![]() |
Người thay tim (Công Lý đóng) và kẻ đổi mặt (Minh Hòa) - Ảnh: Như Hùng |
Đạo diễn Lê Hùng cũng tự làm khác mình nếu so với Đời cười trước đây do anh dàn dựng dễ hốt những trận cười, nhưng lần này thì không: khán phòng Nhà hát TP.HCM (tối 3-11-2003) đã lặng như tờ sau mỗi cảnh, tiếng vỗ tay của khán giả chỉ vang lên sau khi vở kịch hạ màn.
Thông điệp của vở, mượn lấy câu chuyện từ thuở xa xưa, mang màu sắc dân gian khiến phải nặng lòng suy nghĩ...
Công Lý, vẫn thường xuất hiện trong bộ điệu tếu táo của chương trình “Gặp nhau cuối tuần” trên VTV, đã khác hẳn trong vai Tiểu Minh của Thay tim đổi mặt. Nghiêm nghị, “tâm trạng” hơn nhiều khi đi vào một số phận khá là bi kịch. Tiểu Minh của Công Lý bàng hoàng khi chứng kiến người vợ lăng loàn tay trong tay với viên quan tuần phủ, để rồi đọng lại sau lớp diễn trớ trêu ấy là khát vọng chảy ngầm về một tình yêu chung thủy khó khăn nên quí giá biết bao.
Kỳ thực người vợ mang tên Vân Thê nhưng lại mang khuôn mặt, đầu óc của một ả kỹ nữ tên là Hường - một tính cách phân thân độc đáo. Nữ diễn viên Minh Hòa có trong tay vai diễn “đắc địa” lúc lả lơi lúc chính chuyên đến khó ngờ, trở thành một ám ảnh trong thông điệp “trở về với chính mình không phải lúc nào cũng dễ dàng”...
Nguyên do của sự phân thân lại là từ ước muốn của Tiểu Minh đệ đạt với Lục phán quan của chốn địa ngục: đi tham quan cõi trần, cùng lời khẩn khoản một phép lạ thay mặt cho cô vợ Vân Thê cứ phải khổ sở vì dung mạo xấu xí. Thay mặt cũng có nghĩa thay luôn cả cái đầu, thay luôn cả suy nghĩ. Phép lạ được thực hiện. Thế nhưng đi liền với một khuôn mặt khác thì tình yêu cũng bị biến màu khác đi. Nói đúng hơn, đó là một khuôn mặt vay mượn nhưng tình yêu không thể vay mượn.
Tiểu Minh mơ ước được làm quan, Lục phán quan gật đầu với điều kiện phải thay tim. Cố gắng thực hiện đúng đạo làm quan theo sách thánh hiền, cũng chỉ mới một vài việc tốt tủn mủn cho dân, thế nhưng bước vào quan trường dăm ba hôm, Tiểu Minh đã phải xanh mặt vì những trò hãm hại, phản trắc, lừa đảo. Cũng khá là ý nghĩa khi trên sân khấu treo tấm biển chữ “Tâm” nhỏ máu, trong khi bàn làm việc của quan lại dán hình đồng tiền to đùng.
Thay tim để đổi đời, dù trong thâm tâm mang đầy thiện ý nhưng cũng chỉ là tim của người khác. Đổi mặt, dù được mặt đẹp nhưng rốt cuộc lại đâu phải mặt của mình. Kết thúc vở kịch, khán giả chứng kiến sự nhận thức bừng tỉnh của vợ chồng Tiểu Minh, với tất cả sự khốc liệt của hoàn cảnh, chấp nhận ngay cả cái chết để được trở lại là mình.
Chẳng ai có thể độc quyền cái tốt, cái đẹp, độc quyền chân lý để buộc người khác phải giống mình. Nước mắt đã rơi xuống khi vợ chồng Tiểu Minh xin trả lại cái đẹp, cái tốt vay mượn kia, để cứ được sống là mình với cái tốt lẫn giới hạn của chính mình. Một chiều sâu lắng đọng bất ngờ vào phút cuối vở kịch đã đến như vậy đấy.
_________________
(*) Ngoài vở này, trong đợt lưu diễn Nhà hát kịch Hà Nội còn đem theo hai vở khác là Tôi và chúng ta (kịch bản Lưu Quang Vũ, đạo diễn Hoàng Dũng), Con yêu (kịch bản Nguyễn Thu Phương, đạo diễn Hoàng Dũng).
BÌNH LUẬN HAY