
MC Vân Hugo (trái) và BTV Quang Minh
Trước đó ngày 2-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện số 55 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
BTV Quang Minh và MC Vân Hugo phải cải chính thông tin
Tại buổi họp báo thường kỳ quý 1 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hồi tháng 4, phó cục trưởng cục này thông tin chung dự kiến phạt ông Trần Quang Minh (tức BTV Quang Minh) hơn 37,5 triệu đồng và bà Nguyễn Thanh Vân (MC Vân Hugo) 70 triệu đồng do có sai phạm trong hoạt động quảng cáo.
Song mức phạt đưa ra mới là "dự kiến". Tới ngày 28-4, cục ban hành hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 148 và số 149 chính thức đối với BTV Quang Minh và MC Vân Hugo.
Theo cục, với hai hành vi quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng Hiup 27 không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định, BTV Quang Minh bị phạt 37,5 triệu đồng.
Trong khi đó, với hành vi vi phạm ở mức độ nặng hơn, quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng Hiup 27 gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm đã công bố, MC Vân Hugo bị phạt 70 triệu đồng.
Theo quyết định xử phạt, cả hai đều phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là xóa quảng cáo và buộc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm.
Tới chiều 5-5, trên Facebook cá nhân của BTV Quang Minh và MC Vân Hugo chưa thấy phản hồi nào mới liên quan đến quyết định trên.
Meta, Google và TikTok phải gỡ ngay các quảng cáo sữa giả
Căn cứ danh sách 84 sản phẩm sữa bị Bộ Công an và Bộ Y tế công bố thu hồi và khuyến cáo không sử dụng, ngày 26-4, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cũng ra cùng lúc công văn số 907 gửi nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới và công văn số 908 gửi trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trong nước. Yêu cầu rà soát, gỡ bỏ toàn bộ quảng cáo liên quan đến các sản phẩm nói trên.
Theo hai công văn này, các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới cung cấp dịch vụ tại Việt Nam là Meta, Google và TikTok Pte. Ltd phải thực hiện ngay các nội dung:
1. Rà quét, phát hiện và ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo có nội dung liên quan đến 84 sản phẩm sữa nói trên trên nền tảng, ứng dụng do đơn vị mình cung cấp, quản lý.
2. Chủ động cập nhật danh sách các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cơ quan chức năng yêu cầu thu hồi hoặc khuyến cáo không sử dụng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, Bộ Y tế và cơ quan có thẩm quyền để rà quét, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời các nội dung quảng cáo liên quan.
3. Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quảng cáo trên mạng, nhất là quảng cáo liên quan đến nhóm sản phẩm, thực phẩm dinh dưỡng và các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về quảng cáo.

Các hộp sữa bột giả bị công an phát hiện - Ảnh: VTV
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cũng yêu cầu các nền tảng cung cấp dịch vụ mạng xã hội tăng cường kiểm duyệt chặt chẽ nội dung do mình quản lý.
Đồng thời phối hợp ngăn chặn nội dung quảng cáo vi phạm trên mạng, kịp thời gỡ bỏ quảng cáo vi phạm khi phát hiện hoặc khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra thông báo đến người sử dụng về việc cẩn trọng khi đăng tải, chia sẻ nội dung quảng cáo trên mạng, nhất là quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt theo quy định của pháp luật và phản ánh với cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện nội dung quảng cáo có dấu hiệu vi phạm.
BÌNH LUẬN HAY