21/02/2025 14:54 GMT+7

1 tháng khuynh đảo nước Mỹ và thế giới của ông Trump

Ngày 20-2 (giờ Mỹ) đánh dấu tròn một tháng kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, mở ra hàng loạt thay đổi trong lòng nước Mỹ và cục diện thế giới.

Nhìn lại 30 ngày đầu tiên của chính quyền ông Trump - Ảnh 1.

Ông Trump tuyên thệ nhậm chức tại thủ đô Washington ngày 20-1 - Ảnh: REUTERS

Cách đây một tháng, Tổng thống Donald Trump ngày 20-1 đã tuyên thệ nhậm chức trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. 

Có lẽ dư luận thế giới cũng ít nhiều dự đoán được rằng vị tổng thống 78 tuổi này sẽ không bắt đầu nhiệm kỳ mới theo cách bình lặng, mà thay vào đó là vô vàn cải cách và dấu ấn mạnh mẽ.

Hàng loạt sắc lệnh hành pháp

Nhìn lại 30 ngày đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump - Ảnh 2.

Ông Trump ký sắc lệnh tại Phòng Bầu dục ngày 13-2 - Ảnh: REUTERS

Vào ngày đầu tiên nhậm chức, ông Trump đã ký tổng cộng 26 sắc lệnh hành pháp. Trong khi ở nhiệm kỳ đầu tiên (2016 - 2020), nhà lãnh đạo Mỹ đã ký 33 sắc lệnh trong 100 ngày đầu tiên kể từ khi nhậm chức.

Các sắc lệnh của ông Trump đặc biệt tập trung vào vấn đề biên giới và người nhập cư, bao gồm ban bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới phía nam, điều quân đội đến biên giới, tăng cường trục xuất người nhập cư trái phép. Mới nhất là sắc lệnh ban hành hôm 19-2, cấm người nhập cư bất hợp pháp hưởng các phúc lợi từ ngân sách liên bang.

Một số sắc lệnh đáng chú ý khác như rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thỏa thuận Paris về khí hậu, chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh hay khuyến khích sử dụng ống hút nhựa.

Nhìn lại 30 ngày đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump - Ảnh 3.

Quân đội Mỹ được điều động đến biên giới phía nam ở bang San Diego ngày 5-2 theo sắc lệnh của ông Trump - Ảnh: AFP

Thuế quan nặng nề

Trong số các sản phẩm thuộc danh mục áp thuế nhập khẩu của Washington, ô tô là mặt hàng mới nhất. 

Ngày 18-2, ông Trump cho biết thuế quan 25% đối với ô tô nhập khẩu vào Mỹ sẽ có hiệu lực sớm nhất là vào ngày 2-4. Các mặt hàng quan trọng như chất bán dẫn, dược phẩm cũng sẽ chịu mức thuế tương tự.

Trước đó ngày 11-2, Tổng thống Trump chính thức ký sắc lệnh áp thuế 25% lên thép và nhôm nhập khẩu, cũng như áp thuế 10% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, 25% với Canada và Mexico nhưng hiện đã tạm hoãn trong 30 ngày.

Ông chủ Nhà Trắng cũng đe dọa áp thuế lên EU và BRICS, đồng thời hứa đánh thuế 50% đối với Colombia, nhưng đã tạm dừng khi nước này đồng ý nhận các chuyến bay trục xuất từ Mỹ.

Thành lập Ban Hiệu suất chính phủ

Nhìn lại 30 ngày đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump - Ảnh 4.

Ông Elon Musk phát biểu cạnh ông Trump tại Nhà Trắng ngày 11-2 - Ảnh: REUTERS

Ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký lệnh thành lập Ban Hiệu suất chính phủ (DOGE), nhằm thực hiện mục tiêu cắt giảm những quy định dư thừa, hạn chế thâm hụt ngân sách và tái cấu trúc các cơ quan liên bang.

Ban đầu tỉ phú Elon Musk và doanh nhân Vivek Ramaswamy được chọn để lãnh đạo DOGE sau khi ông Trump nhậm chức.

Tuy nhiên sau đó ông Ramaswamy đã rời khỏi tổ chức này, trong khi đó Nhà Trắng hôm 17-2 cũng làm rõ vai trò của ông Musk trong chính quyền ông Trump. Theo đó, vị tỉ phú này chỉ là cố vấn cấp cao cho tổng thống, không phải người lãnh đạo DOGE.

Trong vài tuần gần đây, DOGE đã đề xuất các biện pháp tinh gọn trên khắp chính quyền liên bang, đề xuất các đợt cắt giảm, cũng như tiếp cận dữ liệu nhạy cảm, gây ra làn sóng tranh cãi và nhiều tranh chấp pháp lý căng thẳng.

Một trong những mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất mà DOGE nhắm đến là Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), theo tạp chí Time.

Dấu ấn đối ngoại

Nhìn lại 30 ngày đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump - Ảnh 5.

Phái đoàn Mỹ - Nga thảo luận tại thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) ngày 18-2 - Ảnh: CƠ QUAN BÁO CHÍ BỘ NGOẠI GIAO NGA

Về chính sách đối ngoại, mục tiêu hàng đầu của ông Trump là hiện thực hóa cam kết nhanh chóng chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.

Ngày 18-2, đàm phán cấp cao Mỹ - Nga đã kết thúc tốt đẹp tại thủ đô Riyadh (Saudi Arabia), mở ra triển vọng về một thỏa thuận ngừng bắn cho xung đột Nga - Ukraine.

Trước đó hôm 12-2, ông Trump đã khiến thế giới bất ngờ khi tiết lộ trên mạng xã hội Truth Social rằng ông vừa có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết họ nhất trí "muốn ngăn chặn hàng triệu cái chết xảy ra trong cuộc chiến Nga - Ukraine".

Tại điểm nóng Trung Đông, ông Trump cũng bày tỏ mong muốn “tiếp quản” và “sở hữu” Dải Gaza lâu dài, sau khi tất cả người Palestine di dời khỏi đây vào cuối tháng 1.

Xuyên suốt những tuần sau đó, ông Trump liên tục lặp lại đề xuất này. Mới nhất là ngày 11-2, ông chủ Nhà Trắng khẳng định: “Chúng ta sẽ có Gaza. Không có lý do gì để mua. Không có gì để mua. Chúng tôi sẽ lấy nó. Chúng tôi sẽ giữ nó. Chúng tôi sẽ trân trọng nó”, theo Hãng tin Reuters.

Ngoài ra, Tổng thống Trump còn gây ra làn sóng tranh cãi khi đổi tên “vịnh Mexico” thành "vịnh Mỹ", dấy lên những lo ngại về mặt ngoại giao với Mexico trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước gặp phải những bất đồng liên quan đến thuế quan và nhập cư.

Đối với người láng giềng phía bắc, ông Trump không ngần ngại bày tỏ mong muốn sáp nhập Canada thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ liên tục nhắc lại quan điểm này, thậm chí bày tỏ nếu Canada sáp nhập vào Mỹ, đó sẽ là 'điều tuyệt vời nhất' mà nước này có thể làm.

Nhìn lại 30 ngày đầu tiên của chính quyền ông Trump - Ảnh 6.Canada đáp trả ý tưởng sáp nhập của ông Trump, bùng nổ tinh thần yêu nước

Lời đe dọa sáp nhập Canada của ông Trump đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước ở quốc gia này, nhưng cũng gợi lên câu hỏi về tính công bằng xã hội hiện tại của Canada.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên