
Cây thạch nam nở hoa trong khuôn viên Đại học Giao thông Thượng Hải - Ảnh: Tài khoản WeChat chính thức của trường
Hoa thạch nam - loài cây thường xanh thuộc họ hoa hồng với khả năng lọc không khí mạnh mẽ - đang gây tranh cãi trong các khuôn viên đại học tại Trung Quốc. Mùi hương đặc biệt của nó khi nở hoa vào mùa xuân khiến không ít sinh viên khó chịu, dẫn đến những phản ứng khác nhau ở các trường đại học.
Mùi hương gây tranh cãi
Theo báo The Paper (Trung Quốc), gần đây trên nền tảng phản hồi dịch vụ sinh hoạt của Đại học Giao thông Thượng Hải, một sinh viên đã phản ánh: “Mùi hoa thạch nam quá nồng. Có thể cắt bỏ hoa đi không?”.
Trung tâm Bảo đảm hậu cần của trường đã đưa ra câu trả lời bảo vệ loài cây này. Họ giải thích cây thạch nam không chỉ tạo cảnh quan đẹp với lá xanh quanh năm và quả đỏ vào mùa đông, mà còn có khả năng giữ bụi và hấp thụ lưu huỳnh đioxit trong không khí.
“Mùa hoa thạch nam kéo dài khoảng nửa tháng. Có nghĩa là trong 365 ngày của một năm, thạch nam chỉ có khoảng 15 ngày nở hoa. Trong khoảng 350 ngày còn lại, hiệu quả của nó đều rất xuất sắc. Hy vọng sinh viên có thể tha thứ cho mùi hương của hoa”, thông báo viết.
Đại học Giao thông Thượng Hải hiện có 82 cây thạch nam, chủ yếu tập trung ở khu Mẫn Hành. Theo tài khoản WeChat “Giáo dục sau đại học Đại học Giao thông Thượng Hải”, trường đã nhập khẩu cây thạch nam ngay từ khi thành lập để giải quyết vấn đề mùi sơn nặng và nồng độ formaldehyde cao trong các tòa nhà mới xây.
Trong khi Đại học Giao thông Thượng Hải lựa chọn giữ lại hoa thạch nam, nhiều trường đại học khác đã có hành động cắt tỉa. Đại học Vũ Hán đã cắt tỉa thấp các cây xung quanh tòa nhà giảng dạy và ký túc xá từ ngày 4-4. Tương tự, Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung cũng đã ra thông báo và cắt tỉa ở các khu vực đông người.
Sinh viên Đại học Giao thông Thượng Hải đã có những cách tiếp cận sáng tạo với vấn đề này qua nhiều năm. Năm 2016, Hội Sinh viên khoa điện đã ra mắt “Cẩm nang tránh hoa thạch nam” và lập “tuyến đường tránh thạch nam”.
Năm 2019, đội ngũ Weibo chính thức của trường đã làm mẫu vật thạch nam và tổ chức bốc thăm trúng thưởng, trong khi Học viện Hóa học và Kỹ thuật hóa học đã sản xuất nước cất thạch nam phiên bản giới hạn. Nhiều sinh viên còn đùa gọi hoa thạch nam là “hoa trường” (hay “hoa khôi của trường”).


Bản đồ tránh hoa thạch nam do Hội sinh viên Học viện Điện tử phát hành năm 2019 - Ảnh: WeChat Hội sinh viên
Thạch nam - nên yêu hay ghét?
Mùi đặc trưng của hoa thạch nam có nguồn gốc khoa học. Nghiên cứu cho thấy chất 1-pyrroline là nguyên nhân chính gây ra mùi tanh khó chịu. Ngoài ra, trong chiết xuất hoa còn chứa benzaldehyde (58,49%) tỏa mùi hạnh nhân đắng và phenylethanol (8,81%) có mùi hoa hồng ngọt ngào. Sự kết hợp của ba chất này tạo nên mùi hương vừa tanh, vừa chát, kèm chút vị ngọt.
Kỹ sư Đổng Lập Khôn từ Viện Nghiên cứu khoa học Công viên Vũ Hán giải thích mùi hương này đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút côn trùng thụ phấn, giúp cây duy trì nòi giống và tạo ra quả đỏ vào mùa thu. Khi quá trình thụ phấn hoàn tất, cánh hoa sẽ rụng và mùi hương cũng biến mất.
Thạch nam mang lại nhiều giá trị trong hệ sinh thái đô thị. Mùa xuân, cây có lá đỏ hoa trắng; mùa hè, lá xanh um tùm; mùa thu có quả đỏ tươi; mùa đông như chiếc ô phủ tuyết trắng.
Không chỉ góp phần duy trì cân bằng sinh thái và tạo môi trường sống cho nhiều loài sinh vật, đây cũng là một trong những loài cây được lựa chọn và trồng rộng rãi ở nhiều thành phố của Trung Quốc nhờ khả năng thích nghi và giá trị cảnh quan cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận