Trường hợp, tôi chịu tiêm loại vaccine A, nhưng sau này có điều kiện, tôi đổi hẳn sang vaccine B vừa ý hơn, có được không?
Về hiệu lực, theo lý, miễn dịch vaccine, nếu không phải trọn đời, sẽ hao hụt dần và tiến tới “zéro”. Lúc này bước tiếp thông thường là tiếp tục với mũi tăng cường, mũi nhắc lại của vaccine cũ. Cách thứ hai là xóa bài làm lại, với liệu trình vaccine mới theo nguyện vọng. Chẳng hạn, tâm tư, sau này của ăn của để, có được chuyển từ sê-ri Vero Cell sang sê-ri Pfizer?
Vấn đề là lúc nào một vaccine được xem kết thúc sứ mệnh? Làm bằng với “thương hải tang điền” của Pfizer, vaccine được xem “cứng” nhất hiện nay. Theo bổn hãng, hiệu quả vaccine của họ đạt 96,2% trong 1 tuần -2 tháng sau liều cuối, 2-4 tháng sau là 90,1%, từ 4 tháng sau chỉ còn 83,7%. Nghĩa là, mỗi 2 tháng bay màu 6%. Khập khiễng, tính theo đà này thì sau 18 tháng, hiệu lực Pfizer giảm dưới 50%, mức được coi là vaccine...mất phong độ.
Tạm xong phần thời điểm, đến khâu chọn mặt. Đã rõ, việc thay vaccine đã được giải tỏa qua giải pháp trộn vaccine vừa rồi. Có nhiều kiểu mix, nhưng sau cân nhắc, hiện chỉ còn combo AstraZeneca (mũi 1) và Pfizer (mũi 2) đứng vững. Như vậy, bét nhất thì Pfizer sẽ là ứng viên sáng giá cho mũi mix và cho kế “thay ngựa giữa dòng” đang nói.
Kết chuyện là “việc đổi sang liệu trình vaccine mới, sau khi liệu trình cũ xong nhiệm vụ, về lý là có thể”.
Dù thế nào, chưa bàn hiệu quả, đây là một cách làm an lòng cho những ai vì miễn dịch chung, nhưng đang có chút lăn tăn về vaccine. Nếu vaccine đang dùng, giữ bạn an toàn đến được ngày nghĩ tới việc sang tên đổi chủ, thì vaccine đó tốt với bạn rồi. Chưa kể, đổi mới vaccine, tức cũng đổi mới rủi ro.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận