Dự thảo nghị định này gồm 30 điều. Theo đó, bán hàng đa cấp được xác định rõ là loại hình kinh doanh có điều kiện. Khi doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh bán hàng đa cấp phải có “giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh bán hàng đa cấp” do Bộ Thương mại cấp trên cơ sở nghiên cứu toàn bộ hồ sơ, kế hoạch bán hàng, các mẫu hợp đồng, các qui định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người tham gia...
Bán hàng đa cấp, hay còn gọi là bán hàng theo mạng lưới trực tiêu, hợp tác tiêu thụ đa tầng... là một hình thức kinh doanh mới xuất hiện vài năm nay tại VN, phổ biến nhất là ở TP.HCM, thông qua các công ty như Sinh Lợi, Thiên Sư, Lô Hội... Hình thức bán hàng này trên thực tế là việc DN bán ra một món hàng (thường là thuốc trị bệnh hay máy matxa, máy ozone...) cao gấp nhiều lần giá trị thật, nhưng người mua không phải để sử dụng mà để được vào làm hợp tác viên, giới thiệu những người mua hàng tiếp theo để hưởng hoa hồng, càng nhiều người mua thì tiền được hưởng càng cao. Viễn cảnh một nghề không tốn mấy công sức mà tương lai “xán lạn” đã khiến hàng ngàn người tham gia mạng lưới bán hàng này và nhiều người trong số họ đã phải đổ nợ, “tiền mất tật mang”. Báo chí đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo thực trạng này, tuy nhiên hoạt động bán hàng trên vẫn đang diễn ra vì cho đến nay chưa có một qui định pháp luật hiện hành nào của VN điều chỉnh. |
Để bảo vệ quyền lợi của người tham gia, các quyền và nghĩa vụ trong việc hủy bỏ hợp đồng được qui định rõ. DN bán hàng đa cấp phải ký hợp đồng tham gia bằng văn bản với người tham gia, trong hợp đồng phải có những qui định cụ thể mà nghị định qui định.
Người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp có quyền hủy bỏ hợp đồng tham gia bằng việc thông báo bằng văn bản cho DN bán hàng đa cấp 15 ngày trước khi rút khỏi mạng lưới bán hàng.
Trong thời hạn 15 ngày sau khi việc hủy bỏ hợp đồng của người tham gia có hiệu lực, DN đó có trách nhiệm nhận lại hàng hóa đã giao cho người tham gia, và hoàn lại các khoản tiền mà người tham gia đã trả để nhận hàng, tiền hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế mà người tham gia có quyền nhận trong quá trình tham gia mạng lưới bán hàng.
Khi hoàn lại các khoản tiền này, DN bán hàng đa cấp có thể khấu trừ mức giảm giá trị của hàng hóa nhưng không được quá 10% mức giá ban đầu trừ trường hợp chứng minh được hàng hóa đã bị hư hỏng và giảm giá trị quá mức đó.
Dự thảo cũng nêu rõ một loạt hành vi mà DN bán hàng đa cấp cũng như người tham gia khi tuyển dụng người tham gia khác không được thực hiện như: yêu cầu người tham gia trả bất kỳ khoản phí nào dưới danh nghĩa khóa học, khóa đào tạo, hội thảo, hoạt động xã hội hay các hoạt động tương tự khác.
Không được yêu cầu người tham gia đóng bất kỳ khoản đặt cọc nào trong trường hợp các khoản đặt cọc đó rõ ràng là không hợp lý để tham gia mạng lưới bán hàng; yêu cầu người tham gia mua hàng hóa theo số lượng mà một người bình thường rõ ràng không thể bán ra trong một thời gian ngắn, trừ khi DN bán hàng đa cấp cho phép người tham gia trả tiền sau khi hàng hóa đã được bán; cản trở người tham gia trả lại hàng hóa phát sinh từ việc hủy bỏ hợp đồng...
Theo ban soạn thảo, nếu được thông qua, đây sẽ là hoạt động thiết thực của Bộ Thương mại để thực hiện khâu đột phá trong hoạt động lập pháp theo nguyên tắc các nghị định hướng dẫn thi hành sẽ được trình cùng với luật để có thể triển khai thực thi luật ngay khi có hiệu lực. Dự kiến dự thảo Luật cạnh tranh và nghị định này sẽ được trình Chính phủ vào khoảng cuối năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận