02/04/2025 09:44 GMT+7

Việt Nam mở rộng cánh cửa vào châu Âu

Tăng cường kết nối với Vương quốc Bỉ, Việt Nam không chỉ mở rộng cánh cửa vào thị trường châu Âu mà còn khẳng định vai trò chiến lược tại khu vực thông qua quan hệ đối tác với quốc gia nhỏ bé nhưng giàu ảnh hưởng này.

châu Âu - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân chụp ảnh cùng Nhà vua Philippe và Hoàng hậu - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chuyến thăm của Nhà vua Bỉ Philippe và Hoàng hậu Mathilde không chỉ đánh dấu mốc quan trọng sau 51 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mà còn mở ra cơ hội để Việt Nam củng cố mối quan hệ với quốc gia đóng vai trò cửa ngõ chiến lược vào thị trường EU.

Chuyến thăm lịch sử

Tuy có diện tích chỉ hơn 30.000km², tương đương hai tỉnh lớn nhất Việt Nam nhưng Bỉ có ảnh hưởng vượt trội trên trường quốc tế. Thủ đô Brussels là nơi đặt trụ sở của 1.100 tổ chức quốc tế, trong đó có NATO, Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu. Nơi đây còn tập trung 600 hãng tin quốc tế, 400 cơ quan đại diện ngoại giao và 1.700 đại diện các công ty đa quốc gia.

Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Hoàng gia Bỉ đến Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, mặc dù cả Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ đều không xa lạ với Việt Nam. 

Nhà vua Philippe đã ba lần đến Việt Nam khi còn là thái tử vào các năm 1994, 2003 và 2012. Hoàng hậu Mathilde cũng ba lần thăm Việt Nam - hai lần với tư cách công nương và một lần vào năm 2023 với vai trò chủ tịch danh dự UNICEF Bỉ.

Trong cuộc gặp, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh đây là "dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra một trang mới cho quan hệ hữu nghị hai nước". Ông khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt với Bỉ - quốc gia có tiếng nói quan trọng trong EU. Đáp lại, Nhà vua Philippe bày tỏ sự coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi các phương hướng hợp tác lớn. Về chính trị, hai nước sẽ tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao, trên tất cả các kênh đảng, nhà nước, chính phủ và quốc hội. Về kinh tế, thương mại - trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương, hai bên nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Thúc đẩy đầu tư, thương mại

Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị Bỉ sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) nhằm thúc đẩy quan hệ đầu tư bình đẳng, cùng có lợi. 

Ông cũng kêu gọi các doanh nghiệp Bỉ đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số và hạ tầng chiến lược. 

Nhà vua Philippe bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Bỉ trong lĩnh vực xử lý nước thải, năng lượng, khai thác khoáng sản quý hiếm được tham gia đầu tư tại Việt Nam.

Theo Bộ Ngoại giao Bỉ, một trong những trọng tâm của chuyến thăm là thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phát triển bền vững. Bỉ mong muốn đóng vai trò là "đại sứ của sự bền vững" tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế xanh, năng lượng tái tạo và phát triển đô thị bền vững.

Các doanh nghiệp Bỉ đang ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, y tế và nông nghiệp công nghệ cao. Điều này lý giải cho sự hiện diện của phái đoàn 34 lãnh đạo doanh nghiệp Bỉ trong chuyến thăm. 

Đại sứ Bỉ tại Việt Nam cho biết một số dự án quan trọng trong lĩnh vực năng lượng hydro dự kiến được ký kết nhằm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Cùng với đó, sự tham gia của 16 lãnh đạo các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu của Bỉ đã mở ra cơ hội hợp tác học thuật mới.

Hợp tác cảng biển cũng là lĩnh vực nổi bật. Liên kết giữa cảng Antwerp-Zeebrugge và cảng Đà Nẵng đã chứng minh hiệu quả. Thông qua cảng biển lớn nhất châu Âu của Bỉ, hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập sâu vào thị trường châu Âu, góp phần gia tăng xuất nhập khẩu và phục vụ mục tiêu đạt tăng trưởng GDP trên 8% trong năm 2025.

Đại sứ Việt Nam tại Bỉ Nguyễn Văn Thảo tin tưởng trong tương lai quan hệ giữa hai nước sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác quan trọng. Đối với Việt Nam, Bỉ đóng vai trò là cửa ngõ vào thị trường EU. 

Thông qua Bỉ, Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận thị trường EU, nhất là sau khi ký kết EVFTA. Ở chiều ngược lại, Bỉ không chỉ mong muốn tiếp cận thị trường Việt Nam mà còn hướng đến thị trường ASEAN, xem Việt Nam là cửa ngõ vào khu vực.

Tăng cường quan hệ văn hóa

Sau cuộc hội kiến, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, thương mại, biến đổi khí hậu và hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. Cùng ngày, Nhà vua Bỉ Philippe cũng đã có cuộc gặp với Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Dù lịch trình bận rộn, Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ vẫn dành thời gian thể hiện sự tôn trọng đối với văn hóa Việt Nam. Họ cùng Chủ tịch nước và Phu nhân đến thăm Hoàng thành Thăng Long, đồng thời ghé thăm một quán cà phê tái chế để thưởng thức cà phê trứng.

Việt Nam mở rộng cánh cửa vào châu Âu - Ảnh 2.Bỉ sắp phê chuẩn hiệp định mở cửa dòng chảy đầu tư châu Âu vào Việt Nam

Bỉ sắp hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), khẳng định cả Bỉ và Việt Nam đều có lợi, chia sẻ của Nhà vua Bỉ Philippe khi gặp lãnh đạo cấp cao Việt Nam ngày 1-4.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0