
Mô hình 1 cửa được triển khai tại các bệnh viện sẽ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực - Ảnh: THÙY DƯƠNG
Ngày 28-5, ba bệnh viện tại TP.HCM gồm bệnh viện: Nhi đồng 1, Nhi đồng Thành phố, Chấn thương chỉnh hình đã chính thức ra mắt mô hình "một cửa" (mô hình Bồ Công Anh) cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho phụ nữ, trẻ em và người bị bạo lực, xâm hại.
Đầu năm 2023, TP đã xây dựng và vận hành mô hình này đặt tại Bệnh viện Hùng Vương.
Theo báo cáo từ Bệnh viện Hùng Vương chỉ trong 2 năm vận hành, mô hình đã hỗ trợ, can thiệp và cung cấp dịch vụ kịp thời cho 224 trường hợp phụ nữ, trẻ nữ chưa thành niên và trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục (trong số này có 194/224 trường hợp trẻ em dưới 16 tuổi mang thai và sinh con, chiếm tỉ lệ 86,61% "trẻ em sinh ra trẻ em").
Đồng thời cùng thời điểm vận hành mô hình, còn ghi nhận thêm 1.009 trường hợp đến khám và điều trị tại bệnh viện (trong đó có 798 trường hợp "trẻ em sinh ra trẻ em", và 211 trẻ vị thành niên kế hoạch hóa gia đình) không sử dụng dịch vụ do mô hình cung cấp vì nhiều lý do khác nhau.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cho hay TP đông dân nhất cả nước với tình hình bạo lực trên cơ sở giới tương đối phức tạp (điển hình: mái ấm Hoa Hồng, chùa Long Nguyên…), TP đã ban hành và triển khai, thực hiện nhiều chính sách, chương trình can thiệp.
Những đứa trẻ chưa trưởng thành hoàn thiện về thể chất, đang ấp ủ bao ước mơ đã phải mang thai và sinh con, gây đau lòng và thương xót cho cả gia đình, cộng đồng và xã hội, ngay giữa TP phát triển bậc nhất cả nước.
Mô hình "một cửa" tại 3 bệnh viện mới ra mắt nhằm cung cấp dịch vụ kịp thời và chất lượng cho phụ nữ, trẻ em và nhóm người dễ bị tổn thương bị bạo lực, để đảm bảo không bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển chung của TP.

Mô hình "một cửa" chính thức ra mắt tại ba bệnh viện trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: P.T.
Phó chủ tịch UBND TP đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị xây dựng quy trình khám, chữa bệnh đảm bảo có nhạy cảm với các nhu cầu và không gây thêm tổn thương cho bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực giới.
Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị tham mưu cho UBND TP giải pháp hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên là nạn nhân của bạo lực, xâm hại và mang thai ngoài ý muốn tiếp tục học tập để giúp các em sớm ổn định việc học tập và cuộc sống...
Ông Nguyễn Tăng Minh - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết việc triển khai các dịch vụ này có ý nghĩa rất quan trọng đối với TP, nhằm hỗ trợ những trường hợp bị xâm hại, bị bạo lực, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất của các bà mẹ, của các em.
Điều đó nhằm giúp cho các em có cái nhìn tốt đẹp hơn về cuộc sống, thông qua sự hỗ trợ của cộng đồng, của xã hội.
Mô hình "một cửa" hỗ trợ trẻ em, phụ nữ bị xâm hại hoạt động ra sao?
Khi bệnh nhân đến khám và điều trị 3 bệnh viện trên sẽ được đội ngũ y, bác sĩ khám, sàng lọc, nếu có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại sẽ được chuyển đến phòng "một cửa" của bệnh viện.
Tại đây nhân viên sẽ liên hệ với Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP (đầu ra của mô hình) để phối hợp với phòng chuyên môn của Sở Nội vụ, Sở Y tế, ngành công an, tư pháp, tòa án, hội/đoàn thể và chính quyền địa phương nơi người bị bạo lực, xâm hại cư trú… để thực hiện điều phối cung cấp các dịch vụ một đầu mối trợ giúp bệnh nhân và gia đình.
Đồng thời tổ chức họp với các bên liên quan để hội chẩn ca lấy lời khai, tư vấn tâm lý, pháp lý, chăm sóc sức khỏe cho người bị bạo lực, xâm hại và hỗ trợ gia đình ổn định; theo dõi quản lý ca tại cộng đồng.
Trường hợp người bị bạo lực, xâm hại cần tạm lánh khẩn cấp sẽ được chuyển đến Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP (đầu ra của mô hình).
Người bị bạo lực, xâm hại, mang thai ngoài ý muốn sẽ được cung cấp các dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, can thiệp trị liệu... giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận