13/10/2003 07:15 GMT+7

Ấn tượng Tứ Phương

QUANG DƯƠNG
QUANG DƯƠNG

TT - Bên cạnh các hoạt động “tiếp sức đến trường” cho những học sinh nghèo hiếu học, gần đây ta thấy những tấm gương “tiếp sức vùng cao” do những sinh viên học sinh vừa tốt nghiệp đã tự nguyện hiến dâng sức trẻ cho rừng núi, buôn làng...

NySijzoE.jpgPhóng to
Phạm Tứ Phương cùng các trẻ em Ba Na tại làng Đêar
TT - Bên cạnh các hoạt động “tiếp sức đến trường” cho những học sinh nghèo hiếu học, gần đây ta thấy những tấm gương “tiếp sức vùng cao” do những sinh viên học sinh vừa tốt nghiệp đã tự nguyện hiến dâng sức trẻ cho rừng núi, buôn làng...

Đọc câu chuyện về “Sự lựa chọn đi về phía núi” kể về bạn trẻ Trần Phạm Tứ Phương khiến ai trong chúng ta cũng phải nghiêng mình kính nể. Người ta còn thấy đây là một hiện tượng - hiện tượng dấn thân vì lý tưởng cống hiến thật nhiều cho vùng rẻo cao.

Hơn thế, hiện tượng ấy quá đặc biệt vì nó mang nhiều dấu ấn sắc sảo của một hình thái lãng mạn tuổi trẻ đang hiếm thấy vào lúc này. Hình thái ấy lấp lánh những ấn tượng sau đây :

1. Với tay nghề điện tử của mình, Tứ Phương có thể sẽ tìm được một việc làm ổn định ở chốn thị thành. Nhưng bạn lại tìm đường lên núi, không phải để kinh doanh điện tử mà để nuôi mơ ước truyền đạt kỹ thuật điện tử cho buôn làng, cho trẻ em mới lớn bằng chính ngôn ngữ dân tộc.

2. Với chiến dịch Mùa hè xanh năm trước, Phương theo đồng đội “đến rồi về”. Tiếp năm sau, bạn chỉ một mình “đến rồi ở”.

3. Phương đến đó không phải sống “một mình một cõi”, mà là “độc lập tác chiến” nhưng cùng một trận tuyến với đồng bào dân tộc: trận tuyến cải thiện dân sinh. Cho nên, tiếng là một mình giữa “mặt trận”, không có đội hình nhưng Phương vẫn có “đồng đội”.

4. “Đồng đội” gần nhất là những đứa trẻ Ba Na theo Tứ Phương đến lớp mỗi ngày. Người “chỉ huy” trực tiếp của Tứ Phương là già làng Khunh cùng anh đi vận động bà con đổi công để đào giếng, khuyến nông..., rồi đi sâu đi sát để tham mưu các hoạt động dân sinh trong buôn làng.

Nói đến ấn tượng Tứ Phương, ta lại nhớ tới ấn tượng Nguyễn Huỳnh Thuật - mới cách đây vài tháng (Tuổi Trẻ, 2-4-2003). Tốt nghiệp thủ khoa ĐH Nông lâm TP.HCM, Thuật đã được bốn nơi “ngon lành” tại TP.HCM mời cộng tác với nhiều danh lợi hiển vinh.

Nhưng bạn đã khước từ thảm đỏ bốn nơi đó để... lên rừng với lá đơn tình nguyện. Tại rừng Cát Tiên, bạn đã lặn lội với rừng, tự biến mình thành “người rừng” để hiểu rừng và giữ rừng bằng tài năng, kiến thức và sức trẻ đang có.

Đâu cần, thanh niên có! Trong khi nhiều người đi tìm sự lãng mạn ở chốn đô thành với vũ trường và siêu thị, các bạn ấy lại tìm thấy sự hứng khởi nơi rẻo cao với buôn làng và nương rẫy. Lẽ sống và việc làm của họ xuất phát từ nhu cầu bảo vệ rừng xanh và cảm xúc gắn bó với tương lai của đồng bào dân tộc.

Một nhu cầu nóng bỏng và một cảm xúc tích cực như thế đã nâng tâm hồn của họ lên những tầm cao mới về giá trị bản thân. Trong thang giá trị đó, dưới góc độ tâm lý học, họ ở mức tuyệt vời về cả AQ (chỉ số vượt khó) và EQ (chỉ số cảm xúc).

Trao tặng giải thưởng “Bạn đồng hành quanh tôi” cho bạn trẻ Trần Phạm Tứ Phương

Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã quyết định trao tặng giải thưởng “Bạn đồng hành quanh tôi” cho bạn Trần Phạm Tứ Phương - nhân vật trong bài viết “Sự lựa chọn đi về phía núi” (Nhịp sống trẻ ngày 4-10-2003).

Tứ Phương là cựu chiến sĩ Mùa hè xanh nhiều năm liền của ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ TP.HCM. Năm 2002, bạn đã trở lại huyện Mangyang (tỉnh Gia Lai) để tình nguyện công tác và được phân công về xã nghèo Đêar. Tại đây, bạn đã cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền pháp luật đến đồng bào Ba Na, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh....

Giải thưởng trị giá 5 triệu đồng sẽ được Tuổi Trẻ trao tặng Tứ Phương ngay tại Đêar.

QUANG DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên