Ngày 12-7, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc lựa chọn nhà thầu gói thầu thi công dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước (cũ) mà Tập đoàn Sơn Hải có kiến nghị về việc chấm thầu.

Tập đoàn Sơn Hải nhiều năm qua được đánh giá cao về chất lượng công trình - Ảnh: Q.NAM
Văn bản này do ông Nguyễn Sỹ Hiệp, phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ký ngày 10-7 và gửi đến Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Đồng Nai sau khi Bộ Tài chính có báo cáo kết quả kiểm tra gửi Chính phủ.
Theo đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao UBND tỉnh Đồng Nai tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính tại văn bản trên, chỉ đạo xử lý theo đúng quy định pháp luật về đấu thầu, bảo đảm việc lựa chọn nhà thầu cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, chống tiêu cực, lợi ích nhóm; không gây chậm trễ, kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu, dự án.
Ông Hà cũng yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 20-7-2025.
Hồ sơ mời thầu chưa đảm bảo minh bạch
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin trước đó, ngày 5-7, Bộ Tài chính đã có báo cáo về kết quả kiểm tra việc lựa chọn nhà thầu gói thầu nói trên.
Báo cáo này đã làm rõ những nội dung về hồ sơ mời thầu, quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu của Tổ chuyên gia, năng lực của Tổ chuyên gia, kết quả lựa chọn nhà thầu.
Trong đó Bộ Tài chính chỉ rõ hồ sơ mời thầu chưa bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng về tiêu chí đánh giá phần công việc BIM, có thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau của các nhà thầu, gây khó khăn khi đề xuất áp dụng BIM trong hồ sơ dự thầu. Việc Tổ chuyên gia chỉ căn cứ vào các tiêu chí chung tổng quát để đánh giá đề xuất công việc BIM của các nhà thầu có thể dẫn đến việc đánh giá mang tính chủ quan.
Bộ này cũng kết luận việc hồ sơ mời thầu đưa tiêu chuẩn đánh giá về "xe máy thiết bị phải đảm bảo kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc có giấy chứng nhận kiểm định theo quy định hiện hành" tại phần đánh giá năng lực, kinh nghiệm và phần kỹ thuật dẫn tới không thống nhất giữa nội dung đánh giá, phương pháp đánh giá. Trong đó kết luận "đạt" tại bước đánh giá về năng lực kinh nghiệm, nhưng lại kết luận "không đạt" về nội dung này tại bước đánh giá về kỹ thuật.
Việc đánh giá thiết bị thi công chủ yếu (đáp ứng hay không đáp ứng và nhà thầu có được bổ sung, thay thế thiết bị hay không) phải thực hiện tại bước đánh giá về năng lực kinh nghiệm, không phải tại bước đánh giá về kỹ thuật.
Bộ Tài chính cũng xác định Tổ chuyên gia không tiếp nhận, đánh giá và không chấp nhận máy móc, thiết bị thi công chủ yếu được bổ sung của nhà thầu khi chưa xác định hành vi gian lận của nhà thầu là chưa phù hợp với quy định.
Mặt khác, quá trình làm việc tại tỉnh Bình Phước, Tổ công tác không nhận được bất cứ tài liệu kết luận, chứng minh nào của chủ đầu tư đối với hành vi vi phạm của nhà thầu, nên chưa có cơ sở trong việc không xem xét, đánh giá thiết bị bổ sung, thay thế của nhà thầu.
Bộ Tài chính chỉ rõ hồ sơ mời thầu đưa toàn bộ vật tư, thiết bị của hệ thống ITS, hệ thống chiếu sáng của nhà thầu đề xuất cho gói thầu mà không phân định rõ vật tư, thiết bị chính với vật tư, thiết bị khác (không phải vật tư thiết bị chính) dẫn đến việc đánh giá của Tổ chuyên gia về nội dung này chưa bảo đảm nguyên tắc.
"Quy định của hồ sơ mời thầu đối với phần yêu cầu về thiết bị chưa thể hiện các thông tin cần thiết, không thống nhất về bảng biểu là chưa đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, có thể gây khó khăn cho các nhà thầu khi đề xuất, lập hồ sơ dự thầu", Bộ Tài chính nêu.
Tổ chuyên gia đánh giá thiếu cơ sở
Liên quan đến năng lực, kinh nghiệm của Tổ chuyên gia, Bộ Tài chính xác định Tổ chuyên gia chưa phát hiện những tồn tại, sai sót trong hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu.
Đặc biệt là sự khác nhau giữa báo cáo đánh giá chi tiết và báo cáo đánh giá tổng hợp; không làm rõ hồ sơ dự thầu, không thực hiện đánh giá các tài liệu bổ sung, thay thế thiết bị của nhà thầu khi chưa chứng minh được hành vi vi phạm.
Về kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định, trình phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, Tổ chuyên gia được đánh giá còn một số tồn tại, nội dung thẩm định còn sơ sài, một số đánh giá hoặc không đánh giá còn thiếu cơ sở.
"Đối với Tổ chuyên gia, chủ đầu tư có trách nhiệm xem xét cẩn trọng trong việc quyết định tiếp tục sử dụng Tổ chuyên gia này hoặc lựa chọn đơn vị tư vấn khác để thực hiện việc đánh giá lại hồ sơ dự thầu của các nhà thầu, bảo đảm khách quan, công bằng", Bộ Tài chính khẳng định.
BÌNH LUẬN HAY