Việt Nam giàu vì bạn

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói dân tộc Việt Nam có truyền thống "nhiều bạn thì tốt, giàu vì bạn". Đến nay Việt Nam đã có mạng lưới 12 đối tác chiến lược toàn diện, cũng là 12 nền kinh tế tốp đầu thế giới và khu vực ASEAN.

Việt Nam - Ảnh 1.

Mạng lưới này đang đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc củng cố thế và lực của đất nước - Dữ liệu: DUY LINH - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Việc nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 12 đối tác đã giúp Việt Nam có một mạng lưới quan hệ sâu sắc về nội hàm và rộng lớn về địa lý.

Các lợi ích của Việt Nam

12 đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam bao gồm: các đối tác truyền thống (Nga, Ấn Độ), láng giềng và trong khu vực (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), trung tâm quyền lực hàng đầu của thế giới (Mỹ), quốc gia quan trọng ở châu Âu (Pháp), các đối tác quan trọng khác ở châu Đại Dương (Úc, New Zealand) và gần đây nhất là ba quốc gia thành viên ASEAN (Malaysia, Indonesia, Singapore).

Về mặt chính sách, quyết định nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 12 đối tác trên nhằm gia tăng mức độ tin cậy và đan xen lợi ích chiến lược với các đối tác thông qua việc tăng cường trao đổi thực chất ở cấp cao, tạo cho đối tác sự gắn kết lợi ích lâu dài ở Việt Nam về kinh tế, đầu tư, thông qua các dự án đầu tư lớn, tuổi thọ dự án dài...

Đồng thời việc nâng cấp cũng giúp tăng cường đầu tư vào các đối tác để các đối tác thấy rõ mức độ gia tăng gắn kết lợi ích từ cả hai bên.

Trên thực tế, so với các nước trong khu vực, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia Đông Nam Á có mạng lưới đối tác chiến lược toàn diện đa dạng và sâu rộng.

Hầu hết các đối tác đều là các nước thành viên G20 với vai trò dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu, trong đó có 4/5 đối tác là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Nga, Mỹ, Pháp). Việc đồng thời duy trì quan hệ chiến lược toàn diện với cả Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp... khẳng định vị thế, vai trò và bản lĩnh đối ngoại của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới.

Mặt khác trong số đó có những nước còn đang có mối quan hệ cạnh tranh, thậm chí đối đầu nhau (Mỹ - Trung, Mỹ - Nga, Nhật - Trung...).

Việc Việt Nam duy trì quan hệ ở mức cao nhất với tất cả đối tác trên thể hiện chủ trương coi trọng quan hệ với các nước lớn và ưu tiên xử lý hài hòa quan hệ với những nước này để hóa giải từ sớm, từ xa các tác động bất lợi từ cạnh tranh giữa các cường quốc, đồng thời tranh thủ khai thác tiềm lực kinh tế, tạo đột phá trong quan hệ kinh tế của ta với các cường quốc thế giới.

"Ràng buộc mềm", "sức mạnh mềm"

Trong bối cảnh thế giới đang trải qua những thay đổi sâu sắc với nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định; các cường quốc vừa hợp tác, vừa cạnh tranh gay gắt, quyết liệt để đảm bảo lợi ích và vị thế của mình, 12 cặp quan hệ đối tác toàn diện của Việt Nam hiện nay có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.

Thứ nhất, các cơ chế hợp tác này giúp mở rộng không gian phát triển và gia tăng nội lực, giúp tạo nên sức mạnh tổng hợp cho đất nước.

Bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Việt Nam cần nguồn lực chất lượng cao, vốn, công nghệ, nhân lực để thực hiện các mục tiêu phát triển. Các đối tác chiến lược toàn diện hiện nay chiếm khoảng 70% tổng giá trị thương mại và trên 80% tổng đầu tư FDI vào Việt Nam (số liệu từ Bộ KH&ĐT, 2023).

Việc duy trì và nâng cấp các khuôn khổ hợp tác với các đối tác này giúp Việt Nam tạo khuôn khổ hợp tác thực chất hơn, có chiều sâu hơn nhằm kết hợp toàn diện sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, củng cố bền chặt mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực thông qua việc tiếp cận công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - những yếu tố là điều kiện tiên quyết để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển và vươn mình.

Đây cũng là định hướng chính để phát huy vai trò ngày càng chủ động hướng tới dẫn dắt và từng bước định hình môi trường đối ngoại.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với đối tác cũng có ý nghĩa chiến lược về mặt an ninh để tạo vành đai hòa bình, ổn định, tránh bị động, bất ngờ trước các biến động địa - chiến lược luôn tiềm tàng sẵn nguy cơ bùng phát. Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện tạo ra mạng lưới lợi ích đan xen sâu rộng từ đầu tư, thương mại, an ninh mạng, quốc phòng, đến văn hóa - giáo dục.

Đây là cơ chế "ràng buộc mềm" và cũng là "sức mạnh mềm" hiệu quả, khiến các đối tác có thêm động lực giữ gìn ổn định, tránh gây tổn hại đến quan hệ song phương. Đến khi lợi ích hai bên đạt đến độ đan xen bền chặt ở nhiều tầng nấc, khả năng xung đột giảm đi, tính ổn định tăng lên, hai nước sẽ bảo đảm được điều kiện thuận lợi để bảo vệ độc lập, chủ quyền và không gian phát triển.

Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử để bước vào giai đoạn phát triển mới với khát vọng vươn lên thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập cao vào năm 2045. Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, đối ngoại cần tiếp tục phát huy vai trò trọng yếu, thường xuyên tạo dựng môi trường hòa bình, tranh thủ nguồn lực phục vụ phát triển.

Với Mỹ, ưu tiên chuyển dịch hợp tác sang lĩnh vực công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển năng lượng tái tạo. Với Trung Quốc, tăng cường kết nối hạ tầng, quản lý và phát triển kinh tế vùng biên giới, duy trì ổn định ở Biển Đông.

Với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, mở rộng hợp tác đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, y tế và phát triển bền vững. Với Ấn Độ, Nga, Pháp, tăng cường hợp tác quốc phòng, năng lượng và văn hóa. Với Malaysia, Indonesia và Singapore, nâng cao đoàn kết nội khối, thúc đẩy tiếng nói và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN.

50 năm sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam đã đi được một hành trình đáng tự hào từ chấm dứt chiến tranh, non sông thống nhất đến xây dựng, phát triển đất nước và từng bước hội nhập quốc tế sâu rộng trên cả bình diện song phương và đa phương.

Nỗ lực biến cựu thù thành đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam đã trở thành hình mẫu của hàn gắn và khôi phục vết thương sau chiến tranh và là một minh chứng thuyết phục cho tinh thần hòa hiếu, "thêm bạn, bớt thù", "sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước".

Từ đó càng khẳng định sức mạnh của hợp tác và vai trò của ngoại giao trong việc thúc đẩy đối thoại, giải quyết các tranh chấp, xung đột và kiến tạo hòa bình cho phát triển trên thế giới hiện nay.

● Karim Raslan (người Malaysia, chuyên gia về ASEAN):

Cùng nhau tự quyết định tương lai

Việt Nam giàu vì bạn - Ảnh 2.

Tôi bày tỏ sự đoàn kết với người Việt Nam vào ngày thống nhất đất nước 30-4, ngày tôn vinh những người hy sinh để theo đuổi hòa bình, thống nhất và phẩm giá.

Nền ngoại giao của Việt Nam, giống như ngoại giao của nhiều quốc gia trên khắp khu vực Đông Nam Á, không được sinh ra từ đặc quyền mà từ nhu cầu cần thiết.

Nền ngoại giao này được hình thành từ nhu cầu hòa bình cấp bách và được xây dựng dựa trên niềm tin vào đối thoại.

Tuy nhiên đối thoại đòi hỏi sự đồng cảm, hiểu biết lẫn nhau và sẵn sàng lắng nghe. Đây là những phẩm chất tạo ra tiếng vang sâu sắc nhất trong những quốc gia láng giềng đi trên những con đường và mang những gánh nặng giống nhau.

Do đó sự hội nhập nội khối ASEAN không chỉ là một khát vọng xa vời. Đó là cách mà chúng ta, với tư cách là một cộng đồng, khẳng định quyền tự quyết để định hình tương lai của chính mình - cùng nhau, và theo cách của riêng mình.

Chúc hành trình của Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò là người dẫn đường cho ASEAN, khi chúng ta củng cố mối liên kết và làm việc cùng nhau hướng tới một tương lai được định nghĩa bằng sức mạnh chung, thịnh vượng chung và số phận chung.

● Giáo sư David Dapice (Trường Quản lý nhà nước John F Kennedy, Đại học Harvard):

Rộng mở dư địa hợp tác quốc tế

Việt Nam giàu vì bạn - Ảnh 2.

Hiện vẫn chưa rõ liệu thị trường các nước khác có đủ quy mô, đủ rộng mở và tăng trưởng nhanh để trở thành nguồn cầu cho hàng hóa từ Việt Nam hay không, nhưng càng có thêm nhiều thị trường thay thế càng tốt.

Mạng lưới quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam cho thấy các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc... đều xem Việt Nam là đối tác quan trọng.

Dù chưa thể đánh giá chính xác mối quan hệ tốt đẹp này có thể tạo ảnh hưởng và hỗ trợ Việt Nam đến mức độ nào, nhưng có thể thấy tình hình cạnh tranh thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc đang thúc đẩy sự hợp tác của các quốc gia khác.

Trong nỗ lực lựa chọn thay thế, những quốc gia có quy mô kinh tế không quá lớn, hoặc không có hoạt động trợ cấp quá mức, sẽ nghĩ đến việc hợp lực để thiết lập một hệ thống thương mại tự do.

Về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ, đàm phán thuế quan sẽ phần nào hưởng lợi nhờ ngoại giao tốt đẹp giữa hai bên. Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ sẽ góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ, một mục tiêu ưu tiên của chính phủ và là yếu tố cần thiết để duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh của Việt Nam.

● Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc, Đại học New South Wales):

Tạo môi trường thuận lợi

Việt Nam giàu vì bạn - Ảnh 2.

Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện có nhiều mặt, dẫn đến sự hợp tác sâu sắc trong các vấn đề chính trị và ngoại giao, quốc phòng và an ninh, đổi mới khoa học và công nghệ, giáo dục và giao lưu nhân dân.

Thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Úc, New Zealand, lợi ích lan tỏa đối với Việt Nam là nền giáo dục đẳng cấp cao được cung cấp với chi phí thấp hơn trong nước và gần quê hương hơn các nước khác.

Tương tự, trong lĩnh vực quốc phòng, Việt Nam là nước hưởng lợi lớn từ hợp tác quốc phòng với Úc, với hơn 4.000 sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam tốt nghiệp các khóa học do Úc tài trợ tại Úc và Việt Nam.

Nếu chúng ta xem xét tổng thể tất cả các lĩnh vực hợp tác theo khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện, cả ba quốc gia đều được hưởng lợi từ việc xây dựng lòng tin chính trị giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của họ.

Sự hợp tác song phương và đa phương của họ đã dẫn đến sự phát triển của một khu vực ổn định và hòa bình hơn. Các mối đe dọa an ninh truyền thống sẽ giảm bớt. Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, chẳng hạn như cướp biển, buôn lậu ma túy, buôn người, biến đổi khí hậu, đại dịch... cũng đang được giải quyết.

Nhìn chung sự phát triển này đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững thông qua thương mại và đầu tư nước ngoài.

Việt Nam giàu vì bạn - Ảnh 1.Việt Nam trở thành Đối tác chiến lược toàn diện đầu tiên của Indonesia trong ASEAN

Thông tin nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện được Tổng Bí thư Tô Lâm công bố tại Jakarta tối 10-3, đưa nước ta trở thành quốc gia đầu tiên trong ASEAN có quan hệ ở cấp này với Indonesia.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0