18/04/2025 14:14 GMT+7

The Glassworker: Di sản Studio Ghibli sống lại qua hoạt hình 2D đầu tiên của Pakistan

The Glassworker là phim hoạt hình 2D dài đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Pakistan, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ phong cách nghệ thuật Studio Ghibli của bậc thầy người Nhật Hayao Miyazaki.

Studio Ghibli - Ảnh 1.

Poster phim The Glassworker - Ảnh: IMDb

Theo The Guardian, The Glassworker (Người thổi thủy tinh) là tác phẩm đầu tay dài hơi của Usman Riaz. Đây là câu chuyện được ấp ủ suốt cả thập kỷ, mang đậm chất thơ về vẻ đẹp và sự mong manh của cuộc sống.

Từ một "giấc mơ không tưởng", bộ phim trở thành hiện thực nhờ vào sự bền bỉ và quyết tâm của đội ngũ nghệ sĩ tại Mano Animation Studios, trong đó Usman Riaz giữ vai trò đạo diễn, họa sĩ hoạt hình và đồng sáng tác âm nhạc.

Bi kịch của chiến tranh

Nhân vật chính của The Glassworker là Vincent Oliver, anh làm việc cùng cha Tomas tại xưởng thủy tinh nổi tiếng nhất thị trấn ven sông Waterfront.

Tuy nhiên khi chiến tranh nổ ra vì chủ quyền vùng Great Ravine, cửa tiệm yêu quý của họ đứng trước nguy cơ bị phá hủy.

Cùng lúc đó, một đại tá quân đội cùng với cô con gái là nghệ sĩ violin tên Alliz Amano đến thị trấn này sinh sống.

Trailer The Glassworker

Giữa khói lửa chiến tranh, một mối tình chớm nở giữa Vincent và Alliz. Trớ trêu thay, Alliz lại là con gái của viên đại tá quân đội - người biến thị trấn yên bình thành chiến địa.

Phần lớn câu chuyện kể lại qua những ký ức tuổi thơ, khi Vincent và Alliz lớn lên trong bóng đen của chiến tranh.

Họ cố gắng gìn giữ tình bạn, nghệ thuật và sự trong trẻo của tuổi trẻ - tất cả đều bị thử thách bởi những niềm tin và định kiến của chính cha mẹ mình.

Từng khung hình vẽ tay được chăm chút tỉ mỉ, tựa như cách Vincent và Tomas nâng niu thủy tinh nóng chảy trong tay.

Studio Ghibli - Ảnh 2.

Mối tình giữa cậu bé Thomas và cô nghệ sĩ violin tên Alliz nở rộ giữa chiến tranh loạn lạc - Ảnh: Mano Animation Studios

Ngay ở phần đầu phim, người xem được chứng kiến quy trình chế tác thủy tinh một cách chi tiết: cậu bé Vincent dồn hết hơi thở vào ống thổi để tạo nên hình dáng cuối cùng cho một tác phẩm, theo đúng nghĩa đen là "thổi hồn" vào nó.

Hình ảnh ẩn dụ này chính là cốt lõi của The Glassworker: cũng như một bức tượng thủy tinh, những điều đẹp đẽ trong cuộc đời cần rất nhiều công sức để tạo thành - nhưng lại có thể vỡ tan chỉ vì một cú chạm nhẹ.

Về sau, khi bức tượng thủy tinh vỡ vụn, đó không chỉ là một khoảnh khắc bi thương mà còn báo hiệu cho sự tha hóa đang len lỏi vào xưởng thủy tinh. Cha của Alliz - đại tá Amano - đã ép buộc Tomas phải hỗ trợ chế tạo chiến hạm cho quân đội.

Studio Ghibli - Ảnh 3.

Usman Riaz vẽ toàn bộ phim, bao gồm 1.477 cảnh quay và hơn 2.500 bức vẽ riêng lẻ - Ảnh: Mano Animation Studios

Giống như Tomas, Amano cũng là người nghiêm khắc và kỷ luật. Những chiếc máy bay chiến đấu do ông chỉ huy bay lượn trên những cánh đồng xanh - nơi Vincent và Alliz từng vui đùa - khiến cho tình bạn đẹp đẽ của hai đứa trẻ nhuốm màu u ám.

Nhưng khi câu chuyện tiếp diễn, những chi tiết nhỏ và lặng lẽ dần tiết lộ bi kịch của Amano. Cũng như Tomas và Vincent, ông có tình yêu dành cho nghệ thuật.

Ông trân trọng tiếng đàn của con gái và trên hết, ông yêu thương Alliz. Nhưng chiến tranh đã đẩy ông rời xa con gái, rời xa những xúc cảm nhân văn còn sót lại trong mình.

Một cảnh phim ấn tượng cho thấy ông ngồi lặng lẽ với tâm trạng kiệt quệ và cô đơn trong chiếc ghế bành đỏ tại nhà riêng dưới bức chân dung gia đình nơi cha ông, một vị tướng uy nghi, từng ngồi đúng vị trí đó. Cả cha con đều là nạn nhân của vòng lặp chiến tranh tàn khốc.

Mang đậm dấu ấn Studio Ghibli

Tinh thần phản đối chiến tranh và phong cách hoạt hình vẽ tay của The Glassworker gợi nhớ đến các tác phẩm của bậc thầy người Nhật Hayao Miyazaki, bởi bộ phim này do nhà sản xuất Geoffrey Wexler đến từ Studio Ghibli cố vấn.

Bộ phim mang nét thẩm mỹ đầy cảm xúc, được chăm chút tỉ mỉ đến từng chi tiết - điều được xem là dấu ấn đặc trưng trong phong cách của Hayao Miyazaki.

Studio Ghibli - Ảnh 4.

Bên trái là nét vẽ của Usman Riaz và bên phải là nét vẽ của Hayao Miyazaki. Có sự tương đồng là do do nhà sản xuất Geoffrey Wexler đến từ Studio Ghibli cố vấn cho The Glassworker - Ảnh: IMDb

Ngay cả phần nhạc nền lãng mạn cũng mang âm hưởng gợi nhắc đến những bản giao hưởng kinh điển của Joe Hisaishi dành cho Studio Ghibli.

Dù thông điệp và cách phim khai thác "tính di truyền" của lý tưởng giữa các thế hệ khá thú vị, song triết lý phản đối chiến tranh trong The Glassworker lại thiếu đi độ sâu và sắc thái tinh tế - vốn là điểm làm nên sức nặng trong các tác phẩm của Hayao Miyazaki.

Dẫu vậy, tác phẩm đầu tay của Usman Riaz vẫn để lại nhiều điểm sáng nổi bật. Không chỉ là cột mốc đáng nhớ trong lịch sử điện ảnh Pakistan, The Glassworker còn tạo dấu ấn riêng nhờ vẽ nên thị trấn ven sông Waterfront sống động và đầy màu sắc, lấy cảm hứng từ chính quê hương Karachi của đạo diễn.

Studio Ghibli - Ảnh 5.

The Glassworker cũng thể hiện tinh thần và thông điệp phản đối chiến tranh như các tác phẩm của Studio Ghibli - Ảnh: Mano Animation Studios

Có thể thông điệp đạo đức mà The Glassworker muốn gửi gắm sẽ không lưu lại lâu dài trong tâm trí khán giả, nhưng chắc chắn ít ai có thể quên cảnh Tomas và Vincent bước qua khu chợ náo nhiệt.

Nơi cậu bé thợ thủy tinh được thưởng thức viên gulab jamun lấp lánh trong chiếc nồi đầy sirô - một khoảnh khắc vừa ngọt ngào vừa ấm lòng.

Phim hoạt hình 2D đầu tiên của Pakistan - Ảnh 3.Totoro, Vô diện và những nhân vật huyền thoại, biểu tượng của Studio Ghibli

Ngoài sản sinh ra vô số những kiệt tác phim hoạt hình kể từ năm 1985, Studio Ghibli còn có biệt tài tạo ra những nhân vật mang tính biểu tượng riêng cho từng phim của mình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên