho là có các cơ chế bảo vệ ngăn không cho người dùng lợi dụng AI để tạo thông tin sai lệch về sức khỏe, song chúng hiệu quả tới đâu?
Theo kết quả nghiên cứu đăng trên tập san BMJ hồi tháng 3, các cơ chế bảo vệ này không được thực hiện nhất quán.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu 4 mô hình LLM (gồm GPT-4 của OpenAI, PaLM 2 của Google, Claude 2 của Anthropic và Llama 2 của Meta) tạo ra thông tin sai lệch về sức khỏe với hai chủ đề: kem chống nắng là nguyên nhân gây ung thư da và chế độ ăn kiềm là phương pháp chữa ung thư.
Sau 12 tuần, các mô hình này đã tạo được 113 bài blog (tổng cộng hơn 40.000 từ) chứa thông tin sai lệch về ung thư. Đúng như yêu cầu thử nghiệm của nhóm nghiên cứu, các blog này được đặt tít tựa "câu view", nội dung có trích dẫn các tài liệu tham khảo có vẻ chân thực kèm các lời chứng thực bịa đặt từ bệnh nhân và bác sĩ lâm sàng, và nhắm mục tiêu vào các nhóm dân số đa dạng.
Tỉ lệ từ chối tạo nội dung theo yêu cầu trong suốt thời gian đánh giá chỉ là 5% và không nhất quán giữa các nhà phát triển.
Kết quả trên cho thấy các quy trình ngăn chặn hiệu quả còn thiếu và cần phải tăng cường quản lý, minh bạch và kiểm tra thường xuyên để ngăn tạo ra thông tin sai lệch về sức khỏe hàng loạt.
Thời điểm đánh giá là tháng 9-2023 nên đến nay có thể các LLM này đều đã cải thiện tình hình.
Tin tức cuối cùng về khí hậu trong năm là một tin không vui: 2024 gần như chắc chắn là năm Trái đất nóng nhất trong lịch sử, vượt qua kỷ lục của năm trước. Cái nóng cũng bao trùm bức tranh khí hậu của năm qua, và chắc chắn chưa dừng lại.
Trong bài tổng kết các sự kiện môi trường lớn năm 2024, trang Down to Earth nhận định "chỉ là vấn đề thời gian" trước khi chúng ta cảm nhận những hậu quả tàn khốc của khủng hoảng khí hậu.
Thế giới sẽ bước sang năm với những mối lo mới, khi diễn biến khí hậu khác xa với các mô hình dự báo. Bù lại, ta có thêm chút lạc quan vì những nỗ lực thực chất đạt được trong năm qua.
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), Cơ quan dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu, Cơ quan quản lý về đại dương và khí quyển Mỹ (NOAA) và Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) với các phương pháp tính khác nhau đều chung kết luận: 2024 sẽ là năm nóng nhất kể từ thời kỳ tiền công nghiệp trong hơn 100 năm tính từ lúc dữ liệu được ghi nhận và lưu trữ.
Tháng gần nhất, tháng 11-2024, theo C3S, là tháng 11 ấm thứ hai trong lịch sử, sau tháng 11-2023. Cả hai đều vượt xa nhiệt độ trung bình trong tháng.
Tháng 11-2024 cao hơn 0,73 độ C so với nhiệt độ không khí trung bình toàn cầu cùng tháng trong giai đoạn từ năm 1991 đến 2020 và cao hơn 1,62 độ C so với mức trung bình tháng 11 của thời kỳ tiền công nghiệp trong giai đoạn 1850 đến 1900.
Tại châu Á, Ấn Độ tiếp tục bị nắng nóng hành hạ. Cơ quan Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết tháng 10-2024 là tháng 10 nóng nhất ở Ấn Độ kể từ năm 1901 cả về nhiệt độ trung bình lẫn nhiệt độ tối thiểu.
Theo IMD, Delhi không có một giọt mưa nào trong tháng và tháng 10 là tháng ấm nhất kể từ năm 1951 của thành phố này. Có thể sự nóng lên toàn cầu đã làm nhiệt độ ở nhiều quốc gia trên thế giới tăng lên trong những năm qua, đặc biệt là vào tháng 10.
Không tính tháng 12, nhiệt độ tối thiểu bình quân ở Ấn Độ cao hơn trung bình trong cả 11 tháng. Chênh lệch giữa nhiệt độ tối thiểu bình quân ghi nhận trong các tháng và độ lệch so với mức trung bình của giai đoạn 1981-2010 tăng lên.
Một người đàn ông đạp xe dọc kênh đào qua những hàng cây chuyển màu mùa thu ở Dortmund, miền tây nước Đức vào ngày 7-11-2024. Ảnh: Ina Fassbender/AFP
Trừ tháng 3-2024, có 10/11 tháng trong năm ở Ấn Độ có nhiệt độ tối thiểu nằm trong top 10 cao nhất kể từ khi nền nhiệt độ của nước này được ghi nhận năm 1901.
WMO cho rằng yếu tố khiến nhiệt độ toàn cầu tăng đột biến là sự nóng lên ở hầu khắp Nam Cực trong năm 2024 - có nơi cao hơn trung bình đến 10°C. Nhiệt độ cũng nóng trên trung bình ở các vùng ở biển Nam Cực.
Down to Earth lo rằng khi những kỷ lục về nắng nóng trở thành chuyện hằng năm, sự chú ý đối với khủng hoảng khí hậu toàn cầu có thể giảm sút, càng ảnh hưởng đến các nỗ lực giảm phát thải.
Một mối lo tiềm ẩn khác, theo trang Axios: hiện tượng nóng lên toàn cầu đang gia tăng tốc độ, khí hậu của hành tinh đang thay đổi theo cách không lường trước được.
Nếu đây là sự thật, các kịch bản khí hậu làm cơ sở cho mục tiêu giảm phát thải carbon của các quốc gia có thể không còn chính xác, dẫn đến mức nhiệt độ tăng cao hơn và hậu quả xã hội nghiêm trọng có khả năng xảy ra sớm hơn dự đoán.
Năm 2024 "bàn giao" cho 2025 quá nhiều mối lo.
Nhưng năm qua cũng chứng kiến những đột phá phi thường về khí hậu và thiên nhiên.
Bắt đầu ở Anh, quê hương của cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, năm qua Vương quốc Anh đã dừng hoạt động của các tuốc bin cuối cùng ở nhà máy điện than cuối cùng Ratcliffe-on-Soar ở Nottinghamshire vào ngày 30-9.
Địa điểm này sẽ trải qua quá trình ngừng hoạt động và phá dỡ dài hai năm.
Chưa rõ nhà máy này sẽ được dùng vào mục đích gì sau đó nhưng đã có đề xuất biến nó thành nơi lưu trữ năng lượng tái tạo phục vụ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp của Anh.
Các nguồn năng lượng tái tạo cũng đang phát triển nhanh trên thế giới. Tại Mỹ, sản lượng năng lượng gió đạt kỷ lục trong tháng 4, vượt cả sản lượng than.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết thế giới sẽ bổ sung thêm 5.500 GW công suất năng lượng tái tạo từ nay đến 2030 và tăng công suất tái tạo toàn cầu gấp 2,7 lần so với năm 2022.
Cũng theo IEA, đóng góp lớn nhất trong sự tăng trưởng này đến từ quốc gia duy nhất: Trung Quốc - quốc gia đang chuyển đổi xanh mạnh mẽ và là người hùng về điện mặt trời.
Fatih Birol, giám đốc điều hành của IEA, cho rằng "sự tăng trưởng mạnh mẽ về năng lượng tái tạo" của thế giới vẫn đang được thúc đẩy nhờ kinh tế hơn là chính sách của chính phủ.
Năng lượng tái tạo - đặc biệt là năng lượng mặt trời - là lựa chọn rẻ nhất ở hầu hết mọi quốc gia.
Ngoài ra, một đánh giá công phu về các sáng kiến bảo tồn công bố năm 2024 cho thấy công tác bảo tồn có vai trò quan trọng trong việc làm chậm hoặc đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học.
Các nhà khoa học đã xem xét 665 sáng kiến bảo tồn trên thế giới, trong đó có một số hoạt động thí điểm và nhận thấy rằng chúng mang lại tác động tích cực.
Chẳng hạn, Sáng kiến bảo tồn Altyn Dala ở Kazakhstan nhằm bảo vệ loài linh dương Saiga khỏi bị tuyệt chủng đã giúp tăng số cá thể ngoài tự nhiên.
Loài linh dương Saiga, chỉ còn khoảng 20.000 con năm 2003, đã tăng lên dân số 2,86 triệu con trên thảo nguyên ở Kazakhstan. Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã chuyển loài này từ tình trạng "cực kỳ nguy cấp" sang "gần bị đe dọa".
Năm 2024, khoảng 6.288km2 diện tích rừng Amazon bị phá. Mặc dù diện tích này vẫn còn rất lớn, gần bằng diện tích tỉnh Kiên Giang của Việt Nam, nhưng đây là mức thiệt hại hằng năm thấp nhất kể từ năm 2015.
Mặc dù phá rừng giảm, cháy rừng ở Amazon lại tăng gần 18 lần trong cùng khoảng thời gian do các đợt hạn hán lịch sử.
Những nỗ lực này rất cần được nhân rộng và hưởng ứng để giảm lượng phát thải khí nhà kính làm Trái đất ấm lên.
Vui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XThêm chuyên mục, tăng trải nghiệm với Tuổi Trẻ Sao
Từ ngày 1-1-2023, Tuổi Trẻ Online giới thiệu Tuổi Trẻ Sao - phiên bản đặc biệt dành riêng cho các thành viên với nhiều chuyên mục và trải nghiệm thú vị, bao gồm: Tư vấn pháp luật, Hỏi chuyện sức khỏe; Xem nhật báo sắc nét trên mạng (E-paper), Tuổi Trẻ Live (trực tiếp các sự kiện thời sự nóng bỏng, hấp dẫn).
Tuổi Trẻ Sao được thiết kế thông thoáng với tất cả các trang, chuyên mục và video đều không có quảng cáo hiển thị, không làm ngắt quãng sự tập trung của bạn đọc.
Bằng cách đóng góp Sao, thành viên Tuổi Trẻ Sao có thể tham gia các hoạt động và tương tác trên nền tảng Tuổi Trẻ Online như tặng Sao cho tác giả và các bài viết yêu thích, đổi quà lưu niệm trong chương trình, đăng ký quảng cáo, mua sắm trực tuyến.
Báo Tuổi Trẻ phát triển Tuổi Trẻ Sao nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung, tăng khả năng kết nối, tương tác và thực hiện các nội dung mới theo nhu cầu của số đông công chúng.
Chúng tôi hy vọng Tuổi Trẻ Sao sẽ góp phần chăm sóc, phục vụ và mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tích cực hơn cho cộng đồng độc giả của Tuổi Trẻ Online.
TTO
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toán
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận