Đại hội đại biểu Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam lần thứ I (nhiệm kỳ 2024-2029) diễn ra tại Hà Nội, do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ban Vận động thành lập Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam và các đơn vị chức năng tổ chức.
Đại diện cho hơn 2 triệu thanh niên khuyết tật cả nước, đại biểu chính thức đã tham dự và trình bày các tham luận tại đại hội.
Đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thanh niên khuyết tật
Những năm qua công tác người khuyết tật luôn được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật đã được ban hành, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.
Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 118 tham gia Công ước Quốc tế về các quyền của người khuyết tật năm 2007. Năm 2010, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Người khuyết tật nhằm xây dựng hành lang pháp lý quan trọng để bảo vệ các quyền cơ bản của người khuyết tật.
Thời gian qua, các hoạt động chính của Ban Vận động thành lập Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam và các tổ chức hội, câu lạc bộ, chi hội tập trung vào các lĩnh vực: Học tập, học nghề, khởi nghiệp, thể thao, văn hóa văn nghệ; các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; các hoạt động tôn vinh, tuyên dương, lan tỏa nghị lực của thanh niên khuyết tật Việt Nam.
Ban vận động cũng phối hợp triển khai chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt", với nhiều hoạt động phong phú. Từ năm 2020 đến nay chương trình đã tuyên dương 237 tấm gương, lan tỏa giá trị, tôn vinh những tấm gương thanh niên khuyết tật điển hình trong xã hội.
Trước nguyện vọng của đa số thanh niên khuyết tật, Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam được thành lập. Mục tiêu đặt ra là tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thanh niên khuyết tật. Từ đó, tạo môi trường, diễn đàn để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ thanh niên khuyết tật vượt qua khó khăn, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam còn là nơi bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho hội viên, thanh niên thông qua các câu chuyện về những tấm gương, từ đó thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam.
Tham dự đại hội có tổng số đại biểu được triệu tập. Trong số này có 15 đại biểu là dân tộc thiểu số, 59 đại biểu nữ, 18 đại biểu là đảng viên. Độ tuổi trung bình của các đại biểu là 32,5, trong đó đại biểu trẻ nhất năm nay 16 tuổi.
Các đại biểu được đào tạo bài bản. Trong số này có 5 đại biểu là thạc sĩ, 56 đại biểu tốt nghiệp đại học, cao đẳng…
Đại biểu trình bày tham luận tại đại hội - Ảnh: HỒNG QUANG
"Ngôi nhà chung kết nối thanh niên khuyết tật trên mọi miền đất nước"
Phát biểu tại đại hội, anh Nguyễn Ngọc Lương (bí thư Thường trực Trung ương Đoàn khoá XI, chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam), đánh giá các đại biểu có mặt tại đại hội là những cán bộ, hội viên, thanh niên ưu tú xuất sắc của phong trào thanh niên khuyết tật, đại diện cho trí tuệ, ý chí và nguyện vọng của hàng triệu thanh niên khuyết tật cả nước.
Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, anh Lương bày tỏ sự cảm phục về tinh thần, ý chí vươn lên của các thanh niên khuyết tật.
Anh đồng thời đánh giá cao và biểu dương tinh thần, sự nỗ lực của tập thể Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật Việt Nam đã không ngừng cố gắng, đưa ra nhiều giải pháp để phát triển tổ chức, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các thanh niên khuyết tật.
Là tổ chức rộng rãi của thanh niên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam luôn xác định việc đồng hành cùng thanh niên khuyết tật là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác và phong trào thanh niên.
Trong thời gian vừa qua, các cấp bộ hội đã triển khai nhiều nội dung, giải pháp hỗ trợ và đồng hành cùng thanh niên khuyết tật. Đáng chú ý là chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" đã tôn vinh những bạn trẻ là người khuyết tật, có ý chí vượt lên, chiến thắng số phận và đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng, xã hội.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều bạn thanh niên khuyết tật đã vượt qua những giới hạn của bản thân, không ngừng học tập, rèn luyện, cống hiến cho xã hội. "Mỗi câu chuyện của các đại biểu ở đây chính là minh chứng cho một ý chí mạnh mẽ, một trái tim đầy nhiệt huyết và một tinh thần không bao giờ khuất phục trước số phận", theo anh Nguyễn Ngọc Lương.
Chào đón sự ra đời của Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam, anh Nguyễn Ngọc Lương đánh giá đây là niềm vui, niềm động viên to lớn mở ra những cơ hội mới dành cho các thanh niên khuyết tật.
"Từ nay, sẽ có ngôi nhà chung để kết nối thanh niên khuyết tật trên mọi miền đất nước. Đồng thời là nơi đại diện cho tiếng nói, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và là nơi chia sẻ, hỗ trợ thanh niên khuyết tật Việt Nam vượt qua những khó khăn, rào cản, chinh phục các thử thách, tự tin khẳng định bản thân, vươn lên tỏa sáng", chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát biểu.
Gợi mở việc hoạt động hội, anh Nguyễn Ngọc Lương cho rằng đây chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình và còn nhiều gian nan để chinh phục và khẳng định vị thế, uy tín.
Để làm được điều này, Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam phải thật sự lớn mạnh, tổ chức hoạt động bộ máy chuyên nghiệp, có phân công, phân vai, phân việc cụ thể, rõ ràng. Đồng thời, tập thể của hội viên, thanh niên, luôn sáng tạo và đổi mới phương thức hoạt động.
Đồng thời, cần xây dựng một mạng lưới hỗ trợ thanh niên khuyết tật chặt chẽ hơn, kết nối các thanh niên khuyết tật với cơ hội việc làm, khởi nghiệp và nhiều lĩnh vực khác.
Nêu bối cảnh con đường phía trước còn nhiều khó khăn, anh Nguyễn Ngọc Lương đặt niềm tin bằng ý chí, nghị lực phi thường, các thanh niên khuyết tật bản lĩnh, phấn đấu vượt lên số phận để khẳng định giá trị, đóng góp cho sự phát triển của đất nước, xây dựng hội ngày càng vững mạnh.
"Mỗi cá nhân hãy cùng nhau xây một viên gạch để ngôi nhà chung của chúng ta ngày một vươn cao và vững chắc hơn", anh Lương phát biểu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận