06/11/2015 10:04 GMT+7

Sân khấu chạm đáy: "tại anh hay tại ả?"

LINH ĐOAN (linhdoan@tuoitre.com.vn)
LINH ĐOAN ([email protected])

TT - “Lũ, bão... trong tình hình sân khấu hiện nay do chính nghệ sĩ mình tạo ra chứ ai đâu!” - ông bầu kịch khét tiếng Huỳnh Anh Tuấn nói thẳng.

Vở Đàn bà... mấy tay? được dàn dựng trong dòng kịch văn học của sân khấu Hồng Vân, dù được dàn dựng khá nghiêm túc nhưng vẫn không thu hút được khán giả - Ảnh: Nguyễn Lộc
Vở Đàn bà... mấy tay? được dàn dựng trong dòng kịch văn học của sân khấu Hồng Vân, dù được dàn dựng khá nghiêm túc nhưng vẫn không thu hút được khán giả - Ảnh: Nguyễn Lộc

"Tôi đã từng nhắc nhở một số nghệ sĩ ở sân khấu mình rằng xuất hiện trên truyền hình nhiều quá khán giả sẽ nhàm, họ không chịu mua vé xem đâu", Huỳnh Anh Tuấn nói thêm.

Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, tất nhiên hiện có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của sân khấu kịch, nhưng bản thân người làm nghề phải thẳng thắn nhìn nhận còn do mình làm dở nên khán giả quay lưng.

Ông nói: “Bản thân nghệ sĩ phải biết giữ gìn sự xuất hiện của mình, chọn lọc rất kỹ để mỗi lần xuất hiện có sự tươi mới, gây chú ý.

Tôi cũng thông cảm là nghệ sĩ khi có cơ hội tới phải nắm, thanh sắc chỉ có một mùa phải ráng tranh thủ, nhưng nếu chúng ta không san sẻ trách nhiệm thì sân khấu sẽ ngày càng khó khăn hơn. Một điều nữa là ý thức làm nghề có vẻ ngày càng dễ dãi.

Truyền hình còn thu được quảng cáo, chứ kịch nói thì không, rõ ràng là không có sự cân bằng. Một người sống mấy chục năm với sân khấu kịch có khi không bằng một nghệ sĩ mới ra nghề chạy theo truyền hình.

Mà tôi thấy cũng lạ, không hiểu có những chương trình truyền hình thực tế rất nhảm, thẩm mỹ kém mà cũng được duyệt cho lên sóng, nghệ sĩ vì thế làm nghề cẩu thả hơn”.

Tôi mong các nghệ sĩ sẽ cùng chung tay. Các ngôi sao cũng có thể tham gia truyền hình nhưng ráng dành 1 - 2 ngày cuối tuần để ghé về diễn cho sân khấu. Nói gì thì nói, khán giả xem nghệ sĩ bằng xương bằng thịt vẫn thích hơn là qua tivi...

Ông bầu VĂN LONG

Căn bệnh trầm kha

Đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc nhắc lại:

“Cách đây hơn chục năm TP.HCM đã từng tổ chức Liên hoan sân khấu mùa thu dành cho các sân khấu xã hội hóa cũng tạo được tiếng vang. Nhưng liên hoan chỉ diễn ra một lần rồi thôi luôn.

Nên chăng chúng ta tổ chức lần nữa để xốc lại tinh thần các nghệ sĩ. Anh em có thêm cơ hội tập dượt, rèn nghề.

Liên hoan cũng là dịp để chúng ta đánh giá lại tình hình hoạt động của sân khấu hiện nay, đặc biệt là sân khấu xã hội hóa, để từ đó có những hành động thiết thực hơn nhằm vực dậy sân khấu TP.HCM”.

Minh Béo bức xúc kể nhiều khi các nghệ sĩ tên tuổi lại phải ngồi chờ đợi các diễn viên trẻ, có bạn trẻ được ưu ái giao vai chính để phát triển nghề nhưng nếu có chương trình béo bở hơn, họ sẵn sàng bỏ để chạy sô mặc cho tập thể lao đao.

Anh kể gần đây anh nghe có tình trạng ở một sân khấu lớn, nam nghệ sĩ nổi tiếng đã hóa trang sẵn sàng cho đêm diễn nhưng vì đàn em diễn chung chạy sô về không kịp nên anh buộc lòng phải bôi mặt, sân khấu phải trả vé xin lỗi khán giả.

Có thể nói đó là căn bệnh trầm kha diễn ra từ sân khấu lớn đến sân khấu bé. Tình trạng đó, theo nghệ sĩ Văn Long, các nghệ sĩ hay nói với nhau là “mình đang tự bắn vào chân mình”.

Thời gian tập nếu có rất vội vàng mà kịch bản hay lại cực kỳ thiếu, nói như nghệ sĩ Ái Như thì tìm ra kịch bản dựng được đã khó rồi nói gì đến kịch bản hay.

Viết kịch bản kịch cực nhọc mà ít tiền nên không ít tác giả thà chọn viết cho các bộ phim, các chương trình truyền hình.

Vì kịch bản yếu, thiếu nên có khi dựng một vở, êkip chỉ dựa vào vài trang giấy mỏng manh thế rồi mạnh ai nấy “phăng”. Vậy nên không hiếm vở diễn có những cảnh đạo diễn buông luôn, để cho diễn viên tấu qua tấu lại như tấu hài để kéo nhây thời gian mất 15 - 20 phút.

Diễn viên diễn hời hợt, đạo diễn thì đánh mất vai trò của mình với những mảng miếng cũ kỹ, lặp đi lặp lại... và một số yếu tố khác nữa khiến không ít vở diễn bị coi là thảm họa. Chính vì thái độ làm nghề thiếu nghiêm túc, cẩu thả mà sức sống, tuổi thọ của một vở diễn ngày càng ngắn đi.

Không chỉ bởi cơn bão truyền hình, chương trình truyền hình thực tế càn quét mà thực tế chính người làm sân khấu đang tự đánh mất đi khán giả của mình bởi dễ dãi cho ra đời những sản phẩm kém chất lượng như thế!

Sân khấu chạm đáy?

Nghệ sĩ Ái Như dường như không còn niềm tin nào để bấu víu, chị buồn bã nói:

“Tôi nghĩ là không có cách nào để vực lại hoạt động sân khấu trong tình trạng hiện nay. Các lĩnh vực khác còn có kinh tế, tài chính hỗ trợ, sân khấu thì không có hình thức kinh doanh nào khác ngoài việc bán vé.

Mà không có tiền, không bán được vé thì làm sao giữ được mức lương ổn định để anh em yên tâm làm nghề, cũng đành phải để họ bung ra đóng phim, tham gia các sô truyền hình. Nghĩ tới kết cục này thấy buồn lắm!

Sân khấu xã hội hóa sáng đèn vào các ngày cuối tuần là nét văn hóa dễ thương của Sài Gòn. Tôi tin rằng khi bước vào nhà hát xem kịch, ít nhất từ 2,5 - 3 giờ người xem đã không nghĩ đến điều ác mà chỉ nghĩ đến những điều tốt đẹp. Nó làm đời sống người ta lắng lại, lương thiện hơn...”.

Canh cánh trong lòng lời hứa với người anh đã khuất (nghệ sĩ Hữu Lộc - ông bầu trước đây của Nụ Cười Mới) sẽ giữ gìn sân khấu, nhưng Văn Long - ông bầu của Nụ Cười Mới - đang hoang mang về tương lai phía trước:

“Tôi sẽ gồng bằng mọi cách, tới khi nào sức cạn kiệt thì đành chịu, mai này về già có “xuống dưới” gặp anh ít ra tôi cũng không hổ thẹn vì dù gì cũng đã cố gắng hết sức!”.

Gánh nặng càng tăng với bà bầu Hồng Vân khi cùng lúc chị phải vận hành hai sân khấu Phú Nhuận và SuperBowl. Trước đó, khi Trung tâm văn hóa Q.Phú Nhuận vừa sửa xong tháng 8, trước thông tin tiền thuê mặt bằng nơi đây có thể tăng giá, Hồng Vân đã bày tỏ ý định có thể buông luôn điểm diễn này.

Tuy nhiên, mới đây chị cho biết trung tâm đã có sự thông cảm và thỏa thuận mức giá hợp lý. Thế nhưng, thông tin đó có vẻ vẫn chưa thể giải tỏa được hết những áp lực mà bà bầu này đang gồng gánh. Dù đã cố gắng dựng một số vở theo dòng kịch văn học, kịch chính luận khá nghiêm túc nhưng kịch Hồng Vân vẫn đang hoạt động hết sức chật vật.

Chị nhẹ giọng: “Có cảm giác như hoạt động sân khấu đang chạm đáy. Nên tôi đang trông, rất trông một sự thay đổi nào đó. Phải có những người trẻ hay các yếu tố mới mẻ nào đó đủ bản lĩnh để thay đổi, làm sáng sủa tình hình ảm đạm hiện nay”.

Chính nghệ sĩ phải tôn trọng sân khấu

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ đã làm bầu sân khấu là chấp nhận không giàu, ông thú nhận phải làm đủ thứ để nuôi kịch, từ tổ chức hoạt động múa rối đến kinh doanh bất động sản, khách sạn, du lịch..., chứ nếu chỉ làm kịch nói không có lẽ đã đứt vốn từ lâu!

Ông Huỳnh Anh Tuấn nói: “Một năm 12 tháng nhưng thật ra sân khấu chỉ hoạt động khoảng tám tháng, những tháng còn lại thường rơi vào mùa mưa, khán giả xuống rất đáng sợ, độ chừng 30%.

Năm nay có sự càn quét của các chương trình truyền hình thực tế nên mức giảm tăng lên hơn 40% khiến mọi người đâm ra hoang mang. Sân khấu kịch nói thế giới đã có tuổi thọ khoảng 200 năm nên tôi tin sân khấu kịch sẽ tiếp tục sống, nhưng phải suy nghĩ để xem nó sống như thế nào”.

Ông cũng nhấn mạnh vai trò của người nghệ sĩ: “Sân khấu là nơi các nghệ sĩ được sống với nghề, được thăng hoa, thể hiện tốt nhất khả năng của mình và tương tác trực tiếp với khán giả. Từ nơi này các bạn đã được đào tạo và xây dựng nên tên tuổi, vì vậy các bạn cần tôn trọng sân khấu.

Rồi đến một ngày các chương trình truyền hình sẽ bị bão hòa, khi đó người ta sẽ có nhu cầu tìm đến những cái hay, sáng tạo của sân khấu!”.

Nghệ sĩ Minh Béo tuyên bố còn một đồng anh cũng sẽ cố gắng làm cho sân khấu. Anh chia sẻ việc mở sân khấu không phải làm giàu mà mong muốn được làm nghề. Dù bị lỗ ngất ngư nhưng Minh Béo vẫn lạc quan cho rằng mình có thể gồng gánh sân khấu ít nhất hai năm nữa.

Hiện tại, chưa biết mức độ hiệu quả ra sao nhưng Minh Béo cũng đang nghĩ và làm đủ cách. Anh dựng kịch theo phong cách kịch Kim Cương, kịch kinh dị, kịch cho tuổi teen, rồi làm cải lương..., sắp tới anh lên kế hoạch dựng lại những kịch bản nổi tiếng như Mưa rừng, Tướng cướp Bạch Hải Đường, kịch tôn giáo...

Dù tỏ ra bi quan nhưng nghệ sĩ Ái Như cũng có những tính toán riêng: “Sắp tới có thể chúng tôi sẽ tính tới việc giãn suất diễn để bớt lỗ, giảm số lượng vở dựng mới trong một năm để còn giữ sức...”.

Kể từ khi sân khấu IDECAF ra đời năm 1998 mở đầu cho sự ra đời của nhiều sân khấu xã hội hóa tiếp theo ở TP.HCM, có thể thấy những lúc khó khăn cũng là lúc thúc đẩy tính năng động của người làm sân khấu. Lúc đầu là khó khăn đi tìm lời giải cho thị hiếu khán giả, định hình phong cách, xác định lớp khán giả phải phục vụ...

Ở bước chập chững, các sân khấu đã có những tác phẩm theo lối diễn hài tục, hài thô hoặc kém chất lượng... bị dư luận phản ứng. Nhưng các sân khấu như IDECAF, Phú Nhuận, Hoàng Thái Thanh, Sài Gòn, Nụ Cười Mới... đã đứng vững và khẳng định phong cách nghệ thuật, thương hiệu trong đời sống giải trí TP.HCM hiện nay.

Nhìn từ quá trình đó, có thể thấy những khó khăn hiện nay như là một thử thách mới, một bước ngoặt để các sân khấu tiếp tục đổi mới mình, tồn tại một cách bền vững.

Vở kịch lịch sử Trưng nữ vương là vở sân khấu IDECAF dàn dựng với mục đích đưa kịch vào học đường. Tính tới nay, IDECAF đã dàn dựng được năm vở với mong muốn tạo điều kiện cho các diễn viên trẻ có cơ hội biểu diễn, đồng thời ươm mầm tình yêu sử Việt cho các em học sinh tiểu học trên địa bàn TP.HCM  - Ảnh: Nguyễn Lộc
Vở kịch lịch sử Trưng nữ vương là vở sân khấu IDECAF dàn dựng với mục đích đưa kịch vào học đường. Tính tới nay, IDECAF đã dàn dựng được năm vở với mong muốn tạo điều kiện cho các diễn viên trẻ có cơ hội biểu diễn, đồng thời ươm mầm tình yêu sử Việt cho các em học sinh tiểu học trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: Nguyễn Lộc

Không thể ngồi than thở...

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn khẳng định: “Đừng có mơ mà trông chờ vào Nhà nước, sân khấu xã hội hóa cứ bươn chải theo đúng tinh thần của nó. Chúng ta không thể ngồi than thở, đây là lúc người làm sân khấu phải cố gắng năng động.

Những mùa thấp điểm của sân khấu kịch thì bầu phải tìm cách xoay. Ở sân khấu chúng tôi, có thể nói kịch thiếu nhi có thể tự nuôi bản thân mình và choàng gánh nuôi luôn cho sân khấu người lớn, kịch lịch sử.

Mới đây, chúng tôi cũng đã nhận lời đưa kịch dài lưu diễn tại Mỹ và thu được kết quả khá khả quan. Ngoài thị trường Mỹ, hiện đang có những lời mời từ Canada, Úc... Chúng tôi đang cân nhắc và cũng thỏa thuận với bầu sô bên đó rằng chỉ nhận lời lưu diễn vào những mùa vắng khách.

Nhưng điều quan trọng và cấp bách hiện nay là chúng ta phải cố gắng xây dựng những tác phẩm có chất lượng. Tôi và Thành Lộc đã ngồi bàn với nhau mình cứ cố gắng làm đàng hoàng, khán giả tuy có giảm nhưng vẫn còn 70 - 80%.

Kịch bản thiếu thì dựng lại kịch bản cũ cũng được nhưng phải làm cho hay. Kế hoạch sau tết chúng tôi đang muốn dựng lại vở Trong hào quang bóng tối Giải độc đắc. Phải kéo khán giả về sân khấu bằng những kịch bản mang tầm vóc, đồng thời cũng là để nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ, “bơm” vào họ vitamin liều cao. Mỗi vở chỉ cần diễn được 10 - 15 suất là cũng khá thành công rồi!”.

_________

Kỳ tới: Hướng đi nào cho sân khấu TP

LINH ĐOAN ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên